Người cắm choái
GS-NGND Lê Trí Viễn là người cắm choái không chỉ của gia đình – dòng họ – quê hương mà còn là người nâng bước, dẫn dắt nhiều thế hệ trí thức nước ta
Từ thực tế cuộc sống ngàn đời qua ở đất nước thuần nông lạc hậu, ông bà ta nhận thức rằng loài thân cỏ mềm bò lan dưới đất, trâu giẫm cũng chết, gà vịt đạp cũng chết, khó ngóc đầu lên được nhưng nếu ai đó vô tình hoặc cố ý cắm xuống một cây choái thì loài thân cỏ mềm ấy sẽ có điều kiện vươn lên trời cao. Từ suy nghĩ ấy, người dân đất Quảng cố gắng cho con đến trường.
Được cả gia đình đầu tư công sức
Ngày trước, người dân quê tôi có quan niệm “nhiều con hơn nhiều của” nên ai cũng mong con cháu đầy đàn, do đó không có mấy gia đình chỉ một hoặc hai con như bây giờ. Và trong đàn con ấy, ai có khả năng học được thì cả nhà đầu tư công sức với hy vọng trở thành người cắm choái cho gia đình, dòng họ, thậm chí cho cả xóm làng. GS-NGND Lê Trí Viễn (1918 – 2012) là người cắm choái của dòng họ Lê Trí ở làng Bàu Đông, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thầy Lê Trí Viễn sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nho có 9 người con mà thầy là con út. Sau khi thi đỗ tiểu học Trường Pháp – Việt, thầy tự học thi đỗ Thành chung, rồi tốt nghiệp sư phạm cấp 1. Trong thời gian dạy ở Trường Tiểu học Bảo An (thị xã Điện Bàn), thầy học thêm chữ Nho với thầy dạy chữ Nho ở Hội An, mỗi tuần lên đứng lớp một buổi. Tiếng Anh, thầy học với ông mục sư trong làng. Vì muốn có đủ kiến thức để làm văn nghệ như anh em trong nhóm Tự lực Văn đoàn, thầy làm ông giáo làng được 4 năm, rồi xin làm giám thị Trường Trung học Khải Định, Huế (sau là Trường Quốc học) nhằm có điều kiện học lóm. Khi thầy giáo giảng bài trong lớp, thầy đứng ngoài hành lang lắng nghe và ghi chép. Chỗ nào không hiểu thì tìm cơ hội thuận tiện hỏi lại thầy. Kiểu học như thế mà kỳ thi tú tài năm 1945, thí sinh tự do Lê Trí Viễn đỗ hạng ưu.
GS-NGND Lê Trí Viễn. (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)
Sau Cách mạng Tháng Tám, thầy tham gia giảng dạy cấp 2, cấp 3 rồi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Chuyên khoa Lê Khiết của Liên khu V, đóng tại Quảng Ngãi. Thời gian này, thầy đã biên soạn cuốn “Việt Nam Văn học sử thời đại Lê Mạt – Nguyễn sơ” (NXB Tinh Tiến, Liên khu V, 1951). Đây là cuốn văn học sử về một giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam thời trung đại được viết theo quan điểm Marxist đầu tiên dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm học 1955-1956, thầy bắt đầu dạy bậc dự bị đại học, rồi đại học. Học trò các bậc học mà thầy trực tiếp giảng dạy, sau này trở thành “lương đống quốc gia”, như: GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Tài Cẩn, GS Nguyễn Đức Nam, GS Bùi Văn Nguyên, GS Nguyễn Đình Tứ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương… Do đó, gọi GS-NGND Lê Trí Viễn là thầy của những bậc thầy không có gì sai.
Có một niềm vui nho nhỏ trong cuộc đời dạy học của thầy, ít có người nhắc, dẫu niềm vui ấy không phải ai đi dạy cũng có. Đó là giáo trình “Một số vấn đề Lịch sử Văn học Việt Nam” của thầy được Trường ĐH Bắc Kinh xuất bản năm 1961, khi thầy giảng dạy bên ấy (Khoa Ngôn ngữ Đông phương). Tôi nghĩ chắc thầy là cán bộ giảng dạy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có được niềm vui đó. Và thầy trở thành cây choái điển hình cho gia đình, cho dòng họ, cho cả làng, cả tổng…
Video đang HOT
Thầy có 4 người con: Lê Hoài Tiên (SN 1942) – tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao; Lê Phi Thúy (SN 1954) – học đại học ở Hungary, là TS hóa học, sau khi nghỉ hưu làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM); Lê Lưu Oanh (SN 1956) – PGS-TS-NGƯT, cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Lê Hoa Quy (SN 1961) – kỹ sư điện tử, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt (Vitek). Thầy có 5 người cháu, trong đó hiện đã 3 người có học vị sau đại học.
Để lại dấu ấn khó phai
Con người anh của thầy là Lê Trí Tập (SN 1939), kỹ sư thủy lợi, từ cán bộ thiết kế của Ty Thủy lợi Quảng Đà, từng bước được tín nhiệm và bổ nhiệm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Thủy lợi Quảng Nam – Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách ra thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Tác giả bài viết (bìa trái) và GS-NGND Lê Trí Viễn. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Trong thời gian làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Tập để lại dấu ấn khó phai trong lòng nhân dân địa phương khi cơn lũ đầu tháng 12-1999 tràn về, đe dọa tính mạng hàng chục ngàn dân ở TP Tam Kỳ và huyện Thăng Bình, bởi mưa xối xả không ngớt khiến công trình hồ Phú Ninh có nguy cơ vỡ đập. Tốc độ xả lũ 1.000 m3/giây hầu như không ăn thua gì với tốc độ nước dâng trong đập. Chỉ cần mưa thêm khoảng 40 mm, nước sẽ tràn qua và phá vỡ mặt đập.
Nguy cơ vỡ đập đã làm cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ấy đứng ngồi không yên, gọi điện thoại động viên và chỉ đạo đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng Ban Phòng chống lụt bão trung ương Lê Huy Ngọ dẫn đầu đoàn công tác có mặt ngay tại hiện trường. Nhưng trước mực nước ngày càng tăng, không ai có phương án khả thi nào. Một khối nước 300-400 triệu m3 ngay lập tức từ độ cao 30 m sẽ đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Cả đời gắn bó với công tác thủy lợi, ông Lê Trí Tập đã hình dung trong đầu phương án của riêng mình không lâu trước khi đoàn công tác của trung ương đến là nâng cao mặt đập. Nhưng ngặt một nỗi, cao trình mặt đập là con số của thiết kế, có tính pháp lệnh, thay đổi cao trình là vi phạm pháp lệnh. Dù có dũng cảm thay đổi cao trình mà mưa vẫn tiếp tục thì đại thảm họa vẫn cứ xảy ra.
Những người trong cuộc kể lại, ông Tập phát biểu với đoàn công tác: “Mục đích cao nhất là cứu dân. Nếu để nước tràn đập hoặc phá đập lúc nửa đêm, số người chết sẽ rất kinh khủng. Nếu không có đoàn công tác của Chính phủ, tôi sẽ là người quyết định. Nhưng đã có đoàn ở đây, chúng tôi xin trung ương cho quyết định: Nâng cao trình mặt đập lên thêm 30 cm để kéo dài thời gian tràn đập nhằm cứu dân. Nếu nâng cao trình mặt đập lên thành 35,3 m, hồ Phú Ninh sẽ đủ sức chứa thêm 17,3 triệu m3 nước, đủ để trì hoãn việc tràn đập đến tận sáng, thay vì nửa đêm như với cao trình hiện tại. Vỡ đập vào ban ngày, việc sơ tán, cứu dân chắc chắn hiệu quả hơn, giảm thiểu tổn thất”.
Trước ý kiến của ông, đoàn công tác không quyết được, phải xin ý kiến trung ương. Qua điện đàm với Tổng Bí thư, ông Lê Trí Tập xin nhận mọi trách nhiệm về mình. Mục đích chính là cứu dân. Nếu vỡ đập, ông là người đầu tiên bị cuốn cùng cơn lũ. Cuối cùng, phương án “sửa thiết kế” của ông Tập được đoàn công tác ủng hộ. Với cương vị chủ tịch tỉnh, ông điều ngay trung đoàn bộ đội gần đó đến hiện trường; xe ủi, xe xúc, bao đất tập kết tức thì. Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác đội mưa động viên, theo dõi tiến độ và sẵn sàng đón nhận việc bị cuốn trôi đầu tiên, nếu đập vỡ.
Nửa đêm, công việc nâng cao trình hoàn tất. Cơn lũ đi qua…!
Sau lũ, ông Lê Trí Tập được thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, ai nấy đều đồng tình và thấy xứng đáng. Nhưng phần thưởng xứng đáng nhất là nhân dân địa phương xem ông như vị tôn thần.
Con trai ông Lê Trí Tập là Lê Trí Thanh (SN 1970), tốt nghiệp Trường ĐH Ngân hàng, hiện là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhiệm kỳ 2015-2020.
Những việc vừa kể phải chăng có ảnh hưởng “tinh thần Lê Trí Viễn”? Tôi tin như thế, bởi đứng trên vai người khổng lồ, bình thường có thể ném xa. Cần phải học tập những người đi trước, kể cả những người quanh ta nhưng điều quan trọng là biết vạch ra con đường riêng của mình, nếu không sẽ trở thành cái bóng của người khác. Và từ “tinh thần Lê Trí Viễn”, chúng ta đều thấy được điều đó.
Mỗi người đều có con đường đi của mình, song có thể thực hiện được thì không nhiều lắm, bởi không chỉ phải có dũng khí mà còn phải có lòng kiên trì, không để bị ngoại cảnh ảnh hưởng, cũng như không nên quá để ý đến ánh mắt của người khác, giữ được tâm bất bại mới là kiên cường, mới đạt đến đích mà mình mong muốn. Mà nếu không có người cắm choái thì phải mất khá nhiều thời gian để vươn lên bởi đâu phải ai sinh ra cũng được ngậm muỗng vàng, muỗng bạc.
GS-NGND Lê Trí Viễn rõ ràng không chỉ là người cắm choái của gia đình ông, dòng họ ông, quê hương ông mà còn là người nâng tầm, dẫn dắt nhiều thế hệ trí thức của đất nước này.
Năm 1980, thầy Lê Trí Viễn được phong chức danh giáo sư; năm 1990 được phong tặng danh hiệu NGND; năm 2012 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ.
Theo nguoilaodong
Tặng 1.000 cuốn sách 'Xin được nói thẳng' nhân năm học mới
Cuốn sách "Xin được nói thẳng" là tập hợp những tiếng nói tâm huyết vê giao duc của GS Hoang Tuy trong suốt hơn 20 năm qua.
Xin được nói thẳng là một cuốn sách tập hợp những bài viết tâm huyết, thẳng thắn của GS Hoàng Tụy đóng góp cho ngành khoa học, giáo dục nói riêng, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung trong hơn 20 năm cuối đời. Vì vậy, sau khi ông ra đi, gia đình giáo sư mong muốn trao tặng 1.000 cuốn sách này cho những ai quan tâm đúng vào dịp khai trường.
Giáo sư Hoàng Tụy vừa qua đời vào ngày 14/7 tại Hà Nội ở tuổi 92 tuổi. Ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học Việt Nam và được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization). Không chỉ là một nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.
GS Hoàng Tụy nhận hoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp mừng thọ 90 tuổi. Ảnh: VGP.
Là người có cơ hội nghiên cứu và thỉnh giảng ở những quốc gia có nền khoa học đã phát triển đến đỉnh cao , giáo sư Hoàng Tụy thấu hiểu hơn ai hết điều tạo nên khác biệt sâu sắc giữa những nền khoa học tiên tiến với thực trạng lạc hậu trì trệ trong nền khoa học và giáo dục nước nhà. Vì vậy hơn nửa thế kỷ qua, ông đã không ngừng tranh luận, lên tiếng thẳng thắn chỉ ra những gốc gác gây trở ngại cho sự tiến bộ và đưa giải pháp cho ngành khoa học-giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
Cuốn sách Xin được nói thẳng là tập hợp những tiếng nói tâm huyết của ông trong suốt hơn 20 năm qua từ những bài viết được đăng trên tạp chí Tia sáng (nay là ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển), kèm theo ý kiến thể hiện tình cảm và sự đánh giá từ các nhà trí thức, bạn bè thân thiết dành cho ông.
Sách vừa ra mắt độc giả vào tháng 6/2019, bao gồm 49 bài viết về ba chủ để chính: Đổi mới cơ chế quản lý trọng dụng nhân tài, chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh cuộc sống, quản lý khoa học: hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Độc giả có thể thấy được những thay đổi cũng như tồn đọng trong các quốc sách và việc thực hiện chúng ở nước ta.
Sách Xin được nói thẳng.
Ông Hoàng Dương Tuấn - con trai giáo sư - chia sẻ: "Cuốn sách này thực ra không phải chỉ về khoa học và giáo dục, mà còn về vấn đề tái cấu trúc hệ thống để phát huy trí tuệ toàn dân xây dựng đất nước. Tôi nghĩ vấn đề này rất quan trọng và tôi tin sẽ nhận được sự quan tâm của mọi người".
Chương trình tặng sách được Công ty Sách Omega Việt Nam thực hiện thể theo nguyện vọng của gia đình Giáo sư Hoàng Tụy sẽ nhận đăng ký trên trang Fanpage Omega Plus Books từ ngày 5/9 đến 19/9/2019 với số lượng 1.000 cuốn.
Theo Zing
GS Hoàng Tụy: Từ học trò nghèo đến đỉnh cao Toán học thế giới nhờ tự học Một tấm bản đồ được in nổi bật, trên đó đánh dấu một con đường nối liền Quảng Ngãi với vùng cực bắc, sát biên giới Trung Quốc. Đó là con đường mà Hoàng Tụy đã đi khi rời Khu Năm để lên chiến khu Việt Bắc. Đó cũng chính là con đường dẫn ông đến với toán học. Năm 1990, tạp chí...