Nghiên cứu mới công bố: Ô nhiễm không khí có thể gây rụng tóc, hói đầu
Không những gây ra những ảnh hưởng đối với chức năng của phổi, ô nhiễm không khí còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến da đầu và gây rụng tóc.
Chúng ta đều biết rằng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và những vấn đề sức khỏe liên quan đến tim và phổi. Ước tính, ô nhiễm không khí mỗi năm gây ra 4.2 triệu cái chết trẻ trên toàn thế giới (số liệu của WHO). Nó cũng là nguyên nhân của các căn bệnh như trầm cảm hoặc vô sinh.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới đây được công bố tại Hội nghị học thuật Châu Âu lần thứ 28 về Da liễu và Hoa liễu lần đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và chứng rụng tóc, hói đầu.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại protein thúc đẩy sự phát triển và mọc tóc
Ô nhiễm không khí gây rụng tóc
Nghiên cứu đã phân tích mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí từ khí thải xe cộ và hoạt động công nghiệp trong 24 tiếng đối với lượng protein trong các tế bào ở nang tóc (chân tóc). Bằng phương pháp kỹ thuật Western Blot, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng Beta-catenin, loại protein thúc đẩy, duy trì sự mọc tóc và điều tiết nang tóc giảm mạnh do ảnh hưởng của bụi mịn PM10 gây ra.
Bên cạnh đó, 3 protein cũng đóng vai trò hỗ trợ sự mọc tóc là Cyclin D1, Cyclin E và CDK2 cũng bị ảnh hưởng rõ rệt khi các tế bào ở nang tóc tiếp xúc với chất ô nhiễm.
“Protein giúp mọc tóc bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các tế bào trên da đầu con người tiếp xúc với ô nhiễm không khí được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Mức độ ô nhiễm càng cao thì khả năng rụng tóc càng lớn”, trưởng nhóm nghiên cứu, ông Hyuk Chul Kwok, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tương lai Hàn Quốc cho biết.
Video đang HOT
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với tóc của mọi độ tuổi, giới tính là như nhau
Cách bảo vệ tóc khỏi ô nhiễm
Ngoài ra, một nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật cấy tóc Rajendrasingh Rajput cũng cho thấy ô nhiễm không khí sẽ làm tăng sự nhạy cảm của da đầu, gây ngứa, gầu, dầu thừa và đau ở chân tóc.
Ở bất kể, độ tuổi hoặc giới tính nào, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với tóc đều ở mức độ nghiêm trọng như nhau.
Để giữ cho mái tóc khỏi những ảnh hưởng của ô nhiễm, Rajput khuyến cáo mọi người nên thường xuyên gội đầu, giữ ẩm tóc, đội mũ bảo vệ da đầu để tránh tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm; hạn chế tạo kiểu với những phương pháp tiếp xúc nhiệt.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019 vừa qua (Ảnh: Baochinhphu)
Bụi mịn gây rụng tóc là gì?
Các hạt ô nhiễm không khí (bụi mịn) được chia thành 2 loại là PM2.5 là loại hạt rắn có đường kính siêu nhỏ, nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet và PM10 là hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet (nhưng vẫn lớn hơn đường kính của PM2.5).
Cả 2 được coi là chất gây ô nhiễm không khí nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đau tim, các bệnh liên quan đến chức năng phổi, ung thư và nhiều vấn đề hô hấp.
Nguồn sinh ra các loại hạt ô nhiễm này là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch gồm xăng, dầu diesel, các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gốm sứ, gạch…
Theo Trí thức trẻ
Cấy tóc nhân tạo: Hậu quả khó lường
Làm đẹp giờ đây không chỉ dành riêng cho nữ giới, mà nhiều nam giới cũng đua nhau đi làm đẹp để tự tin hơn trong giao tiếp.
Trong đó, trào lưu cấy tóc nhân tạo hay cấy tóc sinh học là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng rụng tóc, hói đầu hiện được nhiều nam giới lựa chọn. Thế nhưng, phương pháp làm đẹp này cũng ẩn chứa những hậu quả khó lường.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương kiểm tra nang tóc trước khi điều trị cho bệnh nhân.
Nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng...
Mới 32 tuổi, nhưng do bị hói đầu nên anh Nguyễn H.A (ở Hà Nội) nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi. Bất lợi về vẻ bên ngoài khiến anh luôn mặc cảm, tự ti trong giao tiếp. Khi được một cơ sở thẩm mỹ giới thiệu về phương pháp cấy tóc nhân tạo với giá hơn 2USD/sợi sẽ mang lại một mái tóc dày mượt tự nhiên, anh H.A đã đồng ý. Sau khi cấy tóc, tổng số tiền anh H.A phải trả cho cơ sở thẩm mỹ lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, mái tóc dày chưa thấy đâu, trên da đầu anh H.A đã xuất hiện hàng trăm ổ mủ, viêm nhiễm. Thậm chí, sợi tóc nhân tạo được cấy đã bị gãy mủn. Hậu quả, anh H.A. phải vào Bệnh viện Da liễu trung ương để điều trị.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, đây là một trong những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng sau khi cấy tóc ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Toàn bộ vùng tóc được cấy của bệnh nhân đã bị phản ứng với dị vật là nang tóc nhân tạo mới, tạo thành ổ mủ áp xe quanh chân tóc. Thậm chí, các ổ mủ sau khi được điều trị cũng sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ...
Theo bác sĩ Vũ Thái Hà, nhu cầu điều trị hói đầu ở nam giới là rất lớn. Hiện tại, có hai loại cấy tóc: Cấy tóc tự thân và nhân tạo. Với cấy tóc tự thân, kỹ thuật viên sẽ lấy tóc ở vùng cho, thường là sau gáy nơi tóc khỏe, ít chịu tác động của hormone, sau đó cấy vào vùng nhận (vùng bị hói). Tuy nhiên, việc xử lý tóc vùng cho rất cẩn trọng, bởi nếu kỹ thuật viên thực hiện không khéo có thể khiến bệnh nhân bị sẹo giãn lớn trên đầu.
Còn với phương pháp cấy tóc nhân tạo, khi đưa tác nhân bên ngoài vào cơ thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên là nguy cơ tóc cấy sẽ bị rụng, bị đào thải dần dần theo thời gian do tác động của việc gội, sấy, hóa chất, chứ không được vĩnh viễn. Mặt khác, khi tóc được cấy vào da đầu cũng như đưa dị nguyên vào cơ thể dễ dẫn đến tình trạng bị dị ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương lưu ý, có nhiều nguyên nhân gây tóc rụng, chủ yếu chia thành 2 loại: Rụng tóc không sẹo và rụng tóc có sẹo. Riêng với rụng tóc có sẹo thì da đầu mất đi hoàn toàn khả năng mọc tóc. Các nang lông lúc này đã bị phá hủy hoàn toàn, không một liệu pháp nào có thể chữa trị được. Còn với loại rụng tóc không sẹo, việc điều trị có thể mang lại hiệu quả, song cũng không đơn giản.
Thế nhưng, nhiều người vẫn tin vào những lời quảng cáo về các sản phẩm điều trị rụng tóc, hói đầu. Tại Bệnh viện Da liễu trung ương thường xuyên ghi nhận các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da đầu bị mẩn ngứa, bong tróc, chảy nước, mẩn đỏ... Nguyên nhân do viêm da tiếp xúc, dị ứng với thành phần dược liệu trong các sản phẩm điều trị rụng tóc, hói đầu.
Tránh tình trạng "tiền mất, tật mang"
Cấy tóc nhân tạo ẩn chứa những nguy cơ khó lường nếu không được thực hiện cẩn trọng.
Bác sĩ Vũ Thái Hà cho rằng, cấy tóc giải quyết tình trạng hói đầu, tóc rụng nhiều, tóc thưa là phương pháp rất phức tạp và yêu cầu độ tỉ mỉ, chính xác cao. Nếu không chọn đúng phương pháp cấy tóc tốt nhất và lựa chọn địa chỉ uy tín, an toàn, thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong thực tế, các thẩm mỹ viện đang "làm thay" công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Do đó, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hói đầu, rụng tóc cần tới các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị riêng biệt.
Theo bác sĩ Trần Bá Thoại, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, để ngăn ngừa tình trạng hói đầu cần hạn chế những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Cụ thể, việc chải, gội đầu tuy đơn giản nhưng cần thực hiện đúng cách sẽ giúp kích thích da đầu, thúc đẩy tuần hoàn nuôi dưỡng làm tóc mọc nhanh hơn. Do đó, nên chải tóc ngược lên, không xuôi theo chiều rủ xuống của tóc. Sử dụng dầu gội phù hợp với loại tóc, nếu có dấu hiệu dị ứng phải dừng lại ngay. Không nên lạm dụng thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc vì những tác nhân lý hóa này dễ làm cho tóc giòn, gãy.
Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày cần bảo đảm uống đủ nước, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, các loại vitamin và nguyên tố vi lượng. Đặc biệt, hạn chế stress, giảm bỏ phiền muộn, có tâm lý thoải mái, tinh thần vui vẻ lạc quan, ngủ đủ giấc...
Liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện hay spa làm đẹp chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Cấy tóc, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí... Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh "tiền mất tật mang".
Theo hanoimoi.com.vn
Để tóc bớt rụng, cần tránh xa 5 sai lầm dưới đây Bạn đầu tư dầu gội, dưỡng tóc đắt tiền? Bạn chăm sóc tóc ở salon xịn hàng tuần?... Nhưng thực tế mái tóc của bạn lại ngày càng thưa thớt? Có thể bạn đã mắc phải 5 sai lầm khiến tế bào mầm tóc suy yếu và tóc có nguy cơ "một đi không trở lại"! 1. Chỉ chăm sóc bên ngoài da...