“Người lái đò” mẫu mực
“Gần gũi với mọi người, tâm huyết, tiên phong gương mẫu trong công việc, chủ động, sáng tạo trong các phong trào thi đua, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của người hiệu trưởng” – đó là những lời nhận xét của đồng nghiệp và các bậc phụ huynh khi nói về cô giáo Đỗ Thị Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy.
Cô giáo Đỗ Thị Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Hải
Sinh ra để đứng trên bục giảng
Ai đó đã từng nói rằng: “Có hàng triệu người sống cả đời, mà không hề nhận ra con người tuyệt nhất trong mình, họ luôn bất mãn, thậm chí trở thành kẻ thất bại, vì họ ở nhầm chỗ” để nói về sự thành công hay thất bại của việc lựa chọn nghề. Với nhiều người, để nhận ra được mình đã chọn đúng hoặc sai nghề cần rất nhiều thời gian và trải nghiệm, song với cô giáo Đỗ Thị Mai – gần 30 năm ngắn bó với bục giảng chưa một ngày nào cô cảm thấy chán nản với công việc mình đã lựa chọn. Với cô, những khó khăn, gian nan vất vả mà nghề nghiệp đem lại là cơ hội để mỗi người rèn luyện bản thân, khẳng định tình yêu với nghề.
Cô Đỗ Thị Mai chia sẻ, từ mơ ước trở thành giáo viên với bao hoài bão, song khi ra trường, gánh nặng cơm áo gạo tiền, những khó khăn của nghề giáo khiến nhiều người rẽ sang những hướng khác. Thời những năm 1990, những người bạn của cô Mai, ra ngoài làm kinh tế ai cũng khá giả, nhiều người khuyên cô nên bỏ nghề. Song, được sự động viên, chia sẻ của gia đình, đặc biệt là chồng, con đã giúp cô tiếp tục bám trụ với nghề giáo Và sau gần 30 năm gắn bó với bục giảng, với bụi phấn, đến nay, cô Mai tự hào mình có “khối tài sản vô giá”. Đó chính là sự tin tưởng của các bậc phụ huynh, sự ngưỡng mộ, yêu mến của các thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Con đường che mưa tại trường.
Với những tâm huyết, đóng góp của mình trong năm học 2018 – 2019, cô giáo Đỗ Thị Mai đã vinh dự được ngành GD&ĐT Hà Nội xét tặng danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo.
Video đang HOT
Nỗ lực vì học sinh thân yêu
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của ngành giáo dục quận Cầu Giấy, sự nghiệp trồng người tại trường Tiểu học Dịch Vọng B đã có những sự phát triển đáng khâm phục về cả cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục. Cô Đỗ Thị Mai chia sẻ, năm 1997 khi bắt đầu về nhận công tác tại trường, trường chỉ là một dãy nhà cấp 4, sân nền đất với 8 lớp học, mỗi lớp khoảng 30 học sinh học 2 ca/ngày. Đến thời điểm này, trường đã có gần 2.600 học sinh, với 43 lớp học khang trang, hiện đại và hàng loạt các dịch vụ phụ trợ tạo điều kiện cho sự phát triển của người học.
Song, với kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Đỗ Thị Mai cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, nếu chỉ trông chờ vào sự phát triển của cơ sở vật chất là chưa đủ. Nghĩ và làm, từ khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu, cô Đỗ Thị Mai không ngừng khuyến khích các đồng nghiệp nâng cao trình độ nghiệp vụ, thậm chí hỗ trợ 50% kinh phí cho giáo viên tham gia các khóa nâng cao nghiệp vụ; đồng thời, mạnh dạn tham gia các dự án trao đổi học hỏi kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy với các nước trên thế giới.
Đặc biệt, nhằm phát triển sức khỏe, thể lực cho học sinh, giáo viên trong nhà trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã đầu tư xây dựng, nâng cấp khu vui chơi, rèn luyện thể chất phục vụ công tác giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, cô giáo Đỗ Thị Mai đã xây dựng và phát triển mô hình “Vườn rau em chăm”, “Nhà vệ sinh thân thiện và vẽ tranh tường 3D” đã tạo ra sự hứng thú cho các em học sinh, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường… Và cũng từ đây, trường Tiểu học Dịch Vọng B trở thành một trong những địa điểm “quen mặt” để phát động các hoạt động thi đua của ngành giáo dục quận Cầu Giấy nói riêng và TP nói chung.
Đánh giá về cô Đỗ Thị Mai, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ, đó là một nhà giáo năng động và trách nhiệm. Theo ông Ngọc Anh, từ khi còn là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Mai luôn là một nhà giáo trách nhiệm và tâm huyết đối với các học sinh thông qua từng tiết học, môn học mà mình phụ trách. Trên cương vị quản lý, từ vị trí Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Dịch và nay là Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, cô Mai tiếp tục cho thấy khả năng lãnh đạo, điều hành, đề xuất và đưa ra những sáng kiến nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng được nhu cầu hội nhập.
Theo kinhtedothi
183 nhà giáo tiêu biểu đạt danh hiệu Nhà giáo của năm 2019
Nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo...
Trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các nhà giáo tiêu biểu của năm 2019. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Sáng 17/11, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tôn vinh "Nhà giáo của năm 2019."
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cùng 183 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho gần 1,4 triệu nhà giáo từ cấp học mầm non đến đại học trong ngành Giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các thế hệ nhà giáo, những người đã, đang và sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam, nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định những thành quả mà ngành giáo dục và đào tạo có được trong những năm qua là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành; sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là sự đóng góp lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo - những người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp trồng người cao quý và trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục.
Nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Sự nghiệp giáo dục đòi hỏi mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, dù ở cương vị nào, vẫn luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn, các thầy cô giáo sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, tâm huyết, sáng tạo, phấn đấu để trở thành những nhà giáo tốt, những người "anh hùng vô danh," hoàn thành nhiệm vụ cao quý là đào tạo thế hệ trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - chia sẻ những nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh hôm nay đã có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua "đổi mới và sáng tạo trong dạy và học," hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, sinh viên; gương mẫu đi đầu trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những cống hiến của các nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, lan tỏa và truyền cảm hứng tới đội ngũ nhà giáo trên cả nước, quyết tâm tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.
Cùng với việc khen thưởng nhà giáo xuất sắc, năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức tôn vinh danh hiệu "Nhà giáo của năm," Điều đó thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành Giáo dục đối với đội ngũ thầy, cô giáo; đồng thời tin tưởng đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh của nhà giáo trong xã hội.
Bày tỏ cảm xúc tự hào, xúc động tại buổi lễ, cô Vũ Bích Phương - giáo viên Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết trong bối cảnh xã hội đặt nhiều kì vọng đối với ngành giáo dục, bản thân người thầy cần không ngừng học hỏi, trau dồi để nâng tầm của bản thân. Chỉ bằng cách mở rộng và tự đổi mới bản thân, kết nối những trang sách với cuộc sống sinh động bên ngoài, chúng ta mới khiến việc học thực sự trở thành niềm vui và ham muốn của học trò. Học sinh Việt Nam rất tài giỏi, có nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Nhiệm vụ của người thầy chính là thắp sáng những khát khao chinh phục và dẫn đường cho các em đến với thế giới bao la. Đó cũng chính là những gì chín năm qua tôi đã làm và sẽ còn tiếp tục làm trong sự nghiệp của mình.
Trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các nhà giáo tiêu biểu của năm 2019. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Vinh dự là một trong những nhà giáo được vinh danh, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Hiền - Trưởng Khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải - chia sẻ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra thách thức đối với giáo dục đào tạo nói chung và đối với đào tạo bậc đại học nói riêng.
Đối với giáo dục đại học, các trường đã cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn, chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vì vậy, các thầy cô giáo phải luôn cố gắng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Người thầy ngoài giảng dạy cần tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học, thâm nhập thực tiễn, cập nhật kiến thức, công nghệ để truyền đạt tới sinh viên, xây dựng thế hệ tương lai không những vững về tri thức mà tốt cả về nhân cách, phẩm chất.
Tại buổi lễ, 183 nhà giáo tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng biểu trưng "Nhà giáo của năm 2019"./.
Việt Hà
Theo TTXVN/Vietnamplus
Chọn học nghề đúng để thành công trong tương lai Ngày 10/11, tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Hà Nội), Trung ương Đoàn phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2019 với chủ đề "Chọn học đúng nghề - thành công...