Ngồi một chỗ vẫn thu nhập “khủng” nhờ… “cởi áo”, rửa hành
Không trồng hành, cũng không kinh doanh mà chỉ nhận bóc vỏ già, rửa hành thuê tại các điểm đầu mối thu mua hành củ trên địa bàn, hàng trăm hộ dân tại xã Chu Điện, huyện Lục Nam, Bắc Giang có thu nhập “khủng” từ 6 đến trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Đó là nghề ăn theo vụ thu hoạch hành ở xã Chu Điện, huyện Lục Nam, Bắc Giang, nhờ nghề này mà hàng trăm hộ dân tại đây có thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Vào những ngày này tại các điểm đầu mối thu mua hành củ tại các thôn của xã Chu Điện luôn tấp nập người bóc, rửa hành.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ điểm thu mua hành củ Hương Công tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện cho biết, vào những ngày thu hoạch hành chính vụ, chị phải thuê trên dưới 30 người làm công việc bóc, rửa hành mới có đủ hàng đóng xe đi Hà Nội, Thanh Hóa.
“Với giá thuê làm 1.000 đồng/kg hành thương phẩm, có thời điểm nhiều hàng, tôi phải chi trả hơn 10 triệu đồng/ngày, tính ra cả tháng cũng mất hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường” – chị Hương chia sẻ.
Hơn 3 tháng làm công việc bóc, rửa hành tại điểm thu mua hành củ Hương Công, mỗi ngày bà Vân (56 tuổi) ở thôn Hà Mỹ làm được trên 2,5 tạ hành. Có ngày làm việc năng suất bà Vân rửa được trên 3 tạ đến 4 tạ hành nhân. Với giá thuê 1.000 đồng/kg ngày thường, ngày giá rét lên đến 2.000 đồng/kg, nếu làm đều cả tháng bà Vân có thu nhập lên tới trên 10 triệu đồng.
Công việc của họ khá nhàn hạ, chỉ ngồi một chỗ chờ chủ đưa xe hành từ ngoài cánh đồng về rồi nhận phần làm…
Video đang HOT
… sau đó ngồi bóc tách vỏ áo già và rửa sạch hành. “Làm nghề này không cần học nhiều, chỉ cần nhìn qua là ai cũng biết làm ngay, có điều khi bóc vỏ “cởi áo” cho hành rửa đừng để dập nát là được” – chị Phương, một công nhân làm thuê tại điểm thu mua ở thôn Hà Mỹ cho hay.
Bà Vân cho biết: “Công việc cũng nhàn hạ, chỉ ngồi một chỗ chờ chủ đưa xe hành từ ngoài cánh đồng về rồi nhận phần làm thôi chứ không phải bốc vác gì nặng nhọc đâu”.
Ông Hoàng Văn Đềm – Phó Chủ tịch UBND xã Chu Điện cho biết: Toàn xã có 8 thôn trồng hơn 20ha hành củ, trong đó thôn Hà Mỹ chiếm trên 70% diện tích. “Vụ hành năm nay được mùa, được giá, tính ra mỗi sào hành củ sau Tết bán buôn tại ruộng giá 14.000 đồng/kg, bà con có lãi trên 10 triệu đồng nên ai cũng phấn khởi” – ông Đềm chia sẻ.
Ông Đềm cho biết thêm, vào những ngày thu hoạch hành rộ, tại các thôn trong xã có 12 điểm thu mua hành, trung bình mỗi điểm tạo công ăn việc làm cho trên dưới 30 người. Với mức thu nhập từ 250.000 đồng đến trên 350.000 đồng/người/ngày.
Để tránh nước hành ăn da, người làm nghề này phải đeo găng tay cao su.
Sau khi rửa sạch, bà con gánh hành đi cân để tính tiền công. “Làm nghề này ngồi nhiều hay bị mỏi lưng thôi chứ rất nhẹ nhàng, không bị gò bó thời gian mà công lại cao gấp nhiều lần nghề khác” – bà Vân chia sẻ.
Sau khi được làm sạch, hành củ thương phẩm sẽ được các lái buôn lớn từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội đưa xe tải đến lấy chuyển đi các tỉnh miền Trung và Sài Gòn tiêu thụ.
Theo Danviet
Kỹ thuật thâm canh hành lá xuất khẩu
Hành lá xuất khẩu thường có sinh khối lớn nhất là dọc hành. Vì vậy người trồng cần bón phân cân đối giữa đạm và kali để dọc hành cứng chắc.
Hành lá là cây trồng cho thu nhập cao tại nhiều vùng sản xuất khi được thâm canh. Ngoài cây hành ta còn có nhiều loại hành nhập ngoại, điển hình là các giống hành Hàn Quốc hoặc Trung Quốc được trồng để xuất khẩu năng suất đạt 1,3 - 1,5 tấn/sào Bắc bộ.
Nông dân chăm sóc hành lá.
Để nâng cao năng suất, chất lượng hành lá xuất khẩu vụ xuân xin đưa ra một số kinh nghiệm về kỹ thuật để người trồng tham khảo:
- Thời vụ trồng hành lá: Tốt nhất gieo hạt từ tháng 1 hoặc đầu tháng 2, trồng tháng 2 - 3 DL.
Sau khi trồng 80 - 90 ngày hành được thu hoạch nên cắt để lại phần gốc dài 10 - 15 cm chăm sóc tiếp để thu vụ 2 năng suất đạt 80 - 85% vụ 1.
- Chọn đất, trồng hành: Đất trồng hành lá thích hợp nhất là đất thịt nhẹ PH 5,5 - 7. Nếu đất chua thì phải bón thêm vôi để khử chua (20 - 25kg vôi tả/sào). Đất cần phải tưới tiêu chủ động vì hành cần tưới ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Vùng trồng hành cần xa khu công nghiệp, nghĩa trang, bệnh viện...
Lượng hạt giống cần khoảng 100 - 120 gr/sào Bắc bộ. Hạt giống ngâm trong nước sạch từ 4 - 5 giờ vớt ra để ráo, ủ từ 3 - 4 ngày. Khi hạt giống nứt nanh thì đem gieo đều trên mặt luống vườn ươm đã được chuẩn bị. Gieo hạt xong dùng trấu phủ kín hạt, làm giàn ni lông đen che phủ để chống mưa, nắng to gây hư hại hành non. Khi cây được 25 - 30 ngày tuổi đem trồng ra ruộng sản xuất.
* Chú ý: Nếu cần rút ngắn thời vụ thì người trồng có thể tra hạt ngay trên ruộng sản suất mà không cần làm cây con ở vườn ươm.
Đất trồng hành lá được xử lý, làm kỹ, lên luống cao 25 - 30cm, rộng 0,6 - 0,7m, rạch 2 hàng dọc trên mặt luống sao cho hàng cách hàng 35 - 40cm. Có thể làm luống rộng 1m để trồng 3 hàng/luống.
Bón phân: Bón lót 10 - 15kg vôi bột 300kg phân chuồng mục hoặc 30kg phân hữu cơ vi sinh thay thế 20kg NPK (5:10:3). Toàn bộ phân lót được đảo đều vào đất khi lên luống sơ bộ.
Tưới thúc đợt 1 sau trồng 15 - 20 ngày với lượng khoảng 2kg urê/sào.
Tưới thúc đợt 2 (sau đợt 1 từ 15 - 20 ngày) với lượng 3,5 - 4kg urê 1 - 1,5kg KCL.
Tưới thúc đợt 3 (sau đợt 2 từ 15 - 20 ngày): Dùng khoảng 5 - 6kg urê 3kg KCL.
Nếu có nước thải hầm biogas tưới cho hành thì cần giảm lượng đạm ở mỗi lần tưới thúc.
Thường xuyên làm cỏ, tỉa bỏ lá già, lá bị sâu bệnh và tưới nước đầy đủ 1 - 2 lần/ngày kết hợp với vun xới để hành phát triển thuận lợi.
* Chú ý: Hành lá xuất khẩu thường có sinh khối lớn nhất là dọc hành. Vì vậy người trồng cần bón phân cân đối giữa đạm và kali để dọc hành cứng chắc. Nên bổ sung thêm nguồn phân bón trung, vi lượng bón gốc hoặc qua lá nhất là canxi. Không nên lạm dụng phân urê tưới cho hành vì vụ xuân thời tiết thường nồm ẩm kéo dài, hành thừa đạm rất dễ bị bệnh. Mặt khác, hành lá thừa đạm sẽ dễ giập nát khi thu hoạch và không đủ điều kiện xuất khẩu.
- Phòng trừ sâu bệnh:
Thời kỳ cây con trong vườn ươm: Hành non thường hay bị bệnh khô đầu lá do nấm nên sử dụng thuốc Zineb hoặc Antracol hay Rhidomil để phòng trừ.
Thời kỳ hành ngoài ruộng sản xuất: Hành lá hay bị bệnh thối nhũn, lở cổ rễ xuất hiện khi mưa nhiều hoặc sương mù, nhiệt độ thấp. Nên sử dụng một trong các loại thuốc như: Kamsu 8WP, Kozuma 8SL, TilSom 400 SC đúng liều lượng và hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Cần dừng phun thuốc trước thu hoạch 7 - 10 ngày để không tồn dư thuốc trong sản phẩm.
- Thu hoạch: Sau trồng khoảng 80 - 90 ngày là có thể thu hoạch lá. Nên cắt nhẹ nhàng phần lá chừa lại phần gốc để chăm sóc tiếp. Lá hành sau khi cắt được nhặt bỏ lá già, tạp chất, bó lại thành từng bó để nơi thoáng mát đem đi tiêu thụ. Tuyệt đối không nên đựng lá hành trong túi ni lông hay thùng kín sẽ dễ bị thối hỏng..
Theo KS Trần Thị Liên (Nông Nghiệp Việt Nam)