Ngọt bùi xôi sắn vùng Tây Bắc
Nếu ai đã từng có dịp đến với núi rừng Tây Bắc chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn dân giã nhưng vô cùng hấp dẫn, đó là xôi sắn.
Xôi sắn là là món ăn quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc. Mặc dù chỉ là món bình dân thường ngày những người Thái luôn tự hào về món ăn này.
Thực tế từ nhiều năm nay, xôi sắn trở thành món ăn phổ biến không chỉ của người Thái mà còn của các dân tộc khác. Dù vậy, người Thái vẫn tự hào bởi họ biết cách kết hợp các sản vật tự nhiên để tạo nên hương vị món ăn, do đó xôi sắn của người Thái giữ được hương vị và nét đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn.
Tuy đơn giản không cầu kỳ, kiểu cách nhưng để có bát xôi sắn thơm ngọt vẫn cần nhiều yếu tố kết hợp. Ví như, sắn phải là sắn tươi mới được đào từ nương về, thóc phải chọn loại thóc nếp ngon. Củ sắn phải chọn những củ ngắn, tròn lằn, không bị sâu bệnh. Bên cạnh hai nguyên liệu chính là sắn và gạo nếp, món xôi sắn của người Thái còn cần 1 nguyên liệu nữa đó là dừa. Dừa chọn loại không quá già sẽ bị cứng nhưng nếu quá non sẽ chảy nước.
Cách nấu loại xôi này cũng không quá khó. Đầu tiên, sắn được rửa sạch rồi bóc hết phần bỏ chỉ còn lại lõi sắn trắng ngần. Tiếp đó mang luộc sơ qua rồi để ráo nước. Thóc nếp phải phơi thật khô, giã bằng cối đạp chân, sẩy sàng chọn lựa kỹ để lựa những hạt gạo căng nẩy, có như vậy món xôi mới thật dẻo, thật thơm. Dừa cũng rửa sạch rồi nạo thành những sợi nhỏ, sau đó trộn cùng với gạo và sắn để đồ.
Xôi sắn của người Thái được đồ trong những chõ gỗ thủ công chứ không bao giờ dùng chõ kim loại. Thường thì các chõ này được làm bằng những khúc gỗ có đường kính nhỏ, gỗ mềm đem về cắt khúc, cưa rỗng giữa, tạo dáng đẹp như một đài hoa, thon nhỏ từ dưới lên trên, đáy chõ có hai thanh tre nhỏ để đặt tấm đan thưa đỡ gạo khi cho gạo vào chõ xôi. Phần chõ lại được đặt trên một cái ninh đồng, thay cho nồi. Sở dĩ người dân tộc Thái đồ xôi bằng chõ gỗ chứ không dùng đồ kim loại một phần là do truyền thống, bên cạnh đó còn bởi ưu điểm gỗ hút hơi nước nên sẽ làm xôi dẻo, không bị khô.
Bản thân xôi sắn đã có bị ngọt, đậm đà của gạo nếp, vị thơm bùi của sắn nên cũng không cầu kỳ thức ăn đi kèm, chỉ cần thêm chút vừng là quá đủ. Có một điều đặc biệt mà những ai đã thử món xôi sắn của người Thái sẽ biết, đó là người Thái không ăn xôi sắn với muối vừng thông thường mà dùng muối ớt thay thế. Chính cái sự kết hợp này góp phần không nhỏ tạo nên một hương vị riêng cho món xôi sắn của người Thái. Sắn thơm bùi, gạo nếp dẻo, ngọt cùng với ớt cay nên ăn không hề bị ngấy và đầy như các loại xôi khác. Người Thái vùng Tây Bắc ăn xôi sắn quanh năm, thực tế đây là món ăn hàng ngày thậm chí là món ăn chủ lực trong bữa cơm của người Thái.
Giờ đây, không cần lên Tây Bắc, người ta vẫn có thể tìm mua và thưởng thức xôi sắn bởi món ăn này đã là món ăn rất quen thuộc của nhiều dân tộc Ở miền xuôi người ta ăn xôi sắn với ruốc thịt, ở miền biển người ta ăn xôi sắn với ruốc tôm, miền núi thì đơn giản hơn có thể là vừng, lạc, muối ớt…Mỗi vùng miền, xôi sắn lại được biến tấu khác nhau phù hợp với phong vị ẩm thực của từng khu vực. Nhưng với hương vị độc đáo cùng cách nấu trueyefn thống, xôi sắn của người Thái vùng Tây Bắc vẫn luôn là món ăn dân giã, hấp dẫn với những ai đã từng qua vùng đất này.
Video đang HOT
Theo TCDL
Mẹ đảm mách cách làm xôi sắn Hà Nội tuyệt ngon cho sáng đông lạnh
Buổi sáng mùa đông giá lạnh có bát xôi sắn ăn ấm bụng, chắc dạ phải biết!
Mẹ đảm Vũ Thanh Hoan là cái tên quen thuộc trong các hội nhóm chuyên về nấu ăn. Những món ăn từ tay chị làm ra không những hương vị tuyệt ngon mà còn được trình bày rất đẹp mắt, nhìn đã muốn ăn ngay.
Chị Thanh Hoan bày tỏ, theo quan điểm cá nhân của chị thì việc bếp núc đối với phụ nữ rất quan trọng. "Người ta thường bảo, người vợ muốn giữ chồng thì trước hết phải biết giữ lửa trong bếp. Nhìn vào căn bếp của mỗi nhà có thể đoán biết không chỉ cuộc sống vật chất mà cả đời sống tinh thần. Mỗi người phụ nữ sinh ra đã có bản năng hướng về gia đình nên họ luôn muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người thân, đặc biệt qua từng món ăn. Phụ nữ hiện đại không ngại vào bếp. Việc vào bếp vô cùng đơn giản và hứng thú nếu như bạn biết sắp xếp thời gian, lên thực đơn cho hàng tuần, không đợi đến lúc ra chợ mới suy nghĩ. Vào bếp là giữ lửa hôn nhân!", chị chiêm nghiệm sâu sắc.
Chị Vũ Thanh Hoan.
Riêng món xôi sắn chị Thanh Hoan hay nấu cho gia đình thưởng thức vào tầm tháng 10 Âm lịch là khi sắn vào mùa, lúc đó sắn vừa ngon, lại rẻ! Và xôi sắn thì phải ăn vào lúc thời tiết bắt đầu se lạnh mới là thích hợp nhất.
Nguyên liệu:
- 0,5kg gạo nếp ngâm qua đêm, vo sạch để ráo, xóc với chút muối.
- Sắn bở 500gr, lột vỏ ngâm nước muối (hoặc nước vo gạo) trong 1 tiếng để bớt nhựa. Sau đó rửa sạch, bỏ xơ, xắt miếng vừa ăn.
- 5 thìa canh mỡ nước hoặc dầu ăn, vài cọng hành xắt nhỏ.
- Hành tím phi thơm vàng.
Cách làm:
- Cho chõ hấp lên bếp, ở dưới nồi nước cho nắm lá nếp thơm (hay còn gọi là lá dứa) vào đun ở dưới, khi hơi toả lên sẽ làm thơm xôi.
- Xóc gạo với sắn, cho vào chõ đồ. Nếu trong quá trình đồ xôi hơi khô có thể vẩy thêm chút nước. Cứ 15p đảo một lần, nhẹ tay tránh sắn bị nát. Khi thấy hạt gạo nở thì cho dầu ăn vào đảo đều, đồ thêm 5 phút rồi cho nước cốt dừa vào cho thơm béo ngậy. Đồ trong vòng 45-50 phút là xôi chín.
- Làm nóng mỡ, cho hành xắt nhỏ vào đảo qua rồi bắc xuống ngay để cọng hành còn giữ nguyên màu xanh.
- Khi ăn rưới mỡ hành lên trên, cho thêm chút hành khô hoặc ruốc, muối vừng nếu muốn.
"Những miếng sắn nhỏ trắng tinh trên nền xôi mịn, lại được điểm những chấm hành lá nhỏ xanh mướt bóng mỡ. Vị hành lá thơm nhẹ cộng với mùi mộc mạc của sắn. Giữ bát xôi trong tay để thưởng thức cái hương vị nồng nồng của gạo nếp, bùi bùi của củ sắn. Xôi sắn nguyên thủy là như thế. Đây là món từ xưa cũ lắm rồi ở Hà Nội", chị Thanh Hoan viết về món xôi sắn của mình như vậy.
Chúc các bạn thành công với món xôi sắn của chị Vũ Thanh Hoan nhé!
Theo Khampha
Độc đáo nét ẩm thực Tây Bắc Bạn có yêu thích những cung đường Tây Bắc với những dãy núi trập trùng? Đến với nơi đây, bạn không chỉ đắm say trong thiên nhiên tươi đẹp mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân tộc vô cùng độc đáo. Hãy cùng Adayroi Travel "giải mã" những nét đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc nhé! Mỗi dân tộc thiểu...