Người đàn bà mang trái tim quỷ dữ
Phạm nhân Vũ Thị Dung
Hổ còn không nỡ ăn thịt con, vậy mà người đàn bà mang tên Vũ Thị Dung đang ngồi trước mặt tôi đây đã từng nhẫn tâm sát hại chính đứa con của mình.
Có thể thời gian qua đi, nếu nỗ lực cải tạo tốt, phạm nhân này sẽ nhận được sự khoan hồng của Nhà nước. Nhưng tòa án lương tâm sẽ xử Dung cho đến hết cuộc đời…
Giết con để trả thù chồng
Cuộc đời của Dung là một chuỗi dài những ngày tháng buồn. Lúc bạn bè còn tung tăng cắp sách tới trường thì Vũ Thị Dung, quê Nghĩa Hưng, Nam Định, đã vội vã lấy chồng. 16 tuổi trở thành vợ và phải sống cuộc sống của một người trưởng thành. Như một lẽ tự nhiên những đứa con cứ lần lượt ra đời trong khó khăn chồng chất. Đôi vợ chồng trẻ phải gồng mình lên để nuôi 4 đứa con thơ dại. Sự khó khăn này nhiều khi khiến vợ chồng Dung rơi vào bế tắc.
Nhờ có người quen giới thiệu, vợ chồng Dung khăn gói quả mướp, mang theo cả con trai út ra Quảng Ninh bốc sắt vụn thuê cho anh Nguyễn Đức Toàn. Và cũng chính tại nơi đây, mâu thuẫn vợ chồng Dung bắt đầu nảy sinh. Chồng nghi ngờ Dung có quan hệ bất chính với ông chủ xưởng sắt vụn. Dù chỉ là nghi ngờ, song chồng Dung đã chửi bới và đánh đập Dung rất nhiều lần. Sau đó còn mời cả hai bên gia đình gặp nhau, giải quyết chuyện vợ chồng. Anh ta nhất định đòi đuổi Dung về quê.
Sáng 23/3/2004, Dung và con trai út là cháu Nguyễn Văn Tỵ cùng mẹ đẻ bắt xe từ Quảng Ninh về Nam Định. Đến nơi, Dung gọi điện cho chồng về để giải quyết chuyện gia đình. Chồng Dung không những nghi ngờ vợ ngoại tình mà còn nghi ngờ luôn cả đứa con út vừa tròn 2 tuổi không phải là con của anh ta. Quá buồn chán và cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, Dung nảy sinh ý định giết con trai út cho chồng hối hận.
Mẹ đẻ Dung không hề biết ý đồ đó của con gái. Bà không muốn chuyện hôn nhân của con mình đổ vỡ nên nhất mực khuyên con hãy về với chồng, nhưng Dung nhất định không nghe. Dung bảo: “Đến nước này thì còn thiết tha gì. Mẹ cứ cho con ở lại đây. Con không về ở với con người độc ác và ghen tuông vô lối đó nữa đâu”. Thấy phản ứng của Dung quá quyết liệt nên mẹ Dung nghĩ có lẽ nói những lời nhẹ nhàng sẽ không hợp vào lúc này. Bà quyết định dùng những lời nhẫn tâm để khiến Dung thấy tự ái mà trở về nhà. Quả là, những lời nói đó đã phát huy tác dụng. Chỉ một lát sau, Dung lấy xe đạp của mẹ đèo 2 con là Thìn và Tỵ rời nhà mẹ đẻ.
Video đang HOT
Dung đến nhà bạn là chị Nguyễn Thị Dung để trút bầu tâm sự. Sau bữa cơm tối ở nhà bạn, Dung đưa cho mỗi con một viên thuốc ngủ và bảo các cháu uống. Thấy vậy, bạn của Dung hỏi Dung cho con uống thuốc gì thì Dung trả lời là thuốc cảm.
Khoảng 20h cùng ngày, Dung rời nhà bạn chở hai con ra về. Trên đường về nhà, Dung ghé vào một cửa hàng tạp hóa và mua một bao tải dứa. Sau đó đạp xe thẳng ra bến đò Ninh Mỹ thuộc xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng. Tại đây, Dung để cháu Thìn tiếp tục ngủ. Sau đó bế cháu Tỵ thả xuống dòng sông Ninh Mỹ. Cháu bé 2 tuổi chìm dần, chìm dần xuống dòng sông cùng với tảng đá to đã buộc vào cổ.
Xong việc, Dung lên bờ đón cháu Thìn và quay trở lại nhà bạn xin ngủ nhờ. Thấy quần áo Dung bị ướt, bạn của Dung hỏi lý do vì sao thì Dung bảo: “Cãi nhau với chồng, bị chồng đẩy ngã vào nước”. Hỏi tiếp: “Cháu Tỵ đâu?”. “Nó ở nhà với bố”.
Sáng sớm hôm sau Dung trở dậy bắt xe từ Nam Định đi Quảng Ninh, có đưa cháu Thìn đi cùng. Thời gian Dung lên xe cũng là khoảnh khắc có một người đàn ông làm nghề chài lưới đã nhìn thấy xác của con Dung nổi trên bờ sông. 23h cùng ngày, Dung bị bắt tại nhà ông chủ sắt vụn dưới Quảng Ninh. Khi tòa xử, Dung bị kết án chung thân.
Tòa án lương tâm không tha thứ
Sự kiện Vũ Thị Dung ném con xuống sông khiến những người dân chân lấm tay bùn ở Nghĩa Hưng không tài nào hiểu nổi. Họ không lý giải được vì sao một người mẹ lại có thể đang tâm vứt bỏ chính đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau.
7 năm qua Dung ngồi bóc lịch trong nhà giam. Không hiểu quãng thời gian ấy đã đủ dài để một người mẹ vô lương như Dung hiểu được tội ác mà mình gây ra hay chưa. Ngay lúc này đây khi ngồi trước mặt tôi và kể về hành vi phạm tội của mình, Dung đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt ấy không thể gột rửa tội lỗi, cũng không thể tránh cho Dung khỏi tiếng ác muôn đời.
Dung bảo, chính mình cũng không hiểu tại sao khi ấy lại làm như vậy. Cơn tức ngùn ngụt bốc lên, ý định trả thù chồng cứ nung nấu. Và đứa con trai út – một trong những nguyên nhân của mọi nghi ngờ và rạn nứt – Dung nghĩ phải giết nó để nó không còn là cái “gai” trong mắt chồng nữa, và cũng là để cho chồng một phen hối hận. Thế nên Dung làm việc đó giống như một kẻ xa lạ đang ra tay sát hại kẻ thù của mình.
7 năm qua, chưa đêm nào Dung ngủ ngon giấc. Hễ cứ nhắm mắt là gặp ác mộng. Thằng Tỵ rất hay hiện về trong giấc ngủ chập chờn của Dung. “Nhưng mà lạ lắm, chưa một lần nào nó trách mắng em. Mà em cũng chả thấy nó khác xưa tí nào. Vẫn nhỏ xíu, giọng còn ngọng líu ngọng lô. Lúc thì nói đòi em mua kẹo, lúc lại đòi mua quần áo mới”. Bao nhiêu lần Dung ước, giá trong giấc mơ nó hờn trách Dung, có lẽ Dung sẽ thấy thanh thản hơn là cứ nhìn con ngô nghê, nũng nịu mẹ. Mới mấy hôm trước thôi, Dung chiêm bao thấy con mình đang xấp ngửa chạy theo đòi mẹ mua cho quả bóng để đá. Bừng tỉnh dậy, thấy gối mình ướt đẫm. Vẫn luôn là như thế, Dung khóc từ trong tiềm thức. Cái tiềm thức bản năng ấy luôn gào thét chửi bới Dung. Có những lỗi lầm người ta có thể tha thứ được, nhưng có những lỗi lầm dù có trả giá hết cả cuộc đời cũng không bao giờ được tha thứ.
Con chết, Dung mất luôn cả chồng. Chưa đầy 1 năm sau ngày Dung bị bắt, chồng Dung lấy vợ mới. Anh ta cũng đã 2 lần vào trại nơi Dung cải tạo nhưng không phải để thăm mà dụ Dung ký vào giấy bán nhà. Những thứ quý nhất Dung cũng đã mất rồi thì còn gì đâu mà tiếc. Nhà cửa giờ này đâu còn ý nghĩa gì. Dung chấp nhận ký.
Ở trong trại, nếu cố gắng cải tạo tốt, Dung vẫn có thể được giảm án, được đặc xá. Nhưng điều Dung lo sợ nhất là, nếu một ngày Dung được trở về, liệu mọi người có đón nhận Dung không? Các con có tha thứ cho lỗi lầm của mẹ không? Sẽ chẳng có gì đau đớn hơn nếu ngày trở về, những đứa con sẽ không đón nhận mẹ chúng. Dung sợ lắm. Chỉ cần ý nghĩ ấy chợt thoáng qua là tim Dung đau nhói. 7 năm rồi không gặp, giờ Dung cũng không thể mường tượng được xem chúng lớn đến đâu. Cuộc sống không có mẹ chắc chúng đã phải cố gắng rất nhiều.
Biết Dung bị dằn vặt và ám ảnh bởi lỗi lầm của mình nên mẹ Dung luôn gắng viết thư động viên. Thư nào bà cũng khoe các con Dung ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ và nhớ mẹ nhiều. Song Dung chả dám tin, bởi lẽ chúng đều đã lớn. Không biết chúng học có giỏi thật hay không nhưng chí ít thì chúng cũng đọc thông viết thạo. Nếu nhớ Dung thật chúng sẽ viết thư hỏi thăm mẹ chứ. Đằng này bao nhiêu năm rồi chúng có liên lạc với Dung đâu. Dung không trách chúng, mà chỉ lo trong đầu chúng khái niệm về mẹ quá mơ hồ và xa vời.
Trong suốt câu chuyện về mình Dung chỉ khóc. Những tưởng rằng nước mắt chảy dài trong suốt những đêm trường không ngủ giờ đã cạn. Nước mắt liệu có gột rửa được tội ác tày trời mà Dung đã gây ra cho đứa con xấu số? Những gì đã mất không thể lấy lại, nhưng trước mắt Dung còn các con. Dung cần phải cải tạo tốt để trở về tạ lỗi và bù đắp những mất mát cho chúng…
Theo Gia Đình XH
Ám ảnh của kẻ ném con chồng xuống sông
Tiếng gọi chồng khắc khoải của Vũ Thị Duyên Quỳnh được Quỳnh xăm trên tay trong thời gian ở Trại tạm giam Hà Nội.
"Em muốn quỳ xuống chân người mẹ mất con, quỳ xuống mộ đứa trẻ xấu số để tạ tội." Đó là những gì mà Phạm nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh, phạm tội "ném con riêng của chồng xuống sông Hồng vì ghen tuông" trải lòng.
"Hơn 10 năm nay, em bị giày vò bởi nỗi ân hận tột cùng. Mỗi khi đêm về, nhớ nhà, nghĩ đến con gái, em lại muốn khóc mà nước mắt khô rốc trong lòng. Hình ảnh đứa trẻ khóc thét lên trước khi rơi xuống sông Hồng, vẫn từng đêm ùa về ám ảnh em...". Phạm nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh, phạm tội "ném con riêng của chồng xuống sông Hồng vì ghen tuông", trải lòng với chúng tôi sau song sắt.
Vũ Thị Duyên Quỳnh, người đàn bà tự tước quyền làm mẹ của chính mình.
Nỗi giày vò tâm can của người mẹ kế
Trong một căn phòng nhỏ, dùng để tiếp khách của phân trại số 4 - Trại giam số 5, tôi đã ngồi nói chuyện rất lâu với phạm nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh.
Người đàn bà 10 năm trước đã phạm phải tội tày đình. Quỳnh phải lãnh án tử hình vì đã "ném con riêng của chồng xuống sông Hồng vì muốn giành trọn tình cảm của chồng mình". Nhưng trong thời gian ấy, Quỳnh mới sinh con nhỏ nên được hưởng ân xá từ án tử hình xuống án chung thân. Trước khi gặp Quỳnh, Thượng tá Nguyễn Thị Can, Phó Giám thị Trại giam số 5 nói với tôi: "Từ khi về đây cải tạo, Quỳnh không có mấy người đến thăm gặp. Chị ta sống lặng lẽ hơn những người khác, nên bị nhận xét là lì lợm. Nhưng tôi nghĩ, Quỳnh có nỗi khổ riêng, khó cởi lòng trước mọi người".
Quỳnh xuất hiện trước tôi với dáng vẻ mảnh khảnh, nước da ngăm đen, không phấn son trang điểm như nhiều phạm nhân nữ khác ở Trại giam số 5. Cái nhan sắc trời cho ngày xưa không còn giữ được bao nhiêu bởi sức tàn phá của thời gian. "Vì những đêm giày vò quay quắt, nỗi nhớ con, nhớ nhà, em thường thức đêm chị ạ". Một Quỳnh khác hoàn toàn so với hình dung của tôi về mụ dì ghẻ độc ác tột cùng. Chị ta khép nép: "Em chào cán bộ!". Đợi tôi mời ngồi, Quỳnh mới dám khẽ khàng kéo chiếc ghế ra xa chỗ tôi ngồi và nhẹ nhàng trả lời từng câu hỏi. Quỳnh kiệm lời, hỏi gì nói đấy, chỉ đến khi tôi hỏi đứa con của Quỳnh với người chồng cũ, thì phạm nhân này mới khóc.
Chuyện xảy ra năm 1998. Mới sinh con chưa đầy 3 tháng, Quỳnh đã khủng hoảng tinh thần khi không nhận được sự quan tâm của chồng. Mối nghi hoặc, ghen tuông, bệnh hoạn đã biến chị ta thành mụ dì ghẻ độc ác đến rợn người. Hàng ngày thấy chồng tỏ ý quan tâm chăm sóc đứa con gái riêng mới 4 tuổi, lòng Quỳnh sục sôi cảm giác đố kỵ, ghen ghét. Ả thoắt trở nên khó hiểu, lầm lì và nung nấu một âm mưu độc ác khủng khiếp.
Một buổi chiều, Quỳnh nhờ người trông con, sau đó ả bình tĩnh dắt xe ra ngoài, rủ con của chồng "đi chơi", rồi ả chở thẳng cô bé lên cầu Thăng Long. Đến giữa cầu, ả trực tiếp ném đứa bé vô tội xuống sông Hồng. Dòng sông ngầu đỏ phù sa ấy đã vô tình cuốn theo một đứa trẻ vô tội... Tiếng thét cuối cùng của đứa bé đã hằn sâu trong óc ả.
Tôi hỏi: "Điều gì khiến Quỳnh sợ nhất trong 12 năm qua?". Quỳnh cúi xuống nhìn trân trân vào đôi chân trần dưới nền gạch bóng nhoáng. Ả đáp: "Em ân hận, em bị giày vò... Và điều khiến cho em phải chịu đựng lớn nhất là phải sống xa con em. Em tước đi con của người khác mà không nghĩ được rằng, phải xa con, chính là nỗi đau lớn nhất đời của mỗi người mẹ. Giờ thì em đang phải chịu đựng và trả giá".
Tôi nhìn kỹ gương mặt của Quỳnh. Thời gian in hằn trên đôi mắt nâu to tròn và cái nhìn ngơ ngác. Không thể ngờ kẻ có gương mặt khá khả ái này lại có cái tâm độc ác như thế. Quỳnh kể: "Tội ác của em không thể nào dung thứ được, nên em không trông chờ sự tha thứ của mọi người. Vì có con dưới 36 tháng tuổi, nên em mới được tha tội chết, nhưng em lại nghĩ, trời bắt em sống để em phải trả nợ đời".
Tôi nhớ ngày xử Quỳnh tại Hà Nội, phòng xét xử không đủ để cho tất cả những người quan tâm tham dự, toà án đã phải mắc loa ngoài đường Hai Bà Trưng để đông đảo quần chúng được nghe những diễn biến. Khi tuyên án tử hình Quỳnh, chiếc xe tù chở ả về trại giam Hỏa Lò rời sân tòa án, nhưng tiếng la ó, nguyền rủa của mọi người vẫn không thôi.
Hơn 10 năm, Quỳnh xuất hiện trước tôi, mắt tràn nước, đôi tay đan vào nhau bối rối. Bàn tay phải của Quỳnh xăm chữ "Định ơi!". Vết mực xăm đã cũ, Quỳnh giải thích thêm: "Em xăm hồi mới bị bắt. để nhớ rằng em đang ôm một mối hận lớn trong lòng. Vì ai? Bởi lẽ gì? Em muốn giữ cho riêng mình thôi, xin phép chị, em không nói ra được". Thấy tôi dừng lại, nhìn rất lâu vào gương mặt mình, cái nhìn chân thành, chia sẻ, Quỳnh kể tiếp: "Em khắc tên chồng, sợ để khi chết nhỡ không kịp gọi tên anh ấy. Xét cho cùng, dù em là người gây ra tội ác nhưng cũng vì một chữ yêu, chữ ghen, cũng vì anh ấy mà em đã từng tuyệt vọng. Em cũng giống như bao người đàn bà khác, muốn được đáp lại tình yêu như là mình đã dành cho họ. Nhưng tình yêu chính là nguyên nhân đẩy em đến bờ vực của tội ác. Khi chết, em chẳng mang theo được gì, chỉ ôm một mối hận lớn trong lòng, hận đời và hận chính mình".
Gần 10 năm nay, chồng Quỳnh không đến thăm. "Anh ấy lấy vợ khác rồi chị ạ". Quỳnh cúi đầu, vài giọt nước mắt rơi xuống. Năm 2003, có một lần duy nhất Định đưa con gái Quỳnh đến thăm mẹ trong trại giam. Từ đó đến nay, không bao giờ ả được gặp con nữa. Nghe nói Định đã lấy vợ, đã sinh con... và con gái Quỳnh được sống trong vòng tay của người phụ nữ gọi là "vợ của Định". Hình phạt lớn nhất đối với Quỳnh là chỉ được ngắm con qua ảnh. Ả không dám đòi hỏi hơn thế, vì ả biết tội ác của ả đã gây ra không xứng đáng để được gọi là mẹ. "Hình như nhà chồng em không muốn cho cháu gặp em nữa, em có linh cảm như vậy?"- Quỳnh cúi xuống lặng lẽ khóc.
Thoát chết nhờ con
Quỳnh lau nước mắt rồi kể tiếp: "Không ngờ, chính đứa con bé bỏng mà em đã sinh ra, lại đã trở thành người cứu mạng em". Khi Quỳnh đang chờ thi hành án tử hình, thì Nghị quyết 32/1999/QH10 của Quốc hội ra đời. Theo đó, pháp luật quy định: Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Năm 2000, Vũ Thị Duyên Quỳnh được chuyển từ Trại tạm giam Hà Nội tới Trại giam số 5 để chấp hành bản án tù chung thân. Năm 2009, do cải tạo tốt, Quỳnh được giảm án xuống 20 năm. Đầu năm 2010, Quỳnh được xét giảm thêm 9 tháng tù. Hi vọng được trở về xã hội vẫn còn, nếu như Quỳnh cải tạo tốt. Nhưng Định đã gửi thư thuyết phục Quỳnh ký vào đơn li hôn. Định cần một người phụ nữ có thể chăm sóc con cái. Anh tha thứ cho Quỳnh và hiểu được lí do phạm tội của ả, có phần lỗi của anh. Quỳnh ký ngay vào lá đơn chồng gửi đến trại, dù trái tim vẫn còn thổn thức gọi tên anh. "Án của em quá dài, em tôn trọng quyết định của anh. Nhưng em từng rơi vào tâm trạng bi quan, chán nản, thậm chí phá phách, gây gổ đánh nhau với phạm nhân trong buồng giam. Em từng muốn chết".
Tôi chia tay Quỳnh và nhớ mãi nụ cười chua chát, ả nói về tương lai: "Em cũng chẳng nghĩ gì nhiều nữa. Ở trong này, nghĩ nhiều cũng chỉ đến thế thôi, không giải quyết được gì. Giờ em chỉ phấn đấu cải tạo tốt để được trở về sớm. Em muốn quỳ xuống chân người mẹ mất con, quỳ xuống mộ đứa trẻ xấu số để tạ tội. Và em sẽ gặp con gái, chắc khi đó nó đã thành thiếu nữ xinh đẹp? Sẽ xin con tha thứ và chấp nhận em, cho con đọc những lá thư em viết đi cho nó mà không dám gửi vì mặc cảm tội lỗi. Khi biết đứng lên sau vấp ngã, biết gượng dậy mà sống tốt hơn. Em muốn chuộc lại những lỗi lầm bằng sự ân hận, cầu tiến... Có lẽ em sẽ đủ tự tin để cho con mình biết: "Mẹ đã trở về từ cõi chết nhờ con. Mẹ khao khát được sống lương thiện, mong một ngày nhìn thấy con trưởng thành, hãy tha thứ cho người me tội đồ này con ơi!".
Người đàn bà từng lãnh án tử hình
Tôi có dịp đến trại giam số 5 (Thanh Hóa), dự ngày hội "Tiếng hát tình đời" của các phạm nhân cách đây không lâu. Tôi được "mục sở thị" quãng đời còn lại của những "nữ tặc" từng làm rúng động dư luận bởi tội ác mà họ đã gây ra cho gia đình - xã hội.
Thượng tá Phạm Văn Thân, (Tổng cục 8 - Bộ Công an) đã có gần 20 năm cống hiến sức lực, trí tuệ cho "sự nghiệp giáo dục phạm nhân" từng nói: "Trại giam là một thế giới thu nhỏ, ở đây mọi chuyện xảy ra như ngoài xã hội mà ta đang sống. Nhưng phạm nhân thì đặc biệt hơn chúng ta, họ bị giới hạn quyền tự do. Vì vậy, họ không giúp được ai khác, ngoài việc giúp chính mình thay đổi, nhận thức, sám hối lại quá khứ lỗi lầm. Qua đó, họ buộc phải tự điều chỉnh lại tất cả mọi hành vi, tư duy và lối sống sao cho phù hợp. Giáo dục một người tử tế đã khó, uốn nắn một người từng được xem như "hàng phế phẩm" của xã hội, còn khó hơn bội phần. Để "đánh thức" những tâm hồn trai sạn, u mê, không có cách nào tốt hơn là dùng cái Tâm thiện để cảm hóa họ" - Tôi được kiểm chứng những điều Thượng tá Thân đã nói, thông qua số phận của những phạm nhân mang trọng tội ở trại giam này.
Phạm nhân Tạ Thị Hiển đang chăm sóc các phạm nhân khác.
Hẳn mọi người chưa quên những cái tên như Lã Thị Kim Oanh, từng bị tòa án Hà Nội tuyên phạt bản án tử hình về tội "tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "cố ý làm trái", tổng hợp hình phạt là tử hình vào năm 2003. Oanh bị phạt bồi thường cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp số tiền chiếm đoạt là gần 71,4 tỉ đồng và 92.659 USD; bồi thường gần 30,4 tỉ đồng và 3.000 USD nữa về hành vi cố ý làm trái. Bản án liên quan đến Oanh, dày cả trăm trang, buộc tội 2 vị thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thời đó, cùng nhiều cán bộ thuộc quyền của Lã Thị. Một thời gian sau, Lã Thị Kim Oanh đã làm đơn đề nghị Chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn của Oanh tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét trường hợp tử tù Lã Thị Kim Oanh.
Trên cơ sở quy định của luật pháp và xem xét nhân thân, hoàn cảnh gia đình của tử tù này, hai cơ quan tố tụng đã thống nhất đề nghị Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho Lã Thị Kim Oanh. Thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định ân giảm cho phạm nhân Lã Thị Kim Oanh từ hình phạt tử hình xuống mức án chung thân.
Thoát chết sau 1 năm bị cùm chân, nằm chờ chết trong phòng biệt giam, Oanh bộc bạch: "Tôi như sống lại một kiếp khác. Kiếp này chắc chắn sẽ trở thành người tử tế, bằng giá nào cũng không hám lợi mà phạm tội...". Và Oanh đã phải bán tài sản của gia đình để bồi hoàn những thất thoát đã gây ra cho xã hội. Trong khoảng thời gian được đưa về Trại giam số 5 để cải tạo, Lã Thị Kim Oanh đã trở nên khác hẳn. Với nỗi ân hận từ thẳm sâu tâm hồn, người đàn bà từng "hét ra lửa" này bây giờ đã trở thành một "bà lão thợ may" hết sức khéo léo sau song sắt nhà tù.
Cùng phân trại với Lã Thị Kim Oanh, là phạm nhân Tạ Thị Hiển cũng thoát chết nhờ chính sách nhân đạo của Nhà nước. Sau khi bị kết án án tử hình về tội "buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy" Tạ Thị Hiển đã trở về sau những tháng ngày rong ruổi đi đến ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc sống. Tạ Thị Hiển tâm sự: "Đứng trước việc cái chết treo lơ lửng trên đầu, không biết mình ra đi lúc nào, tôi như người bị rút hết năng lượng. Bật khóc và sợ hãi tột đỉnh, mỗi khi có tiếng bước chân, tiếng cánh cửa sắt mở ra và mọi người đi đến buồng giam, mở cửa lấy tử tù đi... trả án. Khi ấy chỉ cần biết mình có hy vọng được sống sót, dù là tia hi vọng mỏng mang, tôi cũng phải bấu víu vào đó. Khát khao sống lại, khát khao thoát khỏi chiếc cùm sắt đen đúa dưới chân mình, đến giờ nhớ lại tôi vẫn run lên và ám ảnh kinh hoàng. Ngày tôi viết thư gửi Chủ tịch nước, xin được hưởng ân xá, tôi đã nín thở và thức trắng nhiều đêm liền để chờ đợi. Rồi khoảnh khắc được nhận đặc ân ấy, trở thành là khoảnh khắc hạnh phúc nhất, sung sướng nhất của đời tôi".
Kể từ khi được sống, đưa về trại cải giam số 5 cải tạo. Tạ Thị Hiển cũng đã trở thành một người hoàn toàn khác. Giã từ biệt danh "người đàn bà gieo cái chết trắng", Hiển đã luôn nỗ lực phấn đấu hết mình trong các phong trào thi đua, cải tạo dành cho các phạm nhân Trại giam số 5. Bên lề sân khấu "Tiếng hát tình đời" của các phạm nhân, tôi trò chuyện với Hiển, khi đôi tay chị thoăn thoắt chải đầu, bới tóc, trang điểm cho các chị em phạm nhân sắp lên sân khấu biểu diễn. Quan sát từ xa cái vẻ bận rộn tận tụy của Tạ Thị Hiển, Lã Thị Kim Oanh... chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Như Hiển từng nói: "Trong tù, các chị em không bao giờ hỏi về án tích của nhau, mỗi người một tính cách khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh gia đình khác nhau... nhưng ở môi trường này, tốt hơn cả là nên sống cho tử tế".
Theo Gia Đình XH
Bệnh nhân chết vì bác sỹ tắc trách? Đơn khiếu kiện của gia đình nạn nhân. Mấy ngày qua dư luận đang xôn xao về việc một bệnh nhân bị chết tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) do sự tắc trách từ phía bệnh viện. Còn người nhà bệnh nhân thì bức xúc cho...