Ngôi trường duy nhất thực hiện thi Tiếng Anh trình độ B1
Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa là trường đầu tiên và duy nhất của TP Hà Nội thực hiện cho khối 12 thi chứng chỉ đầu ra tiếng Anh trình độ B1 trở lên.
Mỗi năm số lượng học sinh có trình độ B1 lại tăng lên. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa qua,trường có tới hơn 55% học sinh khối 12 được miễn thi và nhận quy đổi điểm 10 môn Tiếng Anh.
Phó Hiệu trưởng Cô Cao Thanh Nga chia sẻ kỹ năng học tiếng Anh với các em học sinh
Chất lượng ngày một nâng cao
Cô Cao Thanh Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cho biết, học sinh nhà trường có được kết quả ấn tượng này nhờ việc dự thi bài thi quốc tế TOEFL ITP và đăng ký quy đổi điểm thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, bài thi TOEFL ITP được sử dụng để đánh giá năng lực tiếng Anh, từ đó điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp với từng học sinh. Kết quả thi tạo điều kiện cho học sinh đăng ký miễn thi tốt nghiệp THPT và nhận điểm tối đa (10 điểm) môn Tiếng Anh. Trong kỳ thi dành cho học sinh khối 12 tại trường vừa qua, trong số 239 học sinh khối 12, đã có 132 em (chiếm hơn 55%) đạt điều kiện miễn thi và quy đổi điểm 10 Tiếng Anh tốt nghiệp.
Mặc dù, mới là năm thứ 3 tổ chức dạy và thi TOEFL ITP trong toàn bộ khối 12 nhưng chất lượng đã được nâng dần qua từng năm học. Năm đầu tiên đạt được 30,3% (tổng số học sinh khối 12), năm học 2017 – 2018 là 50,4% và năm học 2018 -2019 đã lên tới 55,25% (số lượng học sinh đạt trình độ từ C1, B2 nhiều hơn). Cụ thể, năm học 2018 – 2019 học sinh đạt trình Tiếng Anh trình độ C1 là 10 em, B2 là 62 em, B1 là 60 em, đã khẳng định chất lượng nâng dần qua từng năm học…
Để có được những kết quả trên, theo cô Cao Thanh Nga bắt nguồn ngay từ sự định hướng, hướng nghiệp của nhà trường giúp các em học sinh thấy được ưu thế của việc học Tiếng Anh. Đặc biệt, mẫu đề thi của TOEFL ITP hoàn toàn phù hợp với luyện đề thi THPT Quốc gia, nó góp phần phát triển cho học sinh được 3 kỹ năng: Nghe, đọc, ngôn ngữ cấu trúc ngữ pháp.
“Học sinh thi và được cấp chứng chỉ TOEFL ITP, thứ nhất, trình độ tiếng Anh của học sinh được nâng cao. Có chứng chỉ các em được miễn điểm thi môn thi Tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp. Thứ hai, khi được luyện TOEFL ITP các em sẽ làm rất tốt các bài thi THPT quốc gia để xét vào các trường đại học và có điểm thi rất cao. Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi giáo viên nhà trường còn có sự phối hợp giảng dạy chương trình TOEFL ITP cùng với giáo viên nước ngoài do Công ty IIG Việt Nam cung cấp. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ Tiếng anh, tổ bộ môn cùng Công ty IIG xây dựng chương trình học trong thời khóa biểu…”, cô Cao Thanh Nga chia sẻ.
Video đang HOT
Đặt ra lộ trình cụ thể và giám sát chặt chẽ
Cô Cao Thanh Nga cũng cho biết, để học và thi được chứng chỉ TOEFL ITP đòi hỏi sự nỗ lực học tập nghiêm túc từ các em học sinh. Bởi bài thi của TOEFL ITP thiên về khoa học kỹ thuật, tương đối khó so với một số học sinh mà các cấp học trước đó đã bị rỗng kiến thức môn tiếng Anh.
Em Nguyễn Mạnh An Huy – học sinh lớp 12A3 cho biết, học TOEFL ITP không chỉ để phục vụ mục tiêu cho Kỳ thi THPT quốc gia mà còn là mục tiêu có nhiều cơ hội việc làm bởi những lợi thế từ môn Tiếng Anh. “Với những kiến thức học chính khoá cùng với chương trình TOEFL ITP thì bài thi Tiếng Anh không còn khó. Các thầy cô dạy theo chuẩn mực, các bạn với lực học trung bình đều có thể tiếp thu được ngay trên lớp, điều này giúp chúng em tự tin học và thi môn Tiếng Anh…”, An Huy chia sẻ.
Còn bạn Nghiêm Thị Linh Chi – học sinh lớp 12D1 cho rằng, việc học TOEFL ITP sẽ củng cố kiến thức tiếng Anh để phục vụ cho việc thi vào các trường đại học. Cấu trúc đề thi TOEFL ITP ngữ pháp khá sát với đề thi đại học bởi có thêm phần nghe. Vì vậy, nếu nhân rộng, các trường đều có TOEFL ITP nó sẽ giúp học sinh có mục tiêu hơn trong việc học.
Với xu hướng áp dụng các chuẩn quốc tế trong đánh giá và thi tuyển, điểm TOEFL ITP không chỉ được miễn thi tốt nghiệp mà còn được nhiều đại học tại Việt Nam sử dụng để xét tuyển, ưu tiên xét tuyển. Tiêu biểu có thể kể đến Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Đại học Luật Hà Nội…
Ngoài ra, TOEFL ITP còn được nhiều chương trình học bổng danh tiếng lựa chọn là tiêu chí đánh giá khả năng tiếng Anh của thí sinh, đặc biệt là các chương trình học bổng chính phủ hay học bổng đến từ các quỹ lớn. Đơn cử, học bổng Fulbright, VEF, Ford Foundation, học bổng phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JDS)… Bài thi TOEFL ITP được sử dụng để đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh tại hơn 2.500 tổ chức trên hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phiếu điểm TOEFL ITP do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) cấp và có giá trị toàn cầu trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp.
Cô Cao Thanh Nga cho biết thêm, nhà trường không chỉ phấn đấu chất lượng năm sau phải cao hơn năm trước mà đến năm 2022 sẽ cán đích mục tiêu 100% học sinh đạt chứng chỉ trình độ tiếng Anh từ B1 trở lên. “Với những lợi thế, sự thiết thực, học sinh sẽ được hưởng lợi ích nhiều nhất từ việc đánh giá tiếng Anh theo chuẩn quốc tế…”, cô Nga nhấn mạnh.
Đăng Chung
Theo GDTĐ
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giải "bài toán" đội ngũ
Đến nay đội ngũ giáo viên (GV) toàn quốc đã có nhiều nỗ lực trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động nhiều, GV một số bộ môn Tiếng Anh, Tin học... thiếu; chất lượng chung đội ngũ còn khoảng trống nhất định. Như vậy, để bước vào triển khai CTGDPT mới đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực chuẩn bị đội ngũ cả về số lượng và chất lượng.
Thiếu GV - vấn đề cần tháo gỡ tại nhiều địa phương để triển khai CTGDPT mới. Ảnh: Đức Trí
Nỗi lo đội ngũ
Tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc, chỉ tính riêng ở cấp TH hiện toàn ngành có 23 trường với 399 lớp và 12.831 HS. Tuy nhiên, tổng số CBQL, GV, nhân viên hiện nay mới có 60 CBQL, 515 GV, tổng phụ trách Đội và 75 nhân viên.
Ông Đỗ Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc cho rằng, trong quá trình triển khai CTGDPT mới ngành sẽ gặp không ít những khó khăn bởi đội ngũ giáo viênTH còn thiếu so với yêu cầu đạt tối thiểu 1,5 (hiện chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp). Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế. Sĩ số học sinh/lớp đông, vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT... Vấn đề cần giải quyết cấp bách khi triển khai CTGDPT mới đối với ngành GD-ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc bên cạnh cơ sở vật chất là tăng cường cả số lượng và chất lượng đội ngũ GV và CBQL.
Đắk Lắk - một tỉnh miền núi trung du với nhiều nỗ lực vượt bậc về giáo dục cũng không tránh khỏi nỗi lo về đội ngũ. Toàn tỉnh hiện nay có 1.040 trường học từ mầm non đến phổ thông với 15.628 lớp, 462.972 HS; 36.734 CBQL, GV, NV (trong đó 28.285 GV). Tỷ lệ CBGV đạt chuẩn về trình độ đào tạo là 99,95%, trong đó có 64,44% CBGV đạt trên chuẩn.
Tuy nhiên theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: Giáo dục hiện nay chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Như vậy, GV phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho HS chiếm lĩnh tri thức. Để thực hiện CTGDPT mới thì vai trò của GV và CBQL phải có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Phải coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Quá trình triển khai CTGDPT tổng thể, ngành GD-ĐT Quản Bạ - Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề đội ngũ, đó là khẳng định của ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT. Chỉ tính riêng ở cấp TH, đội ngũ hiện nay mới đạt 1,35 GV/lớp trong khi CTGDPT mới yêu cầu phải đạt tối thiểu 1,5 GV/lớp. Cùng đó, trong CTGDPT mới có thêm 2 môn học bắt buộc là Ngoại ngữ, Tin học thì việc bổ sung GV ở hai bộ môn này là tất yếu. Trong yêu cầu tinh giản biên chế hiện nay thì đây là vấn đề không dễ giải quyết trong "một sớm một chiều", trong khi thời gian chuẩn bị sắp kết thúc.
Chất lượng đội ngũ GV quyết định thành công đổi mới GD. Ảnh: Đức Trí
Giáo viên - yếu tố quyết định của CTGDPT mới
Rõ ràng, để thực hiện tốt việc đổi mới CTGDPT, các địa phương cần có cách tháo gỡ hiệu quả về số lượng và chất lượng đội ngũ.
Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc cho biết: Đối với đội ngũ GV, chúng tôi xác định cần bồi dưỡng cho họ về đổi mới tư duy, chú trọng tới trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phương pháp giảng dạy, hệ thống hóa lại kiến thức, kỹ năng liên quan đến các môn tích hợp trên cơ sở phát triển các năng lực nền tảng. Mặt khác, thực hiện bồi dưỡng đạo đức nhà giáo có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới CTGDPT. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp GV hàng năm.
Đối với đội ngũ CBQL, được xác định với nhiều trọng trách nên trong quá trình bồi dưỡng sẽ chú trọng tới trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ quản lý cũng được đặc biệt quan tâm về khả năng xây dựng chiến lược, quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài chính, hệ thống thông tin quản lý giáo dục, phát triển năng lực nghề nghiệp, năng lực tổ chức thực hiện và phát triển CT... để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Để bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL chuẩn bị đổi mới CT, SGK PT mới từ năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã xác định hàng loạt giải pháp trọng tâm. Từ việc nâng cao trách nhiệm CBQL đến thực hiện bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL...
Trên cơ sở đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn GV hàng năm, ngành GD-ĐT xây dựng chương trình bồi dưỡng CBQL phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm bổ sung những nội dung còn yếu, chưa được bồi dưỡng... để mỗi CBQL phải đạt theo các tiêu chuẩn quy định. Triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng những nội dung bồi dưỡng chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo Kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều tra, thống kê nhu cầu vị trí việc làm ở các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh để đăng ký chỉ tiêu đào tạo sau ĐH, ĐH, CĐ một cách hợp lý, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới, chuẩn bị đội ngũ GV và CBQL bảo đảm về số lượng và chất lượng là công việc tất yếu của mỗi địa phương. Về phía Bộ GD&ĐT cũng đã cùng địa phương gỡ khó bài toán đội ngũ GV đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành GD khi thực hiện CT mới. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1495/BNV - TCBC về việc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành GD và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới...
Đức Trí
Theo GDTĐ
Nghệ thuật bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối trong Tiếng Anh để không làm mất lòng người đối diện Bày tỏ ý kiến cá nhân cũng là một nghệ thuật cần phải học tâp rèn luyện để đạt được thành công trong cuộc sống. Trong cuộc sống, bày tỏ ý kiến cá nhân là một kỹ năng rất quan trọng cần rèn luyện để đạt được thành công. Cùng là một vấn đề, nhưng với cách diễn đạt khác nhau sẽ mang...