Người đàn ông đột ngột khó thở, nhồi máu cơ tim sau khi tắm
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 bên 2mm, thở gắng sức nhiều.
Ngày 24/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, điều trị thuốc không đều. Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, can thiệp động mạch vành qua da. Kết quả chụp chiếu cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp đặt stent tái thông động mạch.
Trước đó, sau khi tắm xong, ông D. 60 tuổi, đột ngột khó thở và hô hoán người nhà. Bệnh nhân ngay lập tức được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
(Ảnh minh họa).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 bên 2mm, thở gắng sức nhiều, tần số thở 30 lần/phút, Spo2 90%, tím môi và đầu chi.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, kháng tiểu cầu và kháng đông. Sau khi hội chẩn cấp cứu với chuyên khoa nội tim mạch, các bác sĩ đã thống nhất can thiệp động mạch vành qua da cấp cứu.
Video đang HOT
Kết quả chụp mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy, tắc hoàn toàn động mạch vành phải từ đoạn một mạch vôi hóa kèm huyết khối; hẹp 80% nhánh Diag I và hẹp 90% LCX II.
Ekip can thiệp tiếp tục tiến hành hồi sức cho bệnh nhân trên bàn can thiệp bằng an thần, thở máy, dùng vận mạch và thuốc trợ tim tăng cường co bóp can thiệp.
Đồng thời, các bác sĩ cũng can thiệp đặt stent tái thông động mạch thủ phạm và động mạch vành phải. Sau 3 giờ can thiệp, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, được điều trị hồi sức tích cực, không còn khó thở và huyết động ổn định.
Theo BSCKI Bùi Công Hải, Khoa Tim mạch, nhồi máu cơ tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao, đặc biệt đối với người bệnh cao tuổi kèm bệnh lý nền.
Đặc biệt, can thiệp đặt stent xử trí tắc động mạch vành do nứt vỡ ác mảng xơ vữa là can thiệp có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ can thiệp tim mạch phải giàu kinh nghiệm, thao tác cẩn trọng, khéo léo trong quá trình thực hiện thủ thuật hút huyết khối, nong bóng, đặt stent để hạn chế nguy cơ tắc stent sau này”, bác sĩ chia sẻ.
Theo các chuyên gia, bệnh cảnh tắc động mạch vành cấp tính chiếm 0,37-2,96% các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Tắc động mạch vành là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến cố như nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim, tai biến mạch máu não, tàn phế, tử vong.
Để giảm nguy cơ tắc mạch vành và nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý và điều trị tốt các bệnh lý nếu có như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Ngoài ra, người dân cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm…
Các dấu hiệu tim mạch cần được cấp cứu
Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Các trường hợp bệnh tim mạch khẩn cấp nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Nhận biết các dấu hiệu tim có vấn đề để kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế là yếu tố quan trọng góp phần tăng cơ hội sống và phục hồi của người bệnh.
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: "Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Biểu hiện của đau thắt ngực là những cơn đau dữ dội, bệnh nhân có cảm giác như tim bị bóp nghẹt, thắt chặt trong lồng ngực. Vị trí cơn đau thường là ở phía sau xương ức, vùng giữa ngực và tim. Cơn đau có thể xuất hiện một chỗ hoặc có thể lan rộng tới cổ, hàm, lan ra một hoặc hai bên cánh tay, hướng ra sau lưng... Cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài chục phút. Có thể kèm các dấu hiệu khác như: mệt lả, khó thở, vã mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, nôn...".
Một dấu hiệu khác cho biết tim mạch cần được cấp cứu là dấu hiệu của tai biến mạch máu não, bao gồm: người bệnh có thể đột ngột bị tê hoặc yếu một bên mặt, tay hoặc chân, đột ngột choáng, mất khả năng ngôn ngữ, không hiểu người khác nói, đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng do thiếu oxy lên não, khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh,...
Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo của tắc động mạch nuôi chi cấp tính. Đây là là tình trạng tắc nghẽn đột ngột trong lòng các động mạch nuôi chi do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa, dẫn đến thiếu máu cung cấp cho các chi. Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng này bao gồm: chân hoặc tay bị đau đột ngột, dữ đội, bệnh nhân phải ngừng mọi sinh hoạt; chân hoặc tay bị lạnh, màu sắc tái nhợt hơn so với bên còn lại. Nếu tình trạng thiếu máu cung cấp cho các chi không được giải quyết kịp thời thì phần chi bị thiếu máu sẽ hoại tử trong vài giờ đến vài ngày.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là yếu tố quan trọng để tầm soát các nguy cơ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, người nhà cần lưu ý đối với các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn, người bệnh ngất xỉu đột ngột, mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, đôi khi co giật hoặc mềm nhũn, có hiện tượng tiểu tiện không tự chủ...
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm khuyến cáo: "Đối với các trường hợp trên, cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Nếu bản thân phát hiện mình có các triệu chứng trên, cần nhanh chóng nhờ người giúp đỡ để được đưa tới bệnh viện, tuyệt đối không được tự lái xe một mình. Trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn, trong thời gian chờ người hỗ trợ và xe cấp cứu đến, cần thực hiện các động tác ép tim - thổi ngạt cho bệnh nhân. Nếu không có người trợ giúp có thể chỉ cần ép tim liên tục. Thao tác này giúp tạo ra áp lực lên các buồng tim, giúp máu lưu thông vào động mạch, dù tim vẫn chưa phục hồi nhưng việc bơm máu vẫn diễn ra sẽ giúp kéo dài thời gian để chờ bác sĩ, xe cấp cứu tới".
Điều nguy hiểm là các bệnh lý về tim mạch thường phát triển âm thầm trong một thời gian dài mà không có các triệu chứng cụ thể, khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ rệt thì bệnh nhân thường chuyển sang giai đoạn nặng, điều trị khó khăn và chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút.
Để hạn chế nguy cơ mắc tim mạch, cùng với việc thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cường vận động, khám tim mạch thường xuyên là một yếu tố quan trọng để tầm soát các nguy cơ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Phớt lờ đau ngực, người đàn ông nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân Q. khi được bác sĩ thăm khám điều trị tại bệnh viện. Thông tin từ gia đình, bệnh nhân T. V. Q. (51 tuổi, tỉnh An Giang) đau ngực sau xương ức...