Ngừng nhận người hệ trung cấp y: Chủ quan, thiếu thực tế
Đó là bức xúc của các trường về quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, ngành này sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp.
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành: Chúng tôi sẽ kiến nghị.
Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề nâng chuẩn đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Nhưng Bộ Y tế đã ban hành quy định sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp một cách chủ quan, thiếu thực tế.
Trước hết là về nhu cầu nhân lực của ngành, không biết khi xây dựng qui định này, Bộ Y tế đã tìm hiểu thực tế của vùng sâu, vùng xa – ngay cả vùng sâu, vùng xa của TP HCM – chưa? Bộ Y tế sẽ thấy nhu cầu nhân lực thực tế của những địa bàn này cần gì.
Thứ hai, về nội dung đào tạo trình độ trung cấp các ngành y dược, khi ban hành qui định, Bộ Y tế Bộ Nội vụ có biết trình độ đào tạo cao đẳng của các nước Đông Nam Á cụ thể như thế nào chưa? So sánh với chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT của ta hiện nay thì có gì thua kém, khác biệt?
Ảnh minh họa.
Thứ ba, trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên cao đẳng, đại học. Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. Quy định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế sẽ chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ.
Tóm lại, tôi có thể khẳng định quy định chỉ tuyển dụng từ trình độ cao đẳng vào ngành y là chủ quan, chưa có sự nghiên cứu kỹ thực tế. Các trường trung cấp chuyên nghiệp chúng tôi khi nghe qui định này đều có phản ứng rất quyết liệt.
Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến để lên tiếng kiến nghị. Nội dung, chương trình đào tạo của chúng tôi hiện nay nếu so sánh với đào tạo trình độ cao đẳng cùng ngành nghề của các nước Đông Nam Á là không hề thua kém. Bằng chứng là học sinh chúng tôi đào tạo ra được tuyển dụng đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện nay, vướng mắc chỉ là vấn đề sắp xếp cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, tên gọi trung cấp hay cao đẳng, chứ còn người học trung cấp ra hoàn toàn đủ năng lực, kiến thức, trình độ chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí làm việc trong ngành y.
Bộ Y Tế khi xây dựng quy định cần tính đến điều này: Đó là năng lực làm việc, khả năng chuyên môn thực sự của người được tuyển dụng chứ không chỉ đánh giá bằng bằng cấp.
Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu sắp xếp lại cơ cấu trình độ đào tạo để hội nhập với thế giới, tránh thiệt thòi cho người học và cơ sở đào tạo.
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường trung cấp Ánh Sáng (TP HCM): Nước ngoài tuyển, sao trong nước lại chê?
Video đang HOT
Quy định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của quy định. Bộ đã ban hành khi chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế, của các cơ sở y tế tuyến dưới…
Khi đưa ra một qui định có sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, đáng lẽ Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được đào tạo trình độ trung cấp của ta đang đào tạo những gì, so sánh với trình độ cao đẳng của các nước thì tương đương đến đâu.
Nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo cao đẳng của nhiều nước đối với đầu vào tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ là hai năm như đào tạo trung cấp của Việt Nam. Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện… như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hoàn toàn tương đương cao đẳng của các nước.
Hiện chúng ta chỉ vướng vấn đề tên gọi do phân chia bậc đào tạo ở Việt Nam có sự khác biệt với các nước. Nhưng rõ ràng khái niệm, tên gọi không quyết định trình độ, năng lực của người học. Bộ Y tế cần đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc được tuyển dụng? Học sinh của chúng tôi tốt nghiệp được tuyển dụng đi làm việc tại Đức, tại Nhật…
Điều đó cho thấy hai vấn đề: Một là năng lực chuyên môn, kỹ năng của người học hoàn toàn đủ đáp ứng yêu cầu làm việc tại những vị trí phù hợp trong cơ sở y tế. Hai là các nước tiên tiến, phát triển cũng vẫn cần nhân lực trình độ này cho ngành y, vậy lý do gì tại sao hệ thống cơ sở y tế trong nước luôn ở tình trạng quá tải, thiếu hụt nhân lực lại từ chối? Ngành y tế khi đặt ra qui định này đã có tính toán và trao đổi với Bộ GD&ĐT về khả năng đào tạo đủ nhân lực trình độ cao đẳng để đáp ứng nhu cầu của ngành chưa?
Đối với vấn đề này, tôi nghĩ Bộ Y tế trước khi thực hiện cần có sự bàn bạc, thống nhất với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để các trường trung cấp có thời gian chuẩn bị.
Trước mắt, các trường có thể điều chỉnh những bất cập trong chương trình đào tạo (ví dụ như giảm thời lượng học các môn chung, tăng thời lượng học chuyên môn) để nâng chất lượng đào tạo. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với qui chuẩn chung của quốc tế.
Theo Thanh Hà/Tuổi Trẻ
Cần lộ trình thích hợp việc ngưng tuyển trung cấp y
Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, Bộ này sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp.
Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế để góp phần nân cao chất lượng khám chữa bệnh là một việc nên làm và được ủng hộ. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực...
Đó là quan điểm của phía Bộ GD&ĐT về quy định nói trên. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho biết: Mấy ngày qua, nhiều cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang khá hoang mang về việc ngành y tế không tuyển viên chức trình độ TCCN từ năm 2021. Thông tư này ảnh hưởng khoảng 135 cơ sở đào tạo và hơn 5.000 giáo viên đang đào tạo TCCN các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, thông tư cũng tác động tâm lý đến hàng trăm nghìn học sinh đang theo học và những người tốt nghiệp ngành này chưa có việc làm...
Một lớp thực hành trong phòng thí nghiệm của học sinh hệ trung cấp dược Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Quy định trên liệu có phù hợp với thực tế đào tạo và sử dụng nhân lực cho ngành này không, thưa ông?
- Để khẳng định trình độ TCCN có phù hợp với thực tế đào tạo và sử dụng nhân lực hay không thì cần có bản mô tả công việc ở mỗi vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp và mức độ áp dụng kiến thức, kỹ năng trong công việc.
Mặt khác, nhu cầu nhân lực còn tùy thuộc vào tổ chức công việc tại các bệnh viện và tài chính cho bệnh viện. Đơn cử một ví dụ khá phổ biến: tình trạng chung của các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương là mỗi người bệnh thường kéo theo 2-3 người đi chăm sóc mà lại không có nghiệp vụ. Điều này vừa tạo ra sự lãng phí sức lao động, gây ra những khó khăn nhất định tại các bệnh viện...
Nhưng nếu không cho người nhà bệnh nhân đến chăm sóc người bệnh và thay vào đó là nhân viên điều dưỡng thì ngành y tế sẽ còn thiếu rất nhiều điều dưỡng theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
- Bộ Y tế có trao đổi với Bộ GD&ĐT trước khi ban hành quy định này không? Ý kiến của Bộ GD&ĐT về quy định này như thế nào?
Hiện cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo TCCN nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, với tổng quy mô học sinh TCCN trên 126.000 người và trên 5.000 giáo viên TCCN. Trong số 135 cơ sở đào tạo ngành y tế có 80 trường TCCN, 45 trường CĐ và 10 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo TCCN.
Tính số học sinh nhập học theo ngành đào tạo chủ yếu năm 2015 là: y sĩ 21.116 người, dược 28.749 người và điều dưỡng 10.286 người.
Ngoài ra còn có học sinh theo học các ngành khác như hộ sinh trung cấp, dân số... Các học sinh TCCN ra trường trong những năm qua có thể làm việc trong các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, hoặc đi lao động ở nước ngoài hoặc tự tạo việc làm...
- Việc ban hành thông tư này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, nếu hai bộ cùng trao đổi với Bộ GD-ĐT thì văn bản sẽ tốt hơn. Một trong những quy định của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần nghiên cứu, đánh giá tác động của văn bản đến các đối tượng liên quan.
Những tác động tốt và tác động xấu đến người học, người lao động và các chủ thể khác cần được xem xét kỹ lưỡng để có những giải pháp chính sách và pháp luật phù hợp.
Thực tế ở nước ta, việc sử dụng nhân lực có trình độ trung cấp và CĐ không có sự phân biệt thật rõ ràng và dùng lẫn lộn hai trình độ này cho một vị trí việc làm. Hiện ở một số vị trí làm việc tại các cơ sở y tế - ví dụ như điều dưỡng viên hay trình dược viên - người được đào tạo ở trình độ trung cấp có ưu điểm là được đào tạo nghiệp vụ kỹ hơn (thực hành nhiều) đào tạo trình độ CĐ.
Ở đây cũng cần nói thêm rằng nếu theo phân loại giáo dục quốc tế thì những người tốt nghiệp TCCN hiện nay có đầu vào là đã tốt nghiệp THPT, đều được phân loại ở trình độ giáo dục sau trung học (hay còn gọi là CĐ).
Nhưng ở ta, hệ thống giáo dục có bất cập so với thế giới nên người học TCCN chịu thiệt thòi, đặc biệt nếu đi lao động ở ngoài nước.
Các cơ sở giáo dục TCCN hiện nay tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THPT học hai năm lấy bằng trung cấp, có thể coi là một bất cập. Thực tế ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Malaysia... những người học như vậy sẽ được cấp bằng CĐ.
Vì thế, điều cần thiết là khi yêu cầu trình độ CĐ, cần biết đó là CĐ gì, đâu là sự khác biệt về năng lực làm việc ở mỗi trình độ. Còn nếu chỉ nói trình độ CĐ chung chung thì e rằng lại bị mắc cái bệnh bằng cấp hình thức.
Bộ Y tế sẽ có cuộc họp ở Hải Phòng, có mời Vụ Giáo dục chuyên nghiệp và Tổng cục Dạy nghề tham dự, chúng tôi sẽ cùng trao đổi với Bộ Y tế về những vấn đề này.
TS Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT). Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Như vậy từ năm nay, các trường có nên tiếp tục tuyển sinh và người học có nên vào học trung cấp y dược nữa không, thưa ông?
Tôi khuyến cáo học sinh nên lựa chọn các trường đào tạo có uy tín, cơ sở vật chất đầy đủ, có mối quan hệ tốt với những cơ sở khám chữa bệnh, đội ngũ thầy cô giáo tốt và phải chú ý đến nhu cầu nhân lực.
Với cách tổ chức khám chữa bệnh như hiện nay và xã hội hóa ngành y tế chưa cao thì nhân lực ngành điều dưỡng có thể xem là khá lớn, vượt quá nhu cầu. Nhưng đối với thị trường việc làm ở nước ngoài (Đức, Nhật Bản, Đài Loan) thì ngành điều dưỡng còn nhiều cơ hội, chất lượng đào tạo tốt và ngoại ngữ là một trong các ưu tiên hàng đầu...
Đối với ngành dược, học sinh tốt nghiệp nếu không làm việc trong các cơ sở y tế nhà nước thì có thể đăng ký mở quầy dược bán thuốc ở các bản làng, phường xã hoặc làm trong các nhà máy sản xuất dược phẩm.
Với các trường cần mở thêm những khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn, liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người già, hỗ trợ gia đình, đồng thời liên tục nâng cao chất lượng đào tạo.
- Như vậy có thể hiểu trung cấp hay CĐ chỉ là vấn đề quy định đặt tên cho trình độ đào tạo. Nếu Bộ Y tế kiên quyết giữ quy định này, liệu Bộ GD-ĐT có cho các trường trung cấp y dược nâng cấp lên thành CĐ không?
- Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ xem xét ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Khi đó sẽ có sự thay đổi về việc đào tạo trình độ trung cấp, CĐ và ĐH để phù hợp với hệ thống giáo dục và đào tạo trên thế giới. Vấn đề cần định hình cho rõ thế nào là trình độ trung cấp và thế nào là trình độ CĐ, yêu cầu năng lực làm việc của mỗi loại trình độ này như thế nào trên thị trường lao động của ngành y tế.
Từ đó sẽ quyết định tiêu chuẩn trình độ đào tạo cùng chương trình đào tạo phù hợp, và kèm theo là hệ thống các trường trung cấp, CĐ theo quy hoạch mạng lưới.
Việc CĐ hóa nhân lực ngành y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập ASEAN. Nhưng cần chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao văn bằng CĐ phải có giá trị đích thực của năng lực gắn với trình độ đào tạo.
Theo Zing
Ngừng nhận người hệ trung cấp trong ngành y từ năm 2021 Bộ Y tế cho biết, từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp. Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng. Từ năm 2025 sẽ bỏ chức...