Người giáo viên đồng hành với trẻ tự kỷ
Nhiều năm qua với tấm lòng yêu trường, mến trẻ, cô giáo Nguyễn Ngọc Hạnh, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã giúp nhiều học sinh tự kỷ tiến bộ và hòa nhập với cộng đồng.
Cô Nguyễn Ngọc Hạnh luôn kiên nhẫn chỉ dạy các em từ những việc đơn giản. (Ảnh do Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cung cấp).
Tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học năm 1995, cô Hạnh được cử về công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Năm 2002, khi được biết Dự án Giáo dục hòa nhập ở Tiền Giang triển khai, cô Hạnh đã tình nguyện theo học lớp Cao đẳng Giáo dục hòa nhập và tham gia vào nhóm mạng lưới Giáo dục hòa nhập do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sau đó, cô tham gia giảng dạy cho trẻ hòa nhập từ năm 2007 đến nay.
Cô Hạnh gắn bó với học sinh lớp 1 từ khi các em mới bước chân đến trường, lứa tuổi còn bỡ ngỡ, ngây thơ và cần nhiều thời gian rèn giũa nền nếp. Năm học nào lớp của cô Hạnh làm giáo viên chủ nhiệm cũng đón một số học trò đặc biệt.
Các em mắc chứng tự kỷ vào lớp học hòa nhập. Để dạy được học sinh bình thường bước vào lớp 1 quen với cách học đã khó, dạy được trẻ tự kỷ hòa nhập lại càng khó hơn. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu học trò, cô Hạnh đã khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ vỡ òa trong hạnh phúc khi con biết đánh vần, biết đọc, biết viết, biết gọi bố mẹ.
Cô Hạnh cho biết: “Khó khăn nhất khi dạy trẻ tự kỷ là các em đều không hợp tác, không trả lời, đôi khi các em còn la hét, cào cấu người xung quanh, không tham gia các hoạt động vui chơi tại lớp. Có em còn không biết đang học lớp mấy và cô giáo mình tên là gì. Đặc biệt có em học sinh không có khả năng phục vụ bản thân từ việc thay mặc quần áo cho đến vệ sinh cá nhân”.
Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Tuy nhiên, theo cô Hạnh chia sẻ, dù là phương pháp nào thì việc đầu tiên cần làm trong dạy trẻ tự kỷ chính là trực tiếp gặp phụ huynh để có thêm những thông tin về học sinh.
Cô Hạnh cho biết: “Khi tiếp xúc với gia đình, đặc biệt là người mẹ của trẻ tự kỷ mới thấy hết được nỗi vất vả, trăn trở về câu hỏi làm sao để các con tiến bộ mỗi ngày dù là một câu nói, đánh vần hay một phép tính. Là giáo viên chủ nhiệm, học sinh lớp mình có những trường hợp thiệt thòi, không may, tôi thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ các em tốt lên mỗi ngày”.
Video đang HOT
Cũng theo cô Hạnh, tiếp xúc với các học sinh tự kỷ, phải thật sự đồng cảm, đặt vị trí như người mẹ của các em mới hiểu được điểm yếu, điểm mạnh, điểm vượt trội để giúp các em phát huy điểm mạnh, vượt trội. Để các học sinh trong lớp cùng yêu thương, giúp đỡ các bạn tự kỷ, cô Hạnh có cách truyền tải thông điệp rất ý nghĩa đến các bạn khác trong lớp. “Tôi vẫn nói với cả lớp, lớp chúng ta có một số bạn hơi đặc biệt một chút, nhưng các bạn rất ngoan và đáng yêu. Các con cùng chơi với bạn để bạn hòa nhập. Các con cùng động viên, khuyến khích nhau học tập tốt, đặc biệt không được dùng những từ kỳ thị bạn… Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ sự thiệt thòi của các bạn đặc biệt để các con bình thường biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn. Bởi vậy, các con tự kỷ được các bạn thương yêu, luôn được các bạn giúp đỡ”, cô Hạnh chia sẻ.
Để giúp các em hứng thú tham gia các tiết học, cô Hạnh luôn tạo nhiều tình huống để các em cùng tham gia, từ đó cô quan sát trẻ trong từng hoạt động, cùng trò chuyện, cùng chơi trò chơi trong tiết sinh hoạt tập thể, giờ giải lao… để phát hiện những nhu cầu và năng lực của trẻ nhằm đánh thức kịp thời cũng như hạn chế các mặt tiêu cực của trẻ.
Chia sẻ về một số kinh nghiệm giảng dạy trẻ tự kỷ, cô Hạnh cho biết: Việc đầu tiên khi dạy trẻ tự kỷ cần phải xác định nhu cầu năng lực của trẻ. Đây là một việc làm bắt buộc trong giáo dục hòa nhập. Có tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác. Điểm quan trọng nữa là cần lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, cần tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản. Bên cạnh đó, khi dạy cần chia nhiệm vụ ra thành nhiều bước nhỏ, tách các mục tiêu học tập ra thành nhiều cấp bậc. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp và xây dựng mục tiêu giáo dục cho trẻ. Là một thành viên trong nhóm mạng lưới Giáo dục hòa nhập của Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, cô Hạnh đã luôn đồng hành cùng thầy cô và phụ huynh có con em là trẻ tự kỷ.
Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các em mắc chứng tự kỷ học hòa nhập. Là giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực, cô Hạnh chính là tấm gương sáng cho thầy cô, học trò noi theo. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn thể hiện được phẩm chất mẫu mực của một nhà giáo, một giáo viên hết lòng yêu thương học sinh.
Hành trình của yêu thương
Để bảo đảm quyền học tập, vui chơi, hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, nhiều trường rộng mở cánh cửa đón các em vào học như những học sinh (HS) bình thường khác.
Theo cô Đỗ Huyền Trang - Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội): Giáo dục HS "đặc biệt" cần yêu thương, vị tha và kiên nhẫn. Ảnh: TG
Tuy nhiên, việc hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên (GV) trên lớp không hề dễ dàng. Hành trình giáo dục phải bắt đầu bằng khoa học, kiên nhẫn và tình yêu thương học trò.
Giáo viên không được phép nản lòng
Khối 1, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội), cô giáo Đào Thanh Hương là người nhiều tuổi nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề "gõ đầu trẻ" đã có "thâm niên". Tuy nhiên, bước vào triển khai Chương trình (CT)và SGK 1 mới, lớp cô gần 40 HS thì có 3 HS dạng tự kỷ. Điều đó khiến cô phải dày công, vất vả hơn để bảo đảm hoạt động giáo dục trên lớp cho cả 2 nhóm HS.
Cô Hương chia sẻ: Lớp có 3 HS tự kỷ, mỗi em lại có một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Em thì im lặng suốt buổi học, có em lại nói nhiều, chạy nghịch trong lớp, em còn lại luôn nhõng nhẽo, chậm tiếp thu. Như vậy, GV phải tìm ra phương pháp dạy học riêng, làm sao để các em có thể tiếp thu được bài học ít nhiều trên lớp, hòa đồng với các bạn. Thậm chí, nhiều lúc phải nịnh nọt, dỗ dành, âu yếm để các em không quấy khóc, không đòi về giữa buổi học hoặc ảnh hưởng đến HS khác.
Theo cô Hương, HS dạng tự kỷ có nhiều khiếm khuyết đặc biệt về tương tác với xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, hành vi rập khuôn, cứng nhắc nên trẻ khó khăn trong hòa nhập với bạn bè, tuân thủ nội quy, quy định chung... Từ đó, yêu cầu chung về học tập, tiếp thu, hòa đồng... với các em cũng không theo chuẩn nào. GV chỉ biết nỗ lực cố gắng hàng ngày để giúp các em tiến bộ hơn trong giao tiếp, học tập, ứng xử... Mọi tiến bộ dù nhỏ nhất đều được ghi nhận, khen ngợi để HS vui vẻ, phấn khởi chịu khó đến lớp, gia đình cha mẹ nhẹ lòng hơn.
"Cả 3 HS tự kỷ đề có sự tiến bộ rõ ràng so với đầu năm học. Các em có thể đọc dù chậm, viết được dù chưa theo hàng lối. Hết giờ học, tôi kèm thêm cho các em 30 - 40 phút. Dạy học cho HS tự kỷ nếu chỉ làm đúng trách nhiệm thì không đủ,GV phải có những hiểu biết nhất định về vấn đề trò mắc phải, đặc biệt phải hết sức kiên nhẫn, yêu thương và không được phép nản lòng..." - cô Đào Thanh Hương chia sẻ.
Lớp học của cô Đỗ Huyền Trang - Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội) năm nay lớp có 1 HS tự kỷ. Cô cho biết: Khi mới nhận lớp, cũng lo lắng trong việc tìm phương pháp giáo dục hiệu quả cho HS đặc biệt này. Con thông minh, học và chơi bình thường nhưng hay có hành động không kiểm soát (ví dụ như đi vệ sinh không đúng chỗ; tự ý đi ra khỏi chỗ trong giờ học...). Nhiều khi vừa hướng dẫn con xong một việc quay đi con đã làm ngược lại.
Và theo cô Trang, nghề giáo là một nghề đặc biệt. Trước khi là một nhà sư phạm giỏi, thầy cô là tấm gương mẫu mực, sáng trong về nhân cách và tình yêu thương vô bờ bến. "Quả ngọt" người thầy nhận được đôi khi đơn giản là một bó hoa tươi thắm, lời cảm ơn tình cờ trên trang viết, dòng tin nhắn thăm hỏi từ phương xa... cũng đủ ấm lòng.
Cô Đào Thanh Hương và HS lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: TG
Giúp trẻ hòa nhập đúng cách
Theo bà Mai Thị Phương - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần chuẩn bị kĩ càng yếu tố người dạy - đó chính là GV. Đây là khâu quan trọng bởi GV sẽ đưa ra những biện pháp, hoạt động giáo dục phù hợp với HS. Điều này giúp cho quá trình giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ đi tới thành công.
Lựa chọn GV cần bảo đảm yêu cầu như: Tâm huyết với nghề và yêu thương trẻ hết lòng; Có trình độ chuyên môn về giáo dục đặc biệt; Có kinh nghiệm làm việc với trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Kỹ năng làm việc với phụ huynh và tổ chức hoạt động nhóm...
Bà Mai Thị Phương khẳng định: Mọi trẻ em đều cần chuẩn bị đầy đủ về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, xã hội để bước vào lớp 1 thuận lợi. Với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, việc chuẩn bị này lại càng có quan trọng. Do đó, tổ chức lớp tiền hòa nhập để chuẩn bị những kĩ năng học đường cơ bản vô cùng cần thiết và ý nghĩa với trẻ, gia đình trẻ và cho xã hội.
Ngoài ra, bà Mai Thị Phương nhấn mạnh: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nói chung và trẻ rối loại tự kỷ nói riêng. Vì vậy, khi lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân, GV cần chủ động trao đổi với phụ huynh để xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp nhất với trẻ đồng thời phối hợp với gia đình để cùng tham gia vào quá trình giáo dục. Thực hiện được như vậy, kết quả giáo dục trẻ tự kỷ mới đạt được kết quả tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng chỉ ra: Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp nhiều khó khăn và giao tiếp xã hội; khó khăn khi sử dụng giao tiếp không lời và có lời để tương tác với người khác; khó khăn về khởi xướng giao tiếp, tương tác qua lại; Trẻ hiểu người khác theo cách riêng của mình... Do đó, việc dạy kĩ năng xã hội (KNXH) cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ trường mầm non là cần thiết.
3 biện pháp để dạy KNXH cho trẻ tự kỷ được bà Nguyễn Thị Hạnh chỉ ra: Trước hết, để hình thành và phát triển KNXH cho trẻ tự kỷ cần quan tâm quan sát, hướng dẫn, nhắc nhở và cho trẻ tập giải quyết các tình huống gặp phải, hình thành các hành vi đúng, đưa ra những nhận xét và sử dụng hình thức thưởng phạt với trẻ.
Biện pháp phát triển KNXH cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ đã có KNXH là tạo cơ hội/điều kiện cho trẻ thực hành những KNXH đã có. Cùng đó củng cố và mở rộng KNXH cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua sử dụng biện pháp khen thưởng; Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm có chủ đích cũng là 1 biện pháp, giúp trẻ tự kỷ khái quát hóa các KNXH trong những tình huống, địa điểm, thời điểm, đối tượng khác nhau...
Có những lúc cảm thấy "bất lực" nhưng luôn tự nhắc bản thân phải cố gắng kìm nén cảm xúc để không tức giận, tiếp tục nhẫn nại dạy bảo cho tới khi trẻ hiểu và làm theo hướng dẫn. Bởi sau tất cả, trẻ thiệt thòi vẫn cần được yêu thương và giúp đỡ nhiều hơn nữa... - Cô Đỗ Huyền Trang
Giáo dục hòa nhập: Cần một "vòng tay ấm" Với tình yêu nghề, yêu học trò, cô Lê Thị Nga đã khiến các phụ huynh có con tự kỷ vỡ òa trong hạnh phúc khi con biết đánh vần, biết đọc, viết, làm toán và hòa nhập tốt với các bạn. Giờ học của cô và trò lớp 1A1 Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Lớp học...