Nghỉ việc không báo trước…5 năm, cô giáo bị ‘phạt’ 60 triệu
Sau 1 năm dạy tại Trường THCS Chu Văn An, cô Bùi Thị Hà My xin nghỉ thì bị từ chối vì vi phạm thời hạn báo trước là… 5 năm. Nếu vẫn nghỉ, cô phải nộp 60 triệu đồng hoặc bị giữ bằng gốc.
Trường tiểu học Chu Văn An, một trong hai trường thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An tại TP Đồng Hới ( Quảng Bình) – Ảnh: QUỐC NAM
Nhiều giáo viên công tác tại trường thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An, TP Đồng Hới, Quảng Bình đang rất bức xúc vì quy định của trường này buộc giáo viên muốn xin nghỉ việc phải báo trước… 5 năm!
Nếu không báo trước 5 năm, muốn chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), giáo viên phải nộp phạt cho trường khoản tiền bằng 12 tháng lương cao nhất, trả lại luôn cho trường toàn bộ số tiền bảo hiểm mà trường đã đóng cho giáo viên đó trong thời gian làm việc.
Khi vào làm việc, trường còn giữ luôn bằng tốt nghiệp đại học gốc. Nếu không thực hiện việc đền tiền như yêu cầu của nhà trường, giáo viên sẽ bị giữ luôn bằng gốc đến khi nộp đủ mới được “chuộc” ra.
Cũng chính vì quy định này, vài năm qua có rất nhiều giáo viên chấp nhận bỏ luôn bằng gốc vì không đủ tiền nộp phạt.
Nghỉ việc khó hơn… xin việc
Cô Bùi Thị Hà My ký hợp đồng vào làm giáo viên dạy môn văn tại Trường THCS Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An) từ tháng 3-2017. Đến tháng 4-2018, cô My gửi đơn xin nghỉ việc lên hội đồng trường thì nhận ngay cái lắc đầu.
Hội đồng trường đưa ra bản HĐLĐ đã ký giữa hai bên, trong đó có nội dung giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng (5 năm) và bồi hoàn các khoản kể trên. Nếu không sẽ bị giữ bằng gốc đã nộp.
Theo tính toán của trường, tổng cộng cô My phải trả hơn 60 triệu. Nhà nghèo, cha mất sớm, mấy tháng qua cô My vẫn chưa mượn được tiền để nộp.
Video đang HOT
“Số tiền mà trường bắt nộp phạt nhiều hơn tổng số tiền mà nhà trường trả cho thời gian tôi dạy tại đây. Thành ra một năm qua tôi như làm không công. Đó là điều vô lý nhất” – cô My thở dài.
Theo tìm hiểu, trước cô My, có rất nhiều giáo viên của trường này cũng từng xin nghỉ việc và bị trường bắt đền tiền. Một số người đành chấp nhận nộp tiền phạt để được lấy bằng tốt nghiệp gốc rời khỏi trường. Một số hiện vẫn đang bị trường giữ bằng vì không có tiền nộp.
Cô Phan Thị Quỳnh Thi ký HĐLĐ tương tự vào dạy môn tiếng Anh ở trường này từ tháng 8-2017, không có thời gian thử việc. Khoảng ba tháng sau, nhận thấy môi trường làm việc không phù hợp, cô Thi xin được chấm dứt HĐLĐ cũng nhận được câu trả lời như trường hợp cô My.
Không có tiền nộp phạt, cô Thi vẫn để lại bằng gốc ở trường. Hiện cô Thi phải nhờ người quen xin vào làm ở một trung tâm ngoại ngữ nhỏ tại TP Huế để mưu sinh.
“Khi ký HĐLĐ vào làm việc, tôi cũng không rành về Bộ luật lao động nên nghĩ đó là quy định chung. Đến khi xin nghỉ việc mới “tá hỏa” là những quy định trong hợp đồng này có quá nhiều chỗ trái Bộ luật lao động” – cô Thi bức xúc.
Ra quy định để giáo viên… có trách nhiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Trà, chủ tịch hội đồng trường hệ thống giáo dục Chu Văn An, xác nhận không chỉ có trường hợp cô My, cô Thi, mà toàn bộ hơn 100 giáo viên, nhân viên đang làm việc trong trường đều có HĐLĐ với những điều khoản như trên.
Theo bà Trà, lý do nhà trường đặt ra những quy định này trong HĐLĐ chỉ để giáo viên có trách nhiệm và gắn bó với trường, kể cả việc đền tiền.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, nói theo Luật lao động, giáo viên được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chỉ cần báo trước 45 ngày, chứ không phải chờ đến 5 năm.
Việc trường giữ bằng gốc và bắt đền tiền cũng không đúng khi giáo viên chỉ cần nộp bản sao bằng tốt nghiệp và bồi thường nửa tháng tiền lương khi có báo trước đủ thời gian đó.
Cũng theo bà Hà, Luật lao động quy định rõ đối với những HĐLĐ có một số điều khoản trái pháp luật như hợp đồng của Trường Chu Văn An thì những điều khoản trái luật này dù đã được hai bên đồng ý vẫn sẽ bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý, nên giáo viên không cần phải thực hiện. “Giáo viên có quyền khởi kiện để đảm bảo quyền lợi cho mình” – bà Hà nói.
Luật sư Lê Cao, thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cũng cho biết thời hạn báo trước khi nghỉ việc là 45 ngày, do vậy việc Trường Chu Văn An đưa ra các quy định vô lý về thời hạn báo trước là không đúng.
Đối với trường hợp này, các giáo viên có quyền không tuân thủ, mà họ chỉ cần thực hiện báo trước theo Bộ luật lao động và Luật viên chức. Do vậy, với các quy định vô lý như thế thì nhất thiết phải hủy bỏ, thu hồi, nếu không cũng không có giá trị thực hiện trên thực tế.
Ông Phạm Thành Đồng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, khẳng định dù trường công hay trường tư đều phải chiếu theo Bộ luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Việc trường đưa ra những điều khoản như vậy là trái luật hoàn toàn.
“Tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc này. Nếu có những quy định trái luật đó thì sẽ xử lý ngay” – ông Đồng nói.
Bắt giáo viên giải trình vì cung cấp thông tin
Theo một số giáo viên tại Trường Chu Văn An, sau khi phóng viên đến làm việc tại hệ thống giáo dục Chu Văn An, hội đồng trường yêu cầu một số giáo viên phải giải trình việc cung cấp thông tin cho phóng viên. Riêng với trường hợp của cô Hà My, hội đồng trường đã mời cô đến để hứa sẽ trả lại bằng gốc tốt nghiệp đại học sau khi phóng viên đến làm việc. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, trường vẫn chưa trả với lý do phải điều tra xem ai đã cung cấp thông tin trước đã.
Theo tuoitre.vn
Cô giáo nhọc nhằn 'đòi' tiền bảo hiểm khi nghỉ việc sang Mỹ định cư
Nhiều ngày qua một nữ giáo viên ở Huế đã nhọc nhằn đi nhận tiền BHXH sau khi cô nghỉ việc sang Mỹ kết hôn và định cư. Hồ sơ thanh toán BHXH của cô bị từ chối nhưng nguyên nhân thiếu thuyết phục.
Bà Anh Thư đến BHXH TP.Huế nhận lại hồ sơ bị trả do "không đủ điều kiện" hưởng BHXH một lần - ẢNH: ĐÌNH TOÀN
Đó là trường hợp của bà Trương Thị Anh Thư (38 tuổi), cựu giáo viên Trường THCS Chu Văn An, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Định cư hay không định cư ?
Đến nay bà Thư đã công tác và đóng BHXH bắt buộc 14 năm (từ 2004). Gần đây do sang Mỹ kết hôn và đoàn tụ gia đình nên bà Thư xin nghỉ việc. Sau khi nhận đơn của bà Thư cùng với các tờ trình của phòng chức trách tham mưu, ngày 4.7, Chủ tịch UBND TP.Huế đã ký công văn thống nhất việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức (bà Anh Thư). Lý do bà Thư xuất cảnh là "định cư tại Mỹ". Cùng ngày, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với bà Thư. Ngày 5.7 bà Thư nộp hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần lên BHXH TP.Huế. Ngày 7.7, bà Thư bất ngờ nhận thông báo trả lại hồ sơ của BHXH TP.Huế với lý do loại visa (thị thực) của bà "không thuộc loại visa định cư nước ngoài" nên không đủ điều kiện thanh toán BHXH một lần.
Theo giải thích của nhân viên Tổ thực hiện chính sách BHXH TP.Huế thì BHXH TP.Huế đã chuyển hồ sơ thanh toán BHXH một lần của bà Thư lên BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng BHXH tỉnh từ chối với lý do vừa nêu trên. Thay vào đó bà Thư chỉ có thể hưởng BHXH một lần theo quy định tại khoản 1, điều 1, nghị quyết 93/2015 (do Quốc hội ban hành ngày 22.6.2015 về chính sách hưởng BHXH một lần). Tức bà Thư thuộc đối tượng "người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc", rút BHXH sau một năm nghỉ việc.
Theo thông tin và hồ sơ bà Thư cung cấp cho phóng viên thì bà được Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cấp thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo hồ sơ bảo lãnh số WAC1790478749. Ngày cấp là 20.6.2018, ngày hết hạn thị thực là 21.11.2018; hạng thị thực là K1.
Hạng thị thực K1 đã được Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam giải thích rõ trên website của cơ quan này, rằng "thị thực không định cư diện hôn phu (hôn thê) K1 dành cho hôn phu hoặc hôn thê của công dân Hoa Kỳ. Thị thực K1 cho phép hôn phu (hôn thê) người nước ngoài của công dân Hoa Kỳ đến Hoa Kỳ và kết hôn với người bảo lãnh trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh.". Cơ quan này cũng giải thích, sau khi kết hôn, đương đơn sẽ phải đến Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) để nộp đơn điều chỉnh tình trạng thành Thường Trú Nhân (LPR). Vì thị thực diện hôn phu/hôn thê cho phép đương đơn được nhập cảnh Hoa Kỳ và kết hôn với công dân Hoa Kỳ trong thời gian ngắn sau khi nhập cảnh, nên đương đơn phải đáp ứng những yêu cầu dành cho thị thực định cư.
BHXH tỉnh cũng bối rối
Bức xúc trước việc bị trả hồ sơ từ chối thanh toán BHXH một lần, ngày 9.7, bà Trương Anh Thư đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Phòng chế độ BHXH, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tiếp bà Thư có cả hai vị trưởng và phó phòng này. Lãnh đạo Phòng chế độ BHXH cho biết họ đã từng xem hồ sơ của bà và từ chối thanh toán BHXH một lần là do tại khoản 3.2.3, điều 20, Quyết định 636/QĐ-BHXH của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, quy định điều kiện thanh toán BHXH một lần đối với người ra nước ngoài để định cư là có thêm "Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp", bà Thư thì không có loại giấy tờ này.
Tuy nhiên, bà Thư thắc mắc tại khoản 3.2.2, điều 20 của quyết định 636 hướng dẫn một trong những loại giấy tờ để thanh toán BHXH một lần là có "Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài" và bà có "lý do" để định cư nước ngoài khi được Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại VN cấp visa bảo lãnh diện hôn phu hôn thê. Trước câu hỏi này, lãnh đạo phòng chế độ BHXH tỏ ra bối rối. Bà Tôn Nữ Khánh Hòa, Trưởng phòng đã phải điện đàm với bộ phận chức trách ở BHXH Việt Nam, sau đó xin ý kiến của lãnh đạo BHXH tỉnh, rồi yêu cầu bà Thư viết cam kết, nộp hồ sơ trở lại tại BHXH TP.Huế để giải quyết.
Chuyên gia pháp lý khẳng định được rút BHXH một lần
Theo tìm hiểu của phóng viên, điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, trong đó có lý do"Ra nước ngoài để định cư". Tư vấn cho khách hàng, chuyên gia pháp lý thuộc Công ty luật TNHH Tuệ Minh viện dẫn các quy định của pháp luật, trong đó có quyết định số636/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành năm 2016, quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, thì một trong những điều kiện giải quyết thanh toán BHXH một lần đối với người lao động ra nước ngoài định cư là có"Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài". Chuyên gia pháp lý công ty này khẳng định visa K1 là một trong những giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác nhận cho phép thường trú tại nước ngoài nên trường hợp khách hàng (như bà Thư) sẽ được làm thủ tục rút BHXH một lần.
Theo thanhnien.vn
Chuyện về cô giáo lấy tiền túi thưởng cho học trò Nổi tiếng là giáo viên "chịu chơi" vì thường xuyên thưởng tiền cho học trò, cô Dư Thị Lan Hương còn làm học sinh "phát sốt" với rất nhiều chiêu thức hài hước giúp giảm sự căng thẳng trong học tập và cả trong quan hệ thầy trò. Cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên thỉnh giảng, Trường THCS Chu Văn An, Q.1,...