Nghiêm cấm ban hành giấy phép con mới
Nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, là một trong những kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với DN ngày 29/4 tại TP.HCM.
Thông báo của VPCP về các kết luận này nêu rõ: Thủ tướng lưu ý các nguyên tắc nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.
DN có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề luật không cấm; tất cả DN bình đẳng trong tiếp cận vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường…; nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ tiên lượng của chính sách để DN, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho DN phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường. Ảnh: VGP
Thủ tướng cũng nhấn mạnh DN tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế, yêu cầu có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư; quản lý nhà nước phải đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức; thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Các yêu cầu cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là: Tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ở các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thực hiện công bố công khai để DN hiểu và thực hiện.
Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh. Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền gây khó khăn cho DN trong thực thi, bảo đảm sự cần thiết, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Video đang HOT
Đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, áp dụng cấp phép tự động và thực hiện hậu kiểm; rà soát, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các sản phẩm và chất lượng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN và kết quả đánh giá hiệu lực quản lý, không trùng lắp trong việc thanh tra. Đặc biệt là công tác kiểm toán thuế minh bạch hơn, chống tiêu cực và tham nhũng để tạo điều kiện cho DN.
Không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng tạo điều kiện giảm chi phí cho DN.
UBND tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, DN để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho DN.
Hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết thủ TTHC cho nhà đầu tư, DN theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý TTHC không đúng theo quy định của pháp luật.
Quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN; công khai quy trình và các cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ; tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN.
Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
Thực hiện Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương: Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý, giải quyết TTHC; công khai toàn bộ TTHC trên cổng thông tin điện tử; thiết lập quy trình giải quyết TTHC trên mạng.
Các DN cũng cần chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng KHCN tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.
C.Hoàng
Theo_VietNamNet
Thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản như thế nào?
Về nguyên tắc, hoạt động khoáng sản trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hỏi: Doanh nghiệp tôi đang có nhu cầu khai thác vàng tại địa phương của mình. Cho tôi hỏi, để được cấp Giấy phép khai thác vàng cần điều kiện gì và trình tự, thủ tục như thế nào?
Ảnh minh họa.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Về nguyên tắc, hoạt động khoáng sản trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Để được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp của anh/chị cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản 2010, cụ thể: Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy định pháp luật. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Doanh nghiệp anh/chị cần nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ với các giấy tờ tại Khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản 2010, Khoản 1 Điều 31 Nghị định 15/2012/NĐ-CP, ngày 09/03/2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (Nghị định 15/2012/NĐ-CP)) sau: Bản chính Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản chính Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Bản chính hoặc bản sao chứng thực Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Bản chính dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm Quyết định phê duyệt và bản sao Giấy chứng nhận đầu tư; Bản chính hoặc bản sao chứng thực Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản chính hoặc bản sao chứng thực văn bản xác nhận trúng đấu giá trong trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Bản chính hoặc bản sao chứng thực Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu.
Về thủ tục cấp: Doanh nghiệp anh/chị gửi hồ sơ đến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trực thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường hoặc đến Sở Tài nguyên Môi trường trường hợp khai thác khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên Môi trường khoanh định và công bố (Điều 82 Luật Khoáng sản 2012, hướng dẫn bởi Điều 27 Nghị định 15/2012/NĐ-CP). Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu trong hồ sơ. Trường hợp văn bản, tài liệu trong hồ sơ bảo đảm đúng quy định thì ban hành văn bản tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm đúng quy định pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác khoáng sản bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ chỉ thực hiện 01 lần. Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản là tối đa 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thực hiện theo các giai đoạn quy định cụ thể tại Điều 37 Nghị định 15/2012/NĐ-CP.
Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Biểu mức thu lệ phí ban hành kèm Thông tư 129/2011/TT-BTC, ngày 15/09/2011 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
TS. Nguyễn Đình Cung: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn sợ cạnh tranh Theo TS. Nguyễn Đình Cung, đáng ra ta phải thúc đẩy cạnh tranh, nhưng lại sợ cạnh tranh, ngay trong quản lý nhà nước vẫn có cảm giác sợ cạnh tranh. "Ở Việt Nam, tuy 30 năm cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, tư duy của ta vẫn sợ cạnh tranh. Đáng ra phải thúc đẩy cạnh tranh, nhưng chúng ta...