“Ngôi nhà khăn quàng đỏ” – Lan tỏa hành động đẹp
Năm học vừa qua, ngành Giáo dục Hải Phòng có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Từ tấm gương thầy cô giáo đến các hoạt động thiết thực và những buổi trải nghiệm sáng tạo đã góp phần lan tỏa hành động đẹp, tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách học trò.
Cô và trò Trường THCS Ngô Quyền dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ thành phố nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1945 – 27/7/2019)
Trường học nhân văn
Em Bùi Thành Vinh (HS lớp 6D1, Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân) là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cả gia đình em sống trong một căn nhà nhỏ ở ngách 36, ngõ 30 đường Trần Nguyên Hãn đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
Với mong muốn giúp học sinh vơi bớt khó khăn, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hưởng ứng cuộc vận động “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” của Quận đoàn Lê Chân, Hội đồng Đội quận Lê Chân, Ban Giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền đã chỉ đạo Liên đội nhà trường vận động, kêu gọi mạnh thường quân trao tặng số tiền và phần quà khoảng 100 triệu đồng cho gia đình em Vinh xây nhà mới.
Ngôi nhà được hoàn thành vào tháng 7/2019 giúp gia đình em Vinh ổn định cuộc sống là nguồn động viên tinh thần giúp Vinh có thêm sức mạnh vươn lên trong học tập.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền chia sẻ: Ngôi nhà khăn quàng đỏ mà Trường THCS Ngô Quyền tặng cho gia đình em Vinh được trích từ quỹ “Thắp sáng ước mơ” do phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm ủng hộ. Đây thực sự là một việc làm ý nghĩa, mang tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” .
Video đang HOT
Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ và xây mới những ngôi nhà tình nghĩa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng trên địa bàn quận Lê Chân. “Đó là những việc làm nhân văn mà chúng tôi luôn đau đáu. Những việc làm thiết thực đó không chỉ góp sức, chung tay thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn mà còn là dịp để giáo dục học sinh mình về lòng nhân ái trong một môi trường giáo dục nhân văn“, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền khẳng định.
Trong những năm qua, Trường THCS Ngô Quyền có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh như: Xuân gắn kết yêu thương, đêm hội trăng rằm, thăm và tặng quà các gia đình có công với cách mạng nhân ngày 27/7, trao tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế, quần áo, sách giáo khoa cho học sinh nghèo…
Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng thành công nhiều chuyên đề: Phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục; xây dựng tình bạn đẹp và phòng chống bạo lực học đường. Các hoạt động trải nghiệm như: Tham quan Bảo tàng Hải quân, Bến tàu không số, Vương triều nhà Mạc, Núi voi… Những hoạt động trên được hơn 2.300 học sinh của nhà trường hưởng ứng nhiệt tình, tạo sức lan tỏa rộng lớn tới các em. Từ đó, học sinh được giáo dục đạo đức, tình yêu thương song hành với những kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và bạn bè trước những tình huống ngoài cuộc sống.
Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng lãnh đạo UBND quận Lê Chân, Trường THCS Ngô Quyền, gia đình em Vũ Thành Vinh tại Ngôi nhà khăn quàng đỏ
Học trò tích cực
Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của các hoạt động trải nghiệm trong giáo dục kỹ năng sống góp phần thay đổi nhận thức tích cực cho học sinh, những năm qua Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) triển khai nhiều hoạt động giáo dục hiệu quả.
Năm học 2018 – 2019, nhà trường tập trung thực hiện mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”, với việc tổ chức cho các em nhảy flashmob trong giờ ra chơi, tạo những khoảng sân để các em được chơi những môn thể thao mình yêu thích như: Bóng rổ, bóng bàn, cầu lông… Trong giờ ra chơi thứ 3, 5, 7 hằng tuần, Chi đoàn giáo viên phân công các đoàn viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành về góc vật lý, góc hóa học, góc sinh học, góc công nghệ cho các em học sinh theo lịch đăng ký của các Chi đội trong tháng…
Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng giáo dục các kỹ năng học tập, làm việc, vui chơi giải trí thông qua triển khai kế hoạch “Trải nghiệm sáng tạo ngoài nhà trường” tới tất cả chi đội, theo bốn chủ đề, phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh 4 khối lớp.
“Khối 6 tham gia ủng hộ hơn 151 triệu đồng, tổ chức 4 buổi đi thăm, tặng quà Làng trẻ Hoa Phượng, Trại dưỡng lão An Lão, Làng trẻ SOS, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp. Khối 7 thăm Bảo tàng Quân khu 3, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng thành phố, Doanh trại quân đội, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ quận.
Khối 8 thăm các làng nghề như: Làng nghề gốm tại khu trải nghiệm Vương triều nhà Mạc, Làng nghề tranh Đông Hồ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh… Khối 9 tổ chức các hành trình về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ như đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn miếu Quốc Tử Giám, tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp”, cô Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Ông Phạm Văn Quân – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: Không chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức, học sinh THCS Chu Văn An còn tham gia các cuộc thi và giành nhiều giải thưởng cấp quốc gia và thành phố như “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”. Đó là những hoạt động bổ ích, giúp học sinh trau dồi thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống từ đó nhận thức của các em được thay đổi tích cực.
Vai trò quan trọng của người thầy
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, năm học 2018 – 2019, các đơn vị giáo dục tổ chức được 600 chuyên đề về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo. Nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh theo hướng mở, mang lại hiệu quả ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của giáo dục toàn diện trong điều kiện mới. Hiện, 100% trường học của thành phố thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Bà Đỗ Thị Hòa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nêu quan điểm: Để việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Trong nhà trường, vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng. Người thầy là hình mẫu để học sinh noi theo. Từ hành vi, cử chỉ, cách sống và nói cao hơn là nhân cách của thầy cô sẽ tác động và hình thành trong học sinh những giá trị đạo đức, lối sống. Vì vậy, mỗi thầy cô hãy là những tấm gương sáng tạo sức lan tỏa rộng lớn tác động đến sự hình thành nhân cách của học trò.
“Những tác động trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là tác động có chủ đích của giáo viên theo mục tiêu giáo dục và các giá trị của cuộc sống. Các tác động này không diễn ra một lúc mà phải tác động thường xuyên, lâu dài mới có hiệu quả”, bà Hòa cho hay.
Nguyễn Dịu
Theo giaoducthoidai
Giá trị người thầy trong xã hội hiện đại
Trong mỗi thời đại, người thầy luôn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội, với chức năng trao truyền kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh.
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, quan niệm về nghề giáo dần thay đổi, thay vì là người "độc quyền" về kiến thức, giờ đây người thầy giữ vai trò như "chiếc cầu nối" để người học gắn kết với tri thức. Đồng thời, còn giữ vai trò như "người bạn" sẻ chia, đồng hành cùng các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, các giá trị mới, cách thể hiện mới đã được bổ sung vào quan niệm về người thầy và nghề dạy học. Đó là người truyền trao tri thức, là người gợi mở, hướng dẫn học sinh khai mở kho tàng tri thức. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô giáo lấy học sinh là trung tâm, dạy những gì các em cần, chứ không dạy tất cả những gì thầy cô giáo có. Với quan niệm đổi mới trên không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của giáo dục truyền thống, vẫn rất cần kế thừa sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người thầy trong xã hội để làm nền tảng cho quan điểm mới về người thầy trong thời đại ngày nay.
Hiện nay, trong cái nhìn mới của xã hội hiện đại, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" vẫn được giữ vững. "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn là quan niệm giảng dạy của các trường học, nhất là đối với học sinh bậc mầm mon, tiểu học. Trân quý hơn là câu "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", ai dạy ta dù chỉ một chữ, nửa chữ mà giúp ta nên người, nên nghiệp thì ta phải tri ân, báo đáp. "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Câu nói không chỉ đúng trong xã hội ngày xưa mà ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi, khi đời sống kinh tế càng phát triển, cha mẹ ít dành thời gian quan tâm, giáo dục con cái thì người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn như một người bạn, là nơi sẻ chia, tâm tình để tìm được những định hướng đúng đắn cho cuộc đời. Một hiệu trưởng trường cấp II tại huyện Tịnh Biên chia sẻ: "Học sinh đang tuổi mới lớn có những vấn đề riêng tư rất ngại ngần khi tâm sự với cha mẹ, khi đó các em tìm đến thầy cô để chia sẻ. Thương các em còn quá non trẻ, thầy cô luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong độ tuổi mới lớn để các em tránh được những va vấp không đáng có".
Càng trân trọng những công lao to lớn của thầy cô giáo trong sự nghiệp "trồng người" bao nhiêu, dư luận xã hội không khỏi chạnh lòng và lo lắng khi xuất hiện những hiện tượng "lệch chuẩn" của một bộ phận đội ngũ giáo viên hiện nay. Vẫn còn những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề giảm sút, làm khó học sinh để các em phải đến lớp học thêm; giáo viên mầm non, tiểu học bạo hành học sinh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo viên im lặng suốt 3 tháng không giảng bài cho học sinh khi đứng lớp, hiệu trưởng dâm ô với nhiều học sinh trong trường... Ngược lại, một số học sinh không những không ý thức đầy đủ về đạo làm trò mà có những hành vi vô lễ với thầy, cô, thậm chí còn hành hung giáo viên mỗi khi thầy, cô nghiêm khắc phê bình. Cùng với đó là sự thiếu tôn trọng giáo viên từ các bậc phụ huynh càng làm hình ảnh người thầy trở nên "méo mó" hơn bao giờ hết. Hẳn dư luận vẫn còn chưa thể quên cô giáo mầm non suýt sẩy thai vì bị phụ huynh nghi ngờ bạo hành con em của mình, hay phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi, nữ phụ huynh đến lớp bắt thầy giáo đền chiếc quần bỏ quên ở lớp học của con gái...
Tất cả những "hạt sạn" của ngành giáo dục cần được phát hiện và nhanh chóng sửa chữa để gìn giữ lại những giá trị cao quý của nghề giáo. Bởi, dù trong một xã hội nào đi nữa, kinh tế và công nghệ số phát triển đến đâu thì vẫn rất cần sự trải nghiệm, tri thức truyền trao từ những người đi trước. Đó là những thầy cô giáo nhiệt tâm, tình nguyện gắn bó với nghề, gieo nền tảng tri thức và cả niềm tin, động lực để học trò của mình thành danh, thành nhân sau này.
NGỌC GIANG
Theo baoangiang
Nữ giảng viên năng động cùng giải pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên Cô giáo Đinh Vân Hồng, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên là đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019. Hành trình nuôi dưỡng ước mơ Cô Hồng nhớ lại và chia sẻ: "năm 2004 - 2006, mình bắt đầu cuộc sống xa nhà và đi thuê nhà trọ để thuận...