Người dân phản đối dự án đầu tư khai thác quặng vàng gốc tại Nghệ An
Sau gần 10 năm, nỗi ám ảnh về những hệ lụy từ việc khai thác vàng của người dân một số bản thuộc các xã Yên Tĩnh, Yên Na ( huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) quay trở lại khi đơn vị được cấp phép tổ chức lấy ý kiến về kế hoạch khai thác hơn 1.300 tấn quặng vàng trong thời gian tới.
100% người dân được lấy ý kiến đều không đồng ý để đơn vị này khai thác vàng trên địa bàn. Mọi người đang thấp thỏm chờ đợi quyết định từ chính quyền.
Ngày 9/5/2024, UBND huyện Tương Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân và cộng đồng dân cư bản Cành Toong, bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh và bản Na Bón, bản Xiềng Nứa, xã Yên Na về “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na – Yên Tĩnh, huyện Tương Dương”. Ảnh: TTXVN phát
Ám ảnh hệ lụy từ khai thác vàng
Vùng núi Pu Phen nằm giáp ranh giữa 3 xã Yên Na, Yên Hòa và Yên Tĩnh của huyện Tương Dương. Năm 2008, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khoáng sản vàng. Tuy nhiên, trong thời gian này, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn đã xảy ra, kéo theo nhiều hệ lụy.
Ông Lương Văn Thương (bản Na Bón, xã Yên Na) nhớ lại, khoảng năm 2007 – 2008, trên địa bàn có các đơn vị thăm dò, khai thác vàng. Ông là người trực tiếp lên Pu Phen khai thác vàng nên nắm rất rõ. Cả khu vực núi Pu Phen khi đó có đến hơn 20 đội khai thác. Các đội chia nhau các khu vực rồi đục khoét vào lòng núi sâu cả trăm mét. Do các hầm lò được xây dựng thô sơ nên nhiều vụ sập hầm gây chết người đã xảy ra. Điển hình như tháng 11/2008, trong vòng một tuần đã có 2 vụ sập hầm khiến 3 người chết.
“Quặng vàng sau khi đào lên được “vàng tặc” mang đi xay, sau đó bỏ vào máng có hóa chất để ủ rồi mới dùng thủy ngân để “bắt” vàng. Có nhóm bỏ quặng sau khi xay vào chậu, rồi dùng khí nitơ đốt để lấy vàng. Những chất thải này sau đó được đổ thẳng ra các khe suối chảy về các bản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho vùng hạ lưu. Thời điểm đó, người dân không thể sử dụng nước ở khe Pu, khe Chà Hả. Nhiều người dân làm kinh tế ở khu vực khe Pu phải bỏ về vì không thể ở được” – ông Thương chia sẻ.
Video đang HOT
Sau nhiều năm, khe Chà Hả đi qua địa bàn xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An) đã hồi sinh. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Theo ông Vi Thanh Bảy, Bí thư Chi bộ bản Nà Bón (xã Yên Na, huyện Tương Dương), thời điểm đơn vị về thăm dò, ông đang giữ chức Trưởng Công an xã. Dân làm vàng từ các nơi khác đổ về kéo theo các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, các tổ đội khai thác vàng đánh nhau… khiến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Sau khi hết hạn thăm dò, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ. Ông đã nhiều lần cùng cơ quan chức năng của huyện tiến hành đuổi, đánh sập các hầm vàng. Có thời điểm, mọi người phải ngủ lại trên núi Pu Phen để canh giữ. Đến khoảng năm 2017 – 2018, tình trạng trên mới tạm thời yên; cuộc sống nhân dân dần ổn định. Hiện nay, cá trên các khe suối đã xuất hiện trở lại. Người dân mong muốn có cuộc sống yên bình để phát triển kinh tế.
Ông Lương Bá Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết, từ năm 2008 đến khoảng năm 2013, nạn khai thác vàng trái phép trên đỉnh Pu Phen kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khiến nhiều gia đình ly tán. Quá trình làm hóa chất xả thải ra các khe suối, ngấm vào đất ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cối. Khe suối nhiễm độc, cá không sống được, trâu bò uống phải nước có hóa chất không thể sinh sản. Ảnh hưởng nặng nề nhất là từ khu vực bản Cành Toong (xã Yên Tĩnh) đến bản Na Bón và Xiềng Nứa (xã Yên Na). Đến nay, hệ lụy đó vẫn còn. Khu vực đồi Pu Phen, cây cối chưa mọc lại được. Người dân chăn nuôi, trồng trọt rất khó khăn.
Lực lượng chức năng huyện Tương Dương (Nghệ An) truy quét vàng tặc ở khu vực núi Pu Phen vào năm 2017. Ảnh: TTXVN phát
Kiên quyết phản đối
Sau khi hết hạn thăm dò, ngày 19/1/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT cho phép Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô được khai thác hơn 13.000 tấn quặng vàng bằng phương pháp hầm lò với tổng diện tích khu vực khai thác hơn 126 ha. Thực hiện trong thời gian 15 năm.
Tuy nhiên, từ khi được cấp phép, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô chưa có văn bản nào và cũng chưa làm việc với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục theo các quy định.
Đơn vị này không phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp phép. Do đó, diễn ra tình trạng các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trái phép trong khu vực được cấp phép.
Tháng 12/2021, UBND huyện Tương Dương có văn bản đề nghị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản gửi UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành có liên quan. Trong đó nêu rõ: “Qua tiếp xúc cử tri và nắm bắt thông tin từ người dân trong bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh và người dân các bản gần khu vực được cấp phép, nhân dân và các tổ chức, đoàn thể chính quyền địa phương 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh quyết liệt phản đối việc cho Công ty vào khai thác vàng tại khu vực Pu Phen thuộc địa bàn xã Yên Tĩnh và Yên Na. Vì hệ lụy từ việc khai thác vàng trước đây đã để lại nhiều mất mát cho nhân dân như: Người nghiện ma túy tăng, mất an ninh trật tự; đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, đất và phá rừng…”.
Năm 2010, khe Chà Hả đi qua địa bàn xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An) bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động khai thác vàng. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 9/5/2024, UBND huyện Tương Dương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân và dân cư bản Cành Toong, bản Cặp Chạng (xã Yên Tĩnh) và bản Na Bón, bản Xiềng Nứa (xã Yên Na) về “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na – Yên Tĩnh, huyện Tương Dương” của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại tổng hợp Thủ Đô. Dù chủ đầu tư cam kết sẽ trích một phần lợi nhuận hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng nhưng 100% người được lấy ý kiến không đồng ý với việc triển khai.
Ông Lương Bá Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết, tại buổi lấy ý kiến người dân bản Na Bón và bản Xiềng Nứa, chính quyền địa phương, 35/35 ý kiến đều không đồng ý với việc triển khai “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực xã Yên Na – Yên Tĩnh, huyện Tương Dương”. Người dân cho rằng, việc khai thác vàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Năm 2010, khe Chà Hả đi qua địa bàn xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động khai thác vàng. Ảnh: TTXVN phát
Theo ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, mặc dù địa phương cũng như các cấp, ngành mong muốn các dự án trên địa bàn được triển khai để nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như hệ lụy trước đây về việc khai thác vàng trái phép gây ra, đặc biệt là nguyện vọng chính đáng của nhân dân khi không đồng tình triển khai dự án của Công ty này, UBND huyện đã có văn bản đề nghị các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND tỉnh tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô.
Người đàn ông xin khai thác "kho báu 3 tấn vàng" dưới sông Cà Ty
Người đàn ông quê tỉnh Bạc Liêu vừa có đơn gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin thăm dò, khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới dòng sông Cà Ty.
Người này còn mạnh dạn xin ký quỹ 500 triệu đồng để được khai thác
Ngày 5-4, một nguồn tin xác nhận ông H.P.T (42 tuổi; trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đã có gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này để xin khai thác vật quý.
Dòng sông Cà Ty đoạn chảy qua trung tâm TP Phan Thiết
Theo trình bày của ông T., ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty, đoạn qua TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Hiện thông tin về "kho báu" truyền đến đời ông T. và chỉ ông biết được địa điểm.
Do đó, nếu được chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép, ông T. dự kiến sẽ phối hợp với các đối tác để khai thác "kho báu".
"Tôi xin cam kết nếu được cho phép khai thác, tôi xin ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận số tiền 500 triệu đồng..." - ông T. cam kết trong đơn.
Ngoài ra, ông T. còn xin nhận lại 30% tổng tài sản thu được từ "kho báu", 70% còn lại sẽ bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Để an toàn trong việc khai thác, ông T. cần 10 cán bộ công an bảo vệ và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được; đồng thời đưa tài sản thu được về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Liên quan vụ việc này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết căn cứ Nghị định số 96/2009/NĐ-CP của Chính phủ, sở đề nghị ông T. phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh... chứng minh về nơi chôn giấu vật quý; tổ chức lập phương án thăm dò nơi chôn giấu "kho báu"; ký quỹ cam kết khắc phục môi trường...
Khi bảo đảm các điều kiện trên, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, phê duyệt phương án thăm dò theo quy định.
An Giang kiến nghị dùng cát biển cho cao tốc Qua khảo sát, đánh giá, tình hình sạt lở có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, An Giang kiến nghị sử dụng cát biển phục vụ việc thi công cao tốc miền Tây. Ngày 18/3, theo Văn phòng UBND tỉnh An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký báo cáo tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn...