Ngôi làng nơi thời gian ngừng chảy
“Giữa trưa nắng liêu diêu, cậu trai trạc 20 nằm gối đầu lên chân bà. Bàn tay xanh xám của bà vuốt mãi từng lọn tóc của cậu, miệng se sẽ lời hát. Cậu thì nheo nheo ánh mắt cười, đôi mắt như dòng sông.”
“Con có định đến thăm nơi bình yên nhất Hàn Mặc Tử từng ở không?”
“…Là đâu ạ?”
“Cái làng bác vừa đi qua đó.”
“À, vâng, sẽ ạ.”
Tôi đáp vội bác tài xế, trên chuyến xe từ sân bay vào trung tâm thành phố Qui Nhơn. Trong đầu cũng tự nhẩm lại từ khóa “làng Hàn Mặc Tử” và định bụng về khách sạn sẽ search Google cụ thể sau. Nào ngờ, địa danh ấy chẳng hề có trên bản đồ.
“NƠI BÌNH YÊN NHẤT HÀN MẶC TỬ TỪNG Ở”
Hàn Mặc Tử (1912-1940), nhà báo, nhà thơ, sinh ở Quảng Bình và mất ở Qui Nhơn. Thơ của anh, vì điên cuồng và siêu thực, nên không phải ai cũng biết, cũng thuộc, cũng yêu thích. Song câu chuyện chàng thi sĩ đa cảm, mắc phải căn bệnh phong và trải qua những ngày tháng cuối đời trong đau đớn thì có lẽ ai cũng từng nghe. Nơi chứng kiến những ngày tháng cuối đời ấy của Hàn Mặc Tử chính là ở Qui Nhơn, trong Trại phong Quy Hòa.
Vào khoảng năm 1929, linh mục người Pháp Paul Maheu phát hiện ra sự trong lành, nguyên sơ hiếm có của vùng đất này, ông quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư. Năm 1936, Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và đến sống những năm tháng cuối đời ở Quy Hòa.
Ngày nay, bệnh viện đã được nâng cấp khang trang, hiện đại hơn; căn bệnh phong cũng đã có thuốc chữa. Song những gia đình có bệnh nhân phong, vì đã dành một phần lớn cuộc đời sống ở nơi này, họ vẫn lựa chọn ở lại.
NGÔI LÀNG GIỮA NHỮNG NẤM MỒ
Chuyến đi biển 3 ngày của tôi đã phải đổi thành 4 ngày, chỉ vì tôi không thể tìm được đường vào Trại phong Quy Hòa và vẫn quyết tâm dành thêm một ngày để tìm kiếm nó, đến khi nào tìm được mới thôi.
Trên Internet cũng chỉ có loáng thoáng vài bài viết về Trại phong, trên Google Maps thì không có địa danh đó. Tôi cứ đến và đi khỏi khu vực Ghềnh Ráng, làng Quy Hòa trong một vòng luẩn quẩn. Đứng từ trên cao tốc nhìn xuống, làng Quy Hòa nằm uốn mình theo dải biển hiền hòa. Trên đường đi vào làng, lại đi qua ICISE – một công trình kiến trúc, khoa học và giáo dục nổi bật của Qui Nhơn nằm ngay bên biển, toát ra đầy đương đại, khoáng đạt và yên bình (mà tôi đã tự hứa lần sau quay trở lại nhất định sẽ ghé vào).
Video đang HOT
Nhưng Trại phong thì trốn ở đâu?
Rút cục, tới gần 11 giờ trưa, tôi đi đến tận cùng của ngôi làng thì dừng xe lại trong thất thểu. Tận cùng của ngôi làng là khu nghĩa trang, các ngôi mộ cũ kỹ nối nhau trập trùng. Bỗng chợt ngoảnh sang trái, lù lù trước mắt tôi là một cây cổng gầy guộc với tấm biển viết “Trại phong Quy Hòa”.
Một góc làng Quy Hòa nhìn từ xa; phía bên trái là công trình Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo lục Liên ngành Qui Nhơn
Điều tôi buộc phải chú ý nhất ở đây là… những ngôi mộ. Quá nhiều mộ cho một nơi ít ỏi dân sinh. Ngay vị trí tọa lạc của Trại đã nằm kế bên nghĩa trang làng Quy Hòa; vào trong Trại, đi được một đoạn đường sẽ đến căn nhà dành riêng cho du khách thắp hương, tưởng niệm những bệnh nhân có lai lịch “đặc biệt” đã qua đời (vì phong) ở nơi này. Đi đến cuối Trại, nơi cỏ cây xanh nhất, cũng là nơi người đã khuất nằm nghỉ. Trong số những bia mộ trắng xóa, đâu đó từng là nấm mồ của Hàn Mặc Tử.
Có thể chính điều này hình thành nên bầu không khí yên ả, trầm tĩnh của Trại. Bất cứ ai tôi gặp – bác bảo vệ, người dân hay lũ trẻ đi học về, họ đều yên tĩnh lạ kì. Chẳng phải là toát ra vẻ tẻ nhạt hay đau yếu; họ chỉ đơn giản là rất nhẹ nhàng. Cũng có lẽ, hiếm ai được sống trong một thế giới đặc biệt và “nghịch lý” như người dân của Trại phong Quy Hòa. Một mặt cuộc sống đẹp như cổ tích, với biển xanh, nắng dịu; thời gian không hiện qua tivi, điện thoại, mà chảy trên sự sống của hoa lá cỏ và muôn thú. Một mặt, cái chết cũng hiện hữu mồn một trong cuộc sống họ – ngay kế bên căn nhà, ngay trong những bước đi dạo quanh.
Ai có thể khiến con người biết yêu cuộc sống, hơn chính vị thần Chết?
SÓNG VỖ, LỜI RU,
Nơi duy nhất trong Trại luôn mở sẵn cửa chào đón người lạ, là “nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử”. Trong căn nhà vẫn giữ lại những đồ đạc anh từng sử dụng ở đây, trên tường có treo một số bút tích, di ảnh và cả những dòng thơ bạn bè viết tặng cuộc đời anh.
Cây và hoa thì bạt ngàn khắp mọi lối đi, tạo ra những góc chụp hình rực rỡ cho du khách. Điểm cuối của mọi ngã rẽ đều hướng ra bãi biển Quy Hòa, nước trong xanh rười rượi. Dĩ nhiên bạn không thể (không nên) đến đây để tắm biển, nhưng tôi có thấy một vài nhóm bạn trẻ đến đây để picnic với cơ man đồ ăn, đồ uống. Đó đều là những người đi picnic yên tĩnh nhất tôi từng thấy.
Một điểm độc đáo khác của Trại, là màu sắc – kiến trúc của những ngôi nhà. Đó đều là những ngôi nhà cấp 4 vuông vức của thế kỷ 20, được kết hợp bởi nhiều tông màu dịu dàng và tươi sáng; trước mỗi lối vào nhà là những luống cây, hoa tạo điểm nhấn rực rỡ cho tổng thể khuôn viên. Kì lạ nhất là mỗi ngôi nhà một cách pha trộn màu sắc, khác biệt mà lại thống nhất; không nhà nào trùng lặp nhà nào, mà cũng không ai tách biệt khỏi ai.
Ở một góc khác khuất hơn, các gia đình đều dựng một chòi nhỏ phía đối diện căn nhà của họ. Chòi có mái che bằng vải, họ đặt ở đó vài mảnh chăn hoặc gối mỏng để làm nơi ngồi thư giãn.
Lúc tôi chạy xe qua đây là 12 giờ trưa, tuy không quá nóng nhưng nắng vẫn như thiêu, mọi người đều ở hết trong nhà. Duy nhất căn nhà này, có hai người đang ngồi im-như-tờ trong chòi của họ. Một người bà và một cậu cháu trai.
Giữa trưa nắng liêu diêu, cậu trai trạc 20 nằm gối đầu lên chân bà. Bàn tay xanh xám của bà vuốt mãi từng lọn tóc của cậu, miệng se sẽ lời hát. Cậu thì nheo nheo ánh mắt cười, đôi mắt như dòng sông.
Tôi vẫn cố ghi nhớ đôi mắt ấy. Tôi mong mình ghi nhớ cả đời. Nó khiến tôi chợt hiểu, vì sao đến thế hệ trẻ cũng chọn lớn lên ở trong nơi này.
VÀ “CHÓ VẪN SỦA”
Tôi đoán vì sự tĩnh mịch của Trại phong mà nơi này hiếm bóng khách du lịch. (Vậy mà tôi thì dành hẳn nửa ngày ở đây để hít hà vào người cái sức sống ấy). Nhưng thực ra nơi này cũng không tĩnh mịch quá – vẫn còn tiếng chó sủa.
Đám bò, gà được nuôi trong Trại thường hay tập kết ở nơi “phong thủy hữu tình” nhất – ngay kế bên bãi biển. Chúng ở đó nhẩn nha gặm cỏ, đi đi lại lại bên những hàng cây, tắm táp gió biển. Thế rồi lạc lõng từ đâu ra xuất hiện một con chó, không có bầy đàn bạn bè. Nó sẽ tìm cách tiếp cận vào đàn bò, sủa nhặng lên, rồi chạy bán sống bán chết khi đàn bò toan quay ra gầm gừ. Năm phút sau cảnh ấy tái diễn: con chó lại sủa, đàn bò lại gầm gừ, chó ta lại chạy. Cứ thế, và chỉ cần thế thôi.
Thông tin thêm
Theo các tư liệu ghi chép để lại, Hàn Mặc Tử trong quãng thời gian điều trị bệnh ở Quy Hòa có thân thiết với hai người bạn: một là anh điều dưỡng của Trại, hai là anh bán hàng nước. Trước khi qua đời, Hàn Mặc Tử đều đem tặng cả hai người một số tập thơ cuối cùng mình sáng tác. Anh hàng nước được tặng “nhiều hơn” vì có được Hàn Mặc Tử quý mến hơn, do anh là người duy nhất vô tư bầu bạn với Tử trong quãng thời gian cô độc cuối đời.
Điều đặc biệt là anh hàng nước vốn nghèo, không biết chữ, lại càng không biết Hàn Mặc Tử là… Hàn Mặc Tử. Sau khi nhà thơ mất, những trang giấy thơ dần dà bị anh xé ra để dùng làm giấy vệ sinh.
Sững sờ chứng kiến rừng Tây Nguyên chuyển sắc 'gọi' xuân về
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm nghìn ha rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn bất ngờ chuyển sắc từ xanh sang vàng.
Đây được xem là thời khắc khu rừng tuyệt đẹp nhất trong năm, đón chào mùa xuân trước khi rụng lá để sinh tồn giữa cái nắng gió khắc nghiệt của mùa khô Tây Nguyên.
Voi rừng trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Đức Phương
Vườn quốc gia Yok Đôn trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, có diện tích 115.545 ha, trải dài qua tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông. Phần lớn là rừng tự nhiên, thuộc kiểu rừng khộp. Yok Đôn cũng là vườn quốc gia duy nhất Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.
Mỗi năm khu rừng đổi màu lá 2 lần. Lần đầu vào khoảng cuối tháng tư, khi cơn mưa đầu mùa đánh thức những mầm cây đang khép mình tránh cái nắng bỏng rát của Tây Nguyên. Lúc này, rừng cây đâm chồi nảy lộc, phủ một màu xanh tươi mát.
Khi mưa rừng dứt, ánh mặt trời chiếu gắt hơn báo hiệu mùa xuân về. Rừng cây bắt đầu chuyển sắc từ xanh sàng vàng rồi dần rụng đi trước khi mùa khô gõ cửa. Đây được xem là đợt thay lá đẹp nhất trong năm.
Phía trên, lá cây rừng biến ảo sắc vàng-đỏ lấp lánh theo ánh mặt trời, cùng áng mây phiêu lãng. Ở dưới, trảm cỏ xanh làm nền cho rừng cây khoe sắc.
Người đi đường, nhóm phượt, thợ săn ảnh thường về khu rừng mùa này để săn khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất.
Lá cây dần chuyển sắc vàng. Ảnh: Đức Phương
Sắc đỏ sắc sỡ trên nền trời xanh. Ảnh: Đức Phương
Khu rừng đồng loạt chuyển màu. Ảnh: Đức Phương
Khung cảnh bình yên ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Đức Phương
Khoảnh khắc cây rừng chuyển sắc vàng, đỏ. Ảnh: Đức Phương
Khám phá cổ trấn tuyệt đẹp bị lãng quên gần Hà Nội Thời hoàng kim của làng Cựu đã qua, nhưng những ngôi nhà trăm tuổi mang kiến trúc hoa mỹ vẫn đứng sừng sững, bất chấp dòng chảy thời gian. Nằm ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, làng Cựu nổi danh với những công trình kiến trúc cổ kính, được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ...