Ngoại trưởng Ý kêu gọi thành lập quân đội chung EU
‘Liên minh châu Âu (EU) nên thành lập quân đội hỗn hợp của khối, đóng vai trò gìn giữ hòa bình và ngăn chặn nguy cơ xung đột’, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani kêu gọi.
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani. Ảnh REUTERS
Trả lời phỏng vấn báo La Stampa (Ý) hôm nay 7.1, ông Tajani khẳng định việc tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về mặt quân sự ở châu Âu là ưu tiên của đảng Forza Italia do ông dẫn đầu.
“Nếu chúng ta muốn trở thành những người gìn giữ hòa bình trên thế giới, chúng ta phải cần đến quân đội châu Âu. Và đó là tiền đề cơ bản nếu muốn có một chính sách đối ngoại châu Âu thực sự hiệu quả”, Ngoại trưởng Ý nhấn mạnh.
“Trong một thế giới với những tay chơi mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, với các cuộc khủng hoảng xảy ra từ Trung Đông đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các công dân Ý, Đức, Pháp hoặc Slovenia chỉ có thể được bảo vệ bởi một thứ gì đó đã hiện hữu, tên là Liên minh châu Âu”, nhà ngoại giao bổ sung.
Hợp tác quân sự châu Âu nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn trước trong nghị trình chính trị châu lục kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần 2 năm trước.
Tuy nhiên, các nỗ lực hiện tập trung vào sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với việc Phần Lan gia nhập năm ngoái và Thụy Điển cũng đang trên đường làm thành viên.
Ukraine phải làm gì để duy trì nỗ lực trở thành thành viên EU?
Ngoại trưởng Ý cũng cho rằng cả 27 nước thành viên EU nên hợp lý hóa dàn lãnh đạo, và chỉ nên có một ghế chủ tịch, thay vì cấu trúc hiện tại là Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Ông Tajani đã trở thành lãnh đạo đảng Forza Italia sau khi cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi qua đời năm ngoái.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến vào tháng 6 sẽ là thước đo đầu tiên cho đảng này kể từ khi mất đi nhà lãnh đạo Berlusconi vốn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính trường Ý.
EU đạt thỏa thuận về cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 20/12, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận lớn nhằm cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn của khối.
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italy, ngày 14/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ, vẫn cần được Hội đồng châu Âu và EP phê chuẩn chính thức, diễn ra sau các cuộc đàm phán kéo dài bắt đầu vào chiều 18/12. Nội dung tập trung vào một loạt các câu hỏi lớn và phức tạp đòi hỏi sự thỏa hiệp của cả hai bên, chẳng hạn như thời gian giam giữ, trẻ vị thành niên không có người đi kèm hay hoạt động tìm kiếm cứu nạn và giám sát biên giới.
Tây Ban Nha, nước giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, nêu rõ một thỏa thuận chính trị đã đạt được trên 5 phương diện của Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU. Các cải cách bao gồm việc đẩy nhanh quá trình kiểm tra những người di cư trái phép, thành lập các trung tâm giam giữ ở biên giới, đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và thiết lập cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia phía Nam châu lục đang đối mặt với làn sóng người di cư lớn.
Nội dung cải cách dựa trên đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cách đây 3 năm, theo đó giữ nguyên nguyên tắc hiện hành là quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ. Tuy nhiên, để hỗ trợ các quốc gia nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với lượng người di cư đến đông như các quốc gia Địa Trung Hải là Italy, Hy Lạp và Malta, một cơ chế đoàn kết bắt buộc được thiết lập để chia sẻ gánh nặng với những nước này. Điều này đồng nghĩa các nước EU khác sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp khoản hỗ trợ tài chính nếu từ chối tiếp nhận. Bên cạnh đó, quá trình sàng lọc và kiểm tra những người xin tị nạn cũng sẽ được đẩy nhanh để những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn có thể nhanh chóng được hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Di cư là một thách thức chung của châu Âu và quyết định ngày hôm nay sẽ cho phép chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề đó".
Trong tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận trên, nhấn mạnh điều này sẽ đảm bảo hệ thống tị nạn mới được thực hiện một cách "công bằng và có trật tự".
EU đang đối mặt với số lượng người di cư trái phép và xin tị nạn ngày càng tăng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11 vừa qua, cơ quan biên giới Frontex của EU đã ghi nhận trên 355.000 trường hợp vượt biên trái phép vào khối, tăng 17%. Theo Cơ quan tị nạn EU, số người xin tị nạn trong năm nay có thể lên tới 1 triệu người.
Italy công bố 3 ưu tiên trong năm Chủ tịch G7 Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 19/12, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết xung đột Ukraine, Trung Đông và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ nước này làm Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2024. Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm...