Người dùng phải chờ vài tuần khi mua laptop cũ
Một số người tìm mua laptop cũ cho con học online, nhưng chỉ nhận được máy sau hơn nửa tháng đặt mua.
“Tôi đặt hai máy tính xách tay cũ, giá 5,5 triệu đồng mỗi chiếc, tại một cửa hàng vi tính cùng quận từ 14/8, nhưng 15 ngày sau mới nhận được một chiếc. Bên cửa hàng nói giai đoạn này nhu cầu cao, nguồn hàng khó và hạn chế về giao hàng nên máy đến tay muộn”, anh Bằng, sống tại quận Gò Vấp (TP HCM), chia sẻ.
Một học sinh tiểu học dự khai giảng online hôm 5/9.
Không may mắn như anh Bằng, chị Nhật Vy (Dak Lak) cũng đặt hai laptop đã qua sử dụng với giá 4 triệu đồng từ một người quen chuyên buôn bán máy tính từ tháng 8, nhưng hiện vẫn chưa nhận được hàng dù hai con đã bắt đầu năm học mới.
“Người này nói phải đợi thêm do nguồn hàng không có, hoặc sẽ hoàn tiền cọc. Tôi đành phải đợi vì giờ rút lại cũng khó mua ở chỗ khác”, chị Vy cho biết.
Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu về thiết bị phục vụ học online tăng mạnh. Tuy nhiên, không ít người thừa nhận việc phải sắm thiết bị học trực tuyến đang trở thành gánh nặng. Nhiều trong số đó cân nhắc mua các laptop đã qua sử dụng với giá rẻ hơn 20 – 40%. Tuy nhiên, việc tìm được máy phù hợp và có sẵn cũng không dễ dàng.
Trên một số hội nhóm về mua bán thiết bị trên mạng xã hội, nhiều người phản ánh tình trạng phải đợi vài tuần nhưng không được giao máy tính đúng lịch hẹn, kể cả khi đã đặt cọc 100% số tiền. Hầu hết các lý do được đưa ra là nguồn hàng khan hiếm, một số nơi vận chuyển hàng khó khăn.
Theo chủ một cửa hàng bán laptop cũ tại TP HCM, nhu cầu mua laptop cũ tăng cao trong khi nguồn cung bị hạn chế khiến mặt hàng này thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
“Tháng 8 và tháng 9 hàng năm là giai đoạn người dùng đẩy mạnh mua sắm, chuẩn bị trang thiết bị cho mùa tựu trường. Tuy vậy, năm nay nguồn cung gần như bị tê liệt. Chúng tôi chỉ có thể bán hàng tồn kho và một số nguồn riêng lẻ với số lượng nhỏ giọt, gần có chiếc nào là bán nhanh chiếc đó”, người này chia sẻ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nhiều địa phương giãn cách chống dịch khiến việc chuyển hàng cũng chậm hơn nhiều so với thông thường. “Ngay cả khi có hàng, chúng tôi vẫn phải đợi đến khi được phép đi giao”, người này cho biết thêm.
Ngoài việc mua bán khó khăn, vấn đề chất lượng sản phẩm cũng khiến người mua đau đầu vì không phải laptop nào cũng hoạt động ổn. Anh Bằng cho biết, chiếc máy tính mà anh nhận được hoạt động chậm, đồng thời hai phím “W” và “Esc” hoạt động lúc được lúc không.
Những người khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Trên mạng xã hội, một số người cho biết sản phẩm nhận về không như mong đợi, như ngoại hình trầy xước, cổng kết nối không hoạt động, màn hình có những vệt sáng, đốm nhỏ bất thường, máy chậm hoặc thậm chí là giao không đúng cấu hình. Một số trường hợp khác phàn nàn về lỗi về âm thanh, kết nối Wi-Fi yếu hoặc pin tụt nhanh.
“Việc đổi trả thật sự khó khăn do dịch bệnh. Bên bán cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ khi qua dịch, nhưng không biết đến khi nào”, anh Bằng nói. “Tôi đành để con học tạm với chiếc laptop này, kết hợp với chiếc máy tính mà tôi đang dùng để làm việc”.
Phan Vinh, có gần 7 năm buôn bán máy tính cũ tại TP HCM, cho biết laptop đã qua sử dụng đến từ nhiều nguồn, do đó chất lượng tùy thuộc vào nơi bán và cái “tâm” của người bán. “Đa phần laptop cũ được nhập về từ nước ngoài theo container, chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, về Việt Nam dưới dạng rác thải điện tử”, anh Vinh tiết lộ. “Chúng thường được dọn lại, sửa chữa hoặc thay mới linh kiện trước khi bán ra, do đó chất lượng rất hên xui”.
Một số nguồn nhập laptop cũ được các cửa hàng thu mua về dưới dạng hàng của cá nhân hoặc một số công ty trong nước thanh lý máy. Tuy vậy, nguồn này không nhiều và giá bán cũng cao hơn so với những thiết bị đã được “tân trang” lại từ nước ngoài.
Theo Văn Bình, một kỹ thuật viên sửa chữa máy tính tại TP HCM, do đặc thù laptop cũ là hàng đã qua sử dụng, người mua nên chọn các địa chỉ bán laptop cũ uy tín và đã được cộng đồng đánh giá tốt. Bên cạnh đó, họ cũng cần xem xét chính sách về thời gian bảo hành của nơi bán, cũng như việc đổi trả hoặc sửa chữa trong trường hợp hỏng hóc.
Trong trường hợp không thể đến tận cửa hàng hoặc người bán để xem kỹ sản phẩm do giãn cách xã hội, anh Bình cho rằng người mua vẫn có thể kiểm tra thông số của máy từ xa, thông qua phần mềm như TeamViewer. Chẳng hạn, họ có thể xem cấu hình máy với CPU-Z, kiểm tra khả năng hoạt động của camera với website Webcamtest hay kiểm tra lỗi bàn phím với Key-Test.
“Nếu thấy máy quá rẻ so với mặt bằng chung, người bán không có địa chỉ cố định, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau, tuyệt đối không nên mua”, anh Bình khuyến cáo.
Mua laptop cũ để học online cần lưu ý gì
Khi chọn laptop cũ để học trực tuyến, người dùng cần xét đến các yếu tố như nơi bán, thời hạn bảo hành, đời máy, chất lượng màn hình, webcam...
Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu về thiết bị phục vụ học online tăng mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, không ít người thừa nhận việc phải sắm thiết bị để học trực tuyến đang trở thành gánh nặng. Nhiều trong số đó cân nhắc mua các mẫu laptop đã qua sử dụng với giá rẻ hơn 20 - 40% so với máy mới, dù có thể phải đối mặt với tình trạng máy nhanh gặp trục trặc, hỏng hóc.
Theo một số chuyên gia, người mua vẫn có thể giảm các nguy cơ đó bằng một số biện pháp kiểm tra trước.
Các mẫu laptop cũ phù hợp cho học online hiện nay có giá từ 4 triệu đồng.
Xác định cụ thể nhu cầu
Anh Trần Hưng, một thợ sửa chữa máy tính lâu năm tại TP HCM, cho rằng nếu nguồn tài chính eo hẹp, người mua nên chọn máy sát với nhu cầu sử dụng, hoặc có thể "dư" nhu cầu một chút để dự phòng vào các việc khác trong tương lai.
Chẳng hạn, nếu dùng để học online hoặc xem phim, nghe nhạc, một mẫu máy với chip xử lý không quá 4 đời so với chip mới nhất, RAM từ 4 GB DDR3, bộ nhớ SSD 128 GB kèm HDD 500 GB là đủ phục vụ nhu cầu. Hiện các mẫu máy cũ với cấu hình dạng này có giá khoảng 4 - 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu cao hơn, như cần dùng phần mềm đồ họa, chơi game hoặc ứng dụng chuyên ngành, người mua nên chọn máy thông số tốt hơn, với RAM trên 8 GB, bộ nhớ SSD từ 256 GB, card đồ họa rời, chip cao cấp hơn và đời chip không quá cũ, với giá từ 8 triệu đồng.
Riêng với chip xử lý, người mua nên chú ý 2 thông số chính là số nhân và tốc độ. Thông số càng cao, tốc độ hay hiệu năng xử lý sẽ càng cao và ngược lại. Để chạy tốt với nhu cầu cơ bản, CPU của máy cần tối thiểu 4 nhân.
Chọn người bán, nơi bán uy tín
Theo Maketecheasier , đối với người bán là cá nhân và bán sản phẩm họ đang sử dụng, người mua nên kiểm tra kỹ máy trước khi nhận hàng. Ưu điểm của những sản phẩm này là giá rẻ hơn nhiều so với máy cũ cùng loại trên thị trường, nhưng lại khó bảo hành về lâu dài. Nếu có thể, nên ưu tiên thiết bị vẫn còn trong thời hạn bảo hành và chọn người bán đáng tin cậy. Ngoài ra, cần lưu ý nếu thấy máy quá rẻ so với thị trường, người bán không có địa chỉ cố định, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau.
Trong khi đó, các mẫu máy cũ do cửa hàng bán lại sẽ có chính sách bảo hành rõ ràng, có thể đổi trả hoặc sửa chữa trong trường hợp hỏng hóc. Dù vậy, giá của chúng khá cao, thậm chí mức chênh lệch không nhiều so với máy mới. Người mua cũng nên chọn địa chỉ uy tín, đã được đánh giá tốt trên các cộng đồng mua bán.
Kiểm tra máy kỹ
Theo Which , kiểm tra máy là bước cuối nhưng quan trọng nhất khi mua laptop cũ. Nếu không am hiểu công nghệ và máy tính, người mua nên nhờ một người có kinh nghiệm kiểm tra cùng để nhận lời khuyên của họ, tránh nghe việc tư vấn một phía từ người bán. Dù vậy, điều này có thể sẽ khó thực hiện tại những khu vực đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Với máy tính cũ, các chuyên gia khuyên nên mua các thương hiệu đã có tiếng trên thị trường như Apple, Dell, Asus, HP, Acer... Khi nhận máy, cần xem tổng thể để phát hiện bộ phận nào nứt vỡ, móp méo hay không, còn tem niêm phong hay đã mất, các cổng kết nối sạch hay nhiều bụi bẩn, đồng thời hỏi người bán về việc máy đã bị can thiệp bên trong chưa, những bộ phận nào đã được thay mới hoặc nâng cấp... Người mua có thể chụp lại hình ảnh để đối chiếu về sau, trong trường hợp máy gặp trục trặc.
Để kiểm tra cấu hình của thiết bị Windows, người dùng nhấp chuột phải vào biểu tượng Computer/This PC và chọn Properties và xem model máy, CPU và RAM. Còn trên MacBook, người dùng click vào biểu tượng Quả táo và chọn About this Mac để xem thông số.
Đối với các bộ phận như màn hình, cần sử dụng phần mềm chuyên dụng kiểm tra điểm "chết", tức những vệt sáng, đốm nhỏ bất thường. Nếu màn hình xuất hiện nhiều điểm này, người dùng có thể cân nhắc không mua.
Pin cũng là bộ phận dễ "chai" do đã được sử dụng một thời gian. Người mua có thể truy cập tính năng quản lý năng lượng trên hệ điều hành hoặc cài phần mềm bên thứ ba để xem pin đã sạc bao nhiêu lần, cũng như tình trạng "sức khỏe" của pin. Ngoài ra, nên sử dụng pin trong suốt quá trình kiểm tra máy và để ý mức % pin. Chỉ số này "tuột" quá nhanh có nghĩa viên pin không còn tốt.
Người mua cũng lưu ý khả năng kết nối của Wi-Fi trên laptop, tránh trường hợp thiết bị kết nối mạng kém, chập chờn, gây ảnh hưởng đến việc học online. Máy cũng nên có cổng LAN để đề phòng không kết nối được Wi-Fi.
Ngoài ra, người mua cũng cần xét đến các chi tiết khác, như bàn phím, chuột, loa và nhất là webcam có hoạt động ổn định không. Đối với laptop cũ, webcam thường hay bị hỏng cần kiểm tra cẩn thận.
Nguy cơ gây cháy nổ pin laptop khi làm việc tại nhà Pin quá nóng, củ sạc không chính hãng hay tiếp điểm không tốt gây đánh lửa điện là những nguyên nhân phổ biến làm laptop bị cháy. Một bộ sạc ngoài cho pin laptop. Trong giai đoạn giãn cách do Covid-19, nhiều người phải làm việc, học tập tại nhà nên nhu cầu sử dụng laptop tăng cao. Theo Insurancehub , hàng trăm...