Người lao động tại các khu công nghiệp: Tệ nạn xã hội rình rập
Quanh khu vực đông công nhân trọ, dịch vụ mọc lên như nấm, tệ nạn xã hội luôn rình rập.
Cuộc mưu sinh nơi đất khách với đồng lương không đủ chi tiêu nhưng không ít công nhân nam sa vào lô đề, cờ bạc, ma túy… còn công nhân nữ “kiếm thêm” bằng cách “tăng ca” đêm.
Cờ bạc vào vụ
Hết giờ làm, quán nét là nơi tụ tập của công nhân. Ảnh: L.H
Video đang HOT
“Năm 2003 – 2004 mới có khu công nghiệp Bắc Thăng Long này. Đến nay, địa bàn đã có khoảng hơn 50 công ty sản xuất kinh doanh, hơn 5 vạn công nhân làm việc. Hơn 2 vạn công nhân đăng ký tạm trú tại xã Kim Chung. Với số công nhân lưu trú đông như vậy, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự bị xáo trộn, môi trường ô nhiễm do lượng nước thải, rác thải quá lớn đến việc đi lại hàng ngày thường xuyên tắc nghẽn… trộm cắp thường xuyên xảy ra. Địa phương đã giao công an xã quản lý việc đăng ký tạm trú, nhà trọ, các hộ thuê trọ, kiểm tra hành chính hàng tháng, hàng quý. Vậy nhưng, nhiều khi có vụ việc mất trộm, gây rối mất trật tự công an xã mở đợt kiểm tra đột xuất giảm được một thời gian ngắn đâu lại vào đó!”.
Ông Phạm Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Kim Chung
Tại nhiều khu công nghiệp, chiều đến nam công nhân tụ tập đông đúc tại các quán nước hai bên đường. Không ít công nhân vừa tan ca còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục cũng tranh thủ ghé quán. Các loại dịch vụ bao quanh dày đặc, nhất là dịch vụ làm đẹp. Chỉ 50m mặt đường thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh – Hà Nội) có đến gần chục tiệm cắt tóc gội đầu, nhìn quanh là hàng chục tấm biển “nhà nghỉ bình dân” mời gọi…
Ngồi uống chén trà, tay phì phèo điếu thuốc, chủ đề những câu chuyện đám nam công nhân chỉ xoay quanh “hôm nay bạch thủ con gì?”. Mỗi bàn nước là một bàn ghi lô, hàng chục bàn liền kề nhau nối dài hai bên vệ đường đều ít nhiều dính dáng đến “món” này. Bà Nguyễn Thị Thái, một người dân thôn Hậu, xã Kim Chung cho biết: “Có hôm nào chúng nó không ngồi đâu! Buổi chiều ghi số, tính số, tối nhốn nháo đi so kết quả. Muốn thấy rõ chuyện công nhân cờ bạc cứ ra đây khoảng 7 – 8h tối!”.
Đồng lương ít ỏi nướng hết vào những canh bạc đỏ đen khiến cho nhiều công nhân lao đao, khốn đốn. Tình trạng công nhân nam lâm cảnh nợ nần, túng quẫn, mượn cả điện thoại, xe máy của bạn đi “cắm” khá nhiều. Khi không mượn được nữa lại sinh ra “tật” trộm cắp.
Rất nhiều công nhân tại các KCN trong độ tuổi từ 18 đến 25, chưa lập gia đình lại có thói quen xấu khác là thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt. Nguyễn Văn Cường, 22 tuổi, quê ở Sơn La chia sẻ: “Tốt nghiệp lớp 12 em đi làm luôn. Công nhân bọn em lúc nào chả trong tình trạng cháy túi. Đồng lương chỉ đủ anh em xả hơi vài ngày thôi! Làm cả tháng vất vả rồi, nhận lương thì phải ăn chơi cho đã chứ”. Cái sự “chơi cho đã” ấy đã kéo không ít nam công nhân trẻ vào con đường bê tha, nợ nần, túng thiếu.
Dịch vụ trá hình nở rộ
Nam công nhân trẻ sa sẩy tệ nạn đã dễ, nhiều công nhân nữ mới đi làm được vài ba tháng cũng sập hố bạc tiền. Nhiều cô gái có tý nhan sắc, có các anh vây quanh tự nhiên thay đổi nếp sống. Nữ công nhân Phan Thị Linh kể: “Ở cùng khu lưu trú với em có cái L ở Lào Cai vừa xuống hơn tháng đã làm quen ngay anh kỹ thuật cùng công ty. Ngày Valentine, anh ta tặng cho L một bông hoa hồng cùng chiếc điện thoại hơn 2 triệu đồng. Mấy ngày sau đã thấy L bỏ người yêu ở quê chuyển đến sống với anh người yêu mới như vợ chồng”.
Chuyện thay người yêu xem ra còn có thể thứ tha. Chuyện không ít công nhân nữ ngày bỏ làm, đêm đi “tăng ca” mới là tệ hại. Chả thế, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Chỉ tay sang khu đối diện, Linh kể tiếp, “các chị phòng bên kia toàn “ngủ ngày cày đêm” thôi! Ban ngày cửa đóng im ỉm đến tối mịt mới mò ra khỏi nhà. Thế mà sáng sớm hôm sau tỉnh dậy đã thấy xe dựng trước cửa phòng rồi!”. Cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần đã và đang bào mòn sức khỏe, tương lai của những công nhân trẻ trong các khu công nghiệp.
Xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi tập trung đông công nhân nhất Hà Nội. Ngoài số lượng lớn công nhân đăng ký tạm trú ở xã, còn rất đông công nhân ở trong khu lưu trú gồm hàng chục tòa nhà cao tầng và nhiều công nhân mới nhập cư chưa đăng ký tạm trú.
Cả xã có 3 thôn: Bầu, Nhuế, Hậu với gần 1 vạn dân sinh sống. Trước đây người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Từ khi có khu công nghiệp, đất nông nghiệp thu hẹp dần, nhu cầu nhà ở cho công nhân cao, người dân chuyển sang xây nhà trọ cho công nhân thuê và làm dịch vụ. Gần chục năm trở lại đây, công nhân vào địa phương, dịch vụ tổng hợp càng được đà phát triển mạnh. Số lượng công nhân tạm trú trên địa bàn càng ngày càng lớn, hiện nay đã lớn gấp đôi lượng dân gốc ở đây.
Công nghiệp về, kinh tế phát triển nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy. Theo lãnh đạo xã Kim Chung, công an huyện, phối hợp cùng công an xã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, bài bạc, trộm cướp… Mỗi năm có hàng chục vụ, đối tượng chủ yếu là công nhân gây án bị bắt và xử lý. Đó là chưa nói, có nhiều vụ việc dân lên xã phản ánh về việc bị mất trộm, mất cắp vặt.
“Năm ngoái phá được 4 – 5 vụ ma túy, 2 vụ mại dâm và giải quyết hàng chục vụ gây rối mất trật tự. Từ nhỏ đến lớn, vụ nào cũng liên quan đến công nhân. Trong Tết công an huyện có bắt 1 ổ bài bạc, lô đề lớn thì trong đó cũng có hơn nửa là công nhân”, ông Phạm Văn Biên – Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho hay.
Nhiều vụ việc liên quan đến mại dâm, ma túy, xã phối hợp với công an huyện bắt đối tượng. Đa số các vụ mại dâm, chủ yếu đối tượng hành nghề ở xa nhưng lại thuê trọ trên địa bàn. “Năm nào cũng bắt được một vài vụ mại dâm, toàn hành nghề nơi khác. Công an điều tra ra thì mới biết đối tượng đăng ký tạm trú trên địa bàn xã. Khi tra kê khai đăng ký tạm trú những đối tượng này mới biết họ đều lấy danh công nhân khu công nghiệp”, ông Biên cho biết thêm.
Đi cùng những hệ lụy xã hội là việc môi trường sống bị tàn phá, rác thải bừa bãi, cứ mưa xuống là nước thải ứ đọng, mưa nhỏ vài ngày nước đã ngập đến chân giường! Cuộc sống người dân địa phương cũng như người công nhân càng ngày càng nặng nề, khó khăn hơn.
Theo Giadinh.net.vn