Người dân phải tự phân biệt MBH (?!)
Các lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền để người dân hiểu và dần loại bỏ mũ bảo hiểm kém chất lượng, chứ không thể lạm dụng quy định để xử phạt.
Ngày 5/3, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định cơ quan chức năng chỉ xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mà đội mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) chứ không xử phạt người đội MBH dỏm, kém chất lượng (?!).
Theo ông Vinh, quy chuẩn, tiêu chuẩn về MBH đã được ban hành và Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng MBH chỉ tiếp tục làm rõ thế nào là MBH (Báo Người Lao Động ngày 5-3 đã phản ánh). “Nội dung thông tư sẽ giúp người dân nhận biết được MBH và cái nào không phải. Mục đích chính của chúng tôi là xử lý MBH kém chất lượng” – ông Vinh nói.
Video đang HOT
Cơ quan chức năng kiểm tra một nơi bán các loại MBH ở Hà Nội (Ảnh: Đặng Tiến)
Trả lời câu hỏi về việc người dân rất khó phân biệt MBH và cái nào không phải nhưng sao lại tính chuyện xử phạt?, ông Vinh nói: “Anh đi xe máy nhưng đội mũ lá thì bị xử phạt không? Đương nhiên là có xử phạt vì đó không phải MBH. Quy định chỉ xử lý người đội mũ không phải MBH. Thông tư đã quy định rất rõ các tiêu chí của MBH. Người dân phải đọc để biết rồi xem chiếc mũ định mua đó có quai không, có đủ 3 lớp không?… Nếu không mà mua về đội đi đường thì sẽ bị xử phạt”.
Theo đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế – Bộ Công an, quy định trong Thông tư 06 chủ yếu nhắm tới xử lý những đơn vị sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh MBH không đạt tiêu chuẩn. “Việc xử phạt người dân đội mũ không phải MBH (thực chất là mũ dỏm, không đạt chuẩn) không hề đơn giản và chỉ là bước cuối cùng để giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia giao thông” – ông Quân nói.
Khi thẩm định thông tư, Bộ Công an cũng nắm rõ được thực tế đang có rất nhiều người dân sử dụng các loại MBH không đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên phải có một thời gian dài tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở để họ từ bỏ. “Các lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền để người dân hiểu và dần loại bỏ MBH kém chất lượng, chứ không thể lạm dụng quy định để xử phạt” – ông Quân cho biết.
Theo 24h
Phạt đội mũ bảo hiểm giả: CSGT cũng kêu khó
Liên quan đến dự kiến xử phạt người đội mũ bảo hiểm (MBH) giả vào tháng 4 tới, trao đổi với PV, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - Đường sắt CA Hà Nội cho biết: Việc xử phạt người đội MBH giả sẽ rất khó khăn cho lực lượng CSGT bởi thiếu thiết bị để làm rõ mũ thật giả.
Theo đó, 4 Bộ KH - CN, Công Thương, CA và GTVT vừa ký thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy.
Như vậy, MBH phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì sẽ không được coi là MBH.
Mũ giả bán tràn lan
Người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách.
Mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng. Dự kiến việc xử phạt sẽ được thực hiện sau khi thông tư có hiệu lực vào tháng 4/2013.
Tuy nhiên, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, yêu cầu xử phạt người đội MBH giả vào tháng 4 tới sẽ rất khó khăn cho lực lượng CSGT. Bởi, CSGT thiếu trang thiết bị để làm rõ mũ thật giả, mũ đảm bảo chất lượng hay không.
"Sẽ rất khó để đánh giá MBH đảm bảo chất lượng hay kém chất lượng khi mà không có máy móc kiểm tra, nhất là trong trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy... đội MBH không đảm bảo chất lượng có gắn tem giả..", ông Thắng nói.
Không những thế, theo ông Thắng, hiện chế tài cũng chưa có quy định cụ thể xử phạt MBH kém chất lượng. Bởi, theo như Nghị định 34 và Nghị định 71 mới đây chỉ quy định hành vi không đội MBH và đội MBH không đúng cách.
Trong năm 2012, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 121.329 trường hợp không đội MBH, toàn thành phố xảy ra 121 vụ tai nạn có liên quan đến MBH.
Từ đầu năm 2013 đến nay đã xử lý được 20.968 trường hợp. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 28 vụ tai nạn có liên quan đến MBH.
Trong đợt kiểm tra thí điểm MBH xe máy tại Hà Nội mới đây, Cục Quản lý thị trường nhận thấy tới 100% điểm kinh doanh MBH có vi phạm. Trong tổng số hơn 3.330 chiếc mũ được kiểm tra thì có tới 59,89% số mũ là không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc.
Theo 24h
Lễ hội dã man: Văn hóa hay trần tục? Từ xa xưa, mỗi khi người dân Tây Nguyên làm lễ đâm trâu (hay ăn trâu) là để ăn mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, tạ ơn thần linh... và họ thường giết trâu ngay tại chỗ để mọi người xem, sau đó chia nhau ăn. Gần đây, trong các lễ hội lớn ở Tây Nguyên có lễ đâm trâu, họ...