“Người lái đò” không công của lớp học đặc biệt
Hơn 10 năm qua, lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của những đứa trẻ khuyết tật, kém may mắn.
Nơi ấy không rộn rã tiếng trống trường nhưng tràn ngập tình thầy trò. Nơi ấy đã khiến những đứa trẻ khuyết tật biết yêu thương và biết nói lời cảm ơn ‘mẹ Hòa’ vì đã tái sinh cuộc đời chúng.
1. Những ngày này cô Lê Thị Hòa (giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn) thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn của nhiều học sinh lớp học tình thương, với nội dung như: “Mẹ ơi, khi nào thì bọn con được tiếp tục đến lớp?”; “Mẹ ơi, con nhớ mẹ và các bạn nhiều lắm” hay “Cô ơi lớp mình có được học online không ạ?”. Mỗi lần như thế cô Hòa lại động viên các con cố gắng giữ gìn sức khỏe, ở nhà ngoan thì mới nhanh được trở lại lớp.
Kiên trì uốn nắn cho các con từng nét chữ.
Hơn 10 năm qua, đều đặn vào mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, cô Hòa lại có mặt tại chùa Hương Lan để dạy các con khuyết tật. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của cô khi có thể đóng góp chút tâm sức của mình để các con vơi bớt thiệt thòi.
Khi được hỏi duyên cớ nào khiến cô đến với công việc thiện nguyện này thì cô Hòa cười đáp rằng: “Bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi, bố chỉ được học hết lớp 3 còn mẹ thì không biết chữ. Sau khi lấy nhau ông bà đã phải rất vất vả mới nuôi được 6 anh chị em tôi ăn học thành người. Tôi và 2 chị gái đều làm trong ngành giáo dục.
Bố tôi từng nói, sau này các con trưởng thành, nếu làm được việc gì giúp đời thì cố gắng làm. Khi mới ra trường, tôi dạy học tại Trường tiểu học Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội – pv). Tại đây tôi được phân công dạy một lớp dành cho các con khuyết tật, ban đầu là 9 con, sau lên tới 23. Nhìn các con thiệt thòi như vậy tôi rất thương nên đã dốc hết tâm huyết để dạy dỗ, dù có khi cả tuần, cả tháng nhiều con vẫn không viết nổi một chữ cái. Năm 1997, sau khi lập gia đình, tôi chuyển công tác về Trường tiểu học Đông Sơn”.
Ở quê chồng, cô Hòa thấy một số cháu bị khuyết tật không được đi học nên thường xuyên rủ các bé này về nhà mình chơi rồi dạy chúng chữ. Thấy con tự nhiên thay đổi hẳn, biết lễ phép, biết cả chữ nên những phụ huynh này đã đến nhà cô Hòa nhờ cô dạy con của họ.
Ban đầu chỉ là vài ba đứa trẻ được cô dạy trong gian bếp nhỏ nhà mình, sau tiếng lành đồn xa học sinh đến với “lớp” cô ngày một đông. Lúc này gian bếp không đủ để chứa hơn chục học sinh nữa. Năm 2007, trong một lần đi chùa Hương Lan cúng rằm tháng 7, cô mạnh dạn nói với sư trụ trì muốn mượn một gian của chùa để dạy các cháu khuyết tật và được ủng hộ.
Ngay sau khi được sư thầy đồng ý, cô Hòa đã cùng sư trụ trì viết đơn và trực tiếp đến nhà cô hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Sơn, đến UBND xã Đông Sơn rồi ra Phòng Giáo dục huyện Chương Mỹ xin ý kiến.
Không chỉ dạy các con học mà cô Hòa thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa khác cho các con.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị lớp thì phát sinh đủ thứ khó khăn. Đầu tiên là không có bàn ghế, thiết bị học tập cho các con. Lúc đó cô phải đi xin những bộ bàn ghế cũ, hỏng của Trường tiểu học Đông Sơn về cho các con dùng tạm. Tuy nhiên, do các con là trẻ khuyết tật nên việc dùng bàn ghế cũ thường bị bập bênh, đổ vào chân khiến các con bị đau. Thấy không ổn nên cô đề nghị Ban Thương binh xã hội của xã và được các bác ủng hộ 10 bộ bàn ghế đóng liền. Tính tới thời điểm này lớp đã có tới hơn 40 học sinh.
Để có phương pháp truyền tải kiến thức tốt nhất dành cho những học sinh đặc biệt này, hằng ngày ngoài giờ lên lớp, cô Hòa thường phải lên mạng để học hỏi thêm. Cô còn đến các trung tâm dạy học cho trẻ khuyết tật để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Từ đó, cô chắt lọc kiến thức và rút ra phương pháp phù hợp nhất đối với học sinh của mình. Cô Hòa tâm sự, đối với nhiều học trò trong lớp của cô, để viết được một chữ cái, nhớ được một câu thơ, làm được một phép tính đơn giản nhất có khi cũng phải mất vài ba tháng, thậm chí là nửa năm trời.
2. Nghe chúng tôi hỏi trong từng đó năm dạy những đứa trẻ khuyết tật đã có bao giờ định “buông tay” vì quá mệt mỏi và áp lực chưa, cô Hòa bảo rằng cứ nhìn các con thiệt thòi đủ đường là lại xót xa và muốn bù đắp cho chúng. Dù rằng, trong quá trình cô nhận dạy các con nhiều người cũng lời ra tiếng vào.
Video đang HOT
Cô Hòa trong lễ vinh danh “Công dân ưu tú thủ đô” năm 2020.
“Người thì bảo “ôm rơm rặm bụng”, người lại nói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Để rồi xem lớp học kéo dài được bao lâu. Nhưng tôi cũng không bận tâm nhiều tới những lời dị nghị đó. Tâm mình thế nào thì cứ làm như thế thôi”.
Để dạy được các con biết mặt chữ, biết tính toán và biết những lễ nghĩa thông thường có khi cô Hòa phải mất cả tháng, thậm chí là nhiều tháng. Có những học trò lần đầu tiên được đến lớp thì tuổi đã xấp xỉ 30. Với những trường hợp như thế việc dạy viết chữ là cực kỳ khó khăn vì tay học trò đã rất cứng. Có những con bị ngắn lưỡi nên việc phát âm như một cực hình và cô Hòa thường phải tập trung cao độ mới biết các con đang nói gì.
Chưa hết, có học sinh nữ đang độ tuổi dậy thì nhưng ngay cả khi đến tháng cũng không biết phải tự thay băng vệ sinh như thế nào. Những lúc ấy cô lại phải đi mua băng vệ sinh về rồi hướng dẫn. Vì các con là trẻ khuyết tật, nhận thức chậm và chân tay rất yếu nên có khi cô phải hướng dẫn đến vài tháng các con mới tự mình vệ sinh được.
Sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, chân tay đều bị khèo nên việc di chuyển của em Cấn Thị Khuê (27 tuổi) rất khó khăn. Trước đó Khuê luôn ao ước được đến trường để học như các bạn nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe không cho phép nên em phải ngậm ngùi ở nhà. Từ khi cô Hòa mở lớp dạy miễn phí Khuê đã xin theo học từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ. Cô Hòa nói cô rất thương Khuê vì Khuê là đứa trẻ tình cảm.
“Lúc mới đến lớp, Khuê bị sứt mấy chiếc răng cửa nhìn tội lắm. Năm vừa rồi, do có mạnh thường quân ủng hộ tiền nên tôi đã đưa Khuê đi làm lại răng, giờ xinh lắm rồi. Khuê vẫn thường hỏi là: “Cô ơi, cô không phải là mẹ con sao cô lại thương con nhiều thế?”, cô Hòa hạnh phúc chia sẻ.
Nụ cười hạnh phúc của cô Hòa khi được các con chúc mừng ngày 20-11.
Không chỉ Khuê mà nhiều học trò khác cũng luôn coi cô Hòa như mẹ của mình. Nhiều bạn đi ăn cỗ cũng lấy phần cho cô, nhà luộc sắn cũng gói ghém mang cho cô. Có lần, học trò Nguyễn Văn Tuyên gom được 10 quả trứng gà rồi giấu mẹ mang đến tặng cô. Nhiều khi nhận được những món quà giản dị từ các học trò khuyết tật, cô Hòa đã bật khóc vì xúc động. Có hôm vừa đến giờ giải lao, Cấn Thị Tuyên (26 tuổi, bị bại liệt từ nhỏ) len lén lôi túi trứng gà từ trong ngăn bàn mang lên tặng cô. Tuyên ra hiệu cho cô Hòa biết là em đã phải chờ gà đẻ nhiều ngày mới gom được 10 quả trứng để tặng cô.
“Khi Tuyên mang bọc trứng lên lớp tặng mình, Tuyên nói cô nhất định không được từ chối, nếu từ chối là Tuyên buồn, Tuyên sẽ nghĩ cô chê quà của Tuyên. Nghe con nói vậy mình đành nhận quà cho con vui nhưng rồi sau đó lại mang về đưa cho mẹ Tuyên và dặn mẹ Tuyên không được nói lại với con. Tôi không nhận quà là bởi vì nhà con rất hoàn cảnh”.
Cũng giống như Tuyên, Nguyễn Quang Khoa (18 tuổi) đã kiên trì gỡ chiếc áo len cũ và có chỗ rách của mình ra rồi móc lại thành một chiếc khăn tặng cô. Khoa bảo, sợ mẹ Hòa lạnh sẽ bị ốm. Khoa sinh ra đã bị bệnh down nên nhận thức rất chậm nhưng bù lại em lại rất khéo tay. Theo lời cô Hòa chia sẻ thì năm nào Khoa cũng tự tay làm một thứ gì đó tặng cô. Năm nay vì nghỉ dịch nên chưa đến lớp được, Khoa đã gọi điện cho “mẹ Hòa” và nói rằng sẽ tặng cô khẩu trang tự khâu.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Bình người luôn ủng hộ bạn mình trong các hoạt động thiện nguyện.
Người chăm chỉ gọi điện cho “mẹ” Hòa nhiều nhất để hỏi khi nào được đi học trở lại chính là Hoàng Thị Hà. Hà năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng người nhỏ thó do chân tay bị teo. Bố mẹ Hà đều nhiễm chất độc da cam, anh trai cũng bị dị tật ở chân. Năm 2020, nhờ mạnh thường quân hỗ trợ, cô Hòa đưa Hà đi mổ chân và tài trợ một phần tiền xây nhà tình nghĩa. Trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi cô cũng hỗ trợ gia đình Hà gạo ăn. Dù rất chăm chỉ đi học nhưng Hà hầu như không thể tiếp thu kiến thức, Hà cũng rất khó khăn trong việc viết chữ vì tay bị teo nên rất yếu ớt. Tuy vậy lại rất thích được đi học với lý do đến đây có nhiều bạn để chơi.
Khi được hỏi, cô Hòa dự định làm “người lái đò” không công này đến khi nào thì cô cười bảo: “Đến khi nào không còn đủ sức lực nữa thì thôi. Nhưng bạn tôi đã bàn rằng, sau này khi tôi có tuổi bạn ấy sẽ xây một ngôi nhà lớn để mình đến đó ở và đón các con không nơi nương tựa về ở cùng”. Người bạn mà chị Hòa nhắc đến đó chính là chị Nguyễn Thị Tuyết Bình. Năm nào cũng vậy, chị Bình luôn dành ra một khoản tiền không nhỏ, hậu thuẫn bạn mình để mua sách vở, dụng cụ học tập và các hoạt động thiện nguyện khác.
Bằng tình yêu và những cố gắng không mệt mỏi của mình nhiều học trò đặc biệt của cô Hòa đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Thậm chí, nhiều em còn vươn lên “thoát” lớp học đặc biệt để hòa đồng cùng thầy cô và bạn bè ở một môi trường bình thường.
Với những đóng góp miệt mài ấy, năm 2017 cô Lê Thị Hòa vinh dự được nhận danh hiệu “Gương người tốt việc tốt” của TP Hà Nội. Năm 2018, cô được vinh danh “Công dân ưu tú Thủ đô”. Năm 2020, cô Hòa là đại biểu của TP Hà Nội tham dự “Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc”.
"Mái nhà" của những mảnh đời thua thiệt
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên là mái nhà của những em nhỏ thua thiệt. Ở đây, các em được nâng đỡ để vượt qua giới hạn bản thân, dần hòa nhập tốt hơn với đời sống.
Một giờ học tại lớp Can thiệp sớm cho trẻ tuổi mầm non.
Buồn vui chuyện dạy trẻ khuyết tật
Việc chăm sóc, dạy dỗ một trẻ nhỏ bình thường vốn đã không đơn giản. Quá trình giáo dục hòa nhập cho các em bị khuyết tật lại càng nhiều thử thách. Có lẽ chỉ những thầy cô giáo trực tiếp hằng ngày bên cạnh các em mới có thể hiểu hết khó khăn của công việc hết sức đặc thù này.
Khuôn viên rộng rãi của Trung tâm nhìn bề ngoài có vẻ khá yên ắng, nhưng đâu đó mỗi phòng học, thỉnh thoảng lại có những tiếng kêu hét. Những âm thanh phát ra bởi các bạn nhỏ bị chậm phát triển trí tuệ thực ra không có gì lạ lẫm, bất ngờ với các cô.
Những người có thể đứng lớp ở đây hầu như đều đã có kinh nghiệm và bản lĩnh qua nhiều năm gắn bó. Họ thấu hiểu từng phản ứng, từng biểu cảm, đặc điểm tính cách của mỗi học trò.
Nhiều khi đang giờ học, bất chợt có em chạy ra ngoài, thầy cô giáo lại phải đuổi theo kéo học trò quay vào lớp. Có bạn đang chơi bình thường bỗng la hét thất thanh rồi lủi tránh vì sợ hãi khi nhìn thấy người lạ, có em bỏ trốn khiến thầy cô hoảng hốt đi tìm.
Một số trẻ không biết tự vệ sinh cá nhân, nên các cô giáo phải vô cùng nhẫn nại, tỉ mỉ để có thể hỗ trợ.
Oái ăm và khó xử lí hơn là những trường hợp không kiểm soát được hành vi, luôn thích nghịch ngợm, tháo dỡ làm hỏng hóc nhiều vật dụng. Chuyện các cô giáo và nhân viên bảo vệ ở đây phải sửa chữa bàn ghế, giường tủ, quạt điện, đồ đạc... là khá thường xuyên.
Nguy hiểm nhất là các em có thói quen tự xâm hại bản thân, gào khóc cào cấu hoặc lao người vào bàn ghế hay tường nhà, cho nên các cô phải kèm cặp rất sát sao, kịp thời.
"Vấn đề quan trọng và khó nhất của chúng tôi là phải tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc, phản ứng, hành vi của các em trong từng trường hợp, nếu không sẽ không thể kiểm soát, điều chỉnh được.
Việc quan sát, trò chuyện, chia sẻ để nắm bắt được mong muốn hay nỗi lo sợ trong các em, hiểu đúng đặc điểm tâm tính nhằm giải tỏa, hỗ trợ, bảo vệ các em là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả giáo dục hòa nhập", bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm trao đổi.
Cũng khó khăn không kém là việc hỗ trợ các em bị khiếm thính, khiếm thị. Bản thân các em vốn đã gặp hạn chế trong năng lực, ngoài sự dạy dỗ của thầy cô thì còn rất cần sự đồng hành của phía người thân, gia đình.
Tuy nhiên, với phần nhiều phụ huynh, việc nắm bắt về chương trình chuyên biệt và phương pháp đặc thù (ngôn ngữ kí hiệu, chữ nổi Braille...) là rất khó, cho nên việc tương tác và hỗ trợ con là rất hạn chế.
"Những lúc gặp phải các từ ngữ trừu tượng phức tạp, sẽ rất khó để giúp các em tiếp nhận. Nhiều khi rất cần phụ huynh cùng kèm cặp dạy dỗ các em ở nhà nữa thì mới hiệu quả. Nếu không, sự tiến bộ của các em nhiều khi cũng không được như mong muốn", cô Nguyễn Thị Hằng, một giáo viên đã gắn bó với Trung tâm 20 năm chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng và các em lớp 3D khiếm thính.
Từng bước hướng đến hòa nhập
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên hiện nuôi dạy khoảng 300 trẻ khiếm thính (câm điếc), khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, đa tật... Khoảng một nửa số này ở nội trú, cuối mỗi tuần được gia đình đến đón.
Còn lại, những em bán trú thì gia đình đón vào cuối ngày. Chăm nom cho các em sinh hoạt được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi việc học kiến thức thì có thể theo quá trình, nhưng việc tập rèn kĩ năng là rất cấp thiết.
Vì đặc thù của các em khuyết tật, Trung tâm ưu tiên chú trọng trước hết là dạy kĩ năng. Các em hầu hết đều rất nhạy cảm, hạn chế về năng lực hành vi, cho nên các cô giáo phải hết sức nỗ lực, nuôi dạy bằng tất cả tình thương, bằng một tinh thần trách nhiệm rất cao, nếu không sẽ rất dễ xảy ra các tình uống không mong muốn.
"Chúng tôi tập trung dạy cho các em những kĩ năng thực sự cần thiết. Từ việc vệ sinh, đi lại, nói năng giao tiếp, tự phục vụ, đến việc chi tiêu tiền nong, chống xâm hại. Tất cả phải từng li từng tí, rất kiên trì", cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh.
Bên cạnh việc rèn tập kĩ năng, các em cũng có môi trường để phát triển bản thân một cách phù hợp, tùy theo khả năng. Hiện nay, Trung tâm có chương trình giáo dục can thiệp sớm cho trẻ độ tuổi mầm non, chương trình dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9. Đặc biệt, với các em từ độ tuổi 14 - 15, Trung tâm có các lớp hướng nghiệp dạy nghề.
Thực tế cho thấy hiệu quả nhất là các công việc như may công nghiệp, thêu ren thủ công, tin học văn phòng, khi khá nhiều em sau khi hết lớp 9 ra trường đã chủ động được công việc, phần nào lo được cuộc sống cho bản thân.
"Nhìn các em có một công việc, hơn ai hết chúng tôi hiểu được sự nỗ lực cao độ của những người vốn quá nhiều trở ngại, thiệt thòi.
Đặc biệt hơn nữa, có những cặp đôi là học trò của Trung tâm lại thành vợ thành chồng, có mái ấm riêng. Không có gì hạnh phúc với chúng tôi hơn thế nữa", cô Nhung xúc động bày tỏ.
Trong kế hoạch tiếp theo, Trung tâm sẽ có những kết nối hỗ trợ các trường phổ thông trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, đồng thời có thêm các dịch vụ hỗ trợ, đáp ứng theo nhu cầu xã hội.
Đây sẽ là một hướng mở để tiếp cận được nhiều hơn những mảnh đời thiệt thòi, giúp các em dần vững vàng hơn, vượt qua giới hạn bản thân, từng bước hòa nhập đời sống xã hội.
Điều gì khiến người trẻ chọn học ngành đặc biệt? Giao tiếp với học sinh bằng ngôn ngữ ký hiệu, hỗ trợ những trẻ bị chậm về thể chất và tinh thần được học tập, phát triển tốt nhất,...là những lý do mà người trẻ chọn học ngành giáo dục đặc biệt. Như Phương trong một giờ lên lớp dạy trẻ đặc biệt - NGUYỄN ĐIỀN Không theo đuổi những ngành học đang...