Ngoại hạng Anh hủy kết quả hay đá tiếp kiểu gì?
Cho tới thời điểm này Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh vẫn chưa chốt được phương án xử lý mùa giải 2019-2020. Mọi người được khuyến khích đưa ra các ý tưởng nhưng mọi giải pháp vẫn còn bỏ ngỏ.
Hủy bỏ kết quả mùa giải hay cho thi đấu nốt các vòng còn lại? Nếu cho thi đấu nốt thì cách thức tiến hành ra sao? Đấy là những vấn đề được đặt ra và vẫn đang được bàn bạc.
Áp lực tài chính, áp lực thời gian
Vì mọi lựa chọn và quyết định đều bỏ ngỏ nên mới có ý tưởng là gom các đội lại, tập trung thi đấu trên một địa bàn được giới hạn và cho tổ chức các trận đấu theo kiểu World Cup.
Nhưng ý tưởng đó bây giờ cũng mới chỉ mang tính tham khảo. Thời gian thì cứ trôi. Dịch Covid-19 thì vẫn tiếp tục bùng phát dữ dội trên khắp nước Anh. Quyết định xử lý mùa giải hiện tại theo cách nào thì vẫn chưa được đưa ra.
Rắc rối ở đây là giải Ngoại hạng Anh cũng như nhiều giải đấu khác của Anh đang chịu áp lực về thời gian. Nếu mùa bóng không thể diễn ra trọn vẹn, 20 CLB có thể phải trả lại hàng trăm triệu bảng tiền bản quyền truyền hình cho các nhà đài.
Theo tính toán, Premier League mùa này có thể mất tới 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu các vòng còn lại không được thi đấu so với chỉ 169 triệu bảng bị mất nếu 92 trận đấu còn lại của mùa bóng diễn ra trên các sân không có khán giả.
Một vấn đề nữa là trong trường hợp mùa giải được nối lại thì là bao giờ vì nếu hoãn đấu quá lâu thì giải nào cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thế nên, vấn đề không đơn giản là cho đấu nốt các trận còn lại của mùa bóng mà là phải làm sao để tất cả các đội bóng đều có thể tồn tại được cho tới lúc giải đấu được nối lại. Đối với một số CLB, việc giải đấu có được nối lại hay không và nối lại vào lúc nào quyết định đến sự tồn vong của họ. Ban tổ chức đang cân nhắc tìm giải pháp khả thi nhất cho giải Ngoại hạng.
Giải pháp khả thi nhất không hẳn là giải pháp công bằng nhất. Hầu như không thể có giải pháp công bằng với tất cả các đội mà giải pháp sẽ được đưa ra dựa theo sự đồng thuận của đa số CLB, các cổ đông, các CĐV, hàng trăm nghìn người đã mua vé xem cả mùa.
Premier League có thể mất tới 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu các vòng còn lại mùa này không được thi đấu
Giải pháp nào cũng có vấn đề
Hủy bỏ giải đấu hay cho giải tiếp tục đều đặt ra vấn đề. Nếu hủy bỏ mùa giải này thì nhiều CĐV trong số này sẽ không có cơ hội xem trận đấu họ chưa được xem hay thậm chí không còn cơ hội để cổ vũ đội bóng yêu thích của họ nữa.
Nếu cho đá nốt các trận còn lại của mùa giải mà diễn ra trên sân không có khán giả, lại không phải diễn ra ở đúng sân đấu của CLB đó thì có nghĩa khái niệm “sân nhà”, “sân khách” không tồn tại. Các CLB đương nhiên không thích như vậy nhưng với họ như thế còn hơn là hủy kết quả của mùa giải.
Ý tưởng tổ chức các trận đấu trên các sân tập không có khán giả ở miền Trung nước Anh là để giảm nguy cơ CĐV tụ tập trước các trận đấu, dễ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật nhưng ngay cả ý tưởng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.
Dù tổ chức các trận đấu còn lại của mùa bóng ở đâu thì vẫn cần có một bộ phận nhân viên và chuyên gia y tế đi kèm để đảm bảo sức khỏe, xử lý các chấn thương cho cầu thủ. Làm thế nào để đội ngũ y tế này có đủ điều kiện làm việc trong vài tháng trời trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn leo thang ở Anh?
Rồi để gần trăm trận đấu còn lại của mùa bóng được truyền hình trực tiếp thì cũng cần hàng trăm nhân sự phục vụ cho công tác truyền hình. Vậy bố trí điều kiện làm việc cho đội ngũ này như thế nào? Rồi còn cần các nhân viên khách sạn và những con người khác để phục vụ nơi ăn chốn ở và các dịch vụ khác cho các đội bóng trong suốt thời gian thi đấu các trận còn lại của mùa giải.
Tóm lại, kể cả có tổ chức các trận đấu còn lại của mùa Ngoại hạng Anh 2019-2020 trên các sân không có khán giả thì chắc chắn các trận đấu cũng không thể diễn ra với sự tham gia đơn thuần của cầu thủ và ban huấn luyện các đội bóng mà bắt buộc phải kéo theo sự tham gia của nhiều lực lượng khác. Điều đó khiến cho ý tưởng tổ chức các trận đấu trên các sân không có khán giả trở thành ảo tưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là lí do các trận chưa đá cần phải diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2020 vì họ tin rằng cao điểm của dịch Covid-19 ở Anh sẽ rơi vào quãng thời gian trước đó. Giờ thì người ta chỉ còn biết hi vọng tình hình sẽ được cải thiện, các xét nghiệm sẽ được tiến hành rộng rãi hơn và dịch bệnh sẽ hạ nhiệt.
1,2 Nếu mùa giải Ngoại hạng Anh bị hủy bỏ, các CLB sẽ mất khoảng 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình
169 Nếu mùa giải Ngoại hạng Anh diễn ra trên các sân không có khán giả, các CLB mất khoảng 169 triệu bảng
22.000 Số người nhiễm Covid-19 ở Anh đã lên tới hơn 22.000 người tính đến ngày 31/3/2020
Trọng Tuệ
Ngoại hạng Anh tính đá tập trung các vòng cuối
Trong nỗ lực hoàn tất mùa giải 2019-2020, Ban tổ chức (BTC) Premier League đang tính tới khả năng để 20 câu lạc bộ (CLB) thi đấu tập trung.
Giải Ngoại hạng Anh tính tới phương án thi đấu tập trung để hoàn tất mùa giải
Ý tưởng các CLB thi đấu tập trung phần còn lại mùa giải được BTC đưa ra thảo luận kín từ thời điểm đầu tháng 3 khi Premier League phải tạm hoãn vì ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dự kiến, BTC tập trung các cầu thủ của 20 CLB đến thi đấu tại một địa điểm an toàn (khu cách ly). Các cầu thủ sẽ phải trải qua xét nghiệm và không được rời khỏi trại tập trung cho đến khi giải đấu khép lại.
Hiện tại, Premier League 2019-2020 còn 9 vòng với 92 trận đấu. BTC dự kiến phần còn lại của mùa giải sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, trong các sân vận động không có khán giả và được truyền hình trực tiếp giống World Cup. Các trận đấu sẽ diễn ra liên tục, với mật độ không quá năm trận một ngày.
Kế hoạch này đang nhận được sự ủng hộ lớn từ các đội bóng bởi áp lực hoàn thành mùa giải rất lớn do các điều khoản trong hợp đồng tài trợ và bản quyền truyền hình. Đồng thời, phương án này giúp các cầu thủ cũng như các thành viên BTC tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Việc giải đấu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình cũng giúp người hâm mộ bóng đá Anh thoả mãn nỗi nhớ, trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đang yêu cầu tất cả người dân nước này cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị. Đầu tiên, thành viên các đội bóng và BTC giải, nhân viên y tế và phóng viên phải được kiểm tra sức khỏe, khử trùng trước khi vào khu vực thi đấu. Sau đó, họ sẽ liên tục được theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình thi đấu tại khu cách ly.
Mặt khác, việc tổ chức 9 vòng đấu cuối cùng chỉ trong 6 đến 8 tuần khiến cho mật độ trận đấu giữa các đội bóng khá dày đặc. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương cho cầu thủ, đặc biệt là những ca chấn thương nặng.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong buổi họp bàn kế hoạch tổ chức như "Nếu một cầu thủ bị gãy chân, anh ta sẽ được phẫu thuật ở đâu?". Vấn đề này kéo theo ý kiến cần "xây dựng một bệnh viện tại khu cách ly với đầy đủ bác sĩ và trang thiết bị y tế để phục vụ suốt 2 tháng giải đấu diễn ra để đảm bảo an toàn cho mọi người". Tuy nhiên, điều này cũng khá khó khăn bởi hiện tại ngành y tế đang tập trung nguồn lực cho việc chữa trị các bệnh nhân COVID-19.
BTC chưa chốt phương án cuối cùng, nhưng lãnh đạo các CLB nhấn mạnh, tâm lý của các cầu thủ đều đã ổn định và sẵn sàng hoàn thành nốt phần còn lại của mùa giải, sau quãng thời gian nghỉ cách ly tại nhà. Các cầu thủ cũng được yêu cầu đối mặt nhiều tình huống, nếu phải thi đấu trên sân không có khán giả, thậm chí thi đấu trong các sân tập thay vì sân vận động lớn.
HUYỀN MAI
Ngoại hạng Anh trở lại siêu sớm, cách ly toàn bộ cầu thủ thi đấu Một phương án mới có thể đưa Ngoại hạng Anh trở lại thi đấu sớm và các cầu thủ vừa thi đấu vừa bị cách ly trong các khách sạn sau các vòng đấu. Các trận đấu đỉnh cao tại Premier League có thể sớm trở lại. Một số chuyên gia bóng đá tại Vương quốc Anh mới đưa ra một phương án...