Ngộ độc thực phẩm mùa hè: Làm sao tránh?
Không khí oi nồng, nóng bức của mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, côn trùng, ruồi muỗi khu trú và sinh sôi nảy nở. Đây là nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tăng vọt…
Vì sao ngộ độc?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý gây nên khi người bệnh ăn phải thực phẩm không sạch, mà nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus, kí sinh trùng hay độc tố của chính thực phẩm người ta ăn phải, cũng có khi do chất độc còn tồn đọng lại từ quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm gây nên. Theo các chuyên gia về ATVSTP, NĐTP mùa hè thường do thức ăn nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng), vì mùa hè nhiệt độ cao thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển.
Các tác nhân trực tiếp gây ngộ độc bao gồm vi khuẩn, ngoại độc tố của vi khuẩn, virus (chúng ta vẫn thường gọi là siêu vi trùng) và một số động vật đơn bào (a míp). Các vi sinh vật này có nhiều ở khắp nơi và thực phẩm dành cho người thì thường cũng là thức ăn lý tưởng của chúng. Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.
Nguy cơ cao nhất dẫn đến “nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn” nhất là khi sử dụng các thực phẩm động vật còn tươi sống hoặc chưa đun nấu kỹ như ăn tiết canh, tim, cật tái, thịt tái, gỏi cá…, nghĩa là các vi sinh vật đang “sinh sống” ở các thực phẩm này chưa bị tiêu diệt. Tiết canh là món “khoái khẩu” của nhiều người, nhưng các bạn cũng nên biết rằng đó cũng lại là một môi trường giàu dinh dưỡng rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Trên thực tế, thói quen ăn gỏi cá, các loại thịt tái, các phủ tạng động vật (đặc biệt là tim, cật), trứng “tái”cũng làm chúng ta dễ bị ngộ độc. Các phương pháp xử lý nhiệt thô sơ như nhúng, tái, trần,… thực sự chưa thể đủ để tiêu diệt được các vi khuẩn có ở trên bề mặt thực phẩm, chưa kể đến khi chúng đã phát triển sâu vào bên trong khối thực phẩm.
Video đang HOT
Các chuyên gia cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa dẫn đến ngộ độc thực phẩm là tình trạng thực phẩm để lâu mà điều kiện bảo quản không bảo đảm vô khuẩn, (dẫn đến việc vi khuẩn nhân lên đạt đến số lượng đủ gây bệnh cho người ăn). Tình trạng nhiễm khuẩn thức ăn có thể xảy ra trước, trong và sau khi chế biến, trước khi ăn hoặc giữa các lần ăn, kể cả đối với thực phẩm (sống hoặc chín) được lưu trữ trong tủ lạnh. Nhiều người nhầm tưởng rằng thức ăn đã được bảo quản trong tủ lạnh là có thể yên tâm “vô tư đi” nên đã để thức ăn dự trữ hoặc thậm chí cả thức ăn đã dùng dở quá lâu trong tủ lạnh. Chúng ta nên biết rằng ngăn lạnh đúng tiêu chuẩn (nhiệt độ là 5C) chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, chứ không làm chết vi khuẩn. Chưa kể đến khi chúng ta để quá nhiều thực phẩm, tủ lạnh dùng lâu không vệ sinh các ngăn, rồi những lúc mất điện … đó chính là cơ hội tốt cho vi khuẩn nhân lên trong thức ăn.
Thói quen ăn rau sống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến NĐTP bởi rau sống có thể nhiễm vi sinh vật. Căn bệnh lỵ amip ở một số người chính là xuất phát từ ăn rau sống có nhiễm loại ký sinh trùng này (từ phân tươi bón rau hoặc từ nước kênh rạch ao ngòi dùng để rửa rau).
Đó là chưa kể đến rất nhiều các nguyên nhân khác gây ô nhiễm thực phẩm ở rất nhiều khâu trong chuỗi dây truyền sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm, ví dụ như các dụng cụ dùng (dao, thớt, rổ, nồi niêu xoong chảo, đôi bàn tay của chúng ta, nước rửa…).
Thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Làm gì khi bị ngộ độc?
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, nhưng chủ yếu là những triệu chứng của đường tiêu hoá sớm nhất sau ăn là đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân lại không có biểu hiện về tiêu hoá (không nôn, không đi ngoài..), song lại thể hiện ở mức độ nặng hơn như: loạn nhịp tim, co giật, liệt cơ khi nguyên nhân không phải là nhiễm khuẩn mà là nhiễm các độc tố, ví dụ nọc cóc khi ăn thịt cóc, Tetrodotoxin khi ăn cá nóc độc…
Khi có dấu hiệu ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn gây tiêu chảy theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nên đến trạm y tế, trung tâm y tế gần nhất để được khám và điều trị sớm. Nếu nặng hơn, nôn nhiều, không uống thuốc được, mất nước rõ, tụt huyết áp… thì phải được theo dõi và điều trị tại bệnh viện, với quá trình điều trị toàn diện và phức tạp hơn, theo dõi chặt chẽ hơn.
Phòng tránh thế nào?
Để đề phòng ngộ độc do nhiễm khuẩn thức ăn trong mùa hè, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyên người tiêu dùng cần biết giữ vệ sinh trong các khâu bảo quản và chế biến thực phẩm, biết chọn thực phẩm tươi sống hợp vệ sinh và thực hiện các hướng dẫn của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với chế biến thực phẩm nên tuân thủ quy trình: thực phẩm tươi sống-chín-bàn tay sạch-dụng cụ sạch-không ăn đồ cũ.
Thiết nghĩ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, vệ sinh phải đưa lên hàng đầu. Trước tiên phải là ý thức của cá nhân. Thực tế chúng ta đã tuyên truyền, giáo dục rất nhiều nhưng vẫn còn những người tiêu dùng còn quá chủ quan, thờ ơ với những hàng quán ngay bên cạnh cống rãnh, bãi rác, mất vệ sinh. Chính việc coi thường này đã gây nên nhiều ca ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng cần tẩy chay với những thực phẩm không an toàn, hàng quán mất vệ sinh, như vậy sẽ giúp giảm số vụ ngộ độc thực phẩm rất nhiều.
Nên chăng, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục sức khoẻ vệ sinh công cộng; Vệ sinh môi trường: Xử lý tốt nguồn nước bị ô nhiễm; Chỉ sử dụng nước sạch; Sản xuất và sử dụng thực phẩm sạch hoặc đã qua kiểm nghiệm; Xử lý tốt thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng: Rửa rau nhiều lần bằng nước sạch. Nấu chín, rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm hoặc trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc đã để lâu trong môi trường không được đảm bảo vệ sinh; Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cộng đồng. Phải có những biện pháp giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố,… để tránh những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Đặc biệt là kiên quyết xử phạt những cá nhân, tập thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Như thế số vụ ngộ độc thực phẩm sẽ giảm và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta mới thực sự đạt hiệu quả.
Theo SK&ĐS
Dưa muối: Ăn đúng lúc mới tốt
Chỉ nên ăn dưa ngả màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm của dưa. Tránh ăn dưa đã có màu xỉn hay mùi lạ.
Các loại dưa muối nói chung (kể cả cà muối) là thực phẩm được chế biến bằng cách sử dụng muối trộn chung với một số thân, lá, hoa, quả, củ để làm lên men chua dưới tác dụng của một số vi sinh vật.
Tăng sức đề kháng
Ăn dưa muối có những tác dụng cụ thể cho cơ thể chúng ta như sau: Cung cấp nhiều loại vi sinh vật có ích cho hệ tiêu hóa, kích thích tiêu hóa và giúp tăng cường sức đề kháng, tính miễn dịch của hệ tiêu hóa đối với các loại vi sinh vật gây bệnh; cung cấp nhiều loại vitamin có trong rau quả (do nguyên liệu còn tươi); cung cấp một lượng lớn chất xơ đã được thủy phân, giúp cơ thể tiêu hóa tốt và phòng tránh một số bệnh do thiếu chất xơ như táo bón, trĩ, mỡ máu cao, béo phì, ung thư ruột kết...
Dưa muối cũng đã được khẳng định là có chứa các chất giúp tăng cường ảnh hưởng của serotonin trên trung khu điều khiển giấc ngủ và giúp bảo vệ lớp vỏ bọc của dây thần kinh; tạo cảm giác ngon miệng, chống ngấy khi ăn các loại thức ăn giàu đạm, béo.
Chỉ nên ăn dưa ngả màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm của dưa.
Coi chừng nguyên liệu bẩn
Dù có những tác dụng như trên nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì dưa muối đôi khi lại trở thành thứ gây hại. Bởi vì trong một vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần (có nghĩa là độ chua tăng dần lên). Ăn dưa ở giai đoạn này thì có vị cay, hăng, hơi đắng vì chưa đạt yêu cầu.
Tiếp sau đó, sự lên men tăng, dưa chua vừa phải (độ pH tiếp tục giảm), hàm lượng nitric sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng đúng chuẩn. Nitric sẽ tăng cao trở lại khi dưa bị khú (quá chín). Như chúng ta đã biết, chất nitric có thể gây tụt huyết áp. Ở liều 0,3 g - 0,5 g nitric có thể gây ngộ độc. Ở liều 3 g trở lên nitric có thể dẫn đến chết người.
Khi ăn dưa muối, dịch vị trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitric tác động vào các thực phẩm có chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, mắm... để tạo thành một hợp chất là nitrosamine, có thể gây ung thư. Như vậy, để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine, chúng ta không nên ăn dưa muối khi còn màu xanh, vị cay hăng hay ăn dưa muối đã bị khú.
Thêm những lưu ý nữa là dưa muối sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu nguyên liệu chế biến không sạch, có chứa dư lượng thuốc trừ sâu, nitrat hay các kim loại nặng, trứng giun sán và vi khuẩn gây bệnh; dụng cụ để ngâm muối (khạp, lu...) không bị nhiễm bẩn hoặc chứa các chất có hại (chì, asen, thủy ngân, cadimi...) vì những chất này sẽ rất dễ nhiễm vào dưa trong quá trình muối; dùng phụ gia bảo quản sản phẩm chống thối quá quy định; dưa chưa đủ độ chua hoặc bị khú; có hiện tượng nhầy nhớt, thâm đen, váng mốc đen; ăn quá nhiều và thường xuyên; dùng dưa muối để nhắm rượu khi bụng đói...
Nên ăn kèm rau xanh
Những tác hại của dưa muối không do bản thân của dưa mà do cách chế biến, bảo quản, sử dụng của con người. Tốt nhất, mỗi gia đình nên tự chế biến một hũ dưa muối đạt yêu cầu để dùng. Chỉ nên ăn dưa ngả màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm của dưa, tránh ăn dưa đã có màu xỉn hay có mùi lạ.
Nếu chỉ ăn dưa muối đạt chuẩn, biết cách ăn khi cần thiết và ăn vừa phải; ăn kèm với các thực phẩm chống ung thư như rau xanh, hoa quả tươi thì rất tốt cho sức khỏe.
Người có bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày thì không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)
(Theo NLĐ)
Tác dụng của thực phẩm lên men Người cao huyết áp, tim mạch, bệnh thận không nên ăn hoặc hạn chế ăn mắm, dưa, cà muối. Lên men là quá trình trao đổi chất, qua đó chất hữu cơ bị biến đổi dưới tác dụng của các men (enzyme) của vi sinh vật. Các vi sinh vật thường được sử dụng để lên men là vi khuẩn, nấm men, nấm...