Ngôi trường ở Hà Nội lần đầu được đón học sinh đi học trực tiếp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hôm nay 8/2, nhiều ngôi trường ở Hà Nội mới lần đầu tiên được đón học sinh đến học trực tiếp.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được thành lập cách đây 7 tháng, nhưng hôm nay tiếng trống trường báo hiệu giờ vào lớp của học sinh mới lần đầu tiên được vang lên
Do là ngôi trường mới thành lập, nên năm học này trường mới tuyển sinh các khối lớp đầu cấp và ở đợt này chỉ có khoảng 270 học sinh khối lớp 10.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ cho hay vừa hồi hộp, vừa mừng, nhưng cũng có chút lo lắng bởi hôm nay cũng là ngày đầu tiên được đón các học sinh của trường, kể từ ngày thành lập.
Bà Liên nói cán bộ, giáo viên nhà trường đều nhận thức phải tổ chức nghiêm túc, không chủ quan, bị động.
Để đảm bảo tối đa an toàn cho học sinh, phòng chống dịch Covid-19, nhà trường đã chuẩn bị dọn dẹp, khử khuẩn, vệ sinh từ ngày mùng 5 Tết.
“Chúng tôi cũng tổ chức bố trí đón, chia học sinh theo làn đường được căng dây để vào trường. Các lớp sẽ được chia đôi lên 2 cầu thang khác nhau. Bởi khối lớp 10 của trường hiện mới chỉ 7 lớp nên bảo vệ nhà trường cũng sẽ phân vị trí để xe mỗi lớp một khu vực trong sân trường để đảm bảo giãn cách”, bà Liên nói.
Không chỉ Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ, một số trường học vừa được thành lập hoặc chuyển địa điểm cũng lần đầu có học sinh đến trường trong sáng nay.
“Em thích học trực tiếp hơn”
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên đến trường sáng 8/2. Ảnh: Phạm Hải
Hà Nội đón hơn 600.000 học sinh tới trường vào sáng nay (ngày 8/2). Với nhiều khối lớp, đây là lần đầu tiên các em được quay trở lại trường sau quãng thời gian dài học trực tuyến tại nhà.
Việc học sẽ diễn ra vào các ngày trong tuần theo kế hoạch giáo dục của trường.
Quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội được nhiều phụ huynh và học sinh ủng hộ. Để đón học sinh trở lại học tập, các trường cũng đã khẩn trương xây dựng lại thời khóa biểu, vệ sinh trường lớp, rà soát số học sinh sẽ không thể đi học trực tiếp để bố trí việc giảng dạy kết hợp.
Tiết học đầu tiên sau 8 tháng không được đến trường của nhiều học sinh Trường PTSNLC Wellspring
Bước vào năm học mới bằng những tiết học online, sau thời gian dài ở nhà, mong ước lớn nhất của Hoàng Thu Hiền (học sinh lớp 11, Trường THPT Khương Đình) là được đến trường học trực tiếp.
“Được gặp các bạn vào dịp đầu năm mới, em thấy rất vui và háo hức. Thời gian qua, chúng em chủ yếu chỉ nhắn tin, gọi điện cho nhau. Vì thế, ai cũng mong ngóng được tới trường. Em cũng thích những tiết học trực tiếp hơn, bởi điều đó khiến em dễ tiếp thu bài và tập trung hơn nhiều”, Hiền cho biết.
Học sinh Trường THPT Khương Đình được nhận lì xì trong ngày đầu đến trường học trực tiếp.
Còn với Mai Anh Tuấn (học sinh lớp 10), đây là lần đầu tiên cậu được tới trường học trực tiếp. “Trước đó, chúng em chỉ được gặp nhau một lần trong ngày nhập học, sau đó là quãng thời gian dài ở nhà học online. Vì thế, hôm nay ai cũng hồi hộp và bỡ ngỡ. Cô chủ nhiệm – dù chúng em vẫn thường gặp đều đặn hàng tuần – nhưng hôm nay gặp cô vẫn vừa lạ vừa quen. Em hy vọng, quãng thời gian còn lại của năm học này sẽ thật vui và ý nghĩa”, Tuấn nói.
Thầy Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Khương Đình cho biết, việc học sinh quay trở lại trường là mong mỏi của rất nhiều học sinh, giáo viên và của ban giám hiệu nhà trường. Nhưng dù mừng vui, thầy cô cũng không khỏi lo lắng.
Một tuần trước khi học sinh quay trở lại, ban giám hiệu liên tục đốc thúc thầy cô chủ nhiệm rà soát lại tình hình của học sinh từng lớp theo ngày.
“Cho đến đêm qua, chúng tôi đã rà soát được có 48 học sinh (trong đó có 4 F0, 31 F1, 10 em vùng dịch cấp độ 3, 3 em ở quê chưa lên) không thể đến trường học trực tiếp. Với những em học sinh này, nhà trường sẽ tổ chức các lớp học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để các em có thể tham gia. Trong trường hợp cần thiết, giáo viên cũng có thể tiếp tục bổ trợ cho học sinh theo hình thức trực tuyến vào một số buổi chiều vì hiện các em chỉ học buổi sáng”.
Hiệu trưởng Trường THPT Khương Đình cũng cho biết thêm, niềm hạnh phúc nhất của thầy cô và ban giám hiệu là nhận được sự đồng thuận của các vị phụ huynh.
“Trong ngày hôm qua, ngày cuối cùng trước khi học sinh quay trở lại, phụ huynh nhiều lớp đã chủ động đến trường cùng thầy cô dọn dẹp lại một lần nữa, đồng thời bỏ tiền túi để lắp thêm camera trong các lớp học, giúp các em có thể học trực tuyến nếu không thể tới trường”.
Do trường mới thành lập vào năm ngoái, chưa có học sinh lớp 12, do đó trường vẫn còn rất nhiều phòng trống. Thầy Thuận cho biết, với mỗi tầng, trường đều trang bị từ 1-2 phòng làm nơi cách ly y tế nếu có trường hợp học sinh có dấu hiệu ốm sốt, do đó, sẽ đảm bảo an toàn về phòng chống dịch cho các em.
Học sinh Trường PTSNLC Wellspring đo thân nhiệt trước khi vào trường
Tại Trường PTSNLC Wellspring, ngoài công tác chuẩn bị, vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ cơ sở vật chất theo quy định, các quy trình đưa – đón học sinh đến trường, tổ chức các hoạt động học tập tại trường, cách ly khử khuẩn trong tình huống có học sinh mắc bệnh,… được rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại. Đặc biệt, quy trình và kế hoạch phun khử khuẩn trường lớp, xe bus, vệ sinh các thiết bị học tập được đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau khi phun khử khuẩn, tiếp tục thực hiện lau lại bằng nước sạch và khăn khô.
Giáo viên vất vả vì dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến
Sĩ số ở một lớp học sáng nay. Ảnh: Phạm Hải
Ngay bên cạnh, tại Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) trong sáng nay, chỉ có học sinh khối 8, 9 tới trường học trực tiếp. Cô Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo giãn cách, trường đã chia thành 2 ca học. Các học sinh khối lớp 7 sẽ học vào buổi chiều.
Thực tế, học sinh khối lớp 6 vẫn đang học trực tuyến, do đó, việc kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp với các khối lớp sẽ khiến giáo viên vất vả hơn.
“Nhiều giáo viên trong cùng một buổi sáng vừa phải dạy trực tiếp cho khối lớp 8, 9, vừa phải dạy trực tuyến cho học sinh lớp 6. Do đó, để tiện cho việc di chuyển, nhà trường đã sắp xếp cho các thầy cô 7 phòng dạy học trực tuyến, đồng thời cũng nâng cấp các gói mạng Internet. Điều này nhằm giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất”, cô Hiền nói.
Đối với việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, cô Hiền cho biết, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng 2 phòng y tế, trong đó một phòng dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch bệnh và một phòng cách ly y tế tạm thời dành cho những học sinh có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trang bị máy đo thân nhiệt, nước khử khuẩn, khẩu trang cho học sinh.
Với những em hiện đang là F0, F1 hoặc đang sinh sống tại vùng 3, 4 không thể đến trường học trực tiếp, nhà trường cũng sắp xếp để các em có thể theo dõi bài giảng thông qua hệ thống camera được lắp đặt ngay tại lớp học.
“Trong tối hôm qua, nhà trường đã cung cấp ID, mật khẩu lớp học tới các phụ huynh và học sinh. Do đó, dù không thể tới trường, nhưng không có em học sinh nào không được tham gia lớp học”, cô Hiền nói.
Tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, học sinh được xếp thành 2 hàng đo thân nhiệt, xịt khử khuẩn để vào trường. Ảnh: Phạm Hải
2 ngày nữa, học sinh tiểu học và lớp 6 ngoại thành Hà Nội cũng sẽ trở lại trường học trực tiếp. Với khu vực nội thành, học sinh tiểu học và lớp 6 dự kiến được đến trường từ 21/2. Riêng bậc học mầm non, Hà Nội chưa có công khai phương án cụ thể.
Dù cho phép học sinh nhiều khối lớp được đi học trực tiếp, song Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, 2. Các địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 vẫn tổ chức dạy học trực tuyến.
Đối với các trường đã tổ chức dạy học trực tiếp, nhưng có một số học sinh ở vùng cấp độ 3, 4, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy trực tuyến cho các em.
MỚI: Học sinh lớp 1 đến lớp 6 nội thành Hà Nội dự kiến đi học lại từ 21/2
Nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận của Hà Nội được đến trường trong tháng 2 này.
Tại cuộc họp rà soát công tác tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp diễn ra chiều 7/2, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin về thời gian đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành.
Theo đó, với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, UBND TP thống nhất chủ trương bước 1 sẽ cho học sinh tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2. Lý do bởi qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp học này ở 12 quận thường cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau còn tại 18 huyện, thị xã thì chủ yếu học sinh ở địa bàn nào đều học ở trường thuộc địa bàn đó, như vậy sẽ đảm bảo an toàn khi triển khai học trực tiếp.
Với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, sau khi cho đối tượng học sinh này tại 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT sẽ có đánh giá sơ bộ;nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận được đến trường.
Một trong những công tác quan trọng trong tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là việc ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong thực hiện "một cung đường hai điểm đến"; các bước lưu ý khi phát hiện F0; ngoài ra các trường cần xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung) của Bộ GD&ĐT.
Trước đó, Hà Nội đã triển khai cho học sinh lớp 9 huyện Ba Vì đi học từ ngày 8/11.
Từ ngày 22/11, học sinh lớp 9 tại 18 huyện ngoại thành đến trường. Tiếp đến, ngày 6/12, Hà Nội cho học sinh lớp 12 trên toàn TP học trực tiếp luân phiên.
Sáng 7/2, học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn TP tiếp tục học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết. Bắt đầu từ ngày mai, học sinh khối 7, 8, 10, 11 sẽ được đến trường.
Tất bật đón học sinh trở lại, trường học Hà Nội vẫn bộn nỗi lo Chỉ sau 3 ngày Tết, nhiều trường học ở Hà Nội đã tiếp tục rốt ráo lên phương án chuẩn bị đón học sinh trở lại học trực tiếp. Song vẫn còn đó những nỗi lo. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, theo kế hoạch chung của toàn thành phố, ngày...