Ngôi trường tiếng Việt đặc biệt ở Thụy Sỹ
Được thành lập từ năm 2017, Trường Bình Minh (thành phố Zurich, Thụy Sỹ) hiện đang dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho gần 30 con em kiều bào và những người bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam.
Ngôi trường do cô Ngọc Dung Moser, ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sỹ-Việt Nam (ASV) làm Hiệu trưởng đã có nhiều năm tâm huyết với hành trình mang tiếng Việt đến gần hơn với cộng đồng kiều bào.
Cô Ngọc Dung Moser (thứ 2 từ trái sang) và các giáo viên trường Bình Minh. (Nguồn: Trường Binh Minh)
Đã rời xa quê hương hơn 50 năm, dù thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp cô luôn tìm cách giúp cho bản thân mình và gia đình gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Với tư cách là ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Thụy Sỹ-Việt Nam (ASV), cô Ngọc Dung luôn trăn trở làm thế nào để kêu gọi được các gia đình truyền bá rộng rãi tiếng Việt cho thế hệ tương lai.
Tâm sự của cô đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài lắng nghe và tạo điều kiện thực hiện. Vào năm 2015 và 2016, ở tuổi ngoài 60, cô Ngọc Dung về Việt Nam tham gia các khóa tập huấn giảng dạy Tiếng Việt dành cho các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.
Trước khi quyết định thành lập trường, cô cùng với những thầy cô giáo tình nguyện dưới sự hỗ trợ của ASV đã dành một tháng tổ chức tọa đàm và tư vấn về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ đến với cộng đồng sinh sống ở nước ngoài.
Từ tháng 3/2017, trường Bình Minh bắt đầu đón những em học sinh đầu tiên. Lúc này trường chỉ có ba giáo viên, tính cả cô Hiệu trưởng. Mỗi sáng thứ Bảy từ 10-12h tại một nhà hàng Việt Nam tại ngoại ô Zurich, bàn ghế được sắp xếp lại thành một lớp học.
Lớp học thường có 10 em nhỏ, cùng nhau học những bài học tiếng Việt giao tiếp cơ bản hoặc chơi trò chơi bằng tiếng Việt. Các em học cùng cô giáo ở giữa, còn cha mẹ xung quanh thì ngồi theo dõi hoặc cùng tham gia, tạo nên một không gian giao lưu cộng đồng nhỏ dịp cuối tuần.
Video đang HOT
Ngoài Hiệu trưởng nay đã hơn 70, các thầy cô giáo của trường trong độ tuổi 30-40 và đều là giáo viên tình nguyện. Dù còn nhiều bộn bề cuộc sống nhưng các thầy cô vẫn đều đặn hàng tuần lên lớp bằng cả tâm huyết.
Dựa trên các giáo trình như Tiếng Việt Vui và Quê Việt cùng các chương trình các thầy cô tận dụng nguồn thông tin trên mạng để tự tìm tòi, sáng tạo, hướng dẫn lẫn nhau.
Phụ huynh người Thụy Sỹ và con gốc Việt cùng học tiếng Việt tại trường Bình Minh. (Nguồn: Trường Bình Minh)
Đối với các học viên là những ông bố bà mẹ nước ngoài, trường Bình Minh ưu tiên dạy cả về nét văn hóa tốt đẹp đời thường của Việt Nam như các ngày lễ hoặc cách ứng xử trong gia đình.
Trong năm nay, trường Bình Minh đã trở lại hoạt động sau một thời gian bị gián đoạn do Covid-19. Với những nỗ lực để truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng con em Việt Kiều và các người bạn Thụy Sỹ, mục tiêu của trường hướng tới chuẩn hóa giáo trình.
Mong muốn của không chỉ cô Dung mà cả ASV là qua đó có thể đưa được chương trình dạy tiếng Việt thành bộ môn ngoại ngữ tùy chọn trong trường phổ thông ở Thụy Sỹ.
Mỗi năm một lần, Ngày đoàn kết vào cuối tháng 11 được ASV tổ chức cho hội viên và cộng đồng người Việt. Nhân dịp này, thầy trò trường Bình Minh cũng dành để chúc mừng những thành quả đã đạt được, tiếp tục động viên nhau. Các hoạt động như ca hát, biểu diễn của các em nhỏ cũng chính là món quà tôn vinh thầy cô, cám ơn những nhà tài trợ, cảm ơn cộng đồng đã ủng hộ và hỗ trợ việc giữ gìn tiếng Việt.
Học sinh trường Bình Minh trong trang phục truyền thống Việt Nam diễu hành trong buổi lễ truyền thống của thành phố Zurich có tên Sechseluten vào tháng 4/2022. (Nguồn: Trường Bình Minh)
Hiệu trưởng Ngọc Dung của trường Bình Minh và ASV luôn nỗ lực để dự án trường Bình Minh và các dự án dạy tiếng Việt ở Thụy Sỹ trong tương lai không chỉ giúp giữ gìn tiếng Việt cho con em kiều bào mà còn là cơ hội cho các người bạn nước ngoài yêu mến Việt Nam biết thêm về tiếng Việt, về văn hóa, con người nơi đây.
Từ khóa học thứ 2 (tháng 8/2017) cho đến nay, với sự hỗ trợ từ tập đoàn Academia Integration về cơ sở lớp học và trang thiết bị, số lượng học sinh theo học tại Bình Minh nay đã lên đến 5 lớp với nhiều trình độ và nội dung: lớp Vỡ lòng, lớp tiếng Việt 1, lớp tiếng Việt 2, lớp Mẫu giáo-mầm non (do phụ huynh đảm trách) và lớp Giao lưu Văn hóa (phụ huynh và bạn bè người nước ngoài muốn học tiếng Việt).
Những giáo viên kiều bào nặng lòng với Tiếng Việt
Dù ở nơi đâu, đối với mỗi người con Việt Nam, tiếng Việt được xem là sợi dây kết nối, gắn kết và gìn giữ mỗi tâm hồn Việt với quê hương.
Tuy nhiên, làm sao để ngôn ngữ và văn hóa Việt tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, là chìa khóa gắn kết các thế hệ người Việt xa xứ gắn bó với quê hương, bảo tồn những giá trị truyền thống là trăn trở của các thế hệ nhà giáo người Việt ở nước ngoài.
Cô giáo Nguyễn Thị Mận (ngoài cùng bên phải).
Dù được đào tạo ngành sư phạm Ngữ Văn, cũng đã có nhiều năm được đứng trên bục giảng ở Việt Nam, cô Nguyễn Thị Mận đành tạm gác sự nghiệp trồng người để theo gia đình sang Cộng hòa Séc sinh sống và làm việc. Bên cạnh việc phải duy trì cuộc sống bằng các công việc khác, đối với cô trăn trở lớn nhất là làm sao tiếp tục được trao truyền các kiến thức của mình đối với các thế hệ thứ 2,3 của người Việt, để tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tiếp tục được duy trì, gìn giữ cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài.
"Ban đầu sang bên này có những lúc phải lo cuộc sống, buôn bán nên tôi không thể dạy học. Khi đó, tôi lúc nào cũng trăn trở vì không thể trao truyền kiến thức cho các em và khi bước vào dạy thì điều đó càng thôi thúc mạnh mẽ và không bằng cách này cách khác chúng ta phải quyết tâm đưa tiếng Việt đến với các em", cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sơn đang trao đổi với đồng nghiệp giáo án và phương pháp dạy tiếng Việt cho các học sinh.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Việt với các thế hệ trẻ, nhưng sự yêu thích của các em học sinh kiều bào với văn hóa Việt, sự nỗ lực của các gia đình và cộng đồng người Việt tại Séc trong hoạt động duy trì tiếng Việt chính là động lực để cô nỗ lực hơn trong việc biên soạn giáo án, tìm các cách thức mới để tiếng Việt đến với các em thật gần gũi, sinh động đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ: "Nếu chúng ta có niềm đam mê, trách nhiệm thì chúng ta sẽ cố gắng. Tôi không được huấn luyện dạy online nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát thì niềm thôi thúc trong lòng không để các em bị đứt gẫy kiến thức, gián đoạn việc học tiếng Việt đã khiến cho tôi tìm tòi, tự học trau dồi thêm kiến thức để truyền tải cho các em".
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng mỗi cuối tuần, ông Nguyễn Văn Sơn vẫn đều đặn lên lớp. Đối với ông, được dạy Tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào là niềm vui, niềm hạnh phúc. Ông cũng là một trong những cá nhân thành lập Trung tâm dạy Tiếng Việt cho hàng nghìn các học sinh người Việt tại Praha trong nhiều năm qua.
Ông Sơn tâm sự: "Để cho các cháu đến trường, yêu trường, học tập tốt, tôi luôn nói với các giáo viên rằng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng thực sự là nghệ thuật, tức là làm sao để các cháu mến, các cháu yêu, các cháu nhớ, các cháu đến, chứ thực sự không có gì bắt buộc các cháu".
Các học sinh kiều bào trong một lớp học tiếng Việt ở Praha.
Nền tảng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia chính là văn hóa, là ngôn ngữ. Do đó, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như chiến lược phát triển và củng cố tiếng Việt trong cộng đồng thời gian qua được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong gia đình, cộng đồng kiều bào trong việc duy trì cho con em học tập và hiểu văn hóa Việt thì mỗi thầy cô giáo kiều bào chính là yếu tố đặc biệt quan trọng, là sợi dây kết nối các thế hệ người Việt ở nước ngoài đến gần hơn với quê hương đất nước, là cầu nối giúp các em thêm yêu và trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như hội nhập tốt với nước sở tại./.
Hành trình "Chubb Life vì thế hệ tương lai" tiếp nối với ngôi trường thứ 10 được hoàn thiện xây dựng Trường Trung học cơ sở (THCS) Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông chính thức được khánh thành trong niềm hạnh phúc và hân hoan của toàn thể giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Đây là ngôi trường thứ 10 trên hành trình "Chubb Life - Vì thế hệ tương lai" được hoàn thành dưới sự tài trợ của...