Nghĩa tình Bếp cơm khuyến học
Mỗi năm, Bếp cơm khuyến học do ni sư Thích Nữ Diệu Pháp, trụ trì chùa Tịnh Quảng Xá (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) điều hành phục vụ gần 70 ngàn bữa ăn miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều trường học trên địa bàn.
Ni sư Thích Nữ Diệu Pháp, trụ trì chùa Tịnh Quảng Xá cùng tham gia nấu ăn tại Bếp cơm khuyến học. Ảnh: V. Truyên
Những bữa cơm từ Bếp ăn khuyến học này đã góp phần không nhỏ vào việc tiếp bước cho học sinh, nhất là học sinh khó khăn có thêm điều kiện đến trường.
* Ý tưởng nhỏ được hưởng ứng
Nhiều năm trước, qua tìm hiểu, ni sư Thích Nữ Diệu Pháp biết chuyện có không ít học sinh sau khi tan học buổi trưa phải đạp xe một quãng đường rất xa để về nhà ăn cơm sau đó quay trở lại trường học tiếp. Hay một số học sinh ở trọ, những em ở xa không về nhà được buổi trưa thường chỉ ăn mì gói để tiết kiệm tiền vì gia đình khó khăn.
Từ đó, ni sư Thích Nữ Diệu Pháp đã nảy ra ý tưởng tổ chức bếp ăn miễn phí cho học sinh. “Trước khi xuất gia tu hành, tôi từng là một nhà giáo tham gia phong trào xóa mù chữ ở các vùng quê nghèo. Tôi lo học sinh vì khó khăn, vì đường xa mà bỏ học giữa chừng. Vậy là tôi gánh thêm việc cho mình để học sinh đến lớp bớt nỗi lo mà yên tâm học hành” – ni sư Thích Nữ Diệu Pháp bộc bạch.
Tại hội nghị 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy tổ chức ngày 29-8, ni sư Thích Nữ Diệu Pháp là một trong 29 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ý tưởng, quyết tâm này được ni sư Thích Nữ Diệu Pháp đề xuất với chính quyền địa phương, thầy cô giáo ở các trường học, phật tử của chùa và đều được ủng hộ. Ngay trong năm học 2013-2014, bếp cơm miễn phí dành cho học sinh ra đời. Có 20 người tham gia nấu bếp và được chia làm 2 tổ nấu thay phiên nhau nấu cơm từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần trong suốt năm học.
Bà Trần Thị Tươi (75 tuổi, ngụ ấp 9, xã Gia Canh) có nhà cách chùa gần 8km cho hay: “Khi nghe ni sư Thích Nữ Diệu Pháp nói sẽ thực hiện bếp cơm miễn phí dành cho học sinh, tôi thấy ý nghĩa quá. Hơn 6 năm qua, hằng ngày tôi đều có mặt ở chùa từ lúc 5 giờ sáng để cùng mọi người chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Thường thì đến chiều tôi mới về nhà vì còn cắt gọt rau củ quả để sẵn ngày mai nấu sớm. Các con rất ủng hộ tôi tham gia làm việc có ích cho xã hội này nên sáng nào cũng chở đến chùa rồi chiều rước về”.
Theo ni sư Thích Nữ Diệu Pháp, hiện Bếp cơm khuyến học của chùa Tịnh Quảng Xá cung cấp cơm cho 4 cơ sở giáo dục: Trường THPT Tân Phú, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường tiểu học Hùng Vương và Trường tiểu học Lê Văn Tám. Trước đây, đối với các trường tiểu học, giáo viên phụ trách đến chùa mang cơm về cho các em ăn, còn học sinh trường THPT tự đến chùa ăn. Nhưng rồi thấy đoạn đường từ trường đến chùa xa, nhiều em đi bộ dưới trời nắng hay phải đạp xe đạp lên dốc vừa cao vừa dài, nhà chùa đã giao cơm đến tận trường để các em ăn ngay tại chỗ.
* Góp sức để có bữa ăn chất lượng
Mỗi năm, Bếp cơm khuyến học tại chùa Tịnh Quảng Xá do ni sư Thích Nữ Diệu Pháp điều hành có chi phí khoảng 600 triệu đồng. Ni sư Thích Nữ Diệu Pháp cho biết, những năm đầu, toàn bộ chi phí đều do nhà chùa tự trang trải, cân đối nguồn thu từ rẫy xoài. Vài năm trở lại đây có nhiều mạnh thường quân biết đến bếp ăn nên đã đóng góp tiền, gạo, rau củ quả để cùng thực hiện Bếp ăn khuyến học.
Mỗi ngày, Bếp ăn khuyến học đỏ lửa từ 4 giờ sáng để kịp nấu đủ 400 suất ăn miễn phí cho học sinh.
Video đang HOT
Cũng theo ni sư Thích Nữ Diệu Pháp, trong số những nhà hảo tâm hỗ trợ chùa thực hiện bếp ăn có người là cựu học sinh từng ăn cơm ở chùa. Sau khi có việc làm ổn định, đời sống kinh tế khá giả, cựu học sinh này đã quay trở về chùa ủng hộ gạo, tiền cùng nhà chùa duy trì bếp ăn cho học sinh đàn em. Hay như người dân trong vùng mỗi khi thu hoạch được trái cây, rau củ quả đều dành một phần đem tặng chùa để nấu thức ăn cho học sinh.
Ngoài ra, để tạo thêm nguồn kinh phí cho bếp cơm, ni sư Thích Nữ Diệu Pháp còn phát động phong trào nuôi heo đất gây quỹ khuyến học phật tử tại chùa. Mỗi năm, phật tử đều tổ chức khui heo và ủng hộ cho bếp ăn trên 15 triệu đồng. Bà Lê Thị Sáu (66 tuổi, ngụ xã Phú Vinh, huyện Định Quán) ngoài tham gia phụ nấu ăn tại bếp ăn khuyến học còn tiết kiệm trong sinh hoạt để dành nuôi heo đất tại chùa. “Phần tiền nhỏ nhưng ý nghĩa lắm vì nhờ đó mà bếp ăn có thêm nguồn lực duy trì nấu ăn miễn phí cho học sinh” – bà Sáu nói.
Các thành viên tham gia Bếp cơm khuyến học. Ảnh: V. Truyên
Bên cạnh sự đóng góp về vật chất cũng như ngày công lao động, Bếp ăn khuyến học do ni sư Thích Nữ Diệu Pháp điều hành còn được các cấp chính quyền quan tâm, động viên bằng nhiều việc làm thiết thực. “Biết nhà chùa nấu cơm bằng điện nên mỗi khi có lịch cúp điện, cán bộ điện lực phụ trách khu vực đều gọi điện thông báo trực tiếp để nhà chùa chủ động thời gian nấu cơm. Hay khi biết giấy cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hết hạn, UBND thị trấn Định Quán đều kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn nhà chùa tiếp tục làm giấy cam kết mới” – ni sư Thích Nữ Diệu Pháp cho hay.
Để giúp nhà chùa giảm chi phí vận hành bếp cơm, Hội Khuyến học thị trấn và ban giám hiệu các trường còn chủ động đề ra những giải pháp hỗ trợ. Theo ông Đinh Thành Út, Phó chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Định Quán, do nhận thấy dùng hộp xốp đựng cơm loại sử dụng một lần rồi bỏ làm phát sinh kinh phí khá lớn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường, Hội Khuyến học thị trấn đã khuyến khích các trường cùng chùa Tịnh Quảng Xá sử dụng khay đựng cơm bằng inox tái sử dụng được nhiều lần nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm ni sư Thích Nữ Diệu Pháp đều vận động mạnh thường quân để xây tặng từ 5-10 căn nhà tình thương cho hộ nghèo ở các huyện trong tỉnh. Đồng thời, ni sư đều đặn trao tặng từ 3 ngàn cuốn vở và 100 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo.
Võ Tuyên
Theo baodongnai
Hơn 200 triệu đồng được quyên góp, chắp cánh ước mơ giảng đường cho học sinh nghèo Nghệ An
Những ngày qua, người làm báo Nghệ An chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng, trân quý. Bởi sau khi Báo Nghệ An đưa tin về nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường đại học của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã nhận được sự giúp đỡ, thăm hỏi của các tổ chức, nhà hảo tâm, kịp thời giúp các em có thể tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
"Cứ ngỡ như trong truyện cổ tích!"
Như Báo Nghệ An đã đưa tin về gia cảnh đặc biệt của em Trần Thị Hồng Ngọc trú tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ bị tàn tật lại mắc bệnh hiểm nghèo. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, em đã đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng số điểm 25,75 điểm.
Các đơn vị, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Thị Hồng Ngọc. Ảnh tư liệu
Tưởng chừng sự nghiệp học tập của em sẽ phải dừng lại ở đây để đi làm thuê lấy tiền thuốc thang cho mẹ thì "phép màu" đã đến. Chiều 21/8, sau khi biết được hoàn cảnh của nữ sinh Ngọc qua thông tin đăng tải trên báo, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã về tận nhà thăm hỏi gia đình và đón nữ sinh nghèo nhập học. Nhà trường quyết định miễn phí toàn bộ các khoản chi phí như học phí của khóa học, phí ký túc xá cho em.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền ủng hộ từ các tổ chức, tấm lòng hảo tâm dành cho em đã lên đến hơn 100 triệu đồng.
Ngọc mong muốn thông qua thông tin báo chí sẽ có thêm nhiều bạn may mắn sớm nhận được sự giúp đỡ như mình. Ảnh: NVCC
Sáng 22/8, Ngọc đã chính thức trở thành tân sinh viên. Nữ sinh vui mừng chia sẻ: "Em tự hứa sẽ cố gắng, phấn đấu hết mình để không phụ lòng của mọi người. Lý do em chọn theo học ngành Báo chí cũng bởi vì mong muốn sau này trở thành phóng viên có thể viết bài kêu gọi sự giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em. Hy vọng trong thời gian tới thông qua việc đăng tải thông tin của báo chí, sẽ có thêm nhiều bạn có cơ hội được học tập, phát triển tài năng và ước mơ của mình"
"Nếu không có những bài báo đăng tải kịp thời về hoàn cảnh của em Ngọc thì em đã không thể có cơ hội nhập học đúng hạn, thực hiện được ước mơ của mình. Trân trọng, cảm ơn và đánh giá rất cao vai trò của báo chí đối với mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt lĩnh vực giáo dục hiện nay."
Cô Nguyễn Thị Nhàn- giáo viên chủ nhiệm của em Ngọc.
Phép màu nối tiếp phép màu
"Phép màu" cũng đã đến với cậu học trò nghèo Phạm Nhân Quyền. Quyền sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai mẹ con Quyền sống với nhau và em chưa bao giờ biết bố mình là ai. Mẹ ốm đau bệnh tật, không được nhanh nhẹn.
Căn nhà nhỏ của mẹ con Quyền chỉ toàn là phế liệu mà mẹ em gom nhặt về để bán lại, trang trải cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Hồng Diện, Ngô Kiên
Nhưng với nghị lực vượt khó, em Phạm Nhân Quyền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 đạt 27,35 điểm, đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng nhờ bài báo "Nam sinh Nghệ An thi đạt 27,35 điểm có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường đại học" đăng trên Báo Nghệ An điện tử và được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, các tổ chức, nhà thiện nguyện đã tìm đến, động viên em về tinh thần lẫn vật chất. Số tiền Quyền nhận được tính đến nay lên đến gần 100 triệu đồng, cụ thể một ngân hàng TMCP đã ủng hộ 50 triệu đồng, nhóm thiện nguyện "Niềm tin" hỗ trợ 22 triệu đồng, các hội đồng hương quyên góp hơn 20 triệu đồng...
Nhóm thiện nguyện "Niềm tin" đến nhà động viên, hỗ trợ Quyền một khoản tiền giúp em có chi phí đi nhập học. Ảnh: Ngô Dương
Ngày 13/8/2019, trên Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) có bài báo "Đạt gần 29 điểm, nữ sinh mồ côi bố khó chạm giấc mơ đến với giảng đường" viết về câu chuyện của em Võ Thị Hường, quê tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, điểm xét tuyển của em là 28,55 điểm. Hường mong ước trở thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN và sau này sẽ trở thành phiên dịch viên giỏi. Tuy nhiên, với hoàn cảnh: bố mất sớm, Hường là con cả trong gia đình có 5 anh chị em, thu nhập của mẹ Hường chỉ khoảng 3.000.000đ - 3.500.000đ/tháng, chi phí sinh hoạt tại Hà Nội, học phí đều cao nên ước mơ trở thành phiên dịch viên của Hường dường như khó thành hiện thực.
Bài báo sau khi đăng tải, lan truyền rộng rãi khắp các trang mạng xã hội đã nhận được nhiều hồi âm tích cực. Khi biết được thông tin, cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã liên hệ trực tiếp Báo Nghệ An để kết nối, hỗ trợ em Hường cụ thể: Nhà trường sẽ cấp học bổng phù hợp, bố trí chỗ ở miễn phí tại KTX Đại học Ngoại ngữ trong thời gian học; Đoàn Trường ĐHQGHN sẽ hỗ trợ một phần phí sinh hoạt phí, giới thiệu việc làm thêm và hỗ trợ làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho em Võ Thị Hường. Bên cạnh đó, Trường Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang, Khánh Hòa) gửi công văn trực tiếp đến tòa soạn Báo Nghệ An với mong muốn dành tặng suất học bổng toàn phần cho nữ sinh.
Ngày 11/8 vừa qua, Võ Thị Hường đã chính thức trở thành tân sinh viên ngành tiếng Trung chất lượng cao của Trường Đại học Ngoại Ngữ.
*Như trường hợp em Trần Đình Xuân Sang - cậu học trò mồ côi nghèo đỗ Học viện Phòng không Không quân. Trước thời gian nhập học 3 ngày, em đã bán toàn bộ sách cũ chỉ vọn vẹn được 80.000 đồng để lên đường nhập học. Báo Nghệ An đã viết bài chia sẻ hoàn cảnh thương tâm của em và ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ đáng quý. Số tiền mà các nhà hảo tâm gửi tặng em khoảng 7 triệu đồng và đặc biệt bà Nguyễn Thị Yến - Tổng Giám đốc Tập đoàn TECCO hàng tháng sẽ hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho em từ 1 - 2 triệu đồng trong suốt khoảng thời gian Sang đi học.
Sáng 23/8, Sang đã chính thức trở thành tân sinh viên Học viện Phòng không Không quân. Ảnh: NVCC
Nhiều năm qua, Báo Nghệ An luôn tích cực chắp bút kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để có thể chắp cánh ước mơ cho các em học trò nghèo xứ Nghệ và nhận được nhiều kết quả tích cực.
Mọi thông tin và sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:
Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP. Vinh.
Điện thoại: 02383.686.585
Tùng Linh
Theo baonghean
Chung tay chăm lo học sinh nghèo trước thềm năm học mới Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cùng với Chi hội từ thiện xã hội - thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã chung tay, tiếp sức giúp cho hơn 250 em học sinh nghèo trên địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai), có thêm điều kiện đến trường. Mới đây, thầy cô giáo và HS trường Tiểu...