Nghỉ Tết, đừng ép học sinh làm bài tập
Do dịp Tết Canh Tý 2020 được nghỉ Tết dài ngày, nhiều học sinh được giáo viên giao nhiều bài tập, thậm chí phụ huynh vì lo con mải chơi quên kiến thức nên cũng bắt con phải học trong dịp Tết.
Dịp Tết Canh Tý 2020, học sinh cả nước được nghỉ Tết dài hơn, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ từ 14 đến 16 ngày, do vậy những ngày này học sinh không chỉ phải học dồn mà có đối mặt với “núi” bài tập khiến nhiều em choáng ngợp.
Lý do các thầy cô giao bài tập về nhà trước khi nghỉ Tết để học sinh không xao nhãng việc học tập trong thời gian nghỉ dài. Bởi vậy, hầu hết các môn đều có bài tập Tết. Trên thực tế, giáo viên cũng không được phép giao bài tập về nhà đối với cấp tiểu học, song vẫn còn một số nơi vẫn giao bài tập dịp Tết, thậm chí là tập phiếu bài tập dày cộp được giáo viên soạn và photo gửi giao học sinh hoàn thành trong dịp Tết, chủ yếu là môn Toán và Tiếng Việt.
Còn đối với học sinh các trường THCS hay THPT thì số lượng bài Tết và “hình phạt” dành cho những ai không hoàn thành “nhiệm vụ được giao” khá nặng. Bên cạnh những bài tập trong SGK, sách bài tập, một số môn học yêu cầu HS phải tham khảo nhiều dạng bài trong các cuốn sách nâng cao, sách bổ trợ…
Bên cạnh đó, với những học sinh cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) dịp Tết là khoảng thời gian “lý tưởng” để ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.
Video đang HOT
Giáo viên, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên hãy để học sinh nghỉ ngơi vào dịp Tết.
Chỉ ra bất cập trong việc giao bài tập về nhà vào dịp Tết, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, bản thân thầy chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học sinh bởi dù học sinh được nghỉ học nhưng còn tham gia các công việc của gia đình, đi chơi Tết, thăm hỏi người thân…
Cũng theo thầy Tùng, nếu cho rằng thời gian nghỉ học dịp Tết khiến học sinh bỏ bê, quên bài vở và khó khăn khi trở lại đi học sau Tết là không có cơ sở. Có thể học sinh chưa tập trung chuyện học sau Tết, nhưng giáo viên dành một khoảng thời gian để củng cố.
“ Theo tôi thấy, hiện nay chuyện học tập của học sinh chúng ta cũng khá căng thẳng, áp lực. Nhiều em ngoài học trên lớp còn học thêm, ôn thi… Nếu trong kỳ nghỉ Tết, các em lại bị giao bài tập thì căng thẳng càng bị đẩy lên cao. Hãy để các em có kỳ nghỉ Tết bên gia đình một cách thoải mái, ý nghĩa” – thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra lời khuyên.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã quen với nếp cũ rằng, học sinh sau thời gian học ở trường thì phải học bài ở nhà. Vì thế, khi thấy con về nhà không ngồi vào bàn học như lâu nay vốn thế mà chỉ chơi đùa thì không quen. Thứ hai là, vì áp lực thành tích học tập của phụ huynh đối với các con. Phải học thật nhiều mới giỏi, phải nhìn con còng lưng miệt mài ngồi vào bàn mới thấy “yên tâm”. Chưa kể, một số phụ huynh còn có tư tưởng con nhà mình luôn thua kém “con nhà người ta” nên phải cố gắng đuổi kịp!
Theo các chuyên gia giáo dục, một phần nguyên nhân khiến học sinh vẫn phải “è cổ” học ở nhà là vì nhiều phụ huynh mong muốn con có bài tập về nhà, đơn giản là vì nếu không giao bài tập ở nhà thì con họ lại chúi đầu vào điện thoại, laptop, với phim, game… Do đó, bài tập về nhà dường như là một giải pháp để phụ huynh quản lý con cái khi ở nhà, cũng vì lý do này, không ít phụ huynh đã “nài nỉ” giáo viên phải cho con thêm bài tập về nhà.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội cho biết: “ Những ngày nghỉ Tết, phụ huynh cần theo sát con, để tránh con sa đà vào xem hoạt hình nhiều, thậm chí vướng vào tệ nạn xã hội như cấp THPT chẳng hạn phải quản lý các em. Phụ huynh hãy để con em mình có một dịp Tết hết sức ý nghĩa, không nên ép con phải học nhiều, hãy cùng con tham gia dọn dẹp, trang trí nhà cửa, về quê thăm hỏi bà con, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền“.
Theo giadinh.net
Có nên giao nhiều bài tập cho học sinh khi nghỉ Tết?
Tết là khoảng thời gian quan trọng để giáo dục trẻ, nhưng không phải bằng các bài tập củng cố kiến thức.
Ảnh minh họa/internet
Nhiều giáo viên trước khi nghỉ Tếtthường giao cho học sinh rất nhiều bài tập. Lý do các thầy cô đưa ra là để giúp học sinh giữ nền nếp học tập, tránh thời gian nghỉ lâu dẫn đến quên kiến thức...
Nhưng PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng: Chúng ta đang chú trọng đến việc dạy người. Tết là khoảng thời gian quan trọng để giáo dục trẻ, nhưng không phải bằng các bài tập củng cố kiến thức, mà là phải tạo cơ hội để giáo dục giá trị, hành vi ứng xử cho trẻ
"Trong công cuộc đổi mới giáo dục và tăng cường giáo dục đạo đức, hành vi lối sống, càng không thể chỉ hạn hẹp trong không gian trường học.
Nội dung giáo dục giá trị và hành vi ứng xử của chúng ta nhiều nơi vẫn bị giới hạn trong chương trình và sách giáo khoa, giới hạn trong 4 bức tường của lớp học và 8 tiếng mà đứa trẻ hoạt động ở trường. Dường như chưa có nhiều sự kết nối giữa kiến thức nhà trường và cuộc sống. Sự tiếp nối và phối hợp các bài học ngoài không gian lớp học chưa được gia đình và phụ huynh chú ý nhiều" - PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Chính vì vậy, cha mẹ cần tận dụng những khoảng thời gian ý nghĩa, như dịp nghỉ tết cổ truyền để giáo dục giá trị và hành vi ứng xử cho trẻ. Thay đổi quan niệm xưa cũ là cứ học để biết đã rồi mới cho làm. Với Tết, cần tạo điều kiện để con trẻ được làm, được trải nghiệm trước qua đó chú tâm và tự ngấm những giá trị của cái Tết truyền thống.
Nhấn mạnh điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, thay vì giao nhiều bài tập cho học sinh, giáo viên có thể giao các nhiệm vụ để qua đó tạo điều kiện cho học sinh và gia đình tham gia cùng vào các hoạt động gói bánh chưng, sắp xếp mâm ngũ quả, viết lời chúc tốt đẹp để gửi đến người khác. Trao cho con trẻ những cơ hội để được tự tay giúp bố mẹ một số công việc vừa sức chuẩn bị Tết là cách tự nhiên và gần gũi nhất để giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống của Tết Việt Nam.
"Tóm lại, giáo viên cần thay đổi khái niệm bài tập cho phù hợp với những nội dung đổi mới giáo dục và trọng tâm giáo dục con người. Hãy xem Tết như là một cơ hội để giáo viên giao các nhiệm vụ cho học sinh rèn hành vi ứng xử và trải nghiệm những giá trị truyền thống của dân tộc" - PGS Trần Thành Nam cho hay.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Tết Canh Tý 2020: Học sinh được nghỉ từ 7 đến 16 ngày Theo kế hoạch tại một số địa phương, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, học sinh sẽ được nghỉ ít nhất là 7 ngày, cao nhất là 16 ngày. Thời điểm này, nhiều địa phương cũng có kế hoạch nghỉ Tết Canh Tý 2020 đối với học sinh phổ thông, mầm non. Theo đó, nghỉ Tết năm nay một số địa phương...