Ngôi trường 100% học sinh chuyên Sử đỗ ĐH
Cuộc “khủng hoảng” về điểm Sử của kỳ thi ĐH năm nay đã mở rộng mối quan tâm trong dư luận khắp cả nước. Lo lắng nhất có lẽ là những người chuyên dạy sử và chuyên học Sử. Phóng viên TT&VH đã về Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), ngôi trường có tiếng về chuyên môn vững chắc ở hầu hết các tổ bộ môn của tỉnh Hải Dương, trong đó có bộ môn Lịch sử.
Tính đến năm học 2010-2011 số học sinh đoạt giải quốc gia môn Lịch sử của trường đã lên tới 70 em. Trong đó có 4 giải Nhất, 16 giải Nhì, 36 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Mới nhất trong đợt thi học sinh giỏi quốc gia 2011, các học sinh chuyên sử của trường đoạt 8 giải trong đó có 2 giải Nhất.
Điểm thấp là do ý thức thấp
Chúng tôi tìm đến lớp 10 Sử khi cô Nguyễn Thị Loan, một “chuyên gia” của trường trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử đang đứng lớp. Lớp Sử mà chúng tôi “dự giờ”, các em học theo ca (4 tiếng/ca). Đến trường rất sớm nhưng chúng tôi phải đợi đến hơn 11h, sau khi tan học, mới có thể gặp và trò chuyện với cô Loan và học sinh lớp 10 Sử.
Xin phép cô Loan, chúng tôi hỏi cả lớp một “câu hỏi lớn”: “Các em nghĩ gì khi điểm Sử của các anh chị trong kỳ thi ĐH năm nay rất thấp?”. Mặc dù mới chỉ là lớp 10 nhưng cả lớp hơn 30 em gần như lặng đi. Cái lặng đi dù chỉ trong giây lát đó thể hiện một thái độ, biểu thị ít nhiều lo lắng cho chính tương lai của các em, cho môn Sử mà các em đang theo đuổi.
Cô Nguyễn Thị Loan và hai học sinh đoạt giải Nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi
quốc gia 2011, hai em đều đã đậu ĐH với 8 điểm môn Lịch sử
Em Nguyễn Thị Ngọc Vân bày tỏ: “Em thấy lo lắng sao điểm Sử của các anh chị lại thấp như vậy? Trong khi đó, với cách dạy Sử rất gần gũi, sống động như các thầy cô ở đây dạy cho em, em càng thấy học Sử rất dễ, rất vào và càng yêu thích môn Sử hơn”.
Em Vũ Minh Hằng chia sẻ: “Lịch sử là môn học dài, và như có người đã nói có phần khô khan, cần phải có thời gian và sự kiên trì và chăm chỉ. Bị điểm kém, theo em là do họ không tự tìm hứng thú cho mình với môn Lịch sử, và cơ bản là họ không yêu Sử”.
Video đang HOT
Còn Phạm Thành Dương thì “rùng mình”: “Mấy ngày qua cứ nghĩ đến điểm Sử của các anh chị mà em đọc được, em lại thấy sợ. Sợ sau này mình đi thi không biết đề thi có khó không, làm bài có được không, mặc dù em rất thích và học cũng ổn môn Sử”.
Mất cơ bản mới có chuyện hàng ngàn điểm 0
Với tư cách là một người trong nghề dạy Sử, cô Loan cho biết cô rất sốc với kết quả điểm Sử ĐH năm nay, dù cô rất tự hào vì 28 học sinh lớp Sử do cô phụ trách năm nay 100% đều đỗ ĐH, phổ điểm của các em đạt từ 7-8 điểm, thậm chí có em được 9, tổng điểm 3 môn khối C các em đạt từ 21-26 điểm.
Lý giải nguyên nhân điểm sử thấp, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng không nên đổ lỗi cho đề thi khó, càng không phải lỗi của người dạy vì đó “chưa phải là nhân tố quyết định”.
Theo cô Loan: “Cả cách dạy và học hiện nay hẳn còn có vấn đề thì kết quả mới kém, mới đau buồn đến như thế. Cá nhân tôi đánh giá đề thi năm nay có khả năng phân hóa rất tốt. Đề chỉ xoay quanh vấn đề cũ và lặp lại cách hỏi về những sự kiện lịch sử tương tự như cách đây 3 năm đã ra. Với những em không học thì sẽ bị điểm 0 ngay từ đầu. Nhưng nếu đã học và chỉ cần học những kiến thức cơ bản thì sẽ không có chuyện có hàng ngàn điểm 0 như báo chí đã đưa tin.
Nếu học sinh không có, không trang bị được cái “cốt kiến thức cơ bản”, không biết cách “nhận diện” đề thi thì sẽ không làm được bài. Đó là chưa kể nhiều em đến những ngày áp chót rồi mới xác định thi khối C thì lấy đâu ra kiến thức để làm bài?”.
Về phương pháp dạy Sử, cô Loan cho biết: “Mỗi năm trường tôi tổ chức 5 kỳ thi năng khiếu môn Lịch sử. Với học sinh lớp 11- 12, chúng tôi sẽ tổ chức 3 kỳ thi thử ĐH (cả 3 môn Văn, Sử, Địa). Mấy năm trở lại đây, hàng tháng chúng tôi đều tổ chức “thi thử” ĐH, qua đó kiểm tra kiến thức cơ bản của các em xem kỹ năng phân tích đề của các em “thủng” chỗ nào sẽ “vá” lại chỗ đó. Bởi lẽ, nếu không có kỹ năng phân tích đề tốt thì cũng khó kiếm điểm tốt!”.
Cô Loan cũng khá trăn trở vì sao học sinh học theo ca (4h/ca) vì chương trình Sử khá nặng, nếu học 45 phút/1 tiết học thì rất khó có hiệu quả: “Đã có lần chúng tôi sưu tầm phim lịch sử để chiếu minh họa cho bài giảng, nhưng khi chiếu sẽ phải dừng giảng, dù cách kết hợp đó vô cùng hiệu quả, nhưng thời gian không cho phép nên trường buộc phải quay về cách giảng Sử theo lối truyền thống”.
Đó chưa phải là nỗi trăn trở duy nhất của cô giáo chuyên Sử, cô Loan thổ lộ: “Để vực dậy đam mê Lịch sử cho giới trẻ, nếu chỉ trông cậy vào giáo viên thôi là không đủ. Truyền thông là một cánh tay nối dài nhưng lại làm chưa tốt về vấn đề truyền Sử cho các em. Khi xem ti vi chiếu phim về Lý Công Uẩn, thú thực tôi chỉ nghe tiếng, còn nếu xem hình thì tôi nói thật không có bản sắc lịch sử gì cả. Trong khi nhiều em vanh vách về Sử của nước khác vì nó bị ngấm qua phim ảnh, mạng Internet và vô số luồng thông tin khác”.
Theo TT&VH
Hãy trả lại vị trí cho môn Lịch sử!
Tiếp tục câu chuyện điểm Sử kỳ thi ĐH năm nay, GS Đinh Xuân Lâm - một trong "tứ trụ" (Lâm - Lê - Tấn - Vượng) của ngành Lịch sử Việt Nam đương đại cùng PGS-TS Phạm Quốc Sử, nguyên giảng viên môn Lịch sử (ĐHSP HN) đã đưa ra góc nhìn riêng trong cuộc trao đổi với TT&VH.
GS Đinh Xuân Lâm cho biết, năm nào ông cũng tha thiết theo dõi kết quả điểm Sử của kỳ thi ĐH, để thấy sự phát triển của ngành mà ông gắn bó. Với kết quả điểm Sử năm nay, ông chia sẻ: "Tôi không thể hiểu được vì sao môn Sử lại có hàng ngàn điểm 0. Chấm điểm theo cách chấm hiện nay thì đề bài không chỉ có một câu mà nhiều câu, chia ra rất nhiều điểm. Ít nhất học sinh phải có được số điểm nào đó chứ không thể là điểm 0 được. Đây là một sự thảm bại và là tin buồn cho cả xã hội chứ không riêng gì cho các em, phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo hay những người trong cuộc như chúng tôi".
Đề khó!
GS Đinh Xuân Lâm cho rằng đề thi Lịch sử năm nay là khó. Ông phân tích: "Câu 2, đề yêu cầu học sinh so sánh một vấn đề rất lớn của lịch sử là "Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 - 1945?" nhưng lại không trích dẫn văn kiện đó vào đề để các em có nguồn so sánh. Học sinh lại phải nhớ thêm nội dung hai văn kiện nêu trên là vấn đề không đơn giản. Vế tiếp theo của câu hỏi không nằm trong tư duy liên hệ trực tiếp của học sinh. Vì vậy, khi gặp câu hỏi này, học sinh dễ bị rối trí trong việc lập luận để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đề bài".
GS Đinh Xuân Lâm (trái) và học trò - PGS-TS Phạm Quốc Sử
PGS-TS Phạm Quốc Sử cũng cho rằng đề thi có 5 câu thì có tới 4 câu khó. Ông nêu câu hỏi 3 để chứng minh cho quan điểm của mình: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), nhân dân VN đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam".
Để giải được câu hỏi trên cần phải nhắc đến thắng lợi của quân và dân miền Nam trong năm 1972, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối 1972 và cuối cùng là kết quả thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam (1973). Nếu học sinh nào "trực giác" nghĩ ngay đến "đánh" thì chắc chắn em đó cũng chỉ nghĩ đến những chiến thắng của quân và dân miền Nam năm 1972 và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không chứ không nghĩ đến kết quả Hội nghị Paris về Việt Nam. Bởi lẽ Hội nghị Paris về Việt Nam là hòa đàm chứ không phải "đánh" (như đề bài yêu cầu) nên học sinh rất dễ nhầm lẫn và ngồi... cắn bút, kể cả với học sinh khá giỏi chứ không nói gì đến học sinh trung bình".
Trả lại vị trí cho môn Sử
Theo GS Đinh Xuân Lâm, môn Sử đang không được đặt đúng vị trí của nó vì nhiều người nghĩ, học Sử không phù hợp với "thời kinh tế thị trường" so với các ngành, nghề khác. Bên cạnh đó nhà trường cũng chưa đặt đúng vị trí môn Sử, vẫn chưa coi môn Sử là môn học quan trọng.
Ông nhấn mạnh: "Môn Sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục con người, tư cách đạo đức con người. Dạy Sử chung quy là dạy tinh thần yêu nước. Chúng ta chưa thật sự ứng xử với môn Lịch sử như là một môn khoa học mà chỉ xem nó như là một môn tuyên truyền, áp đặt về mặt tinh thần, tư tưởng để phục vụ cho từng giai đoạn".
PGS-TS Phạm Quốc Sử thì cho rằng tình trạng bi đát về điểm Sử như hiện nay không thể đổ lên đầu các thầy cô giáo dạy Sử ở bậc phổ thông bởi lẽ họ đã phải chịu rất nhiều khó khăn.
Ông bày tỏ quan điểm: "Vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ nhận thức về lịch sử là rất cần thiết. Nếu có nhiều phương tiện để hỗ trợ cho việc giảng dạy môn Lịch sử, ví dụ như trình chiếu, nghe nhìn, trực quan cụ thể sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu truyền thông không tốt, cứ dội vào học sinh một cách "xối xả" cũng sẽ gây nên "tác dụng phụ" khiến học sinh hoang mang, dễ lạc lối và dễ nhầm lẫn về sự thật lịch sử với cái hoang đường, hư cấu.
PGS-TS Phạm Quốc Sử nhấn mạnh: "Tôi không tin học sinh Việt Nam thuộc sử nước khác hơn là biết sử Việt Nam vì cần phải phân biệt những gì các em nói ra có thật là kiến thức lịch sử hay chỉ là những "tác phẩm hư cấu" từ sản phẩm truyền thông. Tức là kiến thức lịch sử khoa học với những kiến thức lịch sử đã mang tính dã sử, hư cấu là hai cái khác nhau... Nếu làm phim về lịch sử mà bỏ qua những quan điểm cố vấn của các nhà làm Sử để chiếu những bộ phim sai sự thật, không đúng với lịch sử thì chẳng khác gì chúng ta đang "đầu độc" học sinh, làm phương hại lịch sử.
Để giải quyết được vấn đề này, cần phải xem lại quan điểm giáo dục, mục tiêu giáo dục chứ không phải chỉ đi mổ xẻ SGK, phương pháp giảng dạy, hay truyền thông cho lịch sử. Bởi tất cả những cái đó, chúng ta đã làm rồi, nhưng không thành công thì phải nghĩ đến "tầng cao hơn".
Theo TT&VH
Sẽ thi ĐH nhiều môn và buộc có môn xã hội Đó là quan điểm đổi mới đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ông Ga cho rằng, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi quy định về số môn thi và khối thi tuyển vào ĐH, CĐ. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi...