Ngư dân tố giác Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma
Để đạt được mục tiêu bành trướng chiếm giữ Biển Đông, một mặt Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự bảo vệ giàn khoan Hai Dương 981 ở Hoàng Sa, mặt khác tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảo nhân tạo quanh đao đa Gạc Ma – hòn đảo mà Trung Quôc đa chiếm của Viêt Nam tư năm 1988.
GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Tấn Bản cho biết: “Xưa nay, vùng biển đảo Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh Khánh Hòa, miên Trung. Theo phản ánh của bà con, gần đây, 2 chiếc tàu quân sự có trang bị vũ khí tên lửa của Trung Quốc thường xuyên túc trực quanh đảo Gạc Ma để hỗ trợ tàu vận tải chuyên chở ximăng, sắt thép và các phương tiện hút cát mở rộng mặt bằng, xây cầu cảng, sân bay trên đảo.
Trung Quốc mở rộng căn cứ trên đảo Gạc Ma. ảnh Nguyễn Đình Quân
Theo dõi thông tin trên báo chí, gần đây Trung Quốc đã loan tin sẽ xây dựng đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma trong quần đảo Hoàng Sa. Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa hồi giữa tháng 5.2014, khi đi qua vùng biển tam giác Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin, chúng tôi cũng đã nhìn thấy công trường trên đảo Gạc Ma” .
Bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc, sáng 11.6, khoảng 30 chủ tàu “đánh bắt xa bờ”, chuyên khai thác ở vùng biển Trường Sa đã tập trung đến cảng cá Nam Trung Bộ (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang), giương cao Quốc kỳ và biểu ngữ, yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hai Dương 981 ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta.
Ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa – xác nhận: “Đây là phản ứng tự phát của một bộ phận ngư dân chuyên làm nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bà con rất bức xúc, bởi vì trong lúc hành nghề trên biển, nhiều người đã bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi, lấy hết tài sản, kể cả bắt giữ thuyền viên; hơn nữa gần đây Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hai Dương 981 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, gây khó khăn cản trở đối với công việc mưu sinh của ngư dân nước ta”.
Tàu công tác của tỉnh Khánh Hòa đi qua vùng biển tam giác Gạc Ma-Len Đao-Cô Lin.
Video đang HOT
Tại cảng cá Hòn Rớ sáng 11.6, những chủ tàu có mặt trong đội hình phản đối Trung Quốc khẳng định rằng, họ hành động để tự cứu mình và mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam. Hiện, Trung Quốc đã “cắm chốt” ở Hoàng Sa và đang thực hiện kế hoạch bành trướng ở Trường Sa.
“Bây giờ, nếu Việt Nam không bày tỏ thái độ ngăn chặn, e rằng sau khi xây xong căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc sẽ kéo nhiều giàn khoan đến vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta ở Trường Sa. Ngư dân mất ngư trường cũng giống như nông dân mất đất; biết lấy gì làm ăn?” – một ngư dân tên Hùng, nhà ở khu phố Hòn Rớ, nói.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về diễn biến tình hình tại ngư trường Trường Sa, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân khẳng định: “Tàu đánh cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung vẫn tấp nập đến Trường Sa. Hằng ngày, bà con thường xuyên cho thuyền vào căn cứ hậu cần trên đảo Song Tử Tây, Đá Tây… tiếp thêm nguyên liệu, nước ngọt. Mọi sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các đơn vị bộ đội hải quân trên các đảo nổi, đảo chìm vẫn diễn ra bình thường. Không ai có thể xâm phạm chu quyền Trường Sa của Việt Nam. Nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, đừng để kẻ xấu lợi dụng.”
Trong những diễn biến khác, liên quan đến sự kiện này, nhiều chuyên gia quốc tế đã phân tích và nhận định rằng, hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ giúp tàu chiến của Trung Quốc phản ứng nhanh, nếu có xung đột trong khu vực. Chiến lược của Trung Quốc là chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm trên hết Biển Đông, sau khi đã tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông; nhằm tiến tới thực hiện âm mưu giành quyền kiểm soát không chính thức các vùng biển lân cận ở tây Thái Bình Dương.
Theo Lao Động
Trung Quốc đang làm gì ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
Trong những tuần gần đây, Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp như cải tạo đất để xây sân bay hoặc căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc cải tạo đất trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Inquirer
Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Trường Sa
Sáng 1/5, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, hơn một tháng qua, Trung Quốc liên tục duy trì sự hiện diện của đội tàu hộ tống hùng hậu nhằm cản trở lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam bảo vệ chủ quyền.
Trong cuộc họp báo ngày 5/6, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc bằng nhiều hình thức, nhiều cấp khác nhau, với trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và ứng xử của Việt Nam, lên án Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không dừng lại mà còn phản ứng tiêu cực, vu cáo Việt Nam. Trên thực địa, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan đến vị trí nằm sâu 60 hải lý trong thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời, các tàu Trung Quốc có hành vi hung hăng, đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp, ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ĐNa 90152 của ngư dân Việt Nam.
Song song với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh gần đây liên tục leo thang các hoạt động trái phép trên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Inquirer, ngày 15/5/2014, Chính phủ Philippines công bố các bức ảnh do thám cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các quan chức thuộc cơ quan tình báo Philippines cho hay, Trung Quốc đang cải tạo đất để mở rộng diện tích đảo. "Những hành vi này gây mất ổn định trong khu vực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và luật pháp quốc tế", Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định.
Bốn ngày sau đó (19/5/2014), hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiếp tục tố cáo Trung Quốc vi phạm các điều khoản trong DOC thông qua việc cải tạo đất ở đảo Gạc Ma.
Trong khi đó, một quan chức Philippines giấu tên cho hãng thông tấn AP biết Trung Quốc đang xây dựng sân bay trên Gạc Ma. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu ngụy biện rằng mục đích của hoạt động cải tạo là nâng cao điều kiện sinh hoạt trên đảo.
Trung Quốc hiểu rất rõ, họ là kẻ cướp Hoàng Sa, Trường Sa
Ngày 4/6/2014, tờ Philstar dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino một lần nữa tố cáo tàu Trung Quốc đang hiện diện ở Đá Ga Ven (Philippines gọi là Gavin) và Đá Châu Viên (Calderon). Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai Á - Âu, ông Aquino nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại rằng Trung Quốc lại đang triển khai các động thái làm gia tăng căng thẳng mới".
Tổng thống Aquino cho biết các tàu mới bị phát hiện dường như giống với loại tàu Trung Quốc đã sử dụng để vận chuyển cát và sỏi ở đảo Gạc Ma. "Theo những gì tôi nhìn thấy trong ảnh, các tàu này dùng để cải tạo đất", ông Aquino nhấn mạnh
Cùng thời điểm này, tờ Inquirer cho biết Trung Quốc đang cải tạo đất ở khu vực Đá Én Đất (Malvar). Giới chức Manila lo ngại Trung Quốc lấp đất ở Đá Én Đất nhằm xây dựng một sân bay hoặc căn cứ quân sự.
Những hành động leo thang liên tiếp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa tiếp tục bị "vạch mặt" khi tờ South China Morning Post hôm 8/6 dẫn lời ông Li Jie, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách biến căn cứ tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành một đảo nhân tạo toàn diện. Bắc Kinh sẽ xây dựng đường băng và cảng biển trên đảo nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Trung Quốc âm mưu biến các đảo ở Trường Sa thành căn cứ quân sự
Những lần Trung Quốc cướp đảo ở Trường Sa
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, Bắc Kinh nhiều lần thực hiện các hành động gây hấn trên biển bất chấp luật pháp quốc tế.
Năm 1988, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc nhóm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phải đưa tàu ra bảo vệ chủ quyền bao gồm các tàu vận tải HQ-505, HQ-604 và HQ-605.
Sáng ngày 14/3/1988, tàu khu trục Trung Quốc nổ súng vào tàu ta khiến HQ-505 hư hại nặng trong khi hai chiếc còn lại chìm. Sau trận hải chiến ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma trong khi Việt Nam giữ được hai đảo còn lại.
Ngoài đảo Gạc Ma (tên tiếng Anh là Johnson South Reef), Trung Quốc còn chiếm đóng Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc cụm Thị Tứ, Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reefs) của Cụm Nam Yết, Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) ở Cụm Sinh Tồn, Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) ở Cụm Trường Sa trong năm 1988. Bắc Kinh chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở cụm Bình Nguyên năm 1995.
Theo ZingNew
Báo Mỹ: Lộ dần sân bay, cảng biển của Trung Quốc ở Gạc Ma Nhật báo Người Việt tại Mỹ ngày 7/6 đăng bài viết với tựa đề "Lộ dần sân bay, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma", trong đó cho biết đã có thêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông khi một đảo nhân tạo có cả đường băng, cảng...