Người đàn ông có bộ ngực khổng lồ ở Lâm Đồng
Người đàn ông có bộ ngực khủng đó là ông Tống Văn Kai, ngụ tại thôn Trung Ninh, Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau một trận ốm khác thường, ngực của ông cứ to dần lên.
Sau 20 năm, bộ ngực đến có trọng lượng lên đến khoảng 40kg, biến ông Kai thành một “quái nhân”. Đến nay, y học đã xác định bộ ngực khổng lồ của ông Kai thực chất là những khối u. Tuy nhiên, do không có tiền nên ông đành chấp nhận với sống chung với bộ ngực khổng lồ.
Di chứng từ căn bệnh lạ
Đến xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, hỏi thăm về nhà ông Kai “ngực khủng” thì gần như, người già, trẻ nhỏ đều biết rõ. Nhiều năm nay, câu chuyện về người đàn ông có bộ ngực như phụ nữ có lẽ đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao khắp vùng đất cao nguyên đầy nắng, gió này. Căn nhà nhỏ của gia đình ông nằm lọt thỏm giữa một thung lũng hoang vắng với những con đường lầy lội bao quanh. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà nóng, ông đau khổ nhìn xuống cơ thể mình với hai bên ngực phình to và chảy xệ. Ông Kai chia sẻ, bộ ngực khủng của mình bây giờ là di chứng của một căn bệnh lạ chưa từng có ở Việt Nam. Trước đây, ông đã năm lần bảy lượt đi khám ở khắp các bệnh viện từ Lâm Đồng xuống TP. HCM nhưng đều không có kết quả.
Dấu hiệu bệnh lạ của ông Kai xuất hiện từ hơn 20 năm trước, lúc đó ông còn là lái xe của xí nghiệp đá ở Tuyên Quang. Ông nhớ lại: “Có một buổi tôi đi làm về tự nhiên cảm thấy mệt, sau đó thì lên cơn sốt phải nằm mấy ngày. Khi hết sốt, tôi vẫn đi làm bình thường nhưng lúc này cứ thường xuyên thấy vướng ở cổ họng mãi không khỏi. Tôi đi khám, mới đầu các bác sĩ bảo bị bướu cổ, nhưng kiểm tra lại thật kĩ thì thấy không phải. Các bác sĩ có kê đơn thuốc bảo về nhà uống nhưng không có tác dụng gì. Sau lần đó, vì cho rằng chỉ là ốm bình thường, với lại tôi thấy sức khỏe mình không bị ảnh hưởng nên cứ tiếp tục đi làm, mà không biết rằng khối u ấy ngày càng lớn lên trong cơ thể”.
Cũng từ đó, cứ mỗi lúc trái gió trở trời là ông Kai lại lên cơn nóng sốt, co giật, có lúc tưởng không qua được. Thời gian đầu biết mình mang trọng bệnh, gia đình ông đã tìm mọi cách chạy chữa song đi tới đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì đây là chứng bệnh lạ chưa từng gặp. Sống chung với bệnh cũng quen dần, ông cảm nhận trước được khi nào mình lên cơn để có cách đối phó. Nói là phát bệnh từ hơn 20 năm trước nhưng thực ra thời gian đầu bệnh chưa nặng nên ông cũng có phần chủ quan, lần lữa việc chạy chữa vì nhiều lý do. Từ 10 năm trở lại đây, các khối u mới bắt đầu tăng lên một cách đột biến, song song với đó là những cơn nóng sốt thường xuyên hơn. Không những thế, còn xuất hiện thêm chứng cao huyết áp, buồn nôn, chóng mặt… khiến tình hình sức khỏe của ông ngày càng tồi tệ và khó đoán biết.
Ông Tống Văn Kai với bộ ngực đồ sộ. Ảnh: T.G
Video đang HOT
Bà Vang, vợ ông Kai cho biết, khối u chồng mình đang phải mang trên người dễ đến gần 40kg. Bà lí giải, lúc chưa mắc bệnh ông Khai nặng chừng 60kg. Cho đến năn ngoái, khi bệnh tình nặng, ông thử cân thì tổng trọng lượng cơ thể đã tăng lên tới cả trăm kg. Hiện tại, mặc dù đã giảm cân một chút nhưng theo bà Vang thì “người giảm chứ u không giảm”. Theo quan sát của phóng viên, những khối u kì lạ ấy làm cơ thể ông Khai biến đổi rất nhiều. Ngoài bộ ngực “khủng” thì phần thịt ở cổ cũng bị biến dạng phình to một cách khác thường, ở khắp các cơ tay, bụng… đều biến dạng đến kì dị.
Ông Kai cười buồn kể: “Bây giờ tôi mà ra đường nhiều người không dám nhìn. Thậm chí đến cả mấy cô người yêu cũ trước đây giờ gặp lại họ còn sợ nữa là. Có người hay tin gọi điện hỏi thăm cứ tưởng tôi đùa…”. Quả thật, người lạ nhìn ông, có lẽ cũng ít ai dám tới gần. Thế nhưng, ít người biết được rằng, người đàn ông “dọa ma” đang đứng trước mặt bạn lại là một gã trai phong lưu và hào hoa một thời.
Có thể do di chứng chất độc màu da cam?
Vốn quê ở Nam Trực, Nam Định, từng là lính lái xe cho Viện Quân y ở chiến trường Đông Bắc thời chống Mỹ, sau khi xuất ngũ, ông tiếp tục lái xe cho xí nghiệp mỏ thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang. Theo những gì ông kể, thủa còn trẻ Tống Văn Kai là một chàng trai tuấn tú khiến không ít cô gái trong vùng tình nguyện “nâng khăn sửa túi”. Cuộc đời tài xế lăn lội khắp các tuyến đường đã in dấu trong ông nhiều mối tình. Vốn mang tiếng đa tình, chính ông cũng không thể ngờ rằng, tình yêu định mệnh với cô công nhân đất lúa Thái Bình – Đinh Thị Vang tại công trường Tuyên Quang lại là bến đỗ cuối cùng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.
Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã kéo ông Kai ra ngoài những mối tình hời hợt trước đây. Ông trở nên sống có trách nhiệm và chung thủy. Giờ đây, tuy đã bước vào buổi xế chiều của đời người và mang trong mình trọng bệnh nhưng ông Kai, bà Vang vẫn sống rất hạnh phúc. Ông bảo: “May mà ngày xưa mình chưa có bệnh, không thì ma nó lấy”. Bà Vang ngồi nhặt rau gần đó cười hiền: “Đấy, ông ấy bảo tôi là ma ấy à”… Căn nhà nhỏ bé lại rộn lên tiếng cười ấm áp.
Rót thêm nước sôi vào bình trà, ông Kai cho biết, thời điểm khi bệnh của ông trở nặng đột ngột, cũng là lúc bà Vang phải nhờ cậy người quen trong này tìm đất để chuyển cả gia đình vào với hy vọng thời tiết hiền hòa của vùng cao nguyên sẽ làm chứng sốt cao, co giật của chồng suy giảm. Thế nhưng, mọi công sức, hi vọng của ông bà và gia đình đều tan biến khi những khối u trên cơ thể ông cứ mỗi ngày một lớn thêm, những cơn co giật cũng trở nên thường xuyên và khó đoán biết hơn dù cho đã chạy vạy thuốc thang khắp nơi.
Sau này, khi y học tiến bộ hơn, khám ở bệnh viện lớn hơn, các bác sĩ kết luận ông bị chứng u biếu toàn thân, bướu mãn tính rất khó chữa. Nếu chấp nhận mổ thì cũng có khả năng khỏi nhưng chi phí rất cao. Vì hoàn cảnh gia đình, cơm ăn không no, lấy đâu tiền thuốc thang, mổ xẻ nêm ông Kai đành quyết định sống chung với khối u và lặng nhìn nó lớn lên từng ngày. Cơ thể ông cũng vì thế mà biến dạng theo. Trao đổi với phóng viên, ông Kai cho biết rất có thể mình bị chứng bệnh lạ là do nhiễm xạ chất độc da cam. Thời kì ông còn lái xe cho viện quân y ở chiến trường Đông Bắc giai đoạn chống Mỹ, ông từng sống ở địa bàn có thời gian bị đế quốc Mỹ sử dụng loại hóa chất hủy diệt này. Ông Kai khẳng định, chính đứa con gái đầu của mình cũng bị di chứng chất dioxin từ bố nên mới sinh ra đã bị dị tật câm, điếc bẩm sinh.
Theo chính quyền địa phương và người dân quanh vùng, gia đình ông là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông có ba người con, thì người con gái đầu bị câm điếc bẩm sinh hiện đang gửi ở trung tâm bảo trợ người tàn tật tỉnh Lâm Đồng. Cuộc sống gia đình trở nên cùng cực hơn khi cách đây hai năm, bà Vang bị tai nạn giao thông, không thể làm việc được. Ông mang bệnh hiểm nghèo, bà sức khỏe yếu… cả hai cùng nương tựa, rau cháo nuôi nhau nhưng vẫn không nửa lời kêu than, oán trách. “Tôi có thể sống vui vẻ cũng là nhờ tình yêu, sự hy sinh sâu sắc của vợ. Mình nghèo nhưng sống với nhau có cái tình cái nghĩa thì còn gì bằng. Với lại ở đời còn có nhiều người khó khăn hơn mình gấp bội thế mà họ vẫn vui sống đó thôi”, ông Kai chia sẻ.
Theo Hùng Hóa – Công Thông (Gia đình & Xã hội)
Cô gái mang hàng nghìn khối u suốt hơn 30 năm
Hơn 30 năm sống chung với thân hình yếu ớt và hàng nghìn khối u lớn nhỏ mọc khắp cơ thể, chị Vương Thị Bàng chẳng dám đi đâu ra khỏi nhà. Chị sống thu mình khép kín và luôn mang trong mình nỗi mặc cảm nặng nề. "Đến bây giờ, tôi chỉ mong sao hột hạt trong người đừng mọc ra nữa, có sức để phơi hột lúa, phơi rơm rạ và có thể nấu cơm đỡ đần cho bố mẹ", chị nói.
Rời căn nhà của chị trong cơn mưa xối xả, tôi cũng cầu mong các bác sỹ, các tổ chức từ thiện giúp điều ước của chị thành hiện thực.
Làng ven đê Phong Phú, xã Hưng Hòa (TP. Vinh, Nghệ An) mang vẻ buồn ảm đạm của ngày mưa bão. Ngôi nhà của chị Vương Thị Bàng (SN 1970) nằm khuất sau con đường đất chạy quanh co, chẳng có cổng ngõ. Khi chúng tôi đến, chị đang lui cui sau giếng nước băm rau cho vịt ăn: "Mẹ đi chợ rồi, mình ở nhà dọn dẹp, rồi đến bữa nấu cơm".
Hơn 30 năm qua, chị Bàng chỉ quanh quẩn ở nhà với chừng ấy công việc, chẳng dám đi đâu xa vì sức khỏe yếu, và vì thân hình dị dạng, mọc ra hàng nghìn khối u lớn nhỏ khiến người lạ nhìn vào ai cũng hoảng sợ. Dẫn chúng tôi vào nhà, chị kể: "Mẹ tôi kể lại, hồi mới sinh ra tôi chỉ nặng có 1,5kg, nhỏ tý xíu, tưởng không nuôi nổi. Cả nhà ai cũng thương tôi yếu ớt, xúm vào chăm sóc, nuôi nấng, nên tôi mới sống được. Nhưng mãi tôi vẫn không biết đi. Các anh chị lại thay nhau bồng bế, đi đâu cũng cõng em theo trên lưng. Cho đến tận năm 8 tuổi tôi mới tập chững, 10 tuổi mới biết đi".
Tưởng rằng, từ đây, cuộc sống của cô bé yếu ớt sẽ thay đổi, nhưng lúc này, những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn mới thực sự bắt đầu. Biết đi chưa được bao lâu, đến năm 13 tuổi, bố mẹ Bàng phát hiện ra phía sau lưng con gái mọc lên một khối u lạ, to bằng nắm tay. Rồi sau đó, trên người cô bé liên tiếp mọc thêm những khối u khác khiến cơ thể trở nên dị dạng. Nhìn con như vậy, bố mẹ Bàng như đứt từng khúc ruột. Vay mượn cùng số tiền gom góp được, ông bà đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và một số nơi khác trong thành phố Vinh để khám chữa bệnh. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu bó tay, chẳng biết nguyên nhân do đâu và không thể chữa trị được, chỉ có thể chẩn đoán là bệnh lạ do nội tiết. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện trung ương ngoài Hà Nội, cô gái đành sống chung với căn bệnh quái ác từ đó tới giờ.
Bệnh lạ của chị Bàng
Quãng thời gian đầu biết tin bệnh mình không thể nào chữa khỏi được, chị Vương Thị Bàng vô cùng suy sụp. Mỗi lần tự nhìn mình trong gương, là mỗi lần tự khiếp sợ và cay đắng cho số phận. Sau đó là cả chuỗi ngày chiến đấu với nỗi tuyệt vọng để tiếp tục sống. May mắn cho Bàng là vẫn có một quãng thời gian đi học, được đến trường để biết đọc, biết viết. "Tôi được đi học là nhờ ơn của cô giáo Dương Thị Xuyến ở gần nhà tôi, nhưng cô giáo ấy đã mất rồi. Ngày bé, người yếu ớt, lại mắc bệnh nổi u khắp người, ai cũng xa lánh nhưng cô rất thương tôi. Cô đến nhà, bàn với bố mẹ cho tôi đi học, để cho cháu biết cái chữ. Vậy là năm 12 tuổi thì tôi bắt đầu đi học lớp 1. Cô kèm cặp, đưa đi đưa về. Học được đến lớp 4 thì tôi nghỉ học vì quá xấu hổ khi thấy các khối u ngày càng mọc nhiều hơn, chị Bàng rơm rớm nước mắt kể.
Dù không nói, nhưng tôi biết, đó là vì tủi thân và nỗi mặc cảm quá lớn, do sự trêu chọc và xa lánh của bạn bè, người xung quanh, mà càng lớn, càng hiểu biết, càng có nhiều ước mơ, khát vọng thì lại càng nhận ra sự thua thiệt của chính mình. Từ đó, Vương Thị Bàng sống càng khép kín hơn, không dám tiếp xúc với ai ngoài bố mẹ và các anh chị em trong nhà. Nhiều lúc, chị cũng muốn được đi đâu đó, ra khỏi mảnh đất Hưng Hoa để cho biết đó biết đây, nhưng nhìn lại mình, nhìn lại hoàn cảnh gia đình khó khăn, chật vật với từng bữa ăn, chị không dám nghĩ tiếp nữa. Lần đi xa nhà nhất chính là lần bố đưa đi khám bệnh ở thành phố Vinh, và chứng kiến những ánh mắt kinh sợ, chỉ trỏ của bao nhiêu người...
Dù mang trong mình căn bệnh lạ nhưng chị vẫn cố gắng đỡ đần bố mẹ công việc nhà
Giờ đây, các anh chị em lập gia đình, ra ở riêng, chỉ còn mình Bàng sống với bố mẹ. Cuộc sống hết sức khó khăn, mỗi tháng chị được trợ cấp 180 nghìn đồng theo chế độ 202 (dành cho người khuyết tật). Bố mẹ chị Bàng - ông Vương Đình Trọng và bà Dương Thị Lân tuổi đã cao, sức khỏe vẫn phải đi làm để nuôi con. Ông đi phụ hồ, còn bà chạy chợ từng bữa, mỗi lần nhìn đứa con gái với thân thể yếu ớt, dị dạng, ông bà không khỏi đau xót: "còn sức thì còn cố gắng làm, nghĩ tủi thân mà thương con, sau ni khi chúng tôi chết rồi không biết cuộc sống cháu nó sẽ ra sao?, ông Trọng ngậm ngùi khi nói chuyện về đứa con đáng thương của mình.
Hiện giờ, những khối u không gây đau đớn, nhưng chị Bàng cho biết do bị đau thần kinh nên đêm nằm cứ giật giật khắp người, không ngủ được. Nói thế nhưng chị vẫn phải làm việc luôn tay luôn chân. Nhìn chị xách xô cám cho gà ăn, bước chân đi thoăn thoắt mà không khỏi ngạc nhiên, nhưng chị nói: "Phải đi như rứa thì mới đỡ đau, chứ đi chậm dây thần kinh hắn giật đau nhức lắm. Tủi thân, mặc cảm mấy chục năm cũng quen rồi. Trách số phận mình sao sinh ra không được như người bình thường mà lại dị dạng, u cục nổi đầy người, nhưng may mắn là tôi vẫn mình mẫn, biết suy nghĩ mọi chuyện. Thương bố mẹ lắm, nên ở nhà có việc chi là làm hết: chăm rau, chăm gà, vịt, quét dọn, nấu cơm cho bố mẹ về là được ăn rồi, vừa cho khuây khỏa, giúp được bố mẹ được ngày nào hay ngày ấy. Chỉ có không đi ra khỏi nhà được thôi".
Khi hỏi uớc mong lớn nhất của chị là gì, chị "chỉ mong sao hột hạt trong người đừng mọc ra nữa, có sức để phơi hột ló (lúa), phơi rơm, chăm con gà con vịt, đến bữa lại nấu bữa cơm cho bố mẹ"... Nhắc đến việc nếu được đi Hà Nội khám bệnh, chị chỉ cười trừ và im lặng. Cái im lặng vì không dám tin vào phép màu có thể làm biến mất những khối u dày đặc hay vì mong mỏi quá lớn không biết nói ra như thế nào. Rời căn nhà của chị trong cơn mưa xối xả, tôi cũng cầu mong các bác sỹ, các tổ chức từ thiện giúp điều ước của chị thành hiện thực.
Theo Hồ Hà (Gia đình & Xã hội)
Tai ương ập xuống đầu, cô giáo kiệt quệ nằm chờ chết Hoàn cảnh ngặt nghèo đầy bất hạnh của cô giáo Nguyễn Thúy Hà (sinh năm 1978, cựu học sinh trường chuyên Hà Tĩnh, ) làm không ít người đau lòng. Cuộc đời chị là một chuỗi khổ đau: mình mang bênh hiêm nghèo, con gái đau ốm liên miên, và cuộc sống vợ chồng nhiều đỗ vỡ. Bao lần giành giật sự sống...