Ngôi trường 400 m2 chỉ có một học sinh ở Trung Quốc
Ngôi trường rộng 400 m2 ở Trung Quốc chỉ có một học sinh. Em được giáo viên chăm lo tận tình, có thể học thể thao trên sân băng rộng 500 m2.
Tu Jiaqi đứng đầu lớp. Chính xác hơn, cô bé là học sinh duy nhất của lớp. Jiaqi cũng là người duy nhất theo học tại trường Tiểu học làng Liye gần thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, từ tháng 9/2015 tới nay.
Theo China Daily, vào khoảng thời gian này, trường Liye hoạt động trở lại sau khi tu sửa, có diện tích khoảng 400 m2. Hiệu trưởng Tao Fengju cho biết việc tu sửa bắt đầu từ tháng 10/2014. Trong quá trình này, tất cả 36 học sinh của trường chuyển đến trường Tiểu học Thái Bình gần đó.
Hiệu trưởng Tao Fengju dạy Ngữ văn cho học trò duy nhất. Ảnh: China Daily.
Nhưng khi trường Liye hoạt động trở lại, gia đình của 35 em lựa chọn tiếp tục học tại Thái Bình vì điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.
“Sau một năm, học sinh cũ của Liye đã quen với trường mới. Phụ huynh cũng bày tỏ nguyện vọng để con học tiếp. Họ nói các con thích học ở đây vì có nhiều bạn và giáo viên hơn”, Yang Shiyen, Hiệu trưởng trường Thái Bình, cho biết.
Tuy nhiên, Jiaqi là trường hợp ngoại lệ.
“Bà không cho cháu học trường Thái Bình. Bà bảo sang học kỳ mới, cháu cũng sẽ có bạn học”, bé gái 10 tuổi chia sẻ.
Thực tế, hoàn cảnh sống không cho phép Jiaqi và bà em lựa chọn. Mẹ cô bé bỏ nhà đi khi con gái mới 3 tuổi. Ba em lại bệnh tật liên miên. Jiaqi được ông bà già, đau ốm nuôi nấng.
“Không ai trong gia đình có thể dẫn Jiaqi đến trường. Việc để em tự đi học quá nguy hiểm dù trường Thái Bình chỉ cách nhà khoảng 2 km”, Hiệu trưởng Tao cho biết.
Vì thế, gần hai năm qua, Tu Jiaqi vẫn học ở trường làng, nhận sự dạy dỗ của cô Tao cùng một giáo viên khác – Liu Wengguo.
Khả năng tiếp thu của Jiaqi cũng không tốt lắm. Theo lời kể của nữ hiệu trưởng, cô bé gần như không thể học thuộc một bài thơ hay làm vài phép tính đơn giản. Giáo viên phải thực sự kiên nhẫn, dạy đi dạy lại để em có thể ghi nhớ một số nội dung bài học.
Video đang HOT
Ngoài ra, họ cũng đảm nhận việc chăm lo cuộc sống hàng ngày cho học sinh duy nhất của trường.
“Jiaqi mắc chứng tăng động nên thường khiến tóc tai rối tung, quần áo bẩn thỉu. Tôi phải thay em ấy giữ gìn vệ sinh cá nhân”, cô Tao giải thích.
Hàng ngày, Jiaqi ăn trưa cùng giáo viên vì không ai mang cơm cho em. Bà em, Wang Shurong (64 tuổi), kể hiệu trưởng trường Liye đề nghị Jiaqi ăn trưa cùng sau khi phát hiện em chỉ có một chiếc bánh mỳ khô quắt lấp bụng. Bà đã đề nghị trả tiền ăn nhưng nữ giáo viên tốt bụng từ chối vì việc nấu thêm cơm cho em không hề vất vả.
Thỉnh thoảng, Tu Jiaqi chạy nhảy lung tung trên đường đi học khiến bà em không thể theo kịp. Nếu không thấy học trò đến trường đúng giờ, cô Tao lại chủ động đi quanh làng tìm kiếm em và dẫn về lớp.
Bà em cũng thường xuyên quên đến trường đón cháu. Khi đó, ông Ai Xinguo (52 tuổi), bảo vệ của trường sẽ đưa em về nhà.
“Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo mỗi đứa trẻ đều ngang hàng nhau trong tiếp nhận giáo dục. Tôi tin bất cứ ai ở trường hợp này cũng làm điều tương tự”, cô Tao tâm sự.
Cô Yang cho biết thêm dù là học sinh duy nhất tại trường, Tu Jiaqi vẫn được dạy theo chương trình chung. Vào mùa đông, cô bé học thể thao trên sân băng rộng 500 m2. Hàng tuần, trường mời thêm giáo viên tiếng Anh đến dạy ngoại ngữ cho em.
“Các giáo viên tận tình giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Gia đình luôn cảm thấy yên tâm khi để cháu học ở trường”, bà Wang nhấn mạnh.
Theo Zing
Đưa trò chơi dân gian vào trường học
Nền gạch trong sân trường được kẻ ô theo những trò chơi như nhảy lò cò, chơi đá cầu. Sân trước lớp học được kẻ thành các bàn cờ tướng, cờ vua, ô ăn quan.
Giờ ra chơi, lũ trẻ ở trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội (phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) được thỏa sức chơi.
Cười thỏa sức, đấu hết mình
Bà Phạm Bích Ngà, người sáng lập hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội, cho biết: "Trẻ đến trường, ngoài việc học cần phải có không gian cho các con vui chơi, có tiếng cười thoải mái".
Theo bà Ngà, học sinh ngày nay quá thiếu không gian để chơi. Xung quanh các em là bảng đen, sách vở và những nền gạch khô cứng, đơn điệu. Trăn trở rất nhiều, bà chợt ồ lên: Tại sao không đưa các trò chơi dân gian vào trường học để học sinh được thỏa niềm vui.
Nghĩ là làm. Bà cho giáo viên trong trường đi tập huấn, nhất là các giáo viên thể dục phải thành thạo nhiều trò chơi dân gian.
Nền gạch trong sân trường được kẻ ô theo các trò chơi như nhảy lò cò, chơi đá cầu. Sân gạch trước lớp học được kẻ thành các bàn cờ tướng, cờ vua, ô ăn quan.
Sỏi để chơi ô ăn quan là những viên trắng, tròn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay cũng được giáo viên tỉ mẩn đi lựa chọn rồi đóng hộp cất ở một góc tường.
Học sinh trường Vinschool chơi các trò chơi dân gian trong trường học.
Vì trẻ đến trường chỉ có 15-20 phút giữa giờ để chơi nên tất cả được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ cần có thời gian là các em có thể đổ sỏi, kéo dây chun hay lôi bao bố ra chơi được ngay.
Nguyễn Hà Mi, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội, chia sẻ: "Trước đây, giờ ra chơi các bạn chỉ ra đứng ở cửa lớp hoặc ngồi trong phòng. Khi có nhiều trò chơi dân gian, Mi cũng như các bạn đều ra sân để chơi. Mi rất thích các trò chơi dân gian bởi trò chơi kết nối nhiều bạn với nhau".
Tương tự, hệ thống trường Vinschool hiện cũng là một trong những ngôi trường tư thục sớm đưa các chương trình học tăng cường trải nghiệm và các trò chơi dân gian vào nhà trường. Trò chơi dân gian được Tổ thể chất đưa vào chương trình giáo dục thể chất để học sinh chơi và tập luyện trước giờ học.
Thường trước giờ học, thời gian nghỉ của học sinh chỉ gói gọn trong khoảng 15-20 phút. Học sinh thường khởi động bằng các trò như cướp cờ, nhảy bao bố, kéo co...
Mỗi lớp được chia từ 3-4 đội "chiến đấu" với nhau. Đội thắng có thể được cộng điểm, tuyên dương vào dịp cuối tuần, trong khi đó đội thua tất cả thành viên đều phải thực hiện trò chống đẩy.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, phụ huynh của học sinh lớp 5, chia sẻ: "Chứng kiến các con tham gia trò chơi anh thấy rất phấn khích. Tất cả các trò chơi đều đem lại cho các con tinh thần đồng đội cũng như rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, kiên trì".
Ý tưởng từ một ngày hội
Bà Ngà tâm sự năm 2015, trường lên kế hoạch tổ chức hội chợ từ thiện cho học sinh. Hội chợ có khoảng 30-40 gian hàng trong đó, học sinh bán sản phẩm các vùng miền hoặc sản phẩm tự tay các em làm dưới sự giúp đỡ của giáo viên và phụ huynh.
Toàn bộ số tiền thu được trường sẽ đi làm từ thiện. Trong ngày hội đó, trường đã đưa vào một số trò chơi mới để thu hút học sinh như nặn tò he, viết chữ nho, chơi trò ô ăn quan, kéo co, nhảy bao bố, nặn đất sét...
Ngày hội diễn ra trong cảnh xuân sau Tết Nguyên đán thu hút hơn 2.000 lượt học sinh, phụ huynh kéo dài từ 7h sáng đến 9h đêm khiến nhà trường không khỏi bất ngờ. Điều bất ngờ lớn là ngoài số tiền thu được để đi tặng bạn nghèo, các em còn rất hào hứng với các trò chơi dân gian.
Học sinh trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội chơi các trò chơi dân gian trong trường học.
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, phụ huynh học sinh lớp 4, chia sẻ: "Chỉ một ngày chơi mà cả mẹ và con đều cười hết cỡ". Cũng theo chị Quỳnh, trẻ con thành phố khá thiếu thốn không gian chơi vì thế nhiều em cứ mải mê với các trò chơi trong điện thoại, máy tính.
Làm mẹ, chị không khỏi xót ruột trước những mối nguy về mắt của con hay nặng nề hơn là thu mình, trầm cảm. Bởi ngoài trường học, về đến nhà con cũng chỉ biết làm bạn với 4 bức tường, không có nhiều không gian để vui chơi.
Lãnh đạo trường Vinschool cũng cho hay ngoài chương trình học trên lớp, các trò chơi dân gian cũng được trường lồng ghép tổ chức thường xuyên trong các ngày hội, ngày dã ngoại trải nghiệm. Trong các ngày hội trường tổ chức, học sinh có riêng một sân chơi với gần chục trò chơi dân gian.
Các góc trò chơi này bao giờ cũng thu hút đông người tham gia nhất bởi tính kết nối và hấp dẫn người chơi lẫn người xem dù món quà cho người thắng cuộc đôi khi chỉ là những gói bim bim hay móc đeo chìa khóa nhỏ.
Các nhà quản lý giáo dục có chung nhận định: "trò chơi đơn giản, khiến học sinh vui vẻ, hào hứng trong khi triển khai không tốn kém tiền bạc". Vậy nhưng, trên thực tế hiện nay không phải trường nào cũng thực hiện được điều tưởng chừng như đơn giản này.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai phong trào đưa trò chơi dân gian vào trường tiểu học. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn cụ thể nên các trường triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong
10 trường có học phí đắt nhất thế giới 8 trong 10 trường có học phí cao nhất thế giới nằm ở Thụy Sĩ. Đây là nơi tầng lớp giàu có hay gia đình hoàng gia các nước chọn gửi con theo học. Trường La Rosey, Thụy Sĩ, học phí 106.400 USD/năm. Trường thành lập năm 1967, đào tạo học sinh từ 7 đến 18 tuổi đến từ hơn 60 quốc gia....