Nghị sỹ Nga nói về vai trò của Nga trong tranh chấp Biển Đông
Ông Levchenko A.G, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, Duma Quốc gia Nga trả lời phỏng vấn về dư luận Nga với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. - Thưa ông Levchenko, ông đánh giá thế nào về hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông?
Ông Levchenko A. G.: Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một loạt các thỏa thuận quốc tế và song phương mà nước này đã ký.
Ông Levchenko A. G., Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam thuộc Duma Quốc gia Nga. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam )
Dĩ nhiên chúng tôi không ủng hộ hành động này và cho rằng mọi xung đột, nhất là những gì liên quan đến lịch sử cần phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán chứ không phải dùng vũ lực. Cá nhân tôi cho rằng việc đảm bảo an ninh năng lượng của từng quốc gia là quan trọng, song không phải vì thế mà gây xung đột với quốc gia khác, làm căng thẳng tình hình và xa hơn nữa là khiến người dân phải chịu thiệt hại.
- Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Ông Levchenko A. G.: Như tôi đã nói ở trên, hành động của Trung Quốc vi phạm một loạt thỏa thuận quốc tế và song phương, cả những gì được ghi nhận bằng văn bản lẫn thỏa thuận miệng. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn tất cả các nước liên quan có thể đi đến một giải pháp chính thức nào đó để phân chia rõ ràng chủ quyền của từng nước ở Biển Đông. Tuy nhiên, đáng tiếc là tình hình hiện nay lại có vẻ đi theo một chiều hướng khác. Tôi muốn lưu ý rằng bất cứ quốc gia nào toan tính sử dụng vũ lực đều phải ý thức được một hành động đáp trả tương xứng, nếu không trực diện thì cũng ở một phương diện khác. Hành động hiện nay của Trung Quốc chỉ làm tình hình căng thẳng hơn chứ không đưa đến một giải pháp nào.
- Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần làm gì?
Video đang HOT
Ông Levchenko A. G.: Tôi cho rằng nếu xuất phát từ thực tiễn và khả năng của tất cả các bên liên quan thì có vài phương án có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu căng thẳng bị đẩy lên quá mức thì lãnh đạo tất cả các nước liên quan sẽ phải thể hiện ý chí chính trị để chấm dứt leo thang xung đột. Tuy nhiên đây là vấn đề lý thuyết vì không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể làm được như vậy. Vì vậy, trong khi tình hình còn đang trong tầm kiểm soát thì tất cả các cấp chính quyền của Việt Nam cần phối hợp với người dân tìm ra sáng kiến xử lý vấn đề.
Bên cạnh đó, như chúng ta đã nói, ở đây có một loạt thỏa thuận đã bị vi phạm, như vậy có nghĩa là pháp luật quy định chưa thực sự chặt chẽ. Và như vậy Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Trung Quốc có thể ngồi lại với nhau để xem xét lại vấn đề này.
Nhóm nghị sỹ hữu nghị chúng tôi nói riêng và Duma quốc gia nói chung sẵn sàng đóng vai trò tư vấn cho các bên nếu được yêu cầu. Nga và Việt Nam có truyền thống hữu nghị lâu đời và gắn kết với nhau tương đối chặt chẽ, vì vậy chúng tôi hết sức lo ngại trước tình hình hiện nay. Tóm lại, theo tôi, chúng ta cần sử dụng tất cả các kênh có thể để tác động tích cực lên tình hình.
- Theo ông, Nga có vai trò như thế nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay?
Ông Levchenko A. G.: Chúng tôi hiểu giữa Nga và Việt Nam có quan hệ hữu nghị lâu đời và truyền thống tương thân tương ái. Song trong bối cảnh hiện nay Nga bị rơi vào tình thế khó khăn, bởi nếu Nga lên tiếng thiên về bất cứ bên nào thì cũng khiến bên kia không hài lòng và chỉ góp phần đẩy xung đột lên cao. Vì vậy, chúng tôi chưa nhìn thấy giải pháp ở đây mà cho rằng lối thoát nằm ở chỗ khác. Lối thoát là các bên ngồi vào bàn đàm phán và Nga tham gia với tư cách quan sát viên hoặc trung gian đối thoại. Tôi sẵn sàng thực hiện sứ mệnh này để giúp các bên tìm được tiếng nói chung.
- Như chúng ta đã biết, trong mỗi thời kỳ khó khăn của lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời và to lớn của nhân dân Nga, vậy truyền thống này có được tiếp tục?
Ông Levchenko A. G.: Tất nhiên Nga luôn có hình thức giúp đỡ Việt Nam. Sự giúp đỡ của chúng tôi không trực tiếp mà thể hiện ở nỗ lực ngăn chặn không để xảy ra xung đột quân sự. Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga mà tất cả các nước đều không thể khoanh tay đứng nhìn nếu lợi ích hợp pháp của một nước nào đó bị xâm phạm, nếu mạng sống người dân bị đe dọa.
Chúng tôi rất mừng vì trong những năm gần đây Nga bắt đầu tăng bán vũ khí cho Việt Nam. Các hình thức hợp tác giữa hai đất nước chúng ta cũng được liên tục tăng cường và mới đây đã được nâng lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Nếu nói về hợp tác kỹ thuật-quân sự thì hai chiếc tàu ngầm mới được chúng tôi bàn giao cho Việt Nam gần đây đã nói lên rằng Nga mong muốn giúp Việt Nam củng cố quốc phòng để chống lại các thách thức an ninh quốc gia.
Chúng tôi cũng tích cực hợp tác kinh tế-thương mại, năng lượng với Việt Nam và có nhiều hình thức tiếp xúc giữa hai cơ quan lập pháp, hành pháp… Như vậy có thể nói bằng hợp tác nhiều mặt, Nga đã gián tiếp giúp Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh ở khu vực.
- Theo ông, giả sử vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) thuộc khu vực mà Việt Nam và Liên bang Nga đang có hoạt động hợp tác khai thác thì phản ứng của Nga sẽ thế nào?
Ông Levchenko A. G.: Tôi cho rằng nhiệm vụ trước hết của chúng ta là không để xung đột tiếp tục leo thang. Chúng ta không thể thụ động ngồi nhìn Trung Quốc đưa hết giàn khoan này đến giàn khoan khác, tàu chiến này đến tàu chiến khác ra biển. Các anh với tư cách những người làm truyền thông cần lên tiếng dư luận mạnh mẽ để buộc những người cầm quyền phải ngồi vào bàn đàm phán. Còn chúng tôi là những nhà lập pháp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan nhằm đưa ra các quy định, chế tài chặt chẽ để không ai phải thắc mắc đây là lãnh thổ của quốc gia này hay quốc gia khác.
Tôi không nghĩ rằng tình hình sẽ phát triển theo hướng anh giả thiết và hy vọng các nhà lãnh đạo tất cả các nước liên quan sẽ ngồi lại với nhau và ký một văn bản nào đó có giá trị cao về pháp lý đối với vấn đề Biển Đông.
Xin cảm ơn ông!
Vietnam
Theo_VTC
Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam từ khi còn là vùng đất vô chủ
Trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông tại Bộ Ngoại giao chiều 23/5, một video clip được trình chiếu đã thể hiện đầy đủ, thuyết phục những căn cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Đoạn video clip dù chỉ kéo dài khoảng 3 phút nhưng đã ghi lại đầy đủ hình ảnh những văn kiện lịch sử thể hiện việc thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam như chỉ dụ, sắc phong, sắc chỉ và các tấu sớ hiện đang lưu giữ tại nhiều nơi trong cả nước là bằng chứng xác thực khẳng định Việt Nam làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa, khi đó còn là vùng đất vô chủ.
Nguồn tư liệu từ nước ngoài như An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd xuất bản năm 1838; hàng chục bản đồ của Công ty Đông ấn Hà Lan cũng thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ít nhất là từ thời kỳ phong kiến thế kỷ 17-18, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ Pháp cũng đã thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình khái quát, Việt Nam đã có lịch sử khai phá, hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17, có dân sinh sống ổn định, không bị tranh chấp bởi bất cứ quốc gia nào. Cựu Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Liễu cũng đã xác định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo sau đó, không vấp một sự phản đối nào của các nước.
Sau kháng chiến chống Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận việc đảm bảo thực thi chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo nào. Tại hội nghị Giơnevơ năm 1954, Trung Quốc đã biết về những thỏa thuận bàn giao quyền quản lý của người Pháp với chính quyền Việt Nam Cộng hòa này và đã chấp hành.
"Thực tế, việc dùng vũ lực của Trung Quốc để chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế. Vũ lực không làm phát sinh chủ quyền. Đây là nguyên tắc thể hiện trong Công ước Quốc tế về luật Biển năm 1982" - ông Lê Hải Binh nói.
P.Thảo
Theo Dantri
Xã hội dân sự, có gì mà ngại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 là một diễn đàn về kinh tế, nơi tập hợp các chuyên gia chủ yếu trong lãnh vực kinh tế để thảo luận chuyện kinh tế. Thế nhưng điều đọng lại với tôi là người theo dõi sự kiện này lại là phát biểu của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển về... xã hội...