Nghĩ về giờ Lịch sử
Lên lớp 12, tôi mới được học những tiết Lịch sử đúng nghĩa. Cô dạy rất hay và chúng tôi luôn được mở mang kiến thức. Chính vì thế, tôi được dịp hiểu thêm về suy nghĩ của nhiều bạn teen về chính quê hương, đất nước mình…
Giờ lịch sử – thật tuyệt!
Tôi không biết mình đã học đi học lại lịch sử nước nhà bao nhiêu lần. Cấp 1, học một phần; cấp 2, học lại phần đó và chi tiết hơn; cấp 3, tiếp tục “xào” kiến thức cấp 2…Chu trình cứ thế tiếp diễn mà tôi vẫn không nhớ nổi các cột mốc, triều đại… Thật lòng mà nói, tôi chỉ nhớ năm chiến thắng Bạch Đằng, cách mạng tháng Mười Nga, chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày giải phóng miền Nam…
Và tôi dám đánh cược rằng cũng có khá nhiều bạn “mặc cảm” bởi vốn kiến thức như vậy!
Vậy mà hiện tại, tôi rất nôn nao, trông chờ được học…Lịch sử!
Video đang HOT
Cô giảng rất tuyệt, cả khối 12 đều công nhận. Cô chẳng hề “bưng bê” nội dung sách giáo khoa ra giảng, mà truyền đạt cho học sinh những chi tiết cốt lõi từ hiểu biết của mình… Chẳng hạn như học đến phần chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mĩ, cô đưa ra hẳn một đoạn video về mối quan hệ thân mật giữa hai nước này trước khi chiến tranh lạnh diễn ra. Chúng tôi cảm thấy thật thú vị khi những anh lính Mĩ và Liên Xô trình bày những điệu nhảy truyền thống cho nhau xem, một anh chàng Mĩ “kề vai bá cổ” rất thân mật và hữu nghị với cô gái Nga dịu dàng, quân Mĩ và Hồng quân Liên Xô cười nói vui vẻ…
Hoặc khi nhắc đến sự kiện 11/9, chúng tôi được xem hẳn toàn cảnh vụ khủng bố bằng video luôn! Lớp trầm trồ, và cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh ấy…
Đó là những tiết học ở phòng máy, còn khi trên lớp, ai cũng im phăng phắc để nghe những trò “tinh ranh” của Mĩ trong chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc vì sao cả thế giới lại thần tượng Nhật đến như vậy…Chúng tôi học từ thực tiễn, chứ chẳng bám víu vào sách, vì thế chúng tôi đam mê. Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất ngán khi phải học bài trong sách, mỗi bài trên dưới 5 trang chứ đâu ít…
Ảnh minh họa
Khi nghe lịch sử nước nhà…
Nếu không có lòng tự hào dân tộc, chẳng ai bị bỏ tù cả. Nhưng vấn đề ở đây là các bạn trẻ không hề thấy hổ thẹn cho chính họ khi tự chê bai nước nhà.
Chẳng hạn như, mỗi lần nói về cách các nước tư bản đã thoát khỏi “đống đổ nát” sau chiến tranh, giáo viên đều liên hệ đến Việt Nam. Đâu đó ở dưới lớp có tiếng cười nhạt, xì xào: “Ôi xời, Việt Nam sao sánh bằng…”
Hoặc lúc cô giảng về việc nước nào có bom nguyên tử tức là nước đó chứng tỏ được sức mạnh quân sự. Ngưng một chút, cô nói: “Theo các em, Việt Nam có chế tạo được bom nguyên tử chưa?” Một câu hỏi rất nghiêm túc như thế mà khiến cả lớp cười bò lăn bò càng. Một số người “ngây thơ” (trong đó có tôi) không hiểu nguyên do vì sao hết. Một bạn cuối lớp bất ngờ nói: “Mỗi người Việt Nam đều sở hữu ít nhất một vài trái bom nguyên tử đó cô!”
Cô khá vui tính nên cũng cười rồi giảng tiếp bài học. Một số bạn cười lớn hơn. Họ nghĩ rằng việc chê bai sẽ làm tăng “giá trị” của họ chăng? Họ quên rằng mình là người Việt Nam à? Tôi cũng cười, nhưng cười mang ý nghĩa khác. Cười cho những bạn cùng trang lứa quá tự ti về dân tộc mình. Nếu lớp trẻ cứ tiếp tục cúi đầu trước thế giới thì liệu Việt Nam có đi lên được hay không? Sao tôi thấy cay cay trong suy nghĩ…
Những câu hỏi chỏng chơ…
Có bao nhiêu bạn teen ham thích giờ học Lịch sử như chúng tôi? Có bao nhiêu trong số đó được học theo kiểu “nghe – nhìn” chứ không “đọc – chép”?
Môn Sử, phải chăng chỉ để teen cố gắng “phấn đấu” cho kì thi tốt nghiệp? Có bạn nào chịu đam mê, nghiên cứu sâu hơn dù họ không học chuyên ngành liên quan đến Lịch sử?
Học Lịch sử hơn 10 năm, họ có nhớ rất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ không?
Họ liên hệ và rút ra được điều gì sau khi học những bài Lịch sử?
Liệu sau này, các bạn trẻ bước chân ra thế giới bằng cách nào, khi mà lòng tự hào dân tộc bị vứt bỏ?