Nghị sĩ trẻ IPU-132 bàn cách bảo vệ giới trẻ trong thời đại công nghệ
Tại phiên thảo luận sáng ngày 29/3 trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới ( IPU-32), các nghị sĩ trẻ đã đề xuất giải pháp để bảo vệ giới trẻ khỏi tác động mặt trái trong thời đại bùng nổ công nghệ, trong đó có đề xuất thiết thực như lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng.
Trong khuôn khổ IPU-132, Diễn đàn Nghị sĩ Trẻ đã được tổ chức sáng ngày 29/3 với chủ đề “Sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới” và “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nghị sĩ trẻ sáng 29/3 (Ảnh website IPU-132)
Về vấn đề chiến tranh mạng, các đại biểu cho rằng, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về chiến tranh mạng, nên điều đầu tiên là phải nhanh chóng đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đồng thời làm rõ nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn từ hai loại hình tội phạm này cũng như về tầm quan trọng của việc ngăn chặn chiến tranh mạng, tội phạm mạng.
Theo các nghị sĩ trẻ, sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, chiến tranh mạng và tội phạm mạng đã tác động đến mọi chính phủ, tổ chức và người dân, đặc biệt giới trẻ là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất vì họ “nhạy cảm” với những đổi mới về công nghệ, nhưng chưa có đủ năng lực để nhận thức đúng về những tác động mặt trái của các vấn đề mạng. Vì vậy, giới trẻ chưa thể tự bảo vệ mình trước các loại hình tội phạm mạng, chiến tranh mạng ngày càng diễn ra tinh vi, thường xuyên hơn.
Để bảo vệ giới trẻ khỏi tác động không mong muốn trong kỷ nguyên công nghệ số, các nghị sĩ trẻ đã đề xuất một số giải pháp thiết thực như lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng, ban hành luật về tội phạm mạng, tăng cường tập huấn phòng ngự an ninh mạng, tăng cường năng lực kiểm soát cho các phụ huynh, nâng cao giáo dục trách nhiệm cho giới trẻ và quan tâm, chăm sóc họ nhiều hơn…
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho rằng những hậu quả từ mặt trái của vấn đề an ninh mạng được dự báo sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh thông thường, do không gian mạng không có giới hạn, các cuộc tấn công khó được nhận biết và có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào từ bất kỳ đâu trên thế giới. Trong những năm gần đây, nhiều trang mạng và cổng điện tử đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc.
Để đối phó hiệu quả với các cuộc chiến tranh mạng, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên hợp quốc nhanh chóng xây dựng Hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin.
Liên quan đến chủ đề, “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước”, Việt Nam kiến nghị các nghị viện thành viên IPU hoàn thiện luật pháp, phân bổ ngân sách thỏa đáng, có các chính sách khuyến khích quản lý và sử dụng nguồn nước theo hướng bền vững.
Video đang HOT
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng để xây dựng khung thể chế và chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực cho công tác quản trị nguồn nước và nâng cao nhận thức cộng đồng trong vấn đề này.
Theo các nghị sĩ, các nghị viện cũng cần thúc đẩy đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương giữa các nước có chung nguồn nước để cùng sử dụng và giải quyết các bất đồng phát sinh; phê chuẩn và giám sát thực hiện các công ước, điều ước quốc tế liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; đồng thời chú trọng về nước trong hoạt động ngoại giao nghị viện thông qua các cơ chế đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin…
Các đề xuất của đại biểu tại diễn đàn sẽ được xuất trình lên các phiên họp của hai ủy ban chủ trì là Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế và Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại cũng như phiên họp của Đại hội đồng IPU-132.
PV
Theo Dantri
Đối phó chiến tranh mạng Một trong những vấn đề ưu tiên tại IPU-132
Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 dự kiến sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28-3 đến ngày 1-4. Một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình IPU 132 là Đại hội đồng sẽ thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết về Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Một trong các lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao đang thực hiện giám sát an ninh mạng.
Đây là vấn đề đang được nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế bởi nó liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển.
Tại hội thảo "Nghị viện các quốc gia trong việc phòng, chống mối đe dọa của chiến tranh mạng đối với hòa bình, an ninh thế giới" tại Hà Nội mới đây, do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội Việt Nam tổ chức, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi, đóng góp tích cực, hiện nay thế giới đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân, nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh thế giới từ mạng internet.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: "Trong thời gian qua, trên phạm vi quốc tế, đã có không ít cuộc xâm nhập, tấn công trái phép được cho là có tổ chức vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia, tổ chức trên môi trường mạng. Xu thế này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam, vài năm gần đây đã có hàng nghìn trang điện tử bị tấn công có chủ đích, trong đó bao gồm cả các trang thông tin của cơ quan nhà nước, website lớn, báo điện tử... gây thiệt hại nhiều tỷ đồng".
Ý thức chủ quan của người sử dụng máy tính, vấn đề bảo mật hệ thống mạng lỏng lẻo khiến cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại Việt Nam tồn tại nhiều bất cập. Thực tế này trở nên đáng lo ngại hơn khi tội phạm mạng ngày càng gia tăng, thậm chí bùng nổ nguy cơ chiến tranh mạng.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch An ninh mạng, Bkav đánh giá, tấn công mạng sử dụng mã độc không chỉ xảy ra tại các nước phát triển như: Mỹ, Pháp, Đức... mà còn gia tăng ngay tại Việt Nam. Mã độc được ghi nhận trong những cuộc tấn công có chủ đích tại các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các viện nghiên cứu, trường đại học... Trong đó, các loại mã độc này khai thác lỗ hổng trong phần mềm soạn thảo văn bản, phát tán qua phần mềm crack...
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Sự ra đời, phổ cập và phát triển của mạng internet từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay đã đẩy tiến trình thông tin hóa của xã hội loài người diễn ra với một tốc độ chưa từng có, tạo thành cuộc cách mạng thông tin và vẫn còn đang tiếp diễn. Trong khoảng 15 năm đầu tiên của thế kỷ 21, số lượng người sử dụng internet trên khắp thế giới đã gia tăng từ 350 triệu lên đến gần 3 tỷ. Từ đó đã hình thành một môi trường mới làm thay đổi cuộc sống của con người, đó là không gian mạng.
Không gian mạng đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội, cuộc sống của con người. Tuy nhiên, điều này cũng làm lên sự phụ thuộc ngày càng lớn của con người vào không gian mạng. Không gian mạng đã trở thành môi trường vừa đem lại nhiều lợi ích to lớn vừa là nơi cạnh tranh, đấu tranh thậm chí cả chiến tranh nhằm đạt được lợi ích kinh tế, chính trị.
Ông Nguyễn Thanh Hải phân tích, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, cá nhân đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới từ không gian mạng. Việc hạn chế ảnh hưởng từ những mối đe dọa này đang là một thách thức to lớn với bất kỳ quốc gia nào. Lý do của thách thức to lớn này là do bản chất của không gian mạng là không có biên giới và họ không biết được kẻ thù mình đang phải đối mặt là ai.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, việc tổ chức xây dựng và thực thi một chiến lược quốc gia về bảo đảm an toàn thông tin nhằm phòng thủ, chống lại các nguy cơ mất an toàn thông tin một cách chủ động. Việc này được hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, mỗi nước khác nhau lại cần có một chiến lược an toàn thông tin phù hợp với thực tế và đặc thù của nước mình.
"Song song với việc phòng thủ, chống lại các nguy cơ mất an toàn thông tin một cách chủ động, hầu hết các nước trên thế giới đều thông qua đó để hướng tới một mục đích xa hơn: Đó là bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong xã hội thông tin nói riêng". Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Ông Lê Xuân Minh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đánh giá: Năm 2014, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến rất phức tạp, mạng internet được sử dụng như một vũ khí lợi hại trong các cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2014 có đến 7.300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử tại Việt Nam bị tấn công. Điển hình nhất là đợt tấn công vào hệ thống của VCCorp hồi tháng 10-2014 với hơn 800 máy chủ, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng đó, báo cáo của Kaspersky Lab đưa ra gần đây cho thấy, Việt Nam đứng đầu top 10 quốc gia có khả năng nhiễm độc trên thế giới, xếp thứ 6 trong top 20 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, đứng thứ 4/20 nước có nguy cơ bị lây nhiễm online cao nhất thế giới...
Ông cho biết, tại Việt Nam, trong năm qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn ra phức tạp với quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, nổi lên là tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để tấn công hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.
Đặc biệt, ông Lê Xuân Minh cho biết, hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện một số loại virut siêu đa hình, khi lây nhiễm, tự động biến đổi, tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virus. Qua công tác nắm tình hình an ninh, an toàn mạng internet, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã phát hiện một số phần mềm gián điệp quét, tìm và khai thác các lỗ hổng bảo mật.
"Các phần mềm này đều được điều khiển từ xa, có chức năng lấy mọi thông tin lưu trong máy tính, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân, chụp ảnh màn hình, tự động bật webcam... và gửi tất cả dữ liệu thu được cho đối tượng qua thư điện tử. Các phần mềm này đều hoạt động ngầm trên máy tính, rất khó để có thể phát hiện, kiểm soát cũng như xử lý, khắc phục hậu quả".
Tại hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành chức năng, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự cần thiết và cấp bách các tổ chức, cơ quan trong nước cần đề cao ý thức về an ninh mạng.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa các quốc gia với nhau là xu thế bắt buộc do mức ảnh hưởng của tội phạm mạng luôn mang tính ảnh hưởng toàn cầu, không riêng từng quốc gia.
Trước nguy cơ chiến trang mạng, với vị trí, vai trò là tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu, Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 130 và 131 đã quyết định Đại hội đồng IPU lần thứ 132 được tổ chức tại Việt Nam sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về chủ đề "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới". Đây là lần đầu tiên vấn đề chiến tranh mạng được đưa ra xem xét, thảo luận ở một tổ chức toàn cầu.
* Tại Hoa Kỳ, an toàn trong không gian mạng được coi là một trong những yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường sức mạnh bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được các mối đe dọa từ không gian mạng là những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia và phát triển kinh tế của đất nước. Hoa Kỳ đã xây dựng "Chiến lược quốc tế không gian mạng", trong đó trình bày về một tầm nhìn tương lai và sự phát triển của không gian mạng. Bên cạnh đó Mỹ cũng đã xây dựng chiến lược cho một số lĩnh vực cụ thể như: "Chiến lược quốc phòng cho hoạt động trong không gian mạng" và "Chiến lược an toàn mạng cho các Doanh nghiệp nội địa", nhằm tạo ra một không gian mạng mang lại đổi mới và bảo vệ các quyền tự do của công dân.
* Tại Hàn Quốc, "Quy hoạch tổng thể an toàn mạng quốc gia" được xây dựng vào tháng 8-2011. Quy hoạch này chỉ rõ vai trò các cơ quan chính phủ có liên quan trong việc xây dựng một hệ thống để xử lý các mối đe dọa từ không gian mạng ở cấp độ quốc gia. Quy hoạch này được xây dựng dựa trên cơ sở nhận thức được các cuộc tấn công từ không gian mạng đã trở thành một mối đe dọa cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân và an ninh quốc gia.
Theo Nhân Dân
IPU-132 bàn về chiến tranh mạng đe dọa hòa bình thế giới Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132, sáng 29/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Uỷ ban thường trực về hoà bình...