Ngơ ngác trước quy định khống chế số sinh viên
(PL)- Nhiều lãnh đạo các trường đại học nghi ngờ tính khả thi của Thông tư 32/2015. Bởi theo họ, nhiều trường sẽ tìm cách xin “cơ chế riêng” để giữ số lượng sinh viên theo truyền thống.
Ngày 16-12-2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32 xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó quy định quy mô đào tạo ĐH chính quy không vượt quá 5.000-15.000 sinh viên (SV) tùy theo khối ngành. Đại diện các trường ĐH có quy mô lớn cho rằng quy định này (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2016) còn nhiều vấn đề cần được xem xét thêm.
Tiêu chí cào bằng
TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng về mặt quản lý thì đây là chủ trương phù hợp, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn sẽ bộc lộ sự khiên cưỡng.
Theo ông Thanh, việc đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh như vậy phù hợp với quy mô các trường ĐH mới bắt đầu xây dựng, còn với các trường từ lâu có quy mô 20.000-25.000 SV chính quy thì lộ trình giải quyết sẽ như thế nào chưa thấy đề cập. Trong đó, nhiều vấn đề như bộ máy quản lý, lực lượng giảng viên, hạ tầng phục vụ việc giảng dạy, thực hành phải có sự điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, không bị cắt giảm đột ngột. Đối với các trường có quy mô lớn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, cơ sở hạ tầng đảm bảo, phòng thực hành hiện đại, SV được đào tạo tay nghề vững vàng và đáp ứng nhu cầu xã hội thì sao phải áp đặt cào bằng cùng một mức như nhau.
Video đang HOT
“Ấn định số lượng tuyển sinh là phù hợp nhưng nếu áp đặt vào tất cả trường, ngành thì không ổn cho lắm” – ông Thanh nói.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng trong ba tiêu chí Bộ đưa ra có sự mâu thuẫn giữa tiêu chí 1, 2 với tiêu chí 3. Cụ thể với một trường ĐH có đội ngũ giảng viên đảm bảo chất lượng và tỉ lệ tương ứng với SV, đồng thời trường này có diện tích lớn hơn so với quy định thì cắc cớ gì lại phải khống chế số lượng SV không vượt quá con số 15.000, trong khi năng lực của họ hoàn toàn đáp ứng được. Như vậy, căn cứ đâu để đưa ra con số 15.000 SV chưa được minh định rõ. Ngoài ra với các trường vượt con số 15.000 SV thì giải quyết như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao cần có hướng dẫn cụ thể các trường mới có lộ trình tính toán sắp xếp phù hợp. “Thực tế khi đọc thông tư này các trường ngơ ngác không biết nên hiểu như thế nào và cách thức thực hiện ra sao” – TS Thông trình bày.
Theo ông Thông, lẽ ra cần đưa công cụ kiểm định vào để đánh giá chất lượng đào tạo có đảm bảo hay không thì Bộ đi can thiệp vào việc khống chế số lượng tuyển sinh.
Các trường ĐH có lượng sinh viên lớn cho rằng tiêu chí tuyển sinh mới sẽ làm hạn chế nguồn lực đào tạo của các trường có năng lực. Ảnh: P.ĐIỀN
Gây lãng phí lớn
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thốt lên như vậy khi đánh giá về các tiêu chí tuyển sinh và cho rằng quy định này ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút SV, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ĐH.
Ông Dũng nhìn nhận hiện nay nhiều trường tại TP.HCM có quy mô 18.000-20.000 SV. “Đó là do dân còn nghèo, thu nhập thấp, học phí thấp buộc các trường phải tuyển sinh nhiều mới có nguồn thu để trả lương cho giảng viên, thu hút nhân tài và đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị thực hành phục vụ SV” – PGS Dũng giải thích.
Theo PGS Dũng, ngành kỹ thuật có đặc thù riêng cần phải đầu tư máy móc, thiết bị thực hành, khấu hao thiết bị rất lớn chiếm 60% nguồn thu từ học phí. Khi áp dụng tiêu chí tuyển sinh mới sẽ có tác dụng ngược, do nguồn thu giảm chất lượng đào tạo sẽ giảm sút, không thu hút được nhân tài. Ông Dũng dẫn chứng trường đang đầu tư phát triển ngành công nghệ thực phẩm hơn 10 tỉ đồng, nếu bị khống chế số lượng tuyển sinh sẽ rất lãng phí. “Lẽ ra trước khi ban hành Bộ nên thăm dò, lấy ý kiến các trường xem còn vướng mắc gì, họ tâm tư ra sao, chứ đùng một cái buộc thực hiện là rất ép các trường” – ông Dũng nói.
Một lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết nếu áp dụng Thông tư 32, nhiều trường ĐH sẽ phải điều chỉnh quy mô giảm trên 50%. Điều này gây khó khăn cho các trường vì một lượng lớn giảng viên cơ hữu sẽ mất việc làm, nhiều công trình xây dựng, phòng học, phòng thí nghiệm/thực hành, máy và thiết bị dạy học hiện đại không dùng đến sẽ gây lãng phí rất lớn.
Khống chế để nâng chất lượng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Thông tư 32/2015 nhằm mục tiêu nâng cao, củng cố chất lượng đào tạo. Trong đó, chủ yếu yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất,… phải phân chia theo cả khối ngành. Một trường có quy mô 15.000 SV nghĩa là mỗi năm tuyển khoảng 3.000-4.000 SV. Đây là con số của một trường lớn.
“Thời điểm tăng quy mô bằng số lượng đã qua rồi. Giờ học sinh tốt nghiệp THPT còn có xu hướng giảm, không tăng như dự kiến trước đây. Tăng quy mô mãi đến lúc các trường sẽ không còn nguồn tuyển nữa” – Thứ trưởng Ga nói. Thông tư 32/2015 được Bộ GD&ĐT ban hành dựa theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 do Thủ tướng ban hành tháng 6-2013.
Theo quy hoạch này, quy mô các trường ĐH khối ngành sức khỏe sẽ không quá 8.000, khối ngành năng khiếu không quá 5.000, các khối ngành còn lại không quá 15.000 SV chính quy. Thông tư cũng quy định các trường ĐH có đào tạo CĐ phải giảm quy mô hệ CĐ ít nhất 30% so với năm 2015, tiến tới xóa bỏ hệ này trong trường ĐH vào năm 2020.
Theo PLO