Ngủ trước cổng trường ‘tranh’ suất lớp 1 bán trú cho con
Muốn con học lớp 1 bán trú theo mô hình tiên tiến, nhiều phụ huynh không ngại xếp hàng nhiều giờ, thậm chí ngủ trước cổng trường để ‘tranh’ suất cho con.
Phụ huynh xếp hàng rất sớm để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Q.12 – Ảnh: C.T.V.
Ngày 5-7, tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM, rất đông phụ huynh chen chân nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Đây là trường bán trú, tuyển sinh trên phạm vi toàn quận, không theo tuyến địa bàn.
“Giữ cổng” từ 8h tối
“8h tối qua tôi thấy khoảng 10 người tới trường, tưởng họ ghé qua rồi về, không ngờ 4h sáng dậy đi thể dục thì đã thấy họ ngủ ở cổng”, ông Phát – nhà ở sát trưởng, kể.
“Sáng nay, phụ huynh xếp 2 hàng dài kín cả con đường nên khi được yêu cầu ‘cắt đuôi’ để chuyển thành 3 hàng, phụ huynh ‘làm loạn’. Khi trường định phát số thứ tự thì không khác vụ ẩu đả. Ở đây bao nhiêu năm, lần đầu tôi mới thấy cảnh này”, ông nói.
10h cùng ngày, dù trường trường thông báo đã nhận đủ chỉ tiêu và đóng cổng, một số phụ huynh vẫn nán lại phía ngoài cổng.
“Hai vợ chồng đi làm cả ngày không ai chăm con nên tôi muốn con học bán trú. Tôi liên tục theo dõi ngày nộp hồ sơ theo thông báo trường dán bên ngoài nhưng không ngờ mới 9h sáng trường đã thông báo nhận đủ học sinh”, chị Hoàng Thị Duyên, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, than.
“Tôi thấy trường thông báo 7h30 nhận hồ sơ, nhưng 8h tới thì trường đã đóng cổng. Không ngờ là phụ huynh xếp hàng từ tối, biết thế tối qua tôi chịu khó đến sớm là được rồi”, chị Thái Anh Thùy, đi nộp hồ sơ cho cháu, tiếc nuối.
Những người khác thì không nói gì nhưng gương mặt buồn bã, lo nghĩ…
Video đang HOT
Chỉ 15 phút sau khi mở cổng trường, nhà trường thông báo đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Chỉ còn 27 chỉ tiêu trong sáng 5-7
Theo kế hoạch năm học 2018-2019, Trường tiểu học Võ Thị Sáu tuyển 180 học sinh lớp 1, đối tượng là trẻ em trên quận 12, không xét tuyển học sinh trái tuyến và có nguyện vọng học trường tiên tiến theo xu thế hội nhập.
Thời gian trường tuyển sinh được thông báo là từ ngày 2 đến ngày 15-7 (trừ thứ bảy và chủ nhật), nhận hồ sơ từ 7h30-11h, chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 2 đến 9-7 tuyển sinh học sinh diện thường trú; đợt 2 từ ngày 10 đến 13-7 tuyển sinh học sinh diện tạm trú.
Trong mỗi đợt, trường ưu tiên giải quyết cho trường hợp con cán bộ, công chức, viên chức hoặc trường hợp học sinh có cha mẹ được đơn vị công tác giấy xác nhận. Trường sẽ có thông báo ngưng xét tuyển học sinh lớp 1 nếu đã đủ chỉ tiêu theo quy định.
Nhưng chỉ sau 3 ngày tuyển sinh, phụ huynh ồ ạt nộp hồ sơ, trường đã thông báo ngưng xét tuyển vì đủ chỉ tiêu.
Bà Phạm Thị Kim Ngân – hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết vì là trường duy nhất quận 12 có bán trú theo mô hình tiên tiến, lại không phân tuyến như các trường tiểu học khác nên trường thu hút rất đông phụ huynh đến nộp hồ sơ.
Trường thành lập được 3 năm, những năm trước cơ sở vật chất chưa xong nên phụ huynh ít chú ý. Từ năm ngoái nhiều phụ huynh biết đến trường và muốn gởi con vào.
Trường tiểu học Võ Thị Sáu – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Việc phụ huynh chen chân sáng 5-7, theo bà Ngân, có thể do họ nắm lịch không rõ hoặc quá nhiều phụ huynh không nằm trong diện ưu tiên.
“1-2 ngày đầu, phụ huynh đến nộp hồ sơ rất bình thường, họ đến trường lấy số thứ tự không ùn ứ chen nhau, và chúng tôi đã tuyển được 153 hồ sơ đúng quy định. Sáng nay trường chỉ lấy 27 chỉ tiêu nhưng có đến hơn 100 phụ huynh có mặt từ 7h sáng. Cảnh chen lấn và náo loạn khiến trường phải chủ trương nhận tất cả hồ sơ.
Ban tuyển sinh của trường sẽ lấy từ trên xuống theo tiêu chí thường trú lâu năm. Sau đó, trường sẽ dán thông báo trúng tuyển công khai, kèm thời gian thường trú mỗi hồ sơ để tránh kiện tụng.
Về thực tế, các bé ở quận 12 đã có tên trong danh sách theo đúng tuyến, không học ở đây không có nghĩa là không có chỗ học”, bà Ngân giải thích thêm.
Học sinh được rèn nhiều kỹ năng ở trường tiên tiến
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018 toàn TP có 13 mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế thuộc bậc tiểu học, trong đó có quận 12.
Về học phí, các khoản thu được thỏa thuận với phụ huynh và luôn nhích hơn các trường khác.
Về chương trình học, trường vẫn dạy theo khung chương trình quy định, nhưng ngoài chương trình chính khóa buổi sáng, buổi chiều học sinh học tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần, trong đó có 4 tiết giáo viên nước ngoài dạy; học thêm 2 tiết/tuần môn tin học; được rèn nhiều về năng khiếu, kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường…
Theo tuoitre.vn
Con chuẩn bị vào lớp một không muốn học chữ
Cháu luôn so sánh với em trai mới 17 tháng là: "Tại sao em được đi chơi, mà con phải ngồi học".
Con trai tôi năm nay 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Cháu rất ham chơi. Tôi cho cháu đi học viết tại nhà cô giáo 3 giờ/ngày, về nhà cháu chỉ học từ 0,5 đến 1 giờ. Có điều, cháu không chịu học, học không tập trung, chỉ muốn đi chơi và luôn so sánh với em trai mới 17 tháng là: "Tại sao em được đi chơi, mà con phải ngồi học". Rất mong chuyên gia giúp tôi. (Thuỷ)
Ảnh: Wallingford Eye Care
Trả lời
Trường hợp của gia đình chị không phải là "nỗi khổ riêng ai". Trong nhiều năm làm công tác hỗ trợ tâm lý trẻ em và phụ huynh, tôi nghe đi nghe lại chuyện này mỗi khi hè đến. Vấn đề thông thường rơi vào phụ huynh, chứ không nằm ở trẻ.
Chẳng phải tự nhiên mà chương trình cho trẻ mầm non hoàn toàn chú trọng vào hoạt động vui chơi. Còn các hoạt động liên quan đến chữ, số (nếu có) chỉ là tạo bàn đạp chuẩn bị cho trẻ kĩ năng tiền học đường, làm quen với tâm thế học tập sau này ở tiểu học. Chỉ khi vào tiểu học, trẻ mới thực sự cần được rèn luyện nề nếp trong việc đọc, viết chữ và học tập các môn khoa học khác một cách bài bản.
Việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1 xét về mặt giáo dục, tâm lý đều chưa cần thiết và hợp lý. Thực tế hiện nay, các bậc phụ huynh có xu hướng "ép non" đứa trẻ do nhiều áp lực thời gian, thành tích và dư luận xã hội... Chúng ta quên mất rằng, hè là để con chơi, con phát triển kĩ năng, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động khác nhau mà suốt năm học con không có nhiều điều kiện tiếp cận. Vậy cớ gì người lớn "tước" mất quyền đó của con? Đương nhiên, hệ lụy thường là sự phản ứng rõ ràng hoặc ngấm ngầm của trẻ, chưa kể đến các ảnh hưởng khác về mặt cảm xúc, tâm lý, nhân cách của con.
Việc trẻ không muốn, không thích, không tập trung học hay so sánh với bạn khác, với em mình... đều là lời cảnh báo cho người lớn. Người lớn cần quan tâm đến cả thực tế việc học đầy khó khăn, nặng nề của con hiện tại, quan tâm cả tiếng nói bên trong của con. Những lý lẽ biện minh: bận rộn không ai chăm coi, con người ta cũng học ào ào, không học lên lớp một biết gì đâu, khổ lắm... chỉ là lý lẽ của người lớn. Người lớn vì mình hay vì con? Con cũng có lý lẽ riêng của con, cần được tôn trọng, cần được quan tâm... Chúng ta phải cân nhắc lựa chọn cách nào phù hợp, cân bằng được công việc và quan tâm, chăm sóc con ngày hè. Có quan tâm đúng mức, phù hợp với đặc điểm tâm lý mới tạo ra hiệu quả trong việc giáo dục và phát triển nhân cách phù hợp với lứa tuổi của con.
Cuối cùng, chúng tôi muốn chia sẻ với chị rằng, vấn đề của gia đình chị phần lớn thuộc về người lớn, không phải nằm ở đứa con yêu quý của chị. Tốt hơn, chị nên thay đổi các hoạt động hè cho con, việc dạy chữ có thể tạm dừng lại, hoặc thay cách dạy để khiến con cảm thấy học chữ là niềm vui. Hoạt động học chữ chỉ nên là hoạt động khuyến khích, bổ trợ, định hướng cho con vào lớp 1 chứ không phải hoạt động bắt buộc phải làm. Chị cần rút ngắn thời gian học chữ và bổ sung các hoạt động trải nghiệm hè cho con.
Chúng tôi tin, con sẽ cảm kích ba mẹ rất nhiều, điệp khúc so sánh, cằn nhằn sẽ tự nhiên biến mất khi hoạt động chủ đạo - hoạt động vui chơi của con ở tuổi này được thỏa mãn.
Chúc chị và các bậc phụ huynh thành công!
Thạc sỹ tâm lý Lê Minh Huân
Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM
Theo vnexpress.net
Muốn xin nhiều học bổng nhất vào ĐH Mỹ, nên nộp hồ sơ ở thời điểm nào? Nộp hồ sơ vào Mỹ có nhiều đợt như RD/ED/EA/Rolling Admission... và thường được chia làm 3 vòng chính. Mỗi vòng có những đặc thù riêng, ứng viên tùy khả năng và mục đích để lựa chọn phù hợp. Nội dung trên được các diễn giả giải đáp trong phòng tham vấn "Bí quyết săn học bổng và hỗ trợ tài chính khi...