Ngôi trường đặc biệt của con công nhân
Mỗi tháng, công nhân chỉ phải đóng tối đa 800.000 đồng nhưng trẻ lại được chăm sóc theo các phương pháp, mô hình chuẩn quốc tế
Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục One Sky Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được đưa vào hoạt động từ năm 2017 với sự tài trợ của tổ chức Half the Sky Foundation. Trung tâm hiện chăm sóc và giáo dục hơn 250 trẻ em là con của những công nhân (CN) có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà và đang làm việc tại các nhà máy ở KCN Hòa Khánh.
Trẻ được yêu quý
Chúng tôi đến One Sky Đà Nẵng vào một buổi chiều tháng 4-2019 và được ông Phan Thanh An, phụ trách văn phòng trung tâm, dẫn đi thăm các lớp. Ở đây, các lớp học từ khối nhà trẻ tới khối mẫu giáo đều vang lên tiếng cười đùa. Tại mỗi lớp, trẻ chơi đùa, học hỏi với nhau và với các cô giáo như những người bạn.
Môi trường tại Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục One Sky Đà Nẵng rất lý tưởng cho con công nhân
Khi thấy người lạ bước vào, những cháu bé mới 2-3 tuổi hay lớn hơn một chút không hề tỏ ra e dè hay sợ sệt mà đều đồng thanh chào. Bà Võ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm One Sky Đà Nẵng, tự hào: “Không cần ai nhắc, các bé sẽ tự chào khi thấy có người đến. Bởi lẽ, các cô ở đây luôn có nguyên tắc là khi gặp trẻ phải chào trước, không phải cả lớp mà là chào từng em. Chúng tôi cho rằng làm như thế, trẻ sẽ thấy mình được trân trọng và tự khắc chào lại rồi trở thành một thói quen. Đó là phương pháp mà trung tâm áp dụng để dạy trẻ, trên nguyên tắc tôn trọng sở thích và sự tự nguyện của mỗi cháu”.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung cho biết đã học được rất nhiều điều từ khi vào trung tâm, đảm nhận nuôi dạy những đứa trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. “Mới đầu, tôi rất bỡ ngỡ vì ở đây không giống với bất kỳ trường mầm non nào mà mình từng công tác. Thế nhưng, gần 2 năm làm việc, tôi nhận ra rằng nuôi dạy trẻ ở đây không hề khó, thậm chí còn dễ hơn rất nhiều, chỉ cần một điều là phải có tình thương thật sự đối với các cháu” – cô Nhung bộc bạch.
Video đang HOT
Giáo viên ở One Sky Đà Nẵng không phải tốn công sức chuẩn bị bài giảng hay phương pháp gì mà tất cả phụ thuộc vào sở trường, thói quen của trẻ. “Các cô chỉ việc quan sát để phát hiện mỗi cháu trong lớp có năng khiếu, sở thích gì, từ đó giúp trẻ tự phát huy khả năng của mình. Không hề có bất cứ bài giảng nào được định trước” – cô Nhung khẳng định. Theo cô, mỗi giờ học, mỗi ngày học đối với trẻ sẽ luôn là niềm vui bởi các cô luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng các cháu, kể cả giấc ngủ vì ở đây giáo viên cho trẻ ngủ theo nhu cầu.
Bà Võ Thị Hiền cho hay phương pháp nuôi dạy trẻ tại One Sky Đà Nẵng là phương pháp dạy học ứng đáp được soạn bởi 5 chuyên gia giáo dục mầm non của One Sky từ Mỹ, Canada và New Zealand. Được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng thẩm định và cho phép thực hiện, phương pháp này dựa trên sự quan sát của các cô giáo để đưa ra phương pháp cụ thể với từng trẻ. Phương pháp này cũng dạy cho trẻ có tính tự lập và thể hiện suy nghĩ của mình.
Theo bà Hiền, ngoài việc có phương pháp giáo dục mang tầm quốc tế, chất lượng dinh dưỡng cho mỗi trẻ ở đây cũng ở mức cao. Trẻ được ăn 5 bữa mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu của bố mẹ là CN, trung tâm mở cửa đón trẻ từ 6 giờ 30 phút và trả trẻ muộn nhất vào 18 giờ 30 phút từ thứ hai đến thứ bảy. Khuôn viên của trung tâm còn có cả sân chơi mang tính “hướng nội”. Đó là làm các mô hình như nhà bếp bằng tre, lá tranh, có chuồng nuôi gà, phòng đọc sách… để bố mẹ có thể vui chơi cùng con trẻ khi tan lớp.
Bà Hiền cho biết One Sky Đà Nẵng đang nuôi dạy hơn 250 trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Trẻ vào trung tâm được sàng lọc rất kỹ càng, đầu tiên phải là con của CN có hoàn cảnh khó khăn, hiện làm việc tại các nhà máy ở KCN Hòa Khánh, chưa có nhà ở, đang phải thuê nhà hoặc ở nhờ. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ ưu tiên cho trẻ thuộc diện mồ côi cha hoặc mẹ, cha hoặc mẹ bị mất sức lao động vĩnh viễn… Sau khi xét duyệt hồ sơ, trung tâm sẽ tổ chức bốc thăm theo số lượng.
Không còn nỗi lo gửi con
Tâm sự với chúng tôi, chị Lê Thị Xuân, CN Công ty TNHH The Blue (KCN Hòa Khánh), cho biết chị có 2 con trong độ tuổi mầm non. Trong đó, 1 cháu đang học tại One Sky Đà Nẵng.
Trước đây, vợ chồng chị Xuân gửi con ở nhóm trẻ tư thục và mỗi tháng đóng khoảng 1,5 triệu đồng. Đi làm nhưng vợ chồng chị rất lo lắng con bị bạo hành, ăn uống không đủ chất. Từ ngày gửi con vào One Sky Đà Nẵng, vợ chồng chị nhận thấy sự khác biệt hẳn.
“Con tôi từ chỗ nhút nhát, ngại tiếp xúc đã trở nên dạn dĩ hơn. Cháu cũng có tính tự lập rõ rệt” – chị Xuân nhận xét. Theo chị, do One Sky Đà Nẵng nhận trẻ có hạn mà ở KCN này có đến hàng chục ngàn CN, vì thế được vào học ở đây là sự may mắn đối với con chị và gia đình.
Chị Trịnh Thị Yến, CN một nhà máy tại KCN Hòa Khánh, cho rằng cách dạy dỗ cũng như cơ sở vật chất ở One Sky Đà Nẵng không kém gì các trường tư đắt đỏ – nơi mà những CN như chị chỉ dám mơ cho con vào học. Chị Yến có 2 con trai đang được nuôi dạy tại One Sky Đà Nẵng. “Gửi con ở đây, chúng tôi không phải lo lắng điều gì mà còn cảm thấy rất yên tâm” – chị bày tỏ.
Tập huấn kỹ năng nuôi dạy trẻ
Theo bà Võ Thị Hiền, mỗi tháng, One Sky Đà Nẵng mời phụ huynh đến tham gia “học” cùng trẻ 1 buổi. Mỗi phụ huynh sẽ chuẩn bị đồ dùng phù hợp với ngành nghề hay sở thích của mình, sau đó chia sẻ với con em họ và những đứa trẻ trong lớp. Ngoài việc để phụ huynh hiểu được con mình trên lớp được học hành thế nào, cách làm này còn tạo sự dạn dĩ – trẻ không cảm thấy sợ sệt khi tiếp xúc những người lạ ngoài cô giáo, bố mẹ.
Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện các lớp tập huấn kỹ năng nuôi dạy trẻ mầm non cho những phụ huynh là CN. Lớp tập huấn sẽ kéo dài 4-5 tháng với hệ thống 18 bài học, mỗi bài 2 giờ. Dự kiến, khoảng 3.000 CN sẽ được tham gia các lớp tập huấn này.
One Sky Đà Nẵng còn tập huấn giáo trình One Sky và hỗ trợ bảo mẫu hoặc cô giáo của các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Bài và ảnh: BÍCH VÂN
Theo Người lao động
Bạn đọc viết: Bữa ăn bán trú: Mong mỏi của phụ huynh trường nông thôn
Ở nhiều vùng nông thôn, việc đưa đón con trẻ đi lại học hành còn nhiều vất vả, tốn kém công sức và tiền bạc vì chưa có bữa ăn bán trú ở trường. Khó khăn nảy sinh từ bữa trưa của học sinh cũng gây ảnh hưởng một phần đến chất lượng giáo dục cũng như sinh hoạt gia đình.
Ảnh minh họa
Theo như tôi biết, tại một trường tiểu học của ở một xã ở tỉnh Bắc Ninh, từ trước đến nay không nấu bữa ăn bán trú cho học sinh vào buổi trưa. Vài năm gần đây, phía cha mẹ học sinh đặt vấn đề nhưng cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện nên trường chỉ đặt cơm hộp cho các em ăn trưa. Gom tất cả thì mỗi lớp được vài em, cả trường chưa được 50 hộp cơm nhưng các phụ huynh vẫn đành chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào nữa. Nhiều phụ huynh không yên tâm về chất lượng cơm mua bên ngoài nhưng vẫn phải để con ăn trưa tại trường vì không có người đưa đón ngày vài lượt đi học.
Ở nông thôn, các trường hợp gửi con ở trường thường là có bố mẹ đi làm xa nhà, làm công nhân, nhà không có ông bà hoặc ông bà đã già. Những nhà vẫn có người để đưa đón con ngày 4 lượt đến trường thì khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Ngày mát mẻ, khô ráo thì đỡ, còn những ngày mưa gió rét hoặc nắng gắt giữa thì cả học sinh và phụ huynh đều mệt mỏi và cực nhọc.
Thường những gia đình đưa đón con đi học được như thế thì là phải có nhiều thời gian, có người rảnh rỗi và công việc an nhàn, thuận lợi để chuyên tâm vào việc chăm sóc việc học hành cho con. Cứ thế là quanh năm, suốt tháng, phải chờ xong hết cấp 1 thì các em học sinh mới tự túc đi lại một mình đến. Biết là vất vả, cực nhọc nhưng nhà nào cũng phải cố, tất cả là vì việc học hành của con cái nên dù có mệt thì ông bà, cha mẹ vẫn luôn phải cố sức.
Không ăn bán trú ở trường thì ngoài việc đưa đón đi lại vất vả cho cả phụ huynh và con em học sinh thì các việc ăn uống ngủ nghỉ ở nhà cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Việc đi lại trong thời gian ngắn giữa trưa khiến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ không có nhiều thời gian và dễ mệt mỏi cho các em, ảnh hưởng một phần đến giờ học buổi chiều. Thêm nữa, vì không có bữa ăn bán trú ở trường nên những gia đình có con nhỏ đang học tiểu học phải mất một nhân lực để đưa đón con cháu, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của gia đình. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải chủ động sắp xếp trước với nhau để luôn có một người dành thời gian đưa đón con. Ngay tại Hà Nội, nhiều xã ngoại thành vẫn chưa có điều kiện để lập bữa ăn bán trú cho học sinh, một phần do thiếu vốn, lại chưa có chủ trương hoặc chưa được quan tâm.
Hiện nay, không chỉ ở các thành thị mà tại nông thôn, tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, người lao động phần lớn làm việc trong các doanh nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ, lao động nông nghiệp giảm mạnh và chủ yếu chỉ còn người già. Có những gia đình phải thuê người đưa đón con đi học vì không có thời gian và cũng không yên tâm khi để con tự ăn cơm hộp ở trường. Vì vậy, sự thay đổi và phát triển cũng lan rộng đến từng trường học, đến mỗi gia đình.
Xây dựng bếp ăn và duy trì bữa ăn trưa bán trú cho học sinh là điều cần nên làm, vừa tăng chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế cho các gia đình tại địa phương. Đây là mong ước của nhiều phụ huynh học sinh cũng như của nhiều trường học, nhưng lại là một việc không dễ dàng, điều này cần phải được làm theo hình thức xã hội hóa giữa chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp cùng kết hợp với nhau. Làm tốt việc này cũng góp phần vào sự phát triển của giáo dục, xây dựng đời sống giáo dục văn minh, và hiện đại hóa đời sống của cư dân ở nông thôn.
Minh Minh
Theo Dân trí
Nam sinh bị Học viện Hậu cần trả về đi làm công nhân tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Huy - nam sinh Hà Tĩnh bị Học viện Hậu cần trả do "thận lạc chỗ" hiện đang đi làm tại một công trường xây dựng ở Đà Nẵng. Sau một tuần bị Học viện Hậu cần trả về do "thận lạc chỗ", Nguyễn Quang Huy (SN 2000, trú tại thôn Vĩnh Đại, xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)...