Người đúng, kẻ sai trong vụ án chai nước có ruồi giá 500 triệu
Cho rằng hành vi đe dọa Công ty Tân Hiệp Phát (Cty THP) bằng chai nước được cho là có ruồi để cưỡng đoạt 500 triệu đồng là nguy hiểm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt Võ Văn Minh 7 năm tù khiến dư luận “nổi sóng” tranh cãi.
Có đe dọa doanh nghiệp?
Sau 2 ngày xét xử, chiều 18/12/2015 HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư – Cái Bè – Tiền Giang) 7 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Cty THP khiến dư luận “nổi sóng” tranh cãi về vụ án.
Để có thông tin khách quan, phóng viên đã có mặt tại phiên tòa ghi nhận quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía Cty THP, cũng như luật sư bào chữa cho bị cáo và nhận xét của người dân có mặt tại phiên xử.
Võ Văn Minh tại phiên xử. Ảnh: Hồng Cơ
Tại tòa, vụ án được tóm lược như sau: Vào một ngày đầu tháng 12/2014, khi đang bán đồ ăn cùng nước giải khát tại xã An Cư – Cái Bè. Minh phát hiện chai Number 1 (loại nhựa 359ml) có con ruồi bên trong nên đề nghị Cty THP đến giải quyết.
Ngày 6/12/2014. Cty THP cử cán bộ đến giải thích: “Dây chuyền của Cty rất hiện đại, không có chuyện con ruồi trong chai nước”, mong anh Minh thông cảm, Cty THP có nhã ý tặng anh Minh 2 thùng nước Dr Thanh để cảm ơn…
Bị cáo Võ Văn Minh tại khuôn viên tòa án tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hồng Cơ
Tuy nhiên, Minh không đồng ý, yêu cầu Cty THP phải đưa 1 tỷ đồng, nếu không anh ta sẽ đưa thông tin này trên báo. Và trên chương trình 60 giây, cũng như in 5000 tờ rơi đưa thông tin chai nước Number 1 có ruồi bên trong, nhằm làm mất uy tín của doanh nghiệp. Thấy Cty THP không đồng ý, Minh chủ động “bớt xuống”, buộc Cty THP đưa 500 triệu đồng để đổi chai nước có ruồi.
Tân Hiệp Phát buộc phải báo công an tỉnh Tiền Giang, và trong lúc Minh đang nhận tiền cưỡng đoạt từ Cty THP tại một quán cà phê thì bị cảnh sát ập vào bắt.
Tranh luận “nảy lửa”
Tại tòa, Vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng: Hành vi phạm tội đã rõ, bị cáo không những liên tục điện thoại đe dọa Cty THP phải giao tiền cho Mình để đổi lấy chai nước có con ruồi, và sự im lặng của Minh với giá 1 tỷ đồng, sau đó bớt còn 500 triệu. Minh hẹn giao tiền tại quán cà phê chứ không nhận tiền ở quán ăn nhằm qua mặt dư luận để chiếm đoạt 500 triệu của Cty THP. Do đó, đủ căn cứ để VKS truy tố Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 4, điều 135 Bộ luật hình sự. Với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù…
Video đang HOT
Tuy nhiên, cáo trạng buộc tội của VKS bị luật sư Phạm Hoài Nam cùng Ls Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Ls TP. Hồ Chí Minh) – bào chữa cho bị cáo phản đối, cho rằng Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản!.
Phiên tòa bắt đầu “ nóng” khi Hội thẩm nhân dân là bà Nguyễn Thị Huệ hỏi bị cáo cảm thấy oan không? Minh vô tư trả lời “không rõ”. Sau một loạt câu hỏi của hội thẩm như: Bị cáo có phạm tội đó không? Muốn có nhiều tiền mà không phải lao động…? thì Luật sư Phạm Hoài Nam đứng lên yêu cầu HĐXX xem xét tình tiết vụ án rồi đưa ra bản án, chứ không thể xét hỏi theo hướng buộc tội bị cáo như vậy.
Bị cáo Minh trong vòng vây báo chí. Ảnh CTV
Sau ý kiến của luật sư Nam, vị hội thẩm tiếp tục xét hỏi Võ Văn Minh, khiến Ls Nguyễn Tấn Thi đề nghị HĐXX ngưng phần xét hỏi đối với hội thẩm, và cho rằng: “Tôi nghi ngờ năng lực của vị hội thẩm này”. Tuy nhiên, chủ tọa đã yêu cầu luật sư Nam và Thi ngồi xuống để HĐXX tiếp tục làm việc.
Phiên tòa tiếp tục “nóng” khi Luật sư Thi cho rằng: Xét xử vắng đến 4 người làm chứng, do đó, đề nghị phải có mặt các nhân chứng là những nhân viên Cty THP…; Luật sư Thi cũng đề nghị HĐXX xem xét ai là người bị cưỡng đoạt tài sản…
Các nhân viên của Cty THP đã thương lượng, hòa giải với Minh, đây không phải là những người khách quan, tôi thấy rằng, những người này có hành vi thương lượng. Bởi vậy, đề nghị đổi tư cách tố tụng của những người này, họ không phải là người khách quan, biết sự việc. Cũng như xem xét tư cách tố tụng của Ls phía Cty THP…
Phát biểu tại phiên tòa, Ls Nguyễn Đức Hoàng, bảo vệ quyền lợi cho Cty THP cho rằng: Những đề nghị của luật sư Thi là cảm tính, và tư cách tố tụng của nhân chứng là đúng pháp luật; Sau khi nghe luật sư hai phía tranh luận, đề nghị. Xét thấy, các yêu cầu trên của Ls Nguyễn Tấn Thi không có cơ sở. HĐXX tiếp tục làm việc.
Kẻ đúng, người sai trong vụ án
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng: Các yêu cầu triệu tập những người làm chứng, xem Cty THP là nguyên đơn dân sự hay bị hại… là không có cơ sở. Bởi người làm chứng đã có bản tự khai, có biên bản lấy lời khai đã rõ, cũng như gửi đơn xin xử vắng mặt tại tòa, nên không cần triệu tập. Chai nước chỉ 10.000 đồng mà Minh đòi 1 tỷ, kèm theo bao lời đe dọa là không chấp nhận được…; VKS đề nghị phạt Minh từ 12 – 13 năm tù.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng: Phát hiện chai nước của Cty THP có ruồi, bị cáo có thể báo với cơ quan chức năng, điều này là tốt cho xã hội, cho người tiêu dùng, và cả Cty THP, tuy nhiên, Minh đã dùng chai nước này uy hiếp tinh thần của THP là trái pháp luật. Do tính chất nguy hiểm của tội phạm này, Bộ luật Hình sự quy định dù nhận tài sản hay chưa, nhưng người bị hại sợ hãi mà phải đưa tiền thì đã cấu thành tội phạm.
Tòa xác định bị cáo nhận 500 triệu đồng và bị bắt quả tang không phải là giao kết hợp đồng dân sự. Mà là hành vi sử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt 500 triệu đồng. Vụ việc này phải căn cứ vào mục đích, động cơ của hành vi. Hơn nữa, thời điểm phát hiện chai nước có ruồi vào dịp giáp tết, Cty THP lo sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín nên phải tố giác tội phạm…
HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo cố ý xâm phạm đến quyền tài sản, gây mất ổn định xã hội, cần có hình phạt nghiêm. Tòa cũng không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư vì chưa đủ cơ sở. Xét thấy Minh chưa tiền án, tiền sự, chưa gây ra thiệt hại, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt, nên quyết định tuyên phạt Võ Văn Minh 7 năm tù.
Phiên tòa khép lại với những giọt nước mắt của người thân bị cáo. Bởi họ nuôi hy vọng và kỳ vọng vào hai luật sư sẽ bào chữa cho Minh vô tội trong vụ án tốn biết bao giấy mực, thời gian của các cơ quan báo đài. Tuy nhiên, quyết định của tòa vẫn được ban hành, và mọi người phải tuân theo cho đến ngày xét xử phúc thẩm (nếu có).
Về phía đại diện Cty THP tại phiên xử – Bà Trần Ngọc Bích cũng trình bày: “Cty THP luôn có thiện chí với khách hàng. Tuy bị thiệt hại nặng nhưng tôi vẫn xin quí tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Minh, và không yêu cầu bồi thường.
Giám đốc điều hành Cty THP- Bà Trần Ngọc Bích tại tòa xin giảm nhẹ hình phạt cho anh Minh. Ảnh: Hồng Cơ
Tuy luôn cầu thị tiếp thu những góp ý mang tính chất xây dựng của khách hàng, nhưng trước những hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp, chúng tôi buộc phải nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý. Cty THP luôn tôn trọng pháp luật, chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Hình phạt tù tòa vừa tuyên là câu trả lời cho dư luận tranh cãi trong nhiều ngày qua biết: Kẻ đúng người sai trong vụ án này là ai? Một người dự phiên tòa thở dài cho biết.
Theo Phap luât Xa hôi
Vụ chai Number 1: Xử tù có thuyết phục?
Các luật sư thì có ý kiến trái chiều về vụ "đổi" chai Number 1 có ruồi lấy 500 triệu; còn chủ tọa phiên tòa khẳng định, HĐXX tuyên Minh phạm tội Cưỡng đoạt tài sản là không oan.
Là người bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang), luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận xét: "HĐXX tuyên Minh 7 năm tù là chưa đúng với những tình tiết khách quan của vụ án. Đại diện VKSND chưa làm rõ có phải doanh nghiệp lo sợ nên đưa 500 triệu đồng cho Minh hay là tiền ứng ra với mục đích làm vật chứng để người này bị bắt quả tang".
Lỗi của bị cáo là quá tham
Theo luật sư Thi, nếu doanh nghiệp đưa tiền ra thì phải chứng minh được tiền này đã hạch toán vào tài khoản nào trong sổ sách kế toán. Do đó, HĐXX chấp nhận cáo buộc của VKS là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Minh bị dẫn giải sau phiên xử. Ảnh: Việt Tường
"Tại phiên tòa, luật sư đã làm rõ đơn tố cáo của bà Bích ký ngày 21/1 là không đúng với sự thật khách quan của vụ án. Dù luật sư đã phân tích và đưa ra nhiều cơ sở, chứng cứ rõ ràng về điều này nhưng không thuyết phục được HĐXX", ông Thi nói.
Cùng quan điểm với luật sư Thi, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) cho rằng, Công ty Tân Hiệp Phát giao tiền cho anh Minh để lấy lại chai Number 1 có ruồi là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.
Trong vụ này, khi Minh nắm được "điểm yếu" của doanh nghiệp thì anh này liên hệ với Tân Hiệp Phát để thương lượng là hoàn toàn hợp lý. Lúc đó, Tân Hiệp Phát cũng cho người xuống gặp anh Minh, họ thương lượng, mặc cả với nhau thì không thể có yếu tố hình sự.
"Hầu hết các nước phát triển khác, nếu gặp trường hợp tương tự thì công ty đã bồi thường cho anh Minh, còn bồi thường bao nhiêu thì phải cùng nhau tính lại. Rõ ràng, nhân viên Tân Hiệp Phát thấy có con ruồi trong chai nước mới thương lượng, nếu không có việc này thì họ từ chối gặp anh Minh hoặc tố cáo người ngày ngay từ đầu", luật sư Triết nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Triết, anh Minh chỉ có một lỗi là vì quá tham, yêu cầu số tiền tương đối lớn. Về vấn đề đạo đức, việc làm này sẽ được phán xét ở bình diện khác chứ không phải đưa Minh vào vòng tố tụng như hiện nay.
"Hành xử của Tân Hiệp Phát trong vụ này là không quang minh chính đại. Họ đưa tiền, 'gài' người ta để công an bắt rồi cơ quan điều tra dựa vào cái này để cáo buộc Minh vi phạm pháp luật là không được", ông Cao Minh Triết nói
"Có dấu hiệu uy hiếp tinh thần người khác"
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên sau khi tuyên Võ Văn Minh 7 năm tù vì tội Cưỡng đoạt tài sản, thẩm phán Võ Trung Hiếu (chủ tọa phiên tòa) cho rằng, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Tiền Giang kết án bị cáo này là đúng quy định pháp luật.
Theo chủ tọa, hai hội thẩm nhân dân cũng thống nhất với quan điểm của ông, xác định hành vi của Minh là cố ý xâm phạm đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Cao Minh Triết. Ảnh: Việt Tường.
Đồng quan điểm với chủ tọa, một luật sư ở TP Cần Thơ nói: "Bị cáo Minh đã có ý định chiếm đoạt tài sản của Tân Hiệp Phát từ trước. Vì vậy, sau khi gặp đại diện của công ty thì anh này đã dùng lời lẽ đe dọa rằng nếu doanh nghiệp không đưa tiền, Minh sẽ tung thông tin lên báo chí. Đây là dấu hiệu khách quan của hành vi 'uy hiếp tinh thần người khác' được quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự".
Theo vị này, khi bị Minh uy hiếp, lãnh đạo của Tân Hiệp Phát lo sợ, miễn cưỡng đưa 500 triệu đồng cho Minh. Vì vậy, Minh bị HĐXX tuyên 7 năm tù là không oan.
Trưa 18/12, trong lúc HĐXX nghị án có một phụ nữ ngoài 40 tuổi từ sân tòa xông vào phòng xử án. Bà này bước đến chỗ những người của Công ty Tân Hiệp Phát đang ngồi và chỉ tay nói: Nếu không có anh Minh thì tôi ở tù rồi. Lập tức, cảnh sát kéo bà này ra sân tòa.
Bà này cho biết tên là Bùi Thị Tiên, ngụ xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Bà Tiên kinh doanh nước giải khát và cho rằng đã gặp sản phẩm có vật lạ trong chai đậu nành.
"Trong chai đậu nành có cợn đen, khách hàng phản ánh nhưng ban đầu tôi không tin. Kiểm tra sữa đậu nành trong đại lý của mình, tôi phát hiện có những chai xuất hiện dị vật", bà Tiên nói.
Theo bà Tiên, quá trình giải quyết vụ việc, người của doanh nghiệp từng gợi ý chuyện bồi thường nhưng bà không chịu. "Nếu kêu Tân Hiệp Phát đưa tiền thì giờ đây tôi như anh Minh rồi", bà Tiên chia sẻ.
Theo Zing News
Con ruồi trong chai Number one: Ai được bán mua 'quyền im lặng'? Cho đến tận khi anh Minh bị tuyên phạt 7 năm tù giam cho hành vi cưỡng đoạt tài sản thì nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về thỏa việc thỏa thuận, mua bán "sự im lặng" có được coi là hợp pháp? Chiều 18/12, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên bị cáo Võ Văn Minh mức án 7 năm tù vì...