Ngọt ngào và bình dị con hến sông quê Quảng Ngãi
Mỗi lần nhớ nhà, tôi lại hình dung tới dòng Trà Khúc uốn mình lãng đãng trôi ven thành phố Quảng Ngãi.
Hình ảnh con sông quê dẫn dắt tôi nhớ tới những con hến nhỏ bé và món ăn bình dị của mẹ.
Hến sông quê tôi chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út. “Nhà” của chúng là đáy sông. Những lớp bùn, rong rêu, vi sinh vật dưới lòng sông là môi trường sống lý tưởng của chúng.
Cuối xuân đầu hạ, khi nắng ban mai tràn ngập mé sông, trên những bãi bùn non lấp loáng ánh bình minh lố nhố bóng người đi cào hến. Hai cái bóng ngắn cũn cỡn là chị em chúng tôi, bên cạnh bóng mẹ lênh khênh cùng chiếc nón lá. Không như những người bắt hến có nghề, họ bơi thuyền ra giữa sông, cắm sào ở chỗ sâu nhất rồi lặn xuống mà cào hến, mẹ con chúng tôi chỉ cào những con hến “lộ thiên”, trồi lên từ lớp bùn nhão quánh.
Cứ túc tắc vậy nhưng mặt trời lên chưa tới cây sào, mỗi người chúng tôi cũng được một rổ hến khá nặng tay. Chị và mẹ cắp rổ hến của mình chạy ra chợ làng. Những đồng tiền bán hến thành cá, thành rau và cả những cây bút, những quyển vở cho hai chị em tôi đi học. Còn rổ hến của tôi (tôi luôn tự hào là “to” và “nhiều” hơn của chị và mẹ) thì để lại nhà. Dưới đôi bàn tay đảm đang của mẹ, những con – hến – của – tôi bỗng chốc biến thành vài món ăn thanh đạm nhưng đầy ắp hương vị khó quên.
Video đang HOT
Làm hến là khâu khá công phu trước khi chế biến hến ra tấm ra món. Mẹ đem hến ra giếng vừa chà vừa nhồi thật sạch bùn nhớt bám trên vỏ tới ba bốn lần rồi mới cho vào xoong, bắc lên bếp. Mẹ không cho nước vào mà nhiệt độ sẽ làm nước có sẵn trong con hến tiết ra, sôi lên. Lúc này hến há miệng. Mẹ dùng đũa khuấy đều cho những con hến bé xíu rời khỏi vỏ. Thịt hến được vớt ra, để ráo. Những mẩu thịt hến nhỏ nhắn, trắng phau trông mát lành, ngon ngọt làm sao!
Trưa ấy, nước luộc hến cùng vài muỗng hến kết hợp với mớ rau tập tàng mà chị em tôi hái trong vườn trở thành nồi canh mát dịu. Còn với món bánh xèo, những con hến béo ngậy làm nên cái ngon cái ngọt khi được rắc làm nhân.
Hôm nào cào được nhiều hến, mẹ làm cho cả nhà món hến xào xúc bánh tráng thơm nức mũi. Cho dầu vào chảo, phi hành lên, nghe mùi thơm tỏa ra, trút hến vào đảo đều với hỗn hợp gia vị gồm nước mắm, đường, hạt nêm, sả, gừng băm nhỏ. Bớt lửa, đậy nắp lại vài phút cho hến thấm gia vị rồi bắc xuống, rắc thêm tí rau răm, hành ngò, cho hến ra đĩa là xong.
Phải nói, với món này, con hến rút hết tinh chất ra để mà ngon. Mùi sông nước nồng đượm, mát lành phảng phất trong từng con hến. Bẻ miếng bánh tráng làm muỗng, xúc mớ hến xào lên cho vào miệng, vị béo thơm, ngòn ngọt của hến hòa quyện mùi hương đậm đà của sả, gừng khiến chị em tôi lúc nào cũng như lần đầu thưởng thức, cứ mãi tấm tắc khen ngon.
Sau này, mưu sinh trên phố, tôi thường hay nghĩ về hình ảnh những buổi sớm mai ngập nắng trên đôi bờ sông quê. Ở đó, con hến với những món ăn bình dị từ bao giờ đã trở thành nỗi nhớ.
Theo Thanhnien
Bánh bò Quảng Ngãi
Người bạn thuở thiếu thời nhiều năm sinh sống ở Sài Gòn điện thoại nhắn nhủ: "Mua giùm vài chục bánh bò rồi gửi vào cho mình với". Kỷ niệm ngày xa chợt ùa về.
Cạy bánh bò ra khỏi chén
Thuở trước, vào dịp cúng giỗ hay Tết Đoan ngọ, những người bà, người mẹ ở Phổ Cường (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thường đổ bánh bò dâng cúng tổ tiên, làm quà cho con trẻ và mời nhau thêm thắm tình thân hữu.
Nguyên liệu để chế biến những chiếc bánh trắng ngà gồm gạo, men và đường cát trắng. Loại gạo dùng làm bánh khi nấu cơm phải tơi xốp, thu hoạch 2 - 3 tháng trước đó trên những thửa ruộng lúa chín vàng. Những phụ nữ khéo tay chọn loại men to bằng bắp tay màu trắng lẫn ít vỏ trấu vàng mơ trông khá bắt mắt. Men giã nhỏ rồi dùng rây lấy phần bột mịn, trộn lẫn với ít nước và quấy đều rồi ủ khoảng 8 giờ đồng hồ, gọi là gầy men.
Gạo vo sạch, ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ, sau đó xay thành bột nhuyễn, cho men đã ủ cùng đường cát trắng vào khuấy đều, tiếp tục cho vào ủ ấm. Khi hỗn hợp bột, men và đường nổi lớp bọt trắng thì dùng vá khuấy đều rồi đậy kín nắp, chờ lần nổi bọt tiếp theo.
Sau 3 lần như thế, khuấy đều và cho vào chén uống trà, đưa vào nồi hấp cách thủy khoảng 25 phút thì bánh chín. Đưa chén ra khỏi nồi, chờ nguội rồi dùng thanh tre nhỏ và mỏng cạy bánh ra khỏi chén. Vậy là đã có chiếc bánh thơm ngon.
Bánh bò dai và tơi xốp với vị ngọt dịu từ đường hòa cùng hương thơm của men tạo nên hương vị đặc trưng. Lượng men cho vào bánh rất ít nên kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng lạ kỳ.
Nhiều phụ nữ khéo tay hái lá dứa thơm ven khe suối mang về giã nhuyễn và vắt lấy nước cho vào bột khuấy đều trước khi hấp bánh. Những chiếc bánh ngọt lành, phảng phất hương đồng gió nội làm "say" lòng bao người.
Giờ nhiều người dùng chén nhựa đổ bánh bò và mang đến bán nơi chợ quê với giá khá rẻ, mỗi chiếc bánh chỉ 1.000 đồng. Giữa nhiều loại quà bánh, chiếc bánh bò dân dã vẫn luôn nhận được sự "ưu ái" của bao người muốn thưởng thức hương vị đặc trưng nơi thôn dã.
Theo Thanhnien
Về Sa Huỳnh nhớ ăn cua đá Sa Huỳnh, vùng quê ven biển phía nam tỉnh Quảng Ngãi, nổi tiếng với những đặc sản: cua huỳnh đế, nhum, hàu... Có dịp thưởng ngoạn phong cảnh "cát vàng biển xanh" ở đây, bạn đừng bỏ qua món cua đá luộc chấm muối tiêu chanh. Cua đá được người dân dùng đèn soi, thả lồng lưới đánh bắt quanh năm ở đầm...