Ngon lạ bánh xèo thịt chuột
Có dịp về miền Tây, bạn hãy tìm cách thử một lần món bánh xèo thịt chuột.
Nếu có dịp đến miền Tây vào mùa nước nổi, bạn hãy thưởng thức món ăn dân dã khó quên của quê hương miền Tây hiền hòa, mến khách. Và hãy tìm cách thử một lần món bánh xèo đặc biệt: bánh xèo thịt chuột.
Tôi về quê Cờ Đỏ (Ô Môn, TP Cần Thơ) vào thời điểm nước lũ tràn về phủ trắng cánh đồng. Mọi phương tiện di chuyển đường bộ đều rất khó khăn. Ngồi bó gối một mình nhìn dòng nước chảy và sóng vỗ ì oạp dưới chân nhà sàn riết rồi cũng buồn. Thấy vậy, bác tôi bèn rủ tôi đi giậm cù bắt chuột cho vui.
Tôi theo bác ra đồng tìm những mô đất cao nơi chuột trú ẩn để săn chuột. Sau mấy giờ “quần thảo”, hai bác cháu cũng kiếm được hơn một chục con béo ngậy, trông bắt mắt. Tôi hỏi: “Chuột này về làm món gì hả bác?”. Bác cười: “Lâu lâu mày mới về một lần, chẳng lẽ đãi mày mấy món thường ngày, chuột nướng, chuột chiên, chuột xào lá cách… Thôi để bác chiêu đãi món “độc chiêu”, đảm bảo “không đụng hàng”, chắc chắn mày chưa thưởng thức bao giờ: bánh xèo thịt chuột”.
Đĩa bánh xèo thật ngon mắt – Ảnh: T.Tâm
Video đang HOT
Thành thật mà nói, với dân miền Tây như tôi, các món từ thịt chuột tôi đã ăn “mòn răng”, nhưng bánh xèo mà lại bánh xèo thịt chuột thì tôi chưa từng thưởng thức bao giờ!
Nghe món ăn lạ, tôi càng tò mò, nhưng bác nói: “Ráng chờ, để tao “sai” bác gái mày cùng mấy anh chị chuẩn bị tiếp một tay cho nhanh”. Thấy tôi đứng xớ rớ, bác dẫn tôi ra sau chái bếp rút một bó rơm chuẩn bị thui chuột. Chờ lông chuột cháy trèm trèm tỏa mùi thơm nức mũi, bác lấy chuột lột da, làm sạch để ra rổ cho ráo, rồi dùng dao bén bằm nhuyễn thịt chuột. Thịt chuột sau khi ướp gia vị (muối đường) vừa khẩu vị để một lúc mới bắc chảo lên bếp phi mỡ hành tỏi cho thơm để sẵn ra tô.
Anh Hai phụ trách phần lột và nạo dừa vắt lấy nước cốt; lặt rau sống, rửa giá sống. Chị Ba phụ trách phần xắt củ hành (tây và lá), xắt sợi củ sắn, cắt khúc hẹ, nấu đậu xanh cho mềm… Riêng phần bột bánh – định đoạt chất lượng của món ăn – do bác gái pha. Bột cho vào thau cùng bột nghệ rồi trộn đều và thêm các gia vị (muối đường bột ngọt nước cốt dừa hành lá xắt nhuyễn), nêm nếm vừa khẩu vị. Không quên thêm vào đó một quả trứng vịt pha chung với bột để bánh mềm, béo ngon, dễ gỡ, không bị rách…
Lửa hồng đã chuẩn bị. Với những động tác nhanh nhẹn, bác bắc chảo lên bếp, cầm cọng chuối (giống như cây cọ được đập giập một đầu) nhúng vào tô mỡ nước và thoa đều trong lòng chảo. Tiếp đến, dùng vá múc bột cho vào chảo, cầm quai xoay vòng một cách nhẹ nhàng để bột tráng thành một lớp mỏng đều hình tròn, mép bánh không bị rách. Khi bánh vừa chín tới mới tuần tự cho thịt chuột bằm, củ hành tây, giá, hẹ, củ sắn, đậu xanh vào. Đợi các nguyên liệu chín hẳn thì dùng xạng gấp bánh làm đôi thành hình bán nguyệt và xúc bánh ra đĩa.
Bây giờ, chỉ cần làm thêm chén nước mắm chanh tỏi ớt (có dưa chua củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi) cùng đĩa rau sống (cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng, đọt bứa, rau thơm, dưa leo…) dọn ra bàn là xong!
Thật đầm ấm và hạnh phúc trong khung cảnh sum họp gia đình trong mùa nước nổi. Hai bác cháu cùng đối ẩm bên mâm bánh xèo thịt chuột nóng hổi thơm lừng. Đặt miếng cải bẹ xanh vào lòng bàn tay, “bốc” một miếng bánh xèo thịt chuột cùng miếng cải bẹ xanh, vài cọng rau thơm cuốn lại chấm vào chén nước mắm cho vào miệng nhai chầm chậm. Vị thơm, ngọt, béo của thịt chuột, bùi bùi của đậu xanh, hòa lẫn vị cay nồng của cải bẹ xanh, vị chua chua, chát chát của đọt bằng lăng… thấm vào mọi giác quan.
Theo tuổi trẻ
Cá linh mùa nước nổi
Lỡ hẹn đi miền Tây "tìm mùa nước nổi" với bạn, buổi trưa lu bu giữa thành phố ồn ào với cái nắng hanh khô chói chang mà đầu óc cứ để nơi đồng nước, nuốt miếng cơm văn phòng mà nhớ quay quắt mấy con cá linh non.
Đánh bắt cá linh ở đập Trà Sư, huyện Tịnh Biên (An Giang) - Ảnh: H.T.Vân
Mùa cá linh bắt đầu với con nước đầu mùa khoảng tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch. Khoảng tháng 10 âm lịch, khi nước đã tràn đồng cũng là lúc cá linh ở khắp các cánh đồng đã lớn. Người dân đánh bắt cá linh theo đủ kiểu dân dã, vó, chài..., cầu kỳ hơn thì thả hoặc giăng lưới. Ngày xưa cá về nhiều, cứ canh con nước khuya, kéo lưới xong là mang luôn ra chợ. Chợ sớm miền Tây, những con cá linh tươi rói to hơn ngón tay cái, lưng ánh xanh nhạt, nhảy long tong trong thau trông thật vui mắt.
Cá linh hầu hết đem ủ làm mắm hoặc nước mắm, nhưng với người dân vùng sông nước và những ai đã một lần đến miền Tây mùa nước nổi, cá linh non đầu mùa đã trở thành món đặc sản có một không hai. Cá linh non thường được kho lạt, lấp xấp nước, ăn kèm với bông điên điển và bông súng, mấy loại rau cũng thuộc dạng đặc sản mùa lũ. Cá linh còn nhỏ, xương mềm nên nhiều người ăn không thèm bỏ cả xương, nhẩn nha nhai để thấy ngấm cái vị ngọt lừ, beo béo không lẫn vào đâu được. Chiều xuống, giữa đồng nước trắng xóa mưa lất phất, ngồi trên nhà bè, bên cái lẩu kho bốc khói mới thấy thật ấm lòng. Không biết bao năm, cứ mùa nước về là lại nhớ quay quắt cảm giác đó mà chân cứ như cuồng lên.
Sống xa quê mấy chục năm, nhưng "máu" dân miền Tây vẫn chảy trong huyết quản mẹ. Hồi mẹ còn sống, nhà ở miền Đông, nhưng không biết sao mùa này sáng đi chợ về thỉnh thoảng mẹ vẫn mua được cá linh tươi. Cá linh đã lớn (nhiều người gọi là cá linh rìa) nấu canh chua với bông so đũa là món ăn quen thuộc vì có sẵn một cây so đũa lớn ở sau hè, không thì kho lạt hoặc kho mặn chứ ít khi chiên hoặc lăn bột chiên như cách vài nhà hàng hiện làm. Nhưng đến tận bây giờ, món ăn dân dã thời còn khó khăn mà tôi nhớ nhất vẫn là món mắm cá linh kho.
Người dân miệt Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) vốn nổi tiếng với nghề làm mắm cá linh và các loại mắm cá đồng nói chung. Mùa cá về nhiều, ăn không hết người ta cứ cho vào ủ mắm hết. Mắm cá linh ủ càng lâu càng ngon, đặc biệt thơm ngon nhờ ủ cá tươi sống. Khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi gió bấc bắt đầu thổi về cũng là mùa nước xuống. Lúc này cũng là lúc trong lu, trong khạp đã đầy mắm cá linh.
Hồi đó, sáng nào mẹ bảo hôm nay ăn "mắm và rau" là cả nhà đều hào hứng. Mấy lạng mắm cá linh mua ngoài chợ đem về nấu nước lọc bỏ xương, không quên cho vài tép sả đập giập vào nồi nước. Sả băm nhuyễn xào với ít thịt ba rọi cho chín tới rồi đổ vào nồi nước vừa sôi trên bếp, cho thêm cà tím vào ninh thêm một chút là cả nhà đã thơm lựng mùi mắm kho. Những năm 1980, đời sống còn khó khăn, mắm cá linh rẻ nhưng có được miếng thịt ba rọi đầy mỡ bỏ vào nồi mắm kho là đã sang lắm. Ngon như được ăn tiệc, đứa nào cũng ăn lấy ăn để, ăn rồi mà vẫn thòm thèm. Rổ rau sống to có ngọn với đủ thứ rau hái ngoài vườn, thêm vài cọng bông súng, kèo nèo, rau thơm phút chốc cũng hết veo...
Tin nhắn, bạn bảo "nước không tràn đồng", thôi cứ yên tâm mà "ở nhà", thể nào cũng mang mắm cá linh về cho tha hồ mà ăn!
Theo tuổi trẻ
2 món ngon từ cá linh mùa nước nổi miền Tây Cá linh kho tiêu và lẩu cá linh ăn kèm hoa điên điển là hai món đặc sản đậm chất Tây Nam bộ, chỉ có trong mùa nước nổi. Mùa nước nổi Nam bộ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Mùa này thường xuất hiện rất nhiều cá linh. Đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của...