Ngư lôi Nga biết giả làm cá khổng lồ lừ lừ áp sát đối phương
“Đó không phải là một con rùa, đó là ngư lôi đang hướng về phía chúng ta”, đó có thể là câu nói của một thuyền trưởng tàu chiến Mỹ, khi bị ngư lôi Nga tấn công.
Ảnh minh họa.
Theo National Interest, Nga hiện đang phát triển mẫu ngư lôi hoàn toàn mới, hoạt động yên tĩnh tuyệt đối, không để lại dấu vết và di chuyển với vận tốc 3-5 km/giờ.
Những ngư lôi siêu nhỏ này được thiết kế để có thể đánh lừa hệ thống cảm biến của đối phương, dẫn đến việc đối phương nhầm lẫn ngư lôi với cá hoặc rùa biển.
Mỗi ngư lôi như vậy chỉ nặng không quá 45kg, theo nhà khoa học Shamil Aliyev, chuyên gia ngư lôi của Nga. Theo kịch bản tấn công, tàu ngầm Nga sẽ phóng loạt ngư lôi đặc biệt này để chúng từ từ tiếp cận tàu đối phương.
Dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và phát triển, ông Aliyev nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti.
Thách thức lớn nhất mà các nhà khoa học Nga phải đối mặt là việc trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngư lôi. Hệ thống AI là cần thiết để ngư lôi có thể ngụy trang thành sinh vật biển lớn, như cá khổng lồ, để “không ai để mắt đến chúng”.
Các nhà khoa học Nga cũng phải chế tạo AI đối phó được với nhiều tình huống bất ngờ. “Ngư lôi hoạt động tự chủ dưới nước sẽ phải tự đưa ra quyết định tấn công nhờ vào AI. Đây là thách thức rất lớn”.
Ông Aliyev nêu viễn cảnh cả một đàn ngư lôi tấn công mục tiêu đối phương sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện trên chiến trường.
Hãy tưởng tượng hàng nghìn con cá, rùa biển cùng xuất hiện ở một vùng biển. Đối phương sẽ không thể biết đâu là sinh vật thật, đâu là ngư lôi ngụy trang. Điều này đặt ra những thách thức chưa từng có với kẻ thù.
Theo National Interest, dự án chế tạo ngư lôi của Nga rất hứa hẹn nhưng nó cũng có nhiều nhược điểm. Tốc độ di chuyển chậm khiến các ngư lôi này chỉ giống như mìn định hướng.
Ngư lôi đạt tốc độ siêu nhanh VA-111 Shkval của Nga.
Bryan Clark, cựu sỹ quan tàu ngầm Mỹ nhận định: “Ngư lôi di chuyển với tốc độ 5 km/giờ sẽ không thể bắt kịp tàu ngầm hay thậm chí là tàu nổi”.
Video đang HOT
“Người Nga chỉ có thể phóng loạt ngư lôi này đón đầu đối phương. Còn nếu mục tiêu chạy thoát hoặc đổi phướng, số ngư lôi phóng đi sẽ trở nên vô dụng”, ông Clark nhận định.
Ngoài ra, những ngư lôi hạng nặng tới 450kg mới đủ sức phá vỡ thân tàu nhờ vào áp lực từ vụ nổ. “Các ngư lôi hạng nhẹ chỉ 40kg sẽ rất khó gây thiệt hại lớn, trừ khi được kích nổ ở đúng nơi, đúng chỗ”.
Tuy vậy, ông Clark tin rằng loại ngư lôi mới của Nga có thể hiệu quả trước các mục tiêu cố định, như dây cáp biển hoặc đường ống dẫn dầu.
Phía Mỹ hiện cũng đang phát triển vũ khí mới có cơ chế hoạt động gần tương tự, nhưng là thiết bị di chuyển không người lái (UUV).
“Tôi nghĩ là người Nga nên tập trung vào tính năng tàng hình của ngư lôi, hơn là cố gắng làm cho nó trở nên giống với cá hay rùa biển”, ông Clark nói.
Theo Danviet
"Hố đen đại dương" Nga khiến đối phương phải khiếp sợ
Tàu ngầm tàng hình thông thường chạy năng lượng diesel-điện của Nga đang rất thành công về mặt kỹ thuật và được các đối tác nước ngoài tin dùng.
Hải quân Nga tiếp nhận tàu ngầm Kolpino lớp Kilo hồi tháng 11.2016.
Theo National Interest, hải quân Mỹ hiện nay chỉ sử dụng tàu ngầm hạt nhân với chi phí đắt đỏ.
Trong khi đó, Nga duy trì hạm đội tàu ngầm thông thường và cả tàu ngầm hạt nhân. Theo đánh giá sức mạnh quân sự mới nhất, các tàu ngầm Nga hoạt động hiệu quả hơn hẳn tàu ngầm Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân Nga chủ yếu đóng vai trò tuần tra ở đại dương và duy trì năng lực răn đe hạt nhân chiến lược. Trong khi đó, các tàu ngầm chạy diesel-điện lại phù hợp cho các nhiệm vụ tác chiến ở châu Âu, Trung Đông hay các quốc gia giáp với Nga.
Xương sống trong hạm đội tàu ngầm thông thường của hải quân Nga chính là Đề án tàu ngầm 877 (NATO gọi là lớp Kilo). Biệt danh "hố đen đại dương" được hải quân Mỹ đặt cho tàu ngầm Kilo vì những tàu ngầm Kilo mới nhất hoạt động hết sức yên tĩnh.
Lớp tàu ngầm này đã chứng minh hiệu quả trên biển sau hơn 3 thập kỷ chế tạo và nâng cấp thường xuyên.
Tàu ngầm Kilo ban đầu được chế tạo để phục vụ hải quân các nước thuộc Khối Warszawa, thay thế cho các tàu ngầm lớp Whiskey và Foxtrot. Tàu ngầm Kilo dài 75 mét, rộng 9,7 mét và có lượng giãn nước 3.076 tấn.
Tàu chỉ cần mang theo 12 sỹ quan và 41 thủy thủ, hoạt động liên tục trong 45 ngày mới cần phải nhận hàng tiếp tế.
Tàu ngầm Kilo cuối cùng đóng cho hải quân Nga.
Sử dụng hai động cơ diesel-điện, tàu ngầm Kilo có thể đạt vận tốc 18 km/giờ khi nổi và 32 km/giờ khi lặn. Có thể nói, tốc độ không phải là thế mạnh của tàu ngầm Kilo.
Với tầm hoạt động từ 11.000-13.800km, tàu ngầm Kilo thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga có thể tuần tra trong khu vực rộng 2.000km trước khi khởi hành đến Cuba.
Khả năng lặn sâu cũng không phải thế mạnh của tàu ngầm Kilo. Theo thông tin chính thức, tàu có thể lặn sâu 240 mét và tối đa 300 mét. Tàu ngầm Kilo vận hành tốt nhất ở vùng nước nông, giúp cho con tàu dễ dàng ẩn nấp ở độ sâu tối đa.
Thế mạnh của tàu ngầm Kilo chính là khả năng tàng hình. Thân tàu được thiết kế với hình dạng giọt nước và giảm tối đa ma sát so với các tàu ngầm từ thời Thế chiến 2.
Động cơ diesel-điện được cô lập trong khu vực gia cố băng cao su, hạn chế tối đa khả năng thân tàu bị rung lắc, tạo thành tiếng ồn. Con tàu cũng được phủ một lớp cao su chống gỉ sét, làm giảm tối đa tiếng ồn phát ra.
Hệ thống lọc không khí tích hợp cung cấp oxy cho thủy thủ đoàn trong 260 giờ, giúp tàu ngầm lặn liên tục trong gần hai tuần.
Tàu ngầm Kilo được trang bị hệ thống radar tần thấp MGK-400 Rubikon (Shark Gill) và radar thụ động. Tàu cũng có một radar tần số cao MG519 Mouse Roar để phân loại mục tiêu, né tránh bom mìn. Trong các nhiệm vụ điều hướng đơn giản, tàu ngầm Kilo sử dụng radar MRK-50 Albatros.
Tàu ngầm Kilo của Nga từng phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS.
Về mặt vũ trang, tàu ngầm Kilo sở hữu 6 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn cỡ 533mm. Tàu có thể mang theo các ngư lôi tầm nhiệt và 18 quả tên lửa chống hạm SS-N-15A Starfish.
Tàu ngầm Kilo mới nhất của hải quân Nga còn có hai ống phóng, chuyên khai hỏa ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn, giúp tăng cường khả năng chính xác. Ngoài ra, lớp tàu này có vị trí riêng cho các thủy thủ sử dụng tên lửa phòng không vác vai Igla, trong trường hợp cần tiêu diệt máy bay đối phương truy đuổi.
Nga hiện sở hữu 11 tàu ngầm Kilo Đề án 877 từ thời Liên Xô, 9 tàu ngầm trong biên chế hải quân Ấn Độ. Iran sở hữu 3 chiếc, Algeria có 2 chiếc và Trung Quốc có 2 chiếc, mua sau Chiến tranh Lạnh.
Phiên bản nâng cấp của tàu ngầm Kilo, hay được gọi là Đề án 636.3, đang trở thành xương sống trong biên chế hải quân Nga và được đối tác nước ngoài tin dùng.
Đề án 636.3 đã nâng cấp toàn diện cho tàu ngầm Kilo. Con tàu vẫn giữ nguyên kích thước nhưng tăng cường khả năng tàng hình, đưa hệ thống máy móc đến nơi hoạt động yên tĩnh hơn.
Con tàu được gia tăng 25% phạm vi hoạt động nhưng hệ thống sonar, radar vẫn giữ nguyên. Điểm nâng cấp đáng chú ý nhất là khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm Kilo.
Đây là loại tên lửa đa dụng nhất của Nga, bao gồm các phiên bản chống ngầm, chống hạm và tấn công nhằm vào các mục tiêu trên đất liền.
Việc các tàu ngầm Kilo được tích hợp khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr là yếu tố đáng chú ý nhất.
Tháng 12.2015, tàu ngầm Rostov-on-Don lớp Kilo đã phóng tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Hải quân Trung Quốc nhanh chóng trở thành nước đầu tiên sở hữu phiên bản tàu ngầm Kilo nâng cấp với 10 chiếc. Các tàu này đang hoạt động thuộc biên chế hạm đội Nam Hải và Đông Hải.
Đối tác khác là Algeria đã mua thêm 2 tàu ngầm Kilo Đề án 636.3. Việt Nam mua 6 tàu ngầm loại này, gia tăng năng lực chống xâm nhập, chống tiếp cận.
Cuối cùng, hải quân Nga mua 6 chiếc để tăng cường năng lực cho hạm đội tàu ngầm gần bờ. Tàu ngầm mới nhất thuộc lớp Kilo, Kolpino đã được bàn giao cho hạm đội Biển Đen vào tháng 11.2016.
Hải quân Nga cũng tuyên bố sẽ không mua thêm tàu ngầm Kilo mà chuyển hướng sang tàu ngầm mới hơn thuộc lớp Lada.
Có thể nói, các tàu ngầm lớp Kilo đã chứng minh tính hiệu quả của một trong những dự án đóng tàu thành công nhất thế giới. Con tàu nhanh chóng được giới quân sự NATO đánh giá cao.
Ngoài nhiệm vụ chống khủng bố của Nga ở Syria, các tàu ngầm Kilo vẫn còn cơ hội phô trương sức mạnh ở các vùng biển châu Á trong tương lai, National Interest kết luận.
Theo Danviet
Việt Nam sở hữu loại vũ khí đáng sợ nhất Theo The National, Mỹ vừa nêu 5 loại vũ khí đáng sợ nhất do Nga sản xuất, trong đó có tên lửa Yakhont và ngư lôi AST 53-65KE Việt Nam đang dùng. Vũ khí bầy sói Theo thứ tự xếp hạng của tạp chí Mỹ, đứng đầu tiên trong số vũ khí thông thường đáng sợ nhất do Nga sản xuất là tên...