Người dân Yên Bái chủ động nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh mùa đông
Thời tiết giá lạnh cùng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao tác động bất lợi tới sức khỏe, làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái; trong đó, phần lớn là trẻ em và người già.
Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái thời điểm này đang có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái trong những ngày thời tiết rét đậm ghi nhận số trẻ đến khám các bệnh lý về hô hấp như: cúm mùa, viêm mũi họng cấp, Adenovirus, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, hen phế quản, viêm phổi, Covid-19… tăng cao. Khoa Nhi hiện đang có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng khoảng 40 bệnh nhân so với ngày thường. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, ho, sốt. Một số trẻ nhập viện phải thở ô xy do diễn biến bệnh nhanh. Khoa có 5 máy khí rung, 1 máy khí rung siêu âm hiện đang hoạt động hết công suất.
Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến các loại vi rút dễ phát triển, đặc biệt là vi rút gây bệnh đường hô hấp. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại, viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi, họng, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà nên trẻ từ viêm đường hô hấp trên chuyển nặng xuống viêm đường hô hấp dưới.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Phương Thảo – Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái cho biết: “Thời tiết lạnh, sức đề kháng kém nên khi trẻ nhỏ đã mắc thì diễn biến bệnh cũng sẽ nhanh và dai dẳng hơn. Do đó, để phòng tránh và kịp thời nhận diện các dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh lý đường hô hấp ở trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bệnh lý để đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn, chỉ định điều trị kịp thời, tránh tình trạng để trẻ bị nặng mới đưa vào viện”.
Chị Nguyễn Thị Thu Giang ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên đang chăm sóc con bị viêm phổi cho biết: “Cách đây 1 tuần, khi trời tiết trở lạnh, bé nhà tôi có dấu hiệu chảy nước mũi, thở khò khè. Tôi đã cho con đi khám ngoài và mua thuốc uống nhưng không thấy đỡ. Thấy con có biểu hiện nặng hơn, gia đình đưa cháu về khám ở Bệnh viện Sản Nhi và các bác sĩ xác định cháu bị viêm phổi, viêm tai giữa nên chỉ định nhập viện. Sau 2 ngày điều trị, cháu đã đỡ”.
Video đang HOT
Những ngày qua, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải nhiệt độ giảm sâu, xuất hiện băng giá đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, nhất là cúm, bệnh đường hô hấp. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải hiện có gần 30 bệnh nhân nhi thì có tới 25 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó chủ yếu là viêm phổi. Chị Cứ Thị Chư, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải có con 10 ngày tuổi bị sốt cao liên tục, gia đình đưa vào viện thăm khám cho biết: “Trước đó 2 ngày, tôi thấy con có dấu hiệu sổ mũi, húng hắng ho nhưng vẫn bú mẹ. Rồi sau đó thấy con có dấu hiệu khó thở nên tôi đưa con đi khám và được bác sỹ chẩn đoán con bị viêm phổi”.
Không riêng trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết chuyển sang lạnh sâu. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ não, ghi nhận ở lứa tuổi từ 50 tuổi – 90 tuổi. Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Chúc – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho rằng, khi thời tiết quá lạnh có thể làm cho hệ thống mạch máu của cơ thể co lại, dẫn tới các cơn tăng huyết áp đột ngột khiến những người lớn tuổi hay những người có bệnh lý nền không thể thích nghi, gây xuất huyết não.
Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh, nhất là những ngày rét đậm, rét hại như hiện nay, người dân cần thường xuyên khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa mạch… để điều trị dự phòng. Khi thời tiết chuyển lạnh, cần giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Khi có những dấu hiệu như: méo miệng, nói khó, tê yếu tay chân, đau đầu, nôn nhiều, mất thăng bằng cần đưa đến bệnh viện có khả năng chẩn đoán và điều trị đột quỵ sớm nhất để kịp “giờ vàng”.
Đau nhức, thoái hóa xương khớp là các triệu chứng và bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt là ở người trung hoặc cao tuổi khi thời tiết rét đậm. Bà Nguyễn Thị Mây, 60 tuổi, ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Tôi đã bị bệnh đau khớp gối hành hạ nhiều năm nay. Vào mùa đông, thời tiết lạnh những cơn đau khớp càng dữ dội. Trước đây cơn đau chỉ thoáng qua, nhưng càng về sau bệnh nặng hơn với triệu chứng khớp sưng to, phát ra các tiếng lạo xạo khi vận động. Đến bệnh viện khám và uống thuốc theo đơn của bác sỹ, nay tôi đã đỡ đau nhiều”.
Trong những ngày tới, thời tiết tiếp tục lạnh, nếu không có những biện pháp phòng kịp thời, số trẻ nhỏ và người lớn tuổi mắc bệnh sẽ còn gia tăng. Nhằm giảm thiểu tác hại do thời tiết, rét đậm, rét hại kéo dài gây ra đối với sức khỏe người dân, Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân cần giữ ấm cơ thể, bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, cung cấp thêm năng lượng qua các món ăn nóng, ăn ngay thức ăn vừa nấu chín, tránh ăn thức ăn nguội sau 4 giờ vì thức ăn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn; bổ sung các vitamin cần thiết như: vitamin A, B1, B12, C, E…
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi sức khỏe, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện bất thường, các dấu hiệu về đường hô hấp.
Đặc biệt, đối với người cao tuổi nên duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe; ăn uống điều độ, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đối với trẻ em không cho mặc quá ấm khiến mồ hôi toát ra, ngấm ngược vào trong gây cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi và tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm cúm.
Phòng bệnh cúm mùa khi thời tiết chuyển lạnh
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển mùa.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, sinh non, có bệnh lý như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản... là đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây suy hô hấp do viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong...
Trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành có nguy cơ mắc bệnh cao. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày (trung bình 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh).
Các triệu chứng ban đầu điển hình có thể là sốt, nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon, mệt mỏi, có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy...
Trẻ bị cúm thông thường chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi. Các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 5 - 7 ngày, tuy nhiên ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài hơn trong vòng một hoặc hai tuần.
Cần theo dõi sát những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ... Những trường hợp này cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay để tránh các biến chứng nặng của bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng.
Khi trẻ mắc cúm mùa, cần hạ sốt, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C.
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9 vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Giữ ấm cơ thể (khi trời lạnh), ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccine cúm mùa cho trẻ là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm vaccine phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Cách ly người bệnh ở phòng riêng... Cần tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt, tại khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ,...) để kịp thời phát hiện, xử lý sớm khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế tập trung thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
Bên cạnh đó, có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm theo chỉ định của bác sĩ. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Rét đậm, rét hại kéo dài, gia tăng người già, trẻ em nhập viện Những ngày qua, nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc giảm sâu, rét đậm, rét hại kéo dài làm gia tăng người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính phải nhập viện vì bệnh lý viêm phổi, khó thở, đột quỵ, sốt, ho, viêm họng, cúm... Tăng gấp rưỡi người cao tuổi nhập viện Sáng 26/12, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh...