Ngộ nhận về học khẩu hình trong tiếng Anh
Nếu chỉ chăm chăm chỉnh khẩu hình, bạn có thể sẽ thấy bất lực, thay vào đó hãy nghe và đọc theo nhiều lần.
Dưới đây là chia sẻ của giáo viên tiếng Anh Moon Nguyen về ngộ nhận phổ biến khi học phát âm tiếng Anh:
Khi nói về cách làm các âm trong tiếng Anh, nhiều người nghĩ tới khẩu hình. Trong nhiều sách phát âm, mình thấy phần lớn đều đưa sơ đồ hình mặt người cắt ngang, minh họa các kiểu vị trí miệng lưỡi. Mình không biết các bạn hiểu cái sơ đồ đó được bao nhiêu phần trăm. Với kinh nghiệm cá nhân, mình thấy biểu đồ đó chỉ làm phức tạp hóa vấn đề.
Trong suốt những năm tháng dạy phát âm tiếng Anh cho người Việt, cái mà mình thấy học viên lúc nào cũng hỏi là khẩu hình, phải đặt lưỡi ở đâu, vị trí môi thế nào, và những dấu hiệu khác. Cái nhiều bạn mong muốn là khi không làm được một âm nào đó, giáo viên phải ngay lập tức “chỉnh hình” như cách duy nhất để đạt mục tiêu.
Mình không phản đối việc “chỉnh khẩu hình” khi dạy cách làm âm, và bản thân cũng hướng dẫn phần này khá kỹ. Nhưng nếu quá tập trung vào phần này, bạn sẽ không đạt được cái mình muốn và cảm thấy “bất lực”.
Tranh minh họa: Super English Kid
Video đang HOT
Vậy nếu học về âm mà không tập trung chỉnh khẩu hình thì phải làm gì? Hãy bắt đầu từ việc “nghe”. Hãy quan sát con cái hoặc những đứa trẻ xung quanh bạn, chúng học nói từ mẹ như thế nào?
Tất nhiên, chẳng có ông bố bà mẹ nào lôi con ra, chỉ khẩu hình các kiểu để con phát âm chuẩn từ này. Chúng học bằng cách “nghe”. Bố mẹ nói rất nhiều lần từ “mẹ”, trẻ làm từ “mama”, rồi bắt đầu “meme”, rồi dần dần thêm dấu nặng và làm được từ “mẹ”. Và một đứa trẻ ắt hẳn tập nói từ này không biết bao nhiêu lần cho tới khi thành công.
Tương tự, với học âm, ví dụ âm /ch/ trong từ “cheat”, khi học, bạn có thể học sơ lược về vị trí môi lưỡi. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự gặp khó khăn với âm này, mình tin là nếu làm mọi cách để chỉnh môi lưỡi, những gì bạn cảm thấy là sự “bất lực”. Hãy bắt đầu bằng việc nghe, nghe từ này thật nhiều lần, và nghe những từ khác có chứa âm này thật nhiều lần. Hãy nghe và đọc theo, đến một lúc nào đó, bạn sẽ dần cảm nhận được âm đó.
Điều này nghe có vẻ nhảm nhí với không ít người, vì họ không tin rằng khi nghe được thì sẽ nói tốt. Nhưng sự thật các nghiên cứu về phát âm trên thế giới đã chỉ ra rất rõ ràng, nếu muốn làm âm tốt, thì bắt đầu từ nghe là hiệu quả nhất.
Moon Nguyen
Theo VNE
Ngộ nhận phổ biến về học phát âm tiếng Anh
Phát âm chuẩn từng từ là chưa đủ, bạn cần chú ý đến cả trọng âm, ngữ điệu hay cách nối âm để giao tiếp hiệu quả hơn.
Đôi khi, bạn nghe một người bản xứ bình luận: "You should work on your pronunciation". Bạn về nhà và nghĩ rằng mình cần phải học "phát âm", có nghĩa là học về các âm trong tiếng Anh. Nhưng kể cả sau khi bạn học hết các âm, và phát âm rõ từng từ, tiếng Anh của bạn nghe vẫn khó hiểu. Tại sao vậy?
Trên thực tế, để nói rõ ràng hơn, nếu chỉ tập trung vào việc phát âm chuẩn từng từ là chưa đủ, và đôi khi khiến người nghe, đặc biệt là người bản xứ, cảm thấy khó hiểu. Lý do là người bản xứ (hoặc những người nghe tiếng Anh tốt) có cách nghe tiếng Anh khác với những gì bạn nghĩ. Cụ thể, họ nghe tập trung vào các từ được nhấn (các từ mà bạn nói to và rõ hơn), và đặc biệt tập trung vào trọng âm các phần từ nhấn này, để nắm được nội dung ý mà bạn nói.
Ảnh: Pinterest
Tiếng Việt thì khác, khi nói chúng ta có xu hướng nhấn vào từng từ trong câu. Ví dụ: "Hôm qua em đi chơi với các bạn trong lớp". Chúng ta nghe hiểu câu tiếng Việt này bằng cách tập trung vào toàn bộ các từ trong câu.
Ngược lại, với người nói tiếng Anh, nếu phải nói câu này, họ sẽ có xu hướng nhấn các từ in hoa sau: "HÔM QUA em đi CHƠI với các BẠN trong LỚP".
Như vậy, chỉ cần nghe được chữ "hôm qua", "chơi", "bạn", "lớp" là người nghe có thể đoán được nội dung của câu trên. Với người Việt, nếu nói những từ này cao to hay dài hơn bình thường, chắc chắn nghe sẽ rất buồn cười. Đó là lý do vì sao khi người bản xứ học tiếng Việt, cái kiểu nói "lơ lớ" nhấn nhá của họ làm người Việt thấy vừa buồn cười vừa dễ thương.
Thế nên, nếu nói tiếng Anh mà chỉ chăm chăm phát âm rõ từng từ, bạn sẽ tự "chuốc" lấy các hệ lụy sau:
Thứ nhất, nói rất vất vả và không thể lưu loát hơn được. Khi muốn nói lưu loát hơn (trong khi vẫn phải cố phát âm rõ từng từ), bạn tự lấy dây buộc mình bằng cách cố nói thật nhanh, và tự nhận thấy là bạn bị hụt hơi khi nói. Chưa kể là khi nói quá nhanh như vậy, bạn có xu hướng "nuốt" tương đối nhiều âm quan trọng.
Thứ hai, bạn trở nên khó hiểu hơn với người khác. Như giải thích ở trên, nếu bạn cố nói rõ từng từ trong câu, người nghe sẽ "căng tai" nghe vì không biết tập trung vào từ nào mà bạn muốn gửi gắm nội dung truyền đạt. Khi nói bạn sẽ có xu hướng nói rời rạc. Người nghe tiếng Anh giỏi chắc chắn sẽ cảm thấy "mệt mỏi" khi phải nghe đối phương "bắn" tiếng Anh theo kiểu nhấn vào từng từ.
Thứ ban, bạn trở nên thiếu tự tin. Đương nhiên, hậu quả của việc phát âm vất vả từng từ mà người nghe vẫn phải nhọc nhằn khi nghe bạn nói, bạn sẽ cảm thấy dần dần thiếu tự tin, và có lẽ trở nên ít nói hơn.
Cho nên, học phát âm đừng chỉ học về âm, mà phải học về những thành tố khác như "word stress" (nhấn vào âm nào trong từ), "rhythm" (nhấn vào từ nào trong câu), hay "intonation" (ngữ điệu đi lên hay xuống). Một số phần khác như "connected speech" (nối âm) hay "reduction" (giảm âm) cũng cần để ý vì nó không chỉ hữu ích cho việc nói lưu loát mà còn giúp nâng cao khả năng nghe của bạn.
Giáo viên tiếng Anh Moon Nguyen
Theo VNE
Bốn khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt về phát âm từ Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết và có trọng âm, trong khi tiếng Việt đơn âm tiết và nhấn vào mọi từ. Tại sao bạn gặp khó khăn khi nghe tiếng Anh? Câu trả lời đơn giản là phát âm tiếng Anh quá khác tiếng Việt. Nếu không nghe đủ, sử dụng đủ, thì thật dễ hiểu khi bạn không nghe...