Người dân ở Hạ Long, Cẩm Phả lo sạt lở, lũ bùn mùa mưa bão
Nhiều người dân ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả ( Quảng Ninh) luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tính mạng, nhất là trong mùa mưa bão.
Sống tại khu vực đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh nhưng nhiều người dân ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả lại luôn nơm nớp nỗi lo sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và cả tính mạng, nhất là trong mùa mưa bão.
Tảng đá 10 tấn rơi từ trên núi xuống nhà dân tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Đêm 26/7 vừa qua, tại khu 1A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, một tảng đá nặng 10 tấn bất ngờ từ trên núi lăn xuống làm sập 2 căn nhà, 1 người tử vong, 2 người bị thương.
Bà Lê Thị Khoát, một người dân sống trong khu vực này cho biết, sau vụ tai nạn, nhiều gia đình đã dời đi, còn những nhà chưa đủ điều kiện di dời vẫn phải sống bám dưới chân núi đá.
“Nhà tôi ở đây hơn 20 năm rồi, nhưng đợt này mưa gió, đá to rơi xuống nên rất sợ”, bà Khoát lo lắng.
Đây không phải là vụ tai nạn hiếm hoi vì đá lở ngay trong khu vực đô thị của Quảng Ninh. Núi Bài Thơ tại trung tâm TP Hạ Long cũng đã vài lần lở đá, gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân được cho là do Quảng Ninh có tới 80% diện tích là đồi núi, Hạ Long hay Cẩm Phả đều là những đô thị ít mặt bằng nên nhiều khu dân cư phải bám dưới chân núi đá cheo leo. Vào mùa mưa bão, người dân không khỏi lo lắng khi những tảng đá có thể “từ trên trời rơi xuống” bất cứ lúc nào.
Nhiều khu dân cư ở TP Hạ Long sống men theo chân đồi, nơi đang thi công các dự án bất động sản.
Video đang HOT
Nếu cho lở đá là tác động của tự nhiên, thì việc đất đá trên đồi sạt lở, việc lũ bùn trôi thành dòng, tràn xuống nhà dân mỗi khi mưa lớn lại là tác động của con người. TP Hạ Long đang có không ít dự án bất động sản trên đồi, ngay trên đầu hàng trăm hộ dân đang sinh sống như Dự án khu biệt thự khách sạn Monaco Hạ Long, hay Dự án khu biệt thự Đồi Thủy sản tại khu 8, 9 phường Bãi Cháy.
Vài năm gần đây, từ khi các đơn vị thi công bắt đầu chặt cây, tạo mặt bằng, đã có không ít lần đất đá, nước bùn từ trên công trường ồ ạt trôi xuống theo mưa lớn, lấp kín nhà dân, mặt đường, cống thoát nước… Sau mỗi trận mưa, hồ điều hòa dưới chân đồi nhuộm đỏ màu bùn đất.
Anh Nguyễn Thành Long, người dân ở tổ 6, khu 9, phường Bãi Cháy cho biết, mặc dù dự án đã từng bị “tuýt còi”, nhà đầu tư cũng đã xây kè, trồng cỏ mái taluy nhưng đến nay tình hình vẫn không được cải thiện là bao.
“Từ đầu mùa đến giờ 10 lần rồi, cứ mưa là đất tràn lấp cống, không thoát kịp lại tràn vào nhà dân, đường của xóm nên người dân rất lo”, anh Long chia sẻ.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh với 1.758 hộ, kinh phí trên 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn các hộ dân thuộc diện di dời theo đề án này sống ở chân các bãi thải và khai trường khai thác than, khu vực nguy cơ sụt lún cao. Còn tại khu vực chân đồi núi, dưới chân các dự án dân cư còn biến động nên việc đánh giá tác động chưa được thực hiện đầy đủ.
Tình trạng nước mưa kéo theo bùn đất tràn xuống đường từ các dự án đã trở nên quen thuộc ở TP Hạ Long.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc sạt lở, ngập lụt trong khu vực đô thị chính là mặt trái của tốc độ phát triển kinh tế- xã hội nhanh chóng.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực này. Công tác quy hoạch khu dân cư, công tác đánh giá ảnh hưởng của các hình thái thiên tai đến quy hoạch phải được đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa tác động của con người vào thiên nhiên,” ông Phương nói.
Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, người dân đang sinh sống tại các khu vực này cũng cần chủ động nâng cao ý thức, phối hợp với lực lượng chức năng di dời khi cần thiết, hạn chế tối đa khả năng thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai, mưa bão gây ra./.
Theo Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Thấp thỏm sống dưới 'bom bùn'
Mỗi khi mưa lớn, bùn đất từ các dự án thi công trên đồi cao tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lại như những túi bom tràn xuống các khu dân cư bên dưới, đe dọa hàng trăm gia đình, đặc biệt là ở phường Bãi Cháy.
Người dân phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) bị bùn đất từ các dự án trên đồi cao trôi vào nhà ẢNH LNH
Nửa tháng "lĩnh" gần 10 trận bùn
Đã gần 1 tuần trôi qua, nhưng hơn 40 hộ dân tại khu 9B, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long chưa hết bàng hoàng vì trận lũ bùn từ trên đồi cao trút xuống trong các đêm từ 19 đến 22.7.
Bà Nguyễn Thị Sáo (60 tuổi), một người dân có nhà bị hàng trăm khối bùn đất dội vào, cho biết: "Nước mưa cùng với bùn đất, đá từ trên đồi ào xuống nhà tôi như cơn lũ. Gia đình tôi phải thức trắng cả đêm, gọi cả người thân đến để tát nước, khiêng tài sản, nhưng không kịp. Sau trận mưa lớn đêm 21.7, giường, tủ lạnh, bàn ghế của gia đình bị hư hỏng. Đến ngày 24.7, các con tôi vẫn phải xin nghỉ làm để dọn dẹp nhà cửa".
Thủ phạm dội "bom bùn" xuống nhà bà Sáo là dự án khu biệt thự trên đồi Thủy Sản phía bên trên.
Cũng là nạn nhân của dự án vừa kể, bà Nguyễn Thị Tuyết (tổ 6, khu 9B, phường Bãi Cháy) kể lại: "Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình tôi hứng chịu 10 lần bùn đất như vòi rồng trôi vào. Có lần bị cả tảng đá lớn từ trên đồi dội xuống tường nhà. Trong tháng 7, đã 3 lần nhà tôi phải sơ tán trong đêm tối".
Gia đình ông Vũ Văn Hàn (khu 8, phường Bãi Cháy) cũng điêu đứng vì xưởng sản xuất cơ khí của gia đình bị tê liệt nhiều ngày vì bùn đất. "Cả tháng nay, nhiều đêm trời mưa tôi thức trắng để trông xưởng, vợ con thì phải đi sơ tán. Riêng tháng này, xưởng phải dừng hoạt động gần 1 tuần để dọp dẹp bùn đất", ông Hàn cho biết, và khẳng định dự án Hạ Long - Monaco phía sau nhà chính là thủ phạm gây nên tình trạng này.
Theo nhiều hộ dân tại phường Bãi Cháy, tình trạng bùn đất trôi vào nhà là do các dự án trên đồi cao thi công không đảm bảo. Tình trạng này được phản ánh nhiều lần đến các cấp chính quyền, nhưng không có chuyển biến.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, thở dài: "Từ nhiều năm nay, chính quyền phường đã nhận không biết bao nhiêu kiến nghị, đơn thư của các hộ dân phản ánh về việc các dự án bất động sản thi công không đảm bảo, gây sạt lở đất, bùn vào nhà dân. Chúng tôi không biết nói sao nữa về các dự án này, tiến độ thi công thì chậm, còn người dân liên tục bức xúc".
Cũng theo ông Tuấn Anh, sau các trận mưa lớn trong các ngày 21 và 22.7 vừa qua, phường đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư có biện pháp khắc phục tuyến kè bao, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Ngay sau đó, chủ đầu tư các dự án đều huy động nhân lực máy móc đến các khu dân cư dọn dẹp đất đá, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Tối hậu thư vô tác dụng
Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố Hạ Long, tính đến tháng 7, trên địa bàn có hơn 10 dự án thi công trên đồi cao. Các dự án này đều thi công ở độ cao khoảng 50 - 80 m so với khu dân cư bên dưới, nên mỗi khi mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất đá, bùn thải trôi xuống dưới là rất cao.
Theo ông Vũ Trường Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Hạ Long, đơn vị này đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ thi công vào ngày 30 hàng tháng để giám sát. Đối với các dự án nào thi công không đảm bảo, Phòng này sẽ có kiến nghị xử lý.
Trước việc các dự án thi công trên đồi cao liên tục để bùn trút xuống khu dân cư, UBND thành phố Hạ Long cũng đã ra tối hậu thư cho chủ đầu tư. Trao đổi với Thanh Niên mới đây, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, nói: "Các dự án thi công trên đồi cao phải xây dựng phương án thoát nước, tuyệt đối không để bùn đất gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Dự án nào thi công không đảm bảo, thành phố sẽ đình chỉ đến khi khắc phục xong".
Tuy nhiên, ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra "tối hậu thư" đình chỉ thi công các dự án kể trên, nếu còn để bom bùn trút vào nhà dân, nhưng thực tế chưa dự án nào bị dừng thi công, mà chỉ tạm dừng, còn người dân vẫn đang sống trong cảnh lo âu, nhất là khi mùa mưa bão đang đến.
Theo TNO
Dự báo thời tiết 30/7: Hà Nội mưa rào, phòng lũ quét ở nhiều tỉnh Hà Nội hôm nay có mưa, mưa rào và dông. Nhiệt độ cao nhất 31 độ C, thấp nhất chỉ còn 24 độ C. Dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục hoạt động mạnh nên hôm qua, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa,...