Nghỉ Tết, không nên ép trẻ học
Hầu hết các trường học ở TPHCM đều không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết. Thế nhưng không ít phụ huynh lo con ăn Tết dài quên bài vở nên vẫn tìm cách “ép” con ngồi vào bàn.
Cha mẹ chạy… bài tập
Con được nghỉ Tết trước lịch 2 – 3 hôm, thấy con thu dọn sách vở nhét vào hộc bàn rồi… chơi chẳng hề bận tâm đến bài vở, chị Hà, phụ huynh học sinh (HS) Trường THCS Châu Văn Liêm (Q. Phú Nhuận, TPHCM) đã thấy không ổn. Chị mắng con thì cháu cho hay, cô không hề giao bài tập, chỉ dặn dò học trò về chơi Tết nhớ giữ gìn sức khỏe, an toàn…
Người mẹ này cho rằng, con nghỉ hơn nửa tháng mà giáo viên (GV) không giao bài tập thì chắc chắn cháu sẽ quên kiến thức, lơ là chuyện học. Không an tâm nên chị lôi sách nâng cao hai môn Toán và Văn yêu cầu con phải hoàn thành được 20 bài tập toán và 10 bài tập làm văn trong dịp Tết, chưa kể việc duy trì học tiếng Anh hàng ngày.
Nhiều phụ huynh lo con quên bài vở trong kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Mặc cho con phản kháng, chị Hà dọa nếu con không duy trì việc học đều đặn thì những ngày Tết ở nhà không đi đâu hết. Thế là tối tối, con trai chị lại uể oải ngồi vào bàn học.
Cũng với tâm lý sợ ngày Tết kéo dài “át” mất khí thế học tập của con, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, có con học tại Trường tiểu học Phạm Văn Chiêu (Q.12, TPHCM) cũng lên thời khóa biểu học tập cho con từ ngày đầu con được nghỉ. Cu Cò (tên gọi ở nhà của con chị Nga) cũng giãy nảy với yêu cầu mỗi tối đều phải làm bài tập Toán, Tiếng Việt thì nghe bố mẹ lôi chuyện kỳ rồi mình đứng cuối trong nhóm HS giỏi của lớp để nhắc nhở.
Video đang HOT
“Con nhà mình khác với con người ta, chỉ nghỉ mấy ngày lễ đã lười đi học lại rồi chứ đừng nói nghỉ Tết nửa tháng. Năm ngoái, tôi cũng để con chơi, khi đi học lại vất vả lắm nên giờ ngày nào cũng phải học”, chị Nga nói.
Năm nay, HS ở TPHCM có kỳ nghỉ Tết được xem là dài nhất từ trước đến nay (16 ngày). Tuy vậy, hầu hết các trường đều không giao bài cho HS trong dịp ngày, trừ một số trường hợp yếu kém cần xem lại bài vở. Thế nhưng, không ít phụ huynh lại lo lắng con nghỉ Tết dài sẽ quên kiến thức nên họ tìm cách duy trì việc học của con trong thời điểm này.
Một hiệu trưởng trường THCS ở Q. Thủ Đức cho hay, nhiều năm nay trường không giao bài tập cho HS trong dịp Tết nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng ý với điều này. Một số người còn tìm gặp GV đề nghị cho đề bài về để con làm, GV nói thế nào cũng không chịu, bảo lo con chơi nhiều quen chểnh mảng, mất đi nề nếp học tập.
Để trẻ chơi Tết thoải mái
Cô Bùi Lê Phương Anh, GV Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q. 1) bày tỏ theo quy định, bậc tiểu học không giao bài tập về nhà cho HS, ngày thường hay ngày Tết cũng vậy. Nhiều phụ huynh để con được chơi Tết thoải mái nhưng không ít người lại rất lo lắng khi thấy con “ham chơi” nên lên lịch học cho con. Đặc biệt, phụ huynh của trường chú trọng cho con học tiếng Anh nên kể cả nghỉ Tết nhiều em vẫn phải học và làm bài ở nhà.
Theo cô Phương Anh, học trò rất háo hức khi nghỉ Tết, chưa kể sự chuẩn bị cho Tết trong gia đình cũng gây xáo trộn cho các em rất nhiều. Trẻ bị ép học đã không có hiệu quả thì tâm lý nghỉ Tết, có ép trẻ học cũng không vô mà còn có thể làm trẻ ức chế dẫn đến không khí gia đình trở nên nặng nề. Vì thế, phụ huynh nên để con vui Tết thoải mái, tạm gác sách vở sang một bên.
Phụ huynh nên tranh thủ ngày nghỉ Tết cho con những trải nghiệm bổ ích.
Bà Lê Thị Bình, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.1 cho hay, việc yêu cầu trẻ làm bài tập hay học bài trong dịp Tết là không cần thiết. Việc nghỉ Tết dài, HS có thể tạm lơ là với việc học nhưng chỉ sau vài buổi đi học lại, các em sẽ bắt nhịp được lại ngay không quá khó khăn.
“Sau Tết đi học lại tuy không có tiết học cụ thể nào để củng cố kiến thức nhưng những buổi đầu, GV cũng sẽ có phương pháp phù hợp để các em nắm lại kiến thức cũ trước khi học bài mới nên phụ huynh không quá lo lắng”, bà Bình nhấn mạnh.
Một số GV chia sẻ, nếu phụ huynh thật sự không yên tâm thì cũng nên làm sao cho việc học của con trong dịp này thật nhẹ nhàng như mỗi ngày có thể động viên trẻ dành ra 15 – 30 phút để đọc sách, nghe tiếng Anh, hay tham gia những câu đố vui… chứ tuyệt đối không nên ép trẻ phải vắt óc làm các bài tập nâng cao, trừ khi trẻ thấy thích thú điều đó.
Việc học của trẻ không nhất thiết cứ phải ngồi vào bàn, ôm lấy sách vở. Trong dịp Tết, có rất nhiều điều trẻ có thể học như tìm hiểu về phong tục, truyền thống ngày Tết khi cùng bố mẹ đi chợ hay được sửa soạn chuẩn bị Tết. Cũng nên tạo điều kiện cho trẻ đi thăm ông bà, người thân… để các em cảm nhận được những giá trị sống.
Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Tiểu học thuộc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, bộ não của con người có một dung lượng nhất định không thể cứ nhồi nhét kiến thức liên tục. Việc vui chơi, tinh thần thoải mái cũng giúp trẻ dễ dàng khôi phục các kiến thức đã học chứ không phải chơi là quên như nhiều người nghĩ. Việc đi học lại của trẻ không có gì phức tạp vì thế cha mẹ nên tận dụng những kỳ nghỉ như dịp hè, dịp Tết… giúp con được giảm tải, đồng thời hãy cho con được trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa để tạo cho các em những kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ.
Hoài Nam
Theo dân trí
Ăn Tết mất vui vì... bài tập về nhà
Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 11 ngày là điều được trông mong nhất đối với học sinh. Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng là các con có được một cái Tết trọn vẹn hay không nếu vẫn phải "đánh vật" với hàng chục bài tập được giao về nhà trong dịp nghỉ này.
Khóc vì trót vui cả 4 ngày Tết
"Trước ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày, con mình ngồi im trong phòng, gọi không xuống ăn cơm. Gõ cửa mãi mới chịu mở thì thấy đang ngồi khóc. Khi hỏi ra mới vỡ lẽ, vì cháu được về quê thăm bà nội đã không kịp làm hết 30 bài tập cô giao về nhà làm trong 4 ngày nghỉ" - chị Phạm Thúy Nga, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Khó có thể từ chối lượng bài tập cô giao về nhà trong các dịp nghỉ kéo dài với lý do sợ các con chểnh mảng, không bắt nhịp được với lịch học sau kỳ nghỉ, các vị phụ huynh đều cố gắng cùng con lo bài tập trong khi đầu óc còn đang quanh quẩn với cả trăm việc dịp Tết. "Không nhẽ nhìn các con đang chơi vui với gia đình, mẹ lại làm con mất hứng với câu hỏi thường ngày: làm bài tập chưa con?" - chị Nga cho biết. Vậy nên, toàn bộ bài tập Tết nếu được giao về nhà đều được các vị phụ huynh cố "nhồi" cho con hoàn thành trước Tết để năm mới không "nợ nần" gì. Tuy nhiên, cách xử lý bài tập này lại phản tác dụng giáo dục. Vì các thầy cô đều mong muốn học sinh của mình duy trì nền nếp học tập hàng ngày chứ không phải làm để đối phó như vậy.
Nghỉ Tết dài ngày khiến các trường lo ngại học sinh trễ nải học tập.
"Mình nghĩ không nên giao nhiều bài tập! Bình thường con đã học nhiều rồi, ngày lễ tết nên cho con có thời gian chơi, nghỉ ngơi cùng mọi người...! Như người lớn vậy, chẳng ai muốn mang việc về nhà ngày Tết, ngày nghỉ bao giờ" - chị Nguyễn Thúy Toàn, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Không giao bài tập cho tiểu học
"Học sinh THCS thì giáo viên có thể có đề cương hướng dẫn các em ôn tập trong thời gian nghỉ Tết nhưng với học sinh tiểu học thì Phòng GD-ĐT Tây Hồ sẽ có thông báo để các trường quán triệt việc không giao bài tập về nhà trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới" - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết. "Tôi cũng là phụ huynh, có con đi học nên rất hiểu. Con mà có cả tá bài tập về nhà thì thử hỏi bố mẹ ăn Tết có ngon không?" - ông Vũ chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ, các trường trên địa bàn quận đều có nếp, sau kỳ nghỉ Tết sẽ không có không khí ngày lễ trong trường học mà lập tức học tập nghiêm túc ngay từ buổi đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc học tập ra sao trong kỳ nghỉ Tết còn tùy thuộc vào lứa tuổi. Với học sinh THPT, theo ông Lâm thì việc quan trọng nhất là làm sao để các em vui chơi an toàn, tránh các tai nạn do ham vui, đua đòi với bạn bè.
Còn với học sinh tiểu học, theo ông Lâm, các trường hoàn toàn không cần thiết phải giao nhiều bài tập về nhà. "Tuy nhiên, các gia đình cũng nên có kế hoạch cho con vui chơi có ý nghĩa. Thay vì chỉ ăn uống, phụ huynh nên dành thời gian đưa con tham gia vào hoạt động văn hóa, tìm hiểu truyền thống ngày Tết. Tôi biết là bảo tàng Dân tộc học thường xuyên tổ chức các trò chơi mô phỏng sinh hoạt truyền thống Tết dân tộc. Nếu được tham gia học sinh tiểu học sẽ thấy hấp dẫn, qua đó mà học được nhiều điều thú vị" - ông Lâm lưu ý.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, với kỳ nghỉ Tết kéo dài sắp tới phụ huynh nên có kế hoạch cho con em được vui chơi nhưng vẫn dành thời gian ổn định sinh hoạt trước khi đi học trở lại. "Khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Như vậy, đến ngày nhập học, các em sẽ thích nghi nhanh. Nếu không, trạng thái rề rà kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em"- cô Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường Tiểu học Cầu Diễn (Q. Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Duy Anh
ANTĐ
Trẻ trường công "gửi ké" trường tư ngày cận Tết Hầu hết các trường mầm non công lập tại TPHCM không mở lớp trong tuần cận Tết, còn các trường tư thục lại "rộng cửa" đón cả học sinh bên ngoài. Trường công nghỉ theo lịch Năm nay, học sinh (HS) tại TPHCM được nghỉ Tết hơn 1 tháng (16 ngày). Đặc biệt là thời gian trước Tết, HS được nghỉ sớm (nghỉ...