Ngôi trường số hóa sách giáo khoa
Trường THPT Quang Trung (thành phố Đà Nẵng) hiện áp dụng mô hình bài giảng điện tử e-Learning có thuyết minh và đồng bộ hóa 100% sách giáo khoa các khối bằng bài giảng điện tử.
Thầy Phạm Sỹ Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho biết, năm học 2008-2009, trường bắt đầu triển khai mô hình e-Learning. Đến năm học 2015-2016, mô hình đồng bộ SGK bằng giáo án điện tử mới thực sự trở thành “cuộc cách mạng” trong dạy học của trường với việc tham gia thiết kế của 70 giáo viên.
Một tiết học áp dụng phương pháp trình chiếu e-Learning của Trường THPT Quang Trung. Ảnh: Tiền Phong.
Hào hứng
Một tiết học của Trường THPT Quang Trung không diễn ra như những trường khác khi toàn bộ nội dung bài giảng các môn thuộc ba khối đều được thu âm thành đĩa DVD có thuyết minh lời của giáo viên.
Khi tiết học bắt đầu, thay vì cầm phấn viết lên bảng, giáo viên trình chiếu bài giảng dưới dạng slide kèm hình ảnh, đồ họa bắt mắt cùng thuyết minh đã thu âm sẵn.
Đến phần bài tập, giáo viên nhấn chuột chọn đề sau đó gọi học sinh lên bảng giải bài. Cuối cùng, giáo viên trình chiếu phần đáp án hoàn thiện của đề đó.
Điều đặc biệt, cùng một đề, có đến 5 – 6 bài giảng của các giáo viên khác; dựa vào đó, học sinh có quyền chọn cho mình phương pháp giải dễ hiểu nhất.
Học sinh Tô Hồng Lan Phương (lớp 11/1) nói: “Đây là phương pháp dạy học hoàn toàn mới cho bọn em. Trước kia, mỗi tuần chỉ có một vài buổi lên phòng chuyên môn học máy chiếu theo dạng Powerpoint thì nay 100% các tiết, em được học theo phương pháp trình chiếu e-Learning có kèm phần thu âm bài giảng của thầy cô. Một bài giảng được trình bày với các kiểu chữ, hình ảnh bắt mắt nên bọn em đều rất hào hứng”.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên môn Toán khối 12, việc áp dụng mô hình bài giảng e-Learning giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian cho các thao tác giảng bài. Thay vì viết lên bảng, giáo viên chỉ cần kích chuột. Tất cả các bài tập giáo viên đều phải soạn, mỗi đề có sự tham gia giảng của nhiều đồng nghiệp. Đây cũng là điều kiện để giáo viên học hỏi nhau, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Thông thường, một tiết học chỉ kéo dài 20-25 phút, thời gian còn lại, giáo viên sử dụng xen kẽ để bổ sung kiến thức nâng cao cho học sinh. Với phương pháp này, học sinh có thể xem trước bài giảng ở nhà nhiều lần trước khi đến lớp.
Áp lực
Video đang HOT
Tất cả các bài giảng của giáo viên Trường THPT Quang Trung đều được tải lên trên trang web của trường. Học sinh trong trường hoặc các trường khác đều có thể truy cập miễn phí để tham khảo và học tập với nhiều cách giải khác nhau. Tuy nhiên, đây là phương pháp dạy học mới nên các giáo viên của trường gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế bài giảng.
Theo cô Nguyễn Thị Linh Na, giáo viên tiếng Anh, để hoàn thành tốt một bài giảng điện tử, giáo viên phải có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, am hiểu các phần mềm kỹ thuật thu âm, nén dung lượng…
“Để không lẫn tạp âm, giáo viên phải thực hiện thu âm thời điểm 1-2 giờ sáng tại nhà riêng khi cả gia đình đều đã đi ngủ. Thời gian đầu do chưa biết cách giảm dung lượng và thu âm vấp lỗi nên cứ phải làm đi làm lại nên rất cực, có lúc gần suốt sáng. Nhưng vì các học trò nên ai nấy đều cố gắng để làm tốt”, cô Na nói.
Trong khi đó, một số phụ huynh lại lo ngại việc các bài giảng được đưa công khai lên trang mạng của trường sẽ khiến cho một số học sinh có tâm lý ỷ lại, lười tự học, nhất là những trường hợp yếu, kém.
Về vấn đề này, thầy Phạm Sỹ Liêm cho biết: “Khi gọi học sinh lên bảng giải bài, giáo viên có trách nhiệm “vặn” ngược lại thí sinh. Những em nào copy bài giảng trên hệ thống về thì giáo viên chỉ cần kiểm tra vài câu hỏi là nhận ra ngay, từ đó có biện pháp xử lý cá nhân học sinh đó”.
Theo thầy Liêm, đến năm học 2015-2016, trường đã đồng bộ hóa 33 bộ SGK thành bài giảng điện tử cho ba khối lớp. Thời gian qua, nhà trường phát miễn phí các đĩa DVD cho học sinh khối 10, riêng khối 11 và 12, các em có thể tự nguyện mua hoặc học tập trên hệ thống điện tử của trường.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám Đốc Sở GD&ĐT, cho biết, Sở khuyến khích các trường khác vận dụng phương pháp dạy học mới này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực của học sinh.
Theo Đào Phan/Tiền Phong
Hai bộ sách dạy tiếng Việt cho kiều bào
Đã hơn 5 năm kể từ khi tập sách cuối cùng của hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt được xuất bản và dạy thử nghiệm ở nhiều nước.
Hiện Bộ GD&ĐT giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam tái bản hai bộ sách này.
Ở thời điểm này, đây là hai bộ giáo trình đầu tiên do các chuyên gia trong nước biên soạn, để hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, theo định hướng như dạy một ngoại ngữ.
GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên bộ sách Tiếng Việt vui, đồng thời là người chủ trì xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết: Thực hiện dự án của Chính phủ về hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, do phó thủ tướng thời kỳ đó là ông Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban chỉ đạo, năm 2005, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng hai chương trình.
Một chương trình dành cho thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi và một chương trình cho người lớn trên 18 tuổi. Sau khi chương trình được thẩm định, chúng tôi tiến hành biên soạn hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt từ năm 2006, đến năm 2010 thì hoàn thành. Mỗi bộ sách có 18 cuốn, phân chia thành 6 trình độ.
Mỗi trình độ gồm có sách cho học sinh, sách cho giáo viên và sách bài tập. Ngoài ra, một số nội dung hai bộ sách còn được thể hiện trên đĩa CD.
Qua thực tế tập huấn và phản hồi việc dạy học ở các nước, chúng tôi có chỉnh sửa bộ sách một lần. Nhưng đến nay sách mới được giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam xuất bản và phát hành theo hình thức sách điện tử và sách in để bà con, giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài truy cập, sử dụng miễn phí.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Xin GS cho biết so với sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh trong nước thì bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt có gì khác biệt?
- Đối tượng học hai bộ sách này là người Việt định cư ở nước ngoài. Trong số thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi học bộ Tiếng Việt vui, rất nhiều người sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, chỉ biết lõm bõm hoặc hoàn toàn không biết tiếng Việt.
Số người Việt trên 18 tuổi học tiếng Việt cũng là những người chưa nói được tiếng Việt. Vì thế, sách biên soạn cho các đối tượng trên gần giống như sách dạy ngoại ngữ. Tiếng Việt vui và Quê Việt đều chú trọng việc dạy giao tiếp chứ không phải dạy ngữ pháp.
Từ các bài học đến hệ thống bài tập đều đưa người học vào những tình huống giao tiếp cụ thể, từ đó phát triển vốn từ ngữ và khả năng giao tiếp. Hai bộ sách đều xây dựng theo các chủ đề, chủ điểm cụ thể, gần gũi với đời sống của cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài.
- Việc biên soạn sách tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài có gặp nhiều khó khăn?
- Cái khó nhất của tiếng Việt với người không biết tiếng Việt là thanh điệu. Nếu ở trong nước, sách giáo khoa tiếng Việt có thể dạy cùng lúc cả 6 thanh điệu thì với người học ở nước ngoài, phải tính toán cẩn thận để đưa ra những từ ngữ có thanh điệu dễ phát âm trước, khó phát âm sau, mỗi bài 2 thanh điệu thôi.
Ngoài ra, đó là sự phức tạp trong xưng hô của tiếng Việt. Nếu các sách ngoại ngữ khác đều đưa chủ đề làm quen đầu tiên thì bộ sách Tiếng Việt vui không thể làm như vậy. Trong bộ sách Tiếng Việt vui, trước tiên chúng tôi dạy bài học về gia đình. Bài thứ 2 mới dạy cách xưng hô theo vị trí trong gia đình. Từ đó mới mở rộng ra cách xưng hô trong xã hội.
- Nội dung và hình thức hai bộ sách nói trên có định hướng lồng ghép việc giới thiệu hình ảnh đất nước, khơi dậy tình cảm hướng về quê hương của kiều bào không, thưa ông?
- Sách dạy tiếng Việt cần giới thiệu phong cảnh, phong tục tập quán, kinh tế - văn hóa Việt Nam. Việc đưa vào sách những câu chuyện, hình ảnh gần gũi của Việt Nam cũng phù hợp với mong muốn của kiều bào.
Tuy vậy, để phù hợp với người học, nhất là trẻ em sinh ra ở nước ngoài, khi lựa chọn các tình huống giao tiếp đưa vào sách, chúng tôi cũng cân nhắc để làm sao người học không quá xa lạ.
Ngoài ra, sách là tài liệu chung để cộng đồng người Việt ở nhiều nước khác nhau sử dụng tham khảo. Mỗi cộng đồng người Việt xa xứ có một đặc điểm khác nhau, vì thế chúng tôi cũng chọn đưa vào sách những nội dung, hình ảnh thể hiện giá trị chung của người Việt ở mọi cộng đồng.
Hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Theo ông, tình hình dạy tiếng Việt ở nước ngoài như thế nào? Hai bộ sách này có mang tính thống nhất để dạy cho người Việt ở nước ngoài?
- Nhóm biên soạn chương trình và sách có phân công nhau đi khảo sát ở một số nước như Mỹ, Pháp, Thái Lan...
Sau này chúng tôi còn có các đợt tập huấn giáo viên ở các nước Đông Âu, Mỹ, Thái Lan và Lào. Hầu hết việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài đều do các giáo viên không chuyên đảm nhiệm.
Nhiều thầy cô không được đào tạo sư phạm cũng như không được đào tạo để dạy tiếng Việt. Tài liệu dạy học thì tự sưu tầm là chủ yếu. Một số thầy cô mang sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh tiểu học trong nước sang dạy nên không hiệu quả.
Khi Tiếng Việt vui và Quê Việt được biên soạn, dự án có in hơn 1.000 cuốn, chủ yếu phát cho các giáo viên dạy tiếng Việt từ các nước về Việt Nam tập huấn. Sau đó, nhiều người đã sử dụng bản photocopy hoặc chụp ảnh lại sách, đưa vào đĩa CD làm tài liệu dạy học.
Điều kiện dạy học ở mỗi cộng đồng người Việt các nước có những điểm khác nhau, nên hai bộ sách trên chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, linh hoạt sử dụng, hoặc dựa vào đó biên soạn tài liệu chính thức dùng cho việc dạy học.
Bộ GD&ĐT giao NXB Giáo Dục Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ biên tập, thiết kế, chế bản, tạo file để đưa lên Internet, in và phát hành hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt. Cụ thể, sách Tiếng Việt vui in 437 bộ với 2.622 quyển sách và 2.622 sách bài tập,Quê Việt in 387 bộ với 2.322 quyển sách và 2.322 sách bài tập.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng giao NXB Giáo Dục Việt Nam in sách phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020.
NXB Giáo Dục Việt Nam có trách nhiệm bàn giao bản mềm hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt đã được biên tập cho văn phòng bộ để đăng tải lên trang http//www.moet.gov.vn. Tổng kinh phí thực hiện: 1.639.098.903 đồng.
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
SGK Địa lý lạc hậu 10 năm: Tôi thấy ngượng khi dạy cho HS những kiến thức này Trong sách giáo khoa môn Địa lý các lớp từ bậc THCS đến THPT được Bộ GDĐT tái bản năm 2015, tất cả các số liệu về địa lý đều dừng lại ở các số liệu cách đây 10-12 năm. Các số liệu trong sách Địa lý lớp 10, 11, 12, đều từ năm 2005 Bài 22 sách Địa lý lớp 10 (Tổng...