Nghiên cứu về ung thư máu, nữ tiến sĩ trẻ đạt giải thưởng y khoa của Mỹ
GS-TS Vũ Phương Ly (35 tuổi), nhà khoa học nữ vừa đạt giải thưởng của Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ ( The American Society of Hematology) cho công trình nghiên cứu về tế bào gốc trong ung thư máu cấp tính, với tài trợ 125.000 USD.
GS-TS Vũ Phương Ly (phải) nhận giải thưởng ở Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering – Ảnh: NVCC
Nghiên cứu về ung thư máu trên cũng nhận được tài trợ hơn một triệu đô la của Chính phủ Canada.
Tìm hướng điều trị mới cho ung thư máu
Ung thư nói chung và ung thư máu nói riêng là căn bệnh lâu nay được coi là “án tử”. Việc điều trị chỉ có hai hướng, hoặc cắt bỏ khối u (đối với các loại ung thư dạng bướu), cấy tủy (đối với ung thư bạch cầu) hoặc hóa trị, xạ trị, nhưng sau một thời gian đều có thể tái phát.
Mức độ nguy hiểm của nó, cũng như khả năng chữa trị còn nhiều hạn chế, đã thôi thúc tiến sĩ Vũ Phương Ly nghiên cứu về cơ chế hoạt động của tế bào gốc ung thư máu, nhằm tìm cách tiêu diệt nó, góp phần đưa ra hướng điều trị mới.
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Phương Ly cho biết: “Trên thế giới, lĩnh vực này đang có nhiều nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra đặc trưng của tế bào gốc ung thư, nhưng theo nhiều hướng khác nhau. Hướng nghiên cứu của tôi là đi sâu vào cơ chế hoạt động của tế bào gốc ung thư.
Tôi nghiên cứu tế bào gốc ung thư có chức năng gì, có đặc trưng gì khác với các tế bào bình thường, tại sao nó lại duy trì được trong cơ thể… Từ đó tôi muốn phát triển các phương pháp điều trị nhắm vào cơ chế hoạt động này để tiêu diệt tế bào gốc ung thư, khiến ung thư không thể tái phát”.
Công trình nghiên cứu của Ly đã được Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH) trao giải thưởng học giả năm 2020. Đây là một trong những giải thưởng nghiên cứu uy tín nhất của ASH, nhằm hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học ở Mỹ và Canada có hướng nghiên cứu độc lập về huyết học. Giải thưởng này được đánh giá bởi một hội đồng gồm các nhà khoa học uy tín đầu ngành trong lĩnh vực y khoa, nên được nhận giải thưởng là một vinh dự lớn cho bất cứ nhà nghiên cứu nào.
Ngoài việc được Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ tài trợ 125.000 USD, dự án của Ly còn được Chính phủ Canada tài trợ hơn 1 triệu đô la trong vòng 5 năm vì hướng nghiên cứu có ý nghĩa và có giá trị thực tiễn cao.
Muốn các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm
Được biết, từ năm 2002 – 2006, Vũ Phương Ly là sinh viên lớp cử nhân tài năng, chuyên ngành sinh học phân tử và hóa sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Sau đó, cô nhận được học bổng của Quỹ Giáo dục VN (Vietnam Education Foundation) cho chương trình tiến sĩ tại Trường Gerstner Sloan Kettering Graduate School of Biomedical Science, thuộc Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering ở thành phố New York, Mỹ.
Được biết, mỗi năm trường này chỉ nhận 10 – 12 sinh viên để chuyên đào tạo sâu nghiên cứu ung thư. Sau một thời gian làm chương trình sau tiến sĩ tại Memorial Sloan Kettering, Ly chuyển sang Vancouver, Canada làm giáo sư tại Trường ĐH Simon Fraser, đồng thời đảm nhiệm vị trí nghiên cứu viên tại nhóm nghiên cứu Terry Fox Laboratory, thuộc Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư British Columbia.
Chia sẻ thêm về niềm đam mê nghiên cứu của mình, Vũ Phương Ly cho biết: “Ngay từ khi học ĐH, tôi đã rất quan tâm tới lĩnh vực sức khỏe, trong đó, những căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư máu, thực sự là án tử đối với nhiều người, nên tôi rất muốn nghiên cứu về nó để tìm ra cách chữa trị mặc dù tôi không phải là bác sĩ.
Tôi không muốn những nghiên cứu của mình chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm. Vì thế, với những tài trợ quý giá trị giá hơn một triệu đô la từ giải thưởng và từ những nỗ lực của mình, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu thành công để có thể đưa vào thực tiễn hướng điều trị dứt điểm căn bệnh quái ác này”.
Phòng thí nghiệm của Ly cũng đã và đang hợp tác với các công ty dược học tại Mỹ và Canada để bào chế các loại thuốc chữa bệnh ung thư máu, giúp họ có hiểu biết về từng loại nhằm cung cấp thuốc phù hợp với từng bệnh nhân. Thời gian gần đây, Ly thường về VN trao đổi học thuật.
Cô làm diễn giả trong một số hội thảo chuyên đề tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, cô cũng đang phát triển một số dự án và làm việc với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để lên kế hoạch về các dự án hợp tác này trong các hoạt động nghiên cứu chuyên môn.
Theo Thanh niên
Cậu bé ung thư được chào đón khi về trường
Sau đợt hóa trị cuối cùng, John Oliver Zippay (6 tuổi, sống tại bang Ohio) trở lại trường Công giáo St Helen trong tiếng vỗ tay của hàng chục bạn cùng lớp.
Ngày 27/12/2019, khi hoàn tất đợt hóa trị cuối cùng, Oliver đi học lại sau ba năm điều trị ung thư máu. Video hơn một phút ghi lại khoảnh khắc Oliver trở lại trường, các bạn cùng lớp đứng đợi ở hai bên hành lang, liên tục vỗ tay chào đón. Ngoài bạn bè, đón Oliver trở lại còn có bố mẹ, thầy cô.
"Ba năm vừa rồi thật sự khó khăn. Nhìn thấy John được các bạn và thầy cô dành tình cảm như này, chúng tôi vô cùng hạnh phúc", Megan Zippay, mẹ em, nói.
Oliver trở lại trường trong sự chào đón của bạn bè và thầy cô. Ảnh: Daily Mail
Hiệu trưởng Patrick Gannon chia sẻ bạn bè của Oliver phấn khích khi biết em trở lại trường. "Cậu bé đã làm rất tốt. Chúng tôi vui khi thấy Oliver trở lại", ông nói.
Sau khi được chào đón, Oliver và gia đình được đưa vào nhà thể thao, xem một đoạn phim do thầy cô và bạn bè làm về hành trình dũng cảm chiến đấu với bệnh tật của em.
Oliver được chẩn đoán mắc ung thư máu cấp tính vào dịp Halloween năm 2016 khi mới ba tuổi. Mẹ đưa Oliver đến bệnh viện kiểm tra sau khi em ngã đập đầu vào giường, mắt lờ đờ và da mặt đổi màu. Sau khi làm xét nghiệm máu, bác sĩ gọi điện thông báo kết quả vào nửa đêm, hối thúc gia đình đưa Oliver vào viện.
"Đó là một cú sốc thực sự đối với tôi và gia đình. Cụm từ ung thư được nhắc đến xung quanh và tôi không chịu được cảm giác này", ông John, bố em, nói.
Các bạn vỗ tay khi Oliver trở lại. Video: CBS News
Oliver phải làm hàng loạt xét nghiệm và được truyền máu, sinh thiết tủy. Trong suốt ba năm điều trị, em vẫn đi học không đầy đủ. Oliver phải đeo một thiết bị gắn ở ngực nên không thể làm việc nặng hoặc tham gia bất kỳ hoạt động thể chất nào trong ba năm.
"Chúng tôi thật may mắn khi nhận được nhiều tình cảm, sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè và thầy cô giáo. Mong rằng Oliver sẽ khỏe mạnh và luôn hạnh phúc tại ngôi trường này", ông John nói.
Thanh Hằng
Theo Daily Mail/VNE
Nối dài sự sống cho những người bệnh không còn khả năng chữa trị Đối với họ-những người mắc bệnh nặng về máu thì quá trình điều trị vô cùng mệt mỏi, kéo dài. Có nhiều người sức khỏe giảm sút, sự sống chỉ còn hi vọng mong manh. Thế nhưng, khi "kỷ nguyên"ghép tế bào gốc mở ra thì sự sống của họ đã được hồi sinh và viết tiếp... Chị Diệu Thơm (ở Lào Cai)...