24h ăn chơi khắp Lạng Sơn
Nếu chỉ có 1 ngày ở Lạng Sơn , bạn hãy ghé thăm những địa điểm đặc trưng như Ải Chi Lăng, núi Phai Vệ, cửa khẩu Hữu Nghị…
Nằm ở phía Đông Bắc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh địa đầu của Tổ quốc. Nơi đây sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Dưới đây là gợi ý lịch trình 1 ngày bạn có thể tham khảo cho chuyến đi Lạng Sơn sắp tới.
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng là thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh là núi cao, có sông Thương chảy qua. Chiều dài của Ải gần 20 km, nơi rộng nhất khoảng 3 km. Đây từng là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt của dân tộc ta với quân xâm lược phương Bắc trong quá khứ.
Trong các ngọn núi, có thể kể đến núi Mặt Quỷ cách cửa Ải Chi Lăng ngày nay chừng 100 m. Núi được đặt tên như vậy vì trên vách núi có một hình dáng khuôn mặt được người dân cho rằng giống mặt quỷ. Thú vị là người dân nơi đây không coi núi là biểu tượng của cái ác, mà núi như một vị thần hộ mệnh, bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng.
Đến thăm Ải Chi Lăng, du khách có thể đăng ký nghe thuyết minh viên của Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng kể về lịch sử, lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng và giữ nước.
Tại đây còn có đặc sản na được nhiều người ưa chuộng. Mùa na từ tháng 7 đến hết tháng 9. Bạn có thể tham quan vườn na để xem từng gánh na được bà con hái trên núi, đưa xuống đất thông qua hệ thống ròng rọc tự chế khá thú vị. Giống na Chi Lăng thích nghi tốt trên đất núi đá, cho vị ngọt sắc, thịt dai, khác so với na được trồng ở nơi khác.
Cửa khẩu Hữu Nghị
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc. Đây là cửa khẩu nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117. Du khách đến đây sẽ được nghe thuyết minh về ý nghĩa cột mốc này.
Vào thời điểm không có dịch bệnh, du khách có thể đăng ký làm giấy thông hành để “xuất ngoại”. Từ cửa khẩu, bắt taxi di chuyển vào thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) cách khoảng 15 km để tham quan, ăn uống.
Thành Nhà Mạc – Núi Tô Thị
Thành nhà Mạc dựa vào núi nàng Tô Thị. Đây là một căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ VII. Dấu tích hiện nay của Thành gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300 m, mặt thành rộng khoảng 1 m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Để lên cổng thành, du khách cần đi qua hơn 100 bậc tam cấp. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng. Du khách đứng trên thành nhìn về phía đông có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn.
Du khách check-in tại lối lên cổng thành.
Động Tam Thanh – Chùa Tam Thanh
Nằm trong lòng thành phố Lạng Sơn, Động Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh và Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc. Trong động có chùa Tam Thanh.
Đi sâu vào trong động có hồ Âm Ty, nước trong mát quanh năm, không vơi cạn. Trên trần hang có nhiều nhũ đá với những hình thù sinh động. Từ Động Tam Thanh, có đường dẫn lên Lầu Vọng Thị để du khách ngắm nhìn tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng. Sau đó, du khách có thể tham quan nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Giá vé tham quan động Tam Thanh là 20.000 đồng/ người.
Núi Phai Vệ
Di tích núi Phai Vệ nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Theo nghiên cứu, núi Phai Vệ được người cổ đại lựa chọn làm nơi cư trú, là địa điểm quan trọng trong quá trình phát triển con người trong thời kỳ tiền sử, cũng là nơi bộ đội trú ẩn trong suốt kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Núi trông như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa lòng thành phố, có cột cờ cao 80 m. Có 4 tuyến đường để lên cột cờ núi Phai Vệ, với 535 bậc đá. Đứng trên cột cờ có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng quanh co uốn lượn. Du khách nên ghé địa điểm này vào khoảng 17h – 18h để ngắm hoàng hôn.
Chợ đêm Kỳ Lừa
Sau bữa tối, du khách có thể tham quan nhịp sống Lạng Sơn về đêm. Chợ Kỳ Lừa nằm ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc. Chợ mỗi tháng họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Vào ngày diễn ra phiên chợ, nam thanh nữ tú các dân tộc sẽ đến đây mua sắm và gặp gỡ, giao duyên, qua những lời ca. Du khách đến chợ có thể mua đồ gia dụng, đồ điện tử hoặc thưởng thức một số đặc sản xứ Lạng.
Vào cuối tháng 10/2020, Lạng Sơn khai trương thêm tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa, mở cửa từ 8h – 24h thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các gian hàng lưu niệm, ẩm thực sẽ được tổ chức xung quanh chợ Kỳ Lừa và các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri.
Ẩm thực
Ẩm thực Lạng Sơn mang nét đặc trưng riêng với những đặc sản như vịt quay , khâu nhục , bánh ngải , phở chua , bánh Coóng Phù,… Một số địa chỉ gợi ý cho du khách là:
- Nhà hàng Mạnh Hà – Lợn quay & Vịt quay tại ngã tư Sơn Hà, Hữu Lũng, Lạng Sơn
- Nhà hàng Vịt quay mắc mật tại 12 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
- Phở chua tại 194 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
- Bánh cuốn trứng tại 2 Đại Huề, 119 Bắc Sơn, 14 Nguyễn Du.
Di chuyển
Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội khoảng 155 km. Bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội đi Lạng Sơn từ bến xe Mỹ Đình , bến xe Nước Ngầm, giá vé dao động từ 100.000 – 170.000 đồng/ người. Thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ.
Nếu muốn đi xe máy, bạn đi theo đường quốc lộ 1, thời gian chạy xe khoảng 4 – 5 tiếng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển . Bên cạnh đó, bạn có thể đi tàu hỏa từ ga Hà Nội đến ga Đồng Đăng, tuy nhiên phương tiện này không thuận tiện và phổ biến với du khách.
Lưu trú
Với khách sạn có tiêu chuẩn 2 – 3 sao , du khách có thể chọn: khách sạn Hoàng Dương tại số 202 Phai Vệ, Vi’s Boutique tại số 185 Trần Đăng Ninh, Song Long tại số 122 Lý Thường Kiệt… với mức giá từ 300.000 – 600.000 đồng/ đêm.
Với khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao , Lạng Sơn có khách sạn Mường Thanh tại số 68 Ngô Quyền và Vinpearl Hotel tại số 27 Trần Hưng Đạo, với giá phòng từ 750.000 – 1.500.000 đồng/ đêm.
10 nhà hàng lâu đời và nổi tiếng trên thế giới
Một số nhà hàng trên thế giới nổi tiếng từ hàng thế kỷ trước, từ lâu đã là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, tầm cỡ, thu hút đông đảo thực khách ghé qua.
Nhà hàng Antoine's, Mỹ: Antoine's là nhà hàng lâu đời nhất của thành phố New Orleans, Mỹ, được mở vào năm 1840. Nơi đây đã định hình nền ẩm thực của thành phố với những phát minh bao gồm món gà Creole và hàu Rockefeller. Ngoài các phòng ăn, tòa nhà là một mê cung gồm những căn phòng bí mật, dẫn đến một quán rượu nhỏ.
Nhà hàng Honke Owariya, Nhật Bản: Nhà hàng Honke Owariya nằm ở Kyoto, Nhật Bản, được cho là nơi đầu tiên sản xuất mì soba. Nhà hàng mở cửa năm 1465 và đã trở thành nơi cung cấp mì soba chính thức cho hoàng cung. Loại mì soba nổi tiếng ở đây được nấu trong một nước dùng tinh tế và tạo nên hương vị thơm ngon.
Nhà hàng El Imparcial, Argentina: El Imparcial mở cửa vào năm 1860, đây là nhà hàng lâu đời nhất của Argentina. Món ăn đặc trưng ở đây là gà hầm, cơm thập cẩm và caramel sữa trứng theo truyền thống của thành phố.
Nhà hàng L'Auberge Saint-Gabriel, Canada: Nhà hàng L'Auberge Saint-Gabriel được xây dựng năm 1688, với cửa sổ kính màu có hoa văn phức tạp, bức tường đá lộ ra ngoài và trang trí bằng gỗ tối màu. Nơi đây là một trong những điểm nổi tiếng nhất ở Montreal, Canada, với món gà mái Cornish nướng truyền thống.
Nhà hàng Blackfriars, Anh: Blackfriars được xây dựng từ thế kỷ 13, đây là nơi có nhà ăn lâu đời nhất nước Anh. Nhà hàng phục vụ nhiều loại rượu ngon và có phòng tiệc kèm theo. Thực khách thường chọn nơi đây để tổ chức đám cưới, tiệc tùng và sự kiện. Nhà hàng từng được vua Edward III dùng để tiếp đón hoàng gia Scotland vào năm 1334.
Nhà hàng Zum Franziskaner, Thụy Điển: Nhà hàng Zum Franziskaner có lịch sử kéo dài từ năm 1421, trước khi chuyển sang tòa nhà hiện tại năm 1910. Nơi đây mang cảm giác cổ kính với những bức tường ốp gỗ, các gian bàn ăn kín đáo. Thực đơn gồm các đĩa xúc xích wurst và đồ ăn theo phong cách cổ điển.
Nhà hàng Bianyifang, Trung Quốc: Nhà hàng Bianyifang được thành lập từ thời nhà Minh vào năm 1416 và hiện là một thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc, với trụ sở ban đầu đặt ở Bắc Kinh. Đây được coi là nhà hàng vịt quay lâu đời nhất của thành phố. Nơi đây nổi tiếng với việc nấu những con vịt quay trong lò kín để thịt giữ được vị ngon ngọt nhất.
Nhà hàng La Couronne, Pháp: La Couronne là nhà hàng cao cấp cổ điển lâu đời nhất vẫn còn hoạt động ở Pháp, được mở cửa từ năm 1345. Mặc dù thực đơn ở đây có những món ăn hiện đại và sự tinh tế, nhưng không thể xóa bỏ nét cổ kính thể hiện qua mỗi chiếc khăn trải bàn, bức ảnh được đóng khung hay tấm gỗ trang trí.
Nhà hàng Ristorante Buca San Giovanni, Italy: Ban đầu nhà hàng Ristorante Buca San Giovanni là một dinh thự nhà thờ. Đến thế kỷ 14 chúng được đổi sang thành nhà hàng phục vụ. Nơi đây có các món ăn cổ điển của vùng Tuscany bên dưới trần nhà bằng đá cong, thấp, cùng những bức tượng chăm chú theo dõi bạn.
Nhà hàng Sobrino de Botín, Tây Ban Nha: Sobrino de Botín mở cửa vào năm 1725, hiện giữ kỷ lục Guinness là nhà hàng lâu đời nhất hoạt động liên tục. Ban đầu nhà hàng chỉ được phép chế biến thức ăn do khách mang đến. Giờ đây thực khách khi tới nhà hàng sẽ được thưởng thức các loại thịt quay đặc sản nấu trong lò đốt củi.
Thêm một điểm du lịch được nhuộm vàng mùa lúa chín, lên lịch hò hẹn về Lạng Sơn Du lịch Đông Bắc mùa lúa chín ngoài thung lũng Bắc Sơn không thể không ghé đến thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Đây là điểm đến được 'săn' mùa lúc chín vào dịp tháng 10, tháng 11 của các nhiếp ảnh gia. Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố...