Ngôi trường ‘trong mơ’ cho trẻ tự kỷ Trung Quốc
Lần đầu tiên trong ngày, lớp học mẫu giáo đặc biệt ở thành phố Đông Quản, Quảng Đông, Trung Quốc trở nên yên tĩnh. Xung quanh phòng học, 28 đứa trẻ say giấc ngủ trưa trên những chiếc giường đơn nhỏ.
Khi cô giáo nhẹ nhàng đánh thức các học sinh vào đầu giờ chiều, cậu bé Duan Yiyang vươn vai, tháo mạng che mắt và tự động thay quần áo ngủ sang đồng phục học sinh màu cam…
Các học sinh mắc chứng tự kỷ tại trường mẫu giáo Yulan được tham gia các hoạt động giáo dục kiến thức và thể chất với các bạn đồng trang lứa.
Giống như hầu hết các bạn cùng trang lứa ở đây, Duan (5 tuổi) là một đứa trẻ hiền lành và lễ phép. Cậu kiên nhẫn xếp hàng chờ món tráng miệng buổi chiều, thách thú bàn tán về các bức vẽ của bạn học và rất chú ý đến các cô giáo của mình. Chỉ những chi tiết rất nhỏ cho thấy Duan mắc chứng tự kỷ. Chẳng hạn, mạng che mắt giúp cho Duan dễ ngủ hơn do trẻ tự kỷ không thể tập trung ngủ nhanh như trẻ bình thường. Khi nói, cậu bé có xu hướng sử dụng các từ đơn giản và đôi khi không nói được một câu hoàn chỉnh. Chỉ những dịp hiếm hoi, Duan mới trở nên mất bình tĩnh và quậy phá.
Duan Yiyang được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nhẹ lúc 2 tuổi, hiện đang học năm thứ hai tại trường mẫu giáo thí điểm Yulan. Ngôi trường cung cấp mô hình giáo dục tích hợp, nơi trẻ bình thường sẽ học cùng với các trẻ có nhu cầu cần chăm sóc đặc biệt. Trong số 160 trẻ đăng ký học tại đây, 18 trẻ cần hỗ trợ đặc biệt, như bại não, khiếm thính hay tự kỷ. Trung bình mỗi lớp học tại trường Yulan có 30 trẻ, trong đó có khoảng 2 tới 3 trẻ mắc các hội chứng.
Những ngôi trường như Yulan rất hiếm ở Trung Quốc – quốc gia có hơn 2 triệu trẻ mắc chứng tự kỷ, với 200.000 ca chẩn đoán mới mỗi năm, theo báo cáo năm 2017 do Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Viện nghiên cứu tự kỷ Wucailu có trụ sở tại Bắc Kinh và hãng thông tấn Tân hoa xã.
Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến khích các trường học hỗ trợ trẻ tự kỷ và vào năm 2014, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch tăng cường các dịch vụ giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc.
Tuy nhiên, gần một nửa trẻ mắc chứng tự kỷ tại Trung Quốc không có cơ hội được tiếp cận với môi trường sư phạm. Theo nghiên cứu của giáo sư Deng Meng thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, chuyên gia về giáo dục trẻ tự kỷ và giáo dục tích hợp, khoảng 30% trẻ em Trung Quốc được trị liệu hành vi tại các trung tâm phục hồi chức năng tư nhân và 20% trẻ theo học tại các trường học công lập và dân lập.
Học sinh trường mẫu giáo Yulan tập dượt cho một sự kiện kỷ niệm Ngày nhận thức về chứng tự kỷ thế giới.
Trẻ tự kỷ nếu theo học tại các trường công thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ các học sinh và phụ huynh khác, ngoài ra các trường học có xu hướng tỏ ra miễn cưỡng khi cho các trẻ em đặc biệt này theo học.
Tỷ lệ trẻ tự kỷ theo học tại các trường công của Trung Quốc thấp hơn so với ở Mỹ, nơi Đạo luật Giáo dục Người khuyết tật (IDEA) yêu cầu các trường học cung cấp môi trường giáo dục cho các trẻ em đăc biệt. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia của Mỹ, khoảng 95% tất cả học sinh trong độ tuổi từ 6 – 21 nằm trong diện được IDEA bảo vệ – bao gồm các học sinh tự kỷ – đã được theo học tại các trường công trong năm 2015. Trong khi chưa đến 1% số trẻ không được đi học hay được chăm sóc tại các cơ sở phục hồi chức năng.
Trường mẫu giáo Yulan được thành lập vào tháng 9 năm 2016. Mô hình giáo dục tích hợp mới mà trường đem lại giúp tạo cơ hội cho các trẻ em tự kỷ được tiếp xúc với môi trường sư phạm. Bất kể tình trạng sức khỏe và tinh thần, tất cả những học sinh trẻ trong lớp Duan đều được dạy những kiến thức cơ bản như đọc viết, âm nhạc và trò chơi. Đặc biệt tại Yulan, các nhà trị liệu hành vi cũng được mời đến tư vấn để đưa ra hướng dẫn cần thiết cho trẻ tự kỷ, giáo viên và gia đình của họ.
“Ở đây, các giáo viên, bạn cùng lớp và các bậc phụ huynh khác đối xử với Duan như một đứa trẻ bình thường”, chị Yang Jiuxiang, mẹ của Duan, chia sẻ. “Với tư cách là một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ, tôi cho rằng 90% những phụ huynh giống tôi không đưa con đi học mẫu giáo. Tôi may mắn vì con trai tôi đã tìm thấy một môi trường dễ hòa nhập như vậy”.
Thuật ngữ “giáo dục tích hợp” đã được phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, nhưng mô hình này vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Điều đầu tiên, các trường mầm non hiếm khi có đủ nhân viên vững chuyên môn để chăm sóc và giáo dục các trẻ đặc biệt. Ngoài ra, nhà trường cũng chịu sự áp lực lớn từ phía phụ huynh và học sinh nếu tiếp nhận các trẻ này.
Vào tháng 12/2018, một người phụ nữ cách Đông Quản 40km đã tự sát cùng cậu con trai Yangyang mắc chứng tự kỷ, sau khi cậu bé ẩu đả với bạn bè tại một sân chơi. Thông qua các tin nhắn nhóm trên WeChat, các phụ huynh khác đã lên án người mẹ này vì đã dắt theo đứa con trai mắc chứng tự kỷ tới sân chơi, mà theo họ có khả năng gây nguy hiểm cho con cái mình. Điều xót xa hơn là người mẹ này đã tự tử khi đang mang thai.
Chị Yang, mẹ của Duan, nói rằng tâm lý kỳ thị và thiếu hiểu biết về chứng tự kỷ rất phổ biến tại Trung Quốc. “Tôi cũng có kiến thức hạn chế về chứng tự kỷ trước khi đưa con trai mình đi khám”, người mẹ thừa nhận. “Tuy nhiên, chúng ta không nên rập khuôn suy nghĩ rằng những trẻ mắc tự kỷ đều có xu hướng bạo lực. Đứa trẻ nào cũng đặc biệt theo cách của riêng mình”.
Trường mẫu giáo Kangle – ngôi trường mà Yangyang theo học, lại là một ví dụ cực đoan về những gì có thể xảy ra khi chính sách giáo dục tích hợp đối mặt với tâm lý kỳ thị của đám đông. Chính quyền thành phố Quảng Châu khuyến khích tất cả các trường mẫu giáo chấp nhận trẻ tự kỷ và giúp chúng phát triển đồng đều với các bạn đồng trang lứa.
Trường Kangle chỉ chấp nhận Yangyang sau khi cậu bé bị hàng loạt trường khác từ chối. Trước vụ tự tử, các phụ huynh đều xa lánh gia đình Yangyang và gây áp lực với nhà trường nhằm cho cậu bé thôi học. May mắn cho Duan và gia đình, trường Yulan có các nguồn lực và chuyên môn để duy trì mô hình giáo dục tích hợp. Trường mẫu giáo này được điều hành bởi Liên hiệp người khuyết tật Đông Quản, điều này này đảm bảo rằng các chuyên gia về hành vi và học tập đều có cơ hội được mời đến làm việc tại Yulan để giúp đỡ các trẻ em đặc biệt theo học tại đây.
Bà Chen Huiying, giám đốc trường Yulan, đã kể lại mục đích thành lập trường vào năm 2013. “Chúng tôi hiểu rằng những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt đang gặp phải những khó khăn khác nhau khi chúng đến tuổi đi học, một số trường gợi ý cho phụ huynh rằng họ nên cho con theo học tại các cơ sở đặc biệt. Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ ở Trung Quốc hiện đang được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ hơn và sự can thiệp sớm hơn đang giúp chúng thích nghi hiệu quả. Chúng ngày càng có thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường sư phạm thông thường. Chúng tôi muốn khám phá các phương pháp hỗ trợ tốt hơn”.
Liên hiệp người khuyết tật Đông Quản đã phê duyệt kế hoạch xây dựng Yulan vào năm 2014. Trường mẫu giáo mở cửa hai năm sau đó, với mức phí tương đối phải chăng, được nhà nước trợ cấp 600 nhân dân tệ mỗi tháng. Ngoài hai giáo viên và một nhân viên chăm sóc trẻ em cho mỗi lớp, trường còn có một đội ngũ chuyên gia gồm hai nhà trị liệu ngôn ngữ và hành vi, một nhà trị liệu tâm lý, một nhà trị liệu phục hồi chức năng và một nhân viên xã hội. “Năm chuyên gia này làm việc toàn thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu của 18 trẻ đặc biệt. Đây là điều cực kỳ hiếm gặp ở các trường công lập Trung Quốc”, bà Chen nói.
Ye Yuxing – người đứng đầu nhóm 5 chuyên gia cho biết thông thường ông bận nhất vào đầu mỗi học kỳ, khi phải quan sát hành vi của các trẻ đặc biệt tại từng lớp. Sau đó, nhóm chuyên gia lập một báo cáo đánh giá cho từng trẻ, xác định mục tiêu cho học kỳ và lên kế hoạch học tập và chiến lược can thiệp để giáo viên và phụ huynh áp dụng.
“Chúng tôi thường xuyên điều chỉnh chương trình giảng dạy cho từng trẻ có nhu cầu đặc biệt, điều đó có nghĩa là điều chỉnh các hoạt động hàng ngày của chúng và thời gian tiếp xúc với các chuyên gia”, ông Ye cho biết. “Trong những dịp hiếm hoi, trẻ đặc biệt sẽ được tham gia các lớp học riêng để cùng hoàn thiện các kỹ năng”.
Video đang HOT
Một cuốn truyện dành cho trẻ mắc chứng tự kỷ tại Yulan, nội dung cuốn truyện nói về tình bạn.
Những trẻ bình thường cũng được hưởng lợi khi theo học chương trình giáo dục tích hợp, theo bà Chen. “Các em sẽ học cách chịu trách nhiệm với môi trường của mình và mọi người xung quanh. Chúng sẽ hiểu rằng mọi người đều khác biệt và có thể phát triển theo cách riêng của mình”, vị giám đốc chia sẻ. Cho đến nay, mô hình Yulan đã thành công: Xung đột giữa hai nhóm trẻ gần như không có và hầu hết các học sinh đặc biệt đều đủ khả năng theo học các trường Tiểu học công.
Nhưng vẫn còn những giới hạn mà trường Yulan cần phải vượt qua. Chuyên gia Ye nói rằng trường mẫu giáo này hiện chỉ thừa nhận những trẻ đã được điều trị từ trước và có khả năng giao tiếp với những trẻ bình thường. “Các trung tâm phục hồi sẽ tạo điều kiện cho trẻ đặc biệt thích nghi với môi trường xung quanh. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng cần hòa nhập vào một môi trường xã hội bình thường, thiết lập mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp cũng như khám phá các kỹ năng giao tiếp”, ông Ye nói. “Ban đầu, nhiều đứa trẻ khó hòa nhập với trường Yulan bởi đây là một môi trường hoàn toàn lạ lẫm với chúng”.
Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất của trường Yulan cho đến nay đó là đã thiết lập một tư duy không định kiến trong xã hội Trung Quốc đối với trẻ tự kỷ và gia đình của chúng.Chị Zhou Haiying, mẹ của một bé gái bình thường, đã cho con học tại trường Yulan vào năm 2016, nhớ lại sự kỳ thị mạnh mẽ đối với nhà trường lúc mới khai trương. “Khi hàng xóm nghe tin con gái tôi đi học với những đứa trẻ đặc biệt, họ hỏi rằng liệu tôi có lo sợ cho con gái mình không. Người dân Trung Quốc vẫn có kiến thức hạn chế về tự kỷ và một số người sợ cho con theo học cùng lớp với những trẻ đặc biệt”, chị Zhou chia sẻ.
Con gái của chị Zhou tốt nghiệp trường Yulan vào tháng 7 năm ngoái, người mẹ nói rằng con gái mình đã được hưởng lợi từ văn hóa chăm sóc của Yulan. “Con bé biết mình phải chăm sóc những bạn học cùng lớp, ngay cả khi chúng không tỏ ra mình đặc biệt”.
Để chuẩn bị cho Duan vào trường tiểu học công, gia đình cậu bé đã cho con tham gia các buổi trị liệu cá nhân khoảng 4 lần một tuần. Mẹ của Duan đang học cách can thiệp ở nhà nếu Duan gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của mình. “Thằng bé đang chậm một năm so với các bạn cùng trang lứa về khả năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội của mình, nhưng chúng tôi hy vọng Duan sẽ được theo học tại một ngôi trường bình thường. Tôi cũng mong trẻ tự kỷ tại Trung Quốc có cơ hội được tham gia môi trường giáo dục tích hợp”, chị Yang chia sẻ.
Giám đốc Chen nói rằng có thể mất nhiều năm để xã hội Trung Quốc chấp nhận trẻ tự kỷ. “Chúng tôi không thể chấp nhận thêm nhiều trẻ đặc biệt nếu vẫn muốn duy trì chất lượng giáo dục cao. Mặc dù vậy, những gì chúng ta có thể làm bây giờ là chia sẻ kinh nghiệm của mình với các trường mẫu giáo khác ở Đông Quản”.
Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất của trường Yulan cho đến nay đó là đã thiết lập một tư duy không định kiến trong xã hội Trung Quốc đối với trẻ tự kỷ và gia đình của chúng.
Huy Vũ
Theo ngaynay
Ngày 20-11 không quà, không hoa của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Món quà lớn nhất đối với chúng tôi không phải là vật chất mà chính là tình cảm, sự biết ơn của phụ huynh và của các em. Người làm giáo dục cần nhất là cái Tâm.
Tri ân thầy cô bằng cả tấm lòng
Em Đỗ Văn Phúc (23 tuổi), khó nhọc nói từng câu: "Em ra tập văn nghệ để hát cho các cô nghe".
Giai điệu bài hát "Bụi phấn" được bật lên, Phúc nhanh chóng xếp hàng, ổn định đội ngũ với các bạn.
Dàn đồng ca của trung tâm Phúc Tuệ được thành lập với thành phần 100% là những em bị tự kỷ, trẻ khuyết tật, thiểu năng...
Tiêu chí để lựa chọn dàn đồng ca này các cô chỉ cần: Hát tròn vành rõ chữ.
Tuy nhiên để hát xong một bài hát là tất cả sự cố gắng và nỗ lực của các em.
Ánh mắt của Phúc đầy tự hào mặc dù bản thân em cũng khi nhớ, khi quên lời.
Chứng kiến cảnh học sinh tập hát, cô giáo Hà không khỏi xúc động. Gắn bó với trẻ tự kỷ suốt 15 năm, cô Hà vẫn nói: Chăm con người còn hơn chăm con mình.
Mỗi dịp đến ngày 20-11 những tình cảm trong cô lại đong đầy. Cô Hà xúc động: "Các bé ở đây rất tình cảm, có thể vẽ tranh, làm hoa tặng các mẹ nhân ngày 20-11.
Các cô đều rất vui khi nhận được những món quà do chính tay các em tô vẽ. Đối với các cô, các em ở đây ngoan ngoãn và nghe lời là các cô thấy vui rồi".
Các em tập hát cho ngày kỷ niệm 20 tháng 11 (Ảnh:V.N)
Lớp học của cô Hà không chỉ có trẻ tự kỷ mà còn có các em bị hội chứng down (bệnh đao), chậm phát triển.
Việc dạy dỗ lớp này luôn khó khăn gấp mấy lần so với những lớp tiểu học bình thường.
Cô Hà kể: "Nhiều cháu khi mới vào không làm chủ được bản thân đánh các cô là chuyện bình thường.
Nếu mình không có phương pháp và sự nhẫn nại thì sẽ không thể gắn bó được với nghề.
Có lần một cháu đến buổi chiều gia đình chưa đón cháu bị đói, khi các cô đi lấy áo cho cháu, cháu đập vào đầu cô rất đau.
Thấy con như vậy mình không giận, không trách mà chỉ thấy thương nhiều hơn".
Món quà do tay các em làm để tặng các cô giáo (Ảnh:V.N)
Đôi bàn tay chỉ dạy, bón từng thìa cơm cho các cháu khuyết tật, cô Hà vui sướng khoe:
"Đây là những món quà các con làm tặng các cô giáo ở đây. Nhìn thì bình thường như vậy thôi nhưng đối với trẻ khuyết tật các con có thể làm được những sản phẩm này là cả một sự cố gắng.
Do đó chúng tôi hiểu mỗi món quà của các con đều đong đầy tình cảm và sự biết ơn dành cho các cô.
Chỉ có điều các con không thể bày tỏ, bộc lộ bằng lời lưu loát như những đứa trẻ bình thường.
Có những con gắn bó với tôi từ hồi còn nhỏ đến nay đã 19-20 tuổi. Trong lớp cũng có bạn 30 tuổi nhưng trình độ nhận thức chỉ bằng các cháu lên 5, lên 6 thôi".
Tại trung tâm Phúc Tuệ, các cô thường xưng mẹ - con với trẻ: "Con ngoan, cuối buổi mẹ thưởng cho bánh kẹo".
Quả thật nếu chỉ đơn thuần vì kinh tế, vì công việc thì có rất ít những người chấp nhận công việc này.
Trong suy nghĩ của cô Hà, khi xác định gắn bó với nghề giáo dạy trẻ khuyết tật chuyện kinh tế đã gạt sang một bên.
Lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Cô Hà tâm sự: "Các cô vẫn nói chuyện với nhau, nếu mình nghĩ về kinh tế sẽ không bao giờ đi dạy trẻ khuyết tật. Chồng tôi là thương binh, cô đi dạy cũng là đi làm từ thiện.
Mình làm việc trước hết vì cái tâm sau đó là vì tình yêu nghề. Hai cái đó mới quan trọng nhất.
Tôi nghĩ mỗi người một công, một việc. Làm nghề nào cũng là san sẻ, gánh vác cho nhiều người khổ.
Hồi tôi mới vào đây nếu không có sự động viên của chồng, tôi cũng nghỉ lâu rồi.
Chồng tôi là thương binh, cũng bị chấn thương sọ não, chú rất hiểu hoàn cảnh của các em và động viên các em rất nhiều.
Kinh tế nhà tôi thì lương thương binh của chú được 1 triệu/ tháng. Tôi đi dạy lương cũng 3-4 triệu/ tháng.
Nhà tôi có một em, mới đi làm kinh doanh, làm quản lý bên cà phê cộng. người kiếm tiền chính lại là con năm nay 22 tuổi, sinh năm 1998".
Câu chuyện với cô Hà bị ngắt quãng bởi những câu hát của dàn đồng ca trung tâm Phúc Tuệ. Cô Hà mỉm cười nhìn các em hiền hậu.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Chúng tôi luôn gọi những giáo viên như cô Hà là những chiếc cọc để cho các gia đình có con khuyết tật bám víu vào.
Tâm sự với một phụ huynh - anh Sơn, có con đang theo học tại trung tâm Phúc Tuệ.
Hoàn cảnh gia đình của anh Sơn rất khó khăn, kinh tế eo hẹp. Sau khi đã đi nhiều trung tâm anh quyết định gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ.
Anh Sơn tâm sự: "Từ khi gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ gia đình cảm thấy rất yên tâm.
Chúng tôi thấy các giáo viên ở đây đều rất có Tâm, có Đức hết lòng vì học sinh.
Trong thời điểm khó khăn có trung tâm dang rộng vòng tay đón các con chúng tôi rất biết ơn.
Nhân ngày 20-11 gia đình cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các giáo viên tại trung tâm Phúc Tuệ".
Tâm và Đức cũng là tôn chỉ hoạt động của trung tâm suốt hơn chục năm qua.
So với mặt bằng chung tại thành phố Hà Nội, mức học phí: 1.5 triệu đồng/ tháng của trung tâm đúng là chỉ đủ tiền để trả lương cho giáo viên.
Bà Vũ Thị Minh Hương năm nay đã 80 tuổi vẫn ngày ngày gắn bó với trung tâm, với những đứa trẻ khuyết tật.
Ngày 20-11 năm nay, trung tâm Phúc Tuệ sẽ tổ chức những tiết dạy gương mẫu của các giáo viên sau đó chiếu cho phụ huynh và học sinh xem.
Trẻ tập sinh hoạt, học tập tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Bà Hương tâm sự: "Khi giáo viên đến đây xin việc tôi bảo đừng đặt vấn đề về tiền và thu hoạch, có tâm thôi và tôi cũng bảo là lương của bác chỉ 2 triệu.
Ngày 20/11 ở trung tâm các trẻ háo hức tập văn nghệ, hát chào mừng các cô. Những đứa biết viết làm những cái này tặng bà.
Còn các cô thì nó làm những cái khung nhỏ tặng... nó chỉ có những cái này tặng bà.
Đây là những bông hoa của chúng nó, làm mãi mới được thế này. Trong khi làm gửi gắm vào đây rất nhiều tình cảm".
Kể về quá trình thành lập trung tâm Phúc Tuệ, bà Hương bồi hồi nhớ lại: "Với tôi năm nay là năm thứ 19, chuẩn bị sang năm thứ 20. Chúng tôi vẫn âm thầm làm, từ khi tôi thành lập bên nhà bên kia là nhà riêng của chúng tôi từ năm 2001, cho đến năm 2019 vẫn có những học sinh theo tôi.
Trong hoạt động này không phải ai cũng như ai cũng như ai, có anh hết lòng vì tâm, ở đây chúng tôi hết lòng không thu một đồng lãi.
Như lương của tôi không bằng người cấp dưỡng ở đây. Tôi cũng chỉ lấy 1 chút ít vì tôi có bảo hiểm, lương hưu.
Từ trước tới nay chúng tôi không kinh doanh, làm sao để lấy thu đủ chi để hoàn toàn tự nguyện. hay như tháng 9 học sinh nghỉ không đóng tiền chúng tôi vẫn phải đóng cho học sinh...".
Đối với giáo viên khuyết tật điều quan trọng nhất là cái Tâm của người làm nghề (Ảnh:V.N)
Tổng kết lại cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, bà Hương gửi gắm: "Bất kỳ giai đoạn nào giáo dục cũng có vai trò rất quan trọng. Sự hưng thịnh của Quốc gia phụ thuộc vào giáo dục.
Người làm giáo dục phải là những người có tâm, hết lòng vì học sinh, đừng đặt lợi ích cá nhân, vật chất lên hàng đầu sẽ làm méo mó đi hai chữ giáo dục".
Lời bà giáo Hương nhắc nhở bên tai, đan xen với những câu hát từ xa vọng lại. Một ngày 20-11 nữa lại sắp đến.
Trong trái tim của những người làm giáo dục (trong đó có chúng tôi) lại rưng rưng khi nghĩ về 2 từ: Giáo dục đầy thiêng liêng, trách nhiệm.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Trẻ càng chạy nhảy nhiều càng tiếp thu tốt kiến thức Những đứa trẻ tham gia hoạt động thể chất có xu hướng tập trung hơn khi lắng nghe giáo viên dạy học, chúng cũng dễ tiếp thu bài vở hơn nhóm học sinh không tham gia hoạt động thể chất. Nghiên cứu này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu khai thác dữ liệu từ 12.663 học sinh trong độ tuổi...