Người chôn vùi tuổi thanh xuân vì trẻ em ở huyện nghèo nhất nước
Có những thầy cô chấp nhận ở vùng cao 10-20 năm, đi khắp các bản khó khăn nhất của Mường Lát, Thanh Hóa, nhiều lần suýt bỏ mạng sống, chôn vùi cả tuổi thanh xuân, chỉ để gieo chữ cho trẻ nhỏ.
Hơn 20 năm qua, thầy Đỗ Văn Nhất (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), giáo viên trường Tiểu học Trung Lý 1 (bản Suối Tung, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa), vẫn chưa quên được ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ lên một trong những bản nghèo nhất nước để dạy chữ cho học trò.
Đó là năm 2001, những vùng khó khăn nhất của Mường Lát như Pa Púa, Tà Cóm, Cá Ráng, Sài Khao, Ón… còn thiếu giáo viên trầm trọng. Thời gian đầu, thầy Nhất tình nguyện xung phong đi vùng xa, khó khăn nhất. Điểm trường đầu tiên ông đến là Pa Púa. Ngày đó, không có đường đi, từ trung tâm của xã Trung Lý, thầy phải đi bộ một ngày mới đến được chân núi Pa Púa.
“Làm gì có đường, đó là những con suối, dốc dựng đứng đá lởm chởm. Chúng tôi đi một đoàn mấy người lên nhận công tác. Thầy giáo thì dắt tay cô giáo. Có những đoạn suối nước dâng lên ngực, chỉ cần sơ suất trượt chân là cả người lẫn đồ trôi theo dòng suối luôn”, thầy Nhất kể.
Đi từ trung tâm xã từ lúc trời còn chưa sáng rõ, đến 19h, thầy cô mới đến chân núi Pa Púa. Đường từ trung tâm xã vào chân núi đã khó đi, vượt từ chân núi lên đến đỉnh là cả một kỳ tích. “Những người gieo chữ” phải túm cây theo kiểu leo dây để đu lên.
“Khoảng nửa đêm thì lên đến nơi, nghĩ đến quãng đường đã vượt qua vẫn không hết rùng mình”, thầy Nhất nhớ lại.
Quang cảnh ngôi trường nơi thầy Nhất sinh sống và làm việc
Con đường dẫn vào bản Suối Tung
Đoạn đường học sinh hàng ngày đi qua bị sạt lở hồi năm ngoái, để lại con đường nhỏ, chông chênh nhiều đá mạt.
Học sinh đến trường sớm dọn vệ sinh và lau bảng, chuẩn bị một ngày học bắt đầu.Không có phòng học, giáo viên phải dạy ghép 2 lớp
Sau này, cứ vài năm, thầy Nhất lại được luân chuyển đi bản khó khăn khác. Ngay cả Tà Cóm, bản xa nhất của xã với quãng đường rừng hơn 54 km, thầy Nhất cũng đã đặt chân tới. Mỗi bản có những khó khăn không giống nhau nhưng nói về cung đường để đến được với học trò thì gian nan, khổ như nhau.
Hơn hai chục năm công tác, duy nhất một lần, thầy giáo này được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm, thầy được về với gia đình 2 lần vào dịp hè và Tết.
“Mấy chục năm công tác, vợ vẫn đều đặn viết thư lên cho mình. Những năm trước, thư vợ gửi 2 tháng mới đến được tay. Lúc mình nhận được, thư cũng nhàu mất rồi vì cứ gửi qua người này, người khác”, thầy Nhất tâm sự.
Những năm gần đây, cuộc sống ở bản đã đỡ hơn. Điện được lấy từ máy phát điện lưới nhỏ đặt ở suối, nhưng nguồn điện yếu và chập chờn. Sóng điện thoại cũng có nhưng chập chờn, phải để nguyên một ví trí, riêng mạng 3G thì hoàn toàn không có, phải đi ra ngoài bản mới bắt được.
Thầy Nhất miệt mài với việc dạy chữ cho học sinh vùng cao. Dạy lớp ghép gặp nhiều khó khăn, nam giáo viên nói mình đã quá quen với điều đó.
Video đang HOT
Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thầy giáo và học sinh nơi đây vẫn nỗ lực khắc phục, vượt qua.
Nhiều đứa trẻ chưa đến tuổi đi học thường đứng ngoài của sổ nhìn vào lớp xem anh chị mình ôn bài.20 năm đều đặn đến lớp dạy chữ cho trẻ vùng cao
20 năm qua, dù nắng hay mưa, thầy Nhất đều lên lớp. Với tình yêu học trò, nam giáo viên coi chúng như con em mình. Thầy kể đồng bào ở đây vẫn xem chuyện học là thừa vì nó không mang lại cái ăn. Thế nên, lũ trẻ cũng ít đứa thiết tha với con chữ. Mỗi lần đến đầu năm học, các thầy cô lại lặn lội vào từng nhà vận động cho các con đến trường. Đường đi đã khó, “đường” đến với học trò còn khó hơn.
Học trò nơi đây không biết nhiều tiếng Kinh nên những năm đầu, giáo viên phải vừa học tiếng Mông vừa học phương pháp dạy. Ngày nào thầy trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, con số, cứ tiếng H’Mông và tiếng Kinh đan xen nhau.
Giáo án soạn cũng chỉ là những bài giảng thông thường và đơn giản nhất. Thầy Nhất bảo làm sao để các con nghe lời đã khó, chứ chưa nói dạy thế nào chúng có thể hiểu.
Dần dần, giáo viên cũng quen và chấp nhận những thiếu sót của học trò, rồi lại nỗ lực nhiều hơn để tìm cách dạy sao cho phù hợp. Không những vậy, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến các thầy cô đều phải dạy lớp ghép. Thầy Nhất kiêm 2 lớp (3 và 4) trong cùng một thời gian. Vì thế, ông cứ quay sang lớp này hướng dẫn bài cho học sinh, rồi lại tất bật chạy sang lớp kia.
Nhiều đứa trẻ lại chọn cho mình những khu vực vui chơi khác.
Khoảng giờ giải lao là lúc chúng được chơi thỏa thích nhất.
Vào thứ ba và năm, các em lại được nhà tài trợ “Cơm có thịt” cho ăn hai bữa trưa tại trường. Tranh thủ lúc giải lao, thầy Nhất vào bếp nấu cơm trưa cho học trò.
Khoảng 11h, hai lớp tan học, thầy Nhất tự tay chia cơm cho các em. Nhiều em nhà nghèo không có tiền mua cặp lồng, đành lấy lá chuối đựng thức ăn.
Học sinh ở đây rất ngoan, lễ phép. Cái khó đối với thầy Nhất là nhiều em đến trường còn chưa biết tiếng Kinh nên dạy học rất khó khăn.
Vào thứ ba và năm, các em lại được nhà tài trợ “Cơm có thịt” cho ăn hai bữa trưa tại trường. Đó cũng là những lúc thầy tất bật vào bếp nấu ăn cho đám trẻ. Thầy Nhất còn dạy miễn phí cho các em hai buổi nằm ngoài khung chương trình của trường.
“Nhiều giáo viên đã bỏ cuộc, nhưng mình nghĩ nếu cũng làm vậy thì lũ học trò biết phải làm sao? Cứ nhìn thấy mặt mũi lấm lem của chúng, trời lạnh căm căm chỉ một manh áo mỏng đến trường, hay những hôm các em nhịn đói đi học, tình thương lại lấn át tất cả”, thầy Nhất chia sẻ.
Thầy Nhất coi học sinh như con em của mình. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, nam giáo viên còn cắt tóc, tắm hay đưa các em qua những đoạn đường khó để về nhà.
Sau một ngày ở tại trường, các em học sinh trở về nhà với bố mẹ.
Sóng di động ở đây rất kém, có khi không có, nên thầy giáo thường xuyên phải đặt điện thoại ở vị trí cố định để “chờ sóng”.
Thầy Nhất phải đi ra ngoài bản mới có sóng 3G. Đêm nào cũng vậy, giáo viên này đều gọi điện thoại cho người thân ở nhà.
Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không cho con đến trường, thầy đến tận nơi vận động.
Một góc bàn làm việc của thầy Nhất.
Nếu không có trái tim yêu thương và tràn đầy nhiệt huyết, có lẽ, thầy cô đã không cắm bản ngày đêm, mang con chữ đến học trò vùng cao. Bình minh lên, một ngày mới bắt đầu, thầy cô lại trở về với công việc “trồng người” nơi vùng biên của Tổ quốc.
Huyện Mường Lát có 8 xã và một thị trấn, với 37.000 nhân khẩu. Trong đó, hơn 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay, Mường Lát vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo trên 61%; 27 thôn, bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Những năm qua, hệ thống đường giao thông ở Mường Lát được đầu tư mạnh mẽ. Từ trung tâm huyện đã có đường ôtô tới các xã, còn hệ thống đường liên xã, liên thôn vẫn rất khó khăn.
Việc phát triển kinh tế ở Mường Lát, từ nhiều năm nay, vẫn là bài toán nan giải. Hiện tại, bình quân thu nhập đầu người của huyện chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 61%. Đụng đâu vướng đó là hiện trạng công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Mường Lát.
Ngô Nhung
Theo Zing
Thêm một điểm trường khang trang dành cho học sinh vùng cao
Sáng 19/5, Ban điều hành dự án "Vì trẻ em vùng cao" phối hợp với UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã tổ chức lễ khánh thành 5 phòng học tại điểm trường bản Ngàm (xã Tam Thanh, Quan Sơn).
Sau 2 tháng thi công, điểm trường mầm non bản Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) do nhóm thiện nguyện " Vì trẻ em vùng cao" khởi động tại đã hoàn thành. Điểm trường có diện tích 200 m2, gồm 5 phòng học cho các em nhỏ có tổng giá trị gần 400 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền đều do nhóm thiện nguyện quyên góp, vận động từ các nhà hảo tâm cùng chung tay để tiến hành xây dựng. Công trình sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu, giúp gần 90 em học sinh mầm non được học tập trong những phòng học mới khang trang, kiên cố.
Nhóm thiện nguyện làm lễ khánh thành điểm trường mới.
Giữa tháng 3/2019, công trình lớp học lắp ghép tại điểm trường bản Ngàm được khởi công xây dựng. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo việc dạy và học của thầy và trò tại điểm trường, không chỉ cán bộ, giáo viên, mà người dân trong bản cũng góp sức, hỗ trợ vận chuyển vật liệu từ trung tâm xã lên điểm trường, đổ đất làm nền, hỗ trợ lắp ghép phòng học.
"Biết điểm trường được đầu tư nâng cấp, con em có cơ hội được học tập và sinh hoạt trong môi trường mới, dân bản Ngàm ai cũng phấn khởi. Chúng tôi bảo nhau góp công lao động, chung sức để sớm hoàn thiện điểm trường", một phụ huynh học sinh nói.
Anh Lê Đình Oanh - Đại diện dự án "Vì trẻ em vùng cao" chia sẻ: Giữa cái nắng hanh hao những ngày giữa tháng 5, nhìn cô trò vùng cao với niềm vui giản đơn là được học trong lớp học kiên cố, với đầy đủ bàn ghế và đồ dùng học tập, chúng tôi cũng không khỏi vui mừng. Lớp học mới không chỉ tạo điều kiện dạy và học mà còn là một nguồn động viên lớn lao để cô trò nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này tiếp tục bám lớp, bám trường, vượt khó ươm lên những mầm xanh tương lai.
Nhân dịp này, từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, dự án cũng đã trao tặng điểm trường 36 bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ bàn ghế giáo viên, 20 bình lọc nước, trang thiết bị dạy, học, đồ chơi và dụng cụ nấu ăn bán trú như tủ lạnh, bếp gas, nồi cơm điện, máy xay, bát đũa... Tổng giá trị là 70 triệu đồng.
Nhiều phần quà thiết thực được chuyển đến các em học sinh vùng cao.
Các em học sinh đã được học tập trong điểm trường mới khang trang.
Được biết, đây là công trình xây trường thứ 5 mà dự án "Vì trẻ em vùng cao" đã thực hiện thành công, hướng tới học sinh ở khu vực vùng cao, khó khăn của các huyện miền núi, vùng cao Thanh Hóa.
Trước đó, trong năm 2016, dự án "Vì trẻ em vùng cao" đã huy động hơn 400 triệu đồng xây dựng 3 phòng học tại bản Ón (xã Tam Chung, huyện Mường Lát). Tháng 1/2018, bàn giao 6 phòng học ở bản Cơn (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh); bàn giao điểm trường bản Vui (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa). Tháng 1/2019, dự án khánh thành 2 phòng học tại điểm trường bản Lốc Há (xã Nhi Sơn, Mường Lát).
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, dự án sẽ tiếp tục khảo sát trên địa bàn các huyện vùng cao Thanh Hóa để xây mới những phòng học khang trang, kiến cố cho các em học sinh, góp phần xóa bỏ phòng học tranh tre nứa lá trên địa bàn các huyện miền núi xứ Thanh.
Theo congly
Đề xuất tăng tuổi hưu, nữ giáo viên U60 cắm bản đi dạy thế nào? Vùng cao, vùng sâu, vùng xa đường đi lại khó khăn, các giáo viên trẻ còn vất vả mới có thể vào đến điểm trường dạy thì những giáo viên nữ ở độ tuổi 60 sẽ đi dạy thế nào? Tôi có biết về đề xuất tăng thêm 2 năm từ 60 lên 62 tuổi đối với lao động nam và tăng 5...