Nghị lực phi thường của nữ sinh khiếm thị Hà thành
Vượt qua số phận không may mắn, Mỹ Linh ngày càng khẳng định bản thân trong học tập và các lĩnh vực thể thao, công nghệ thông tin.
Liên tục đạt học sinh giỏi, sở hữu nhiều bằng khen… là những điểm nổi bật khi nhắc về Nguyễn Thị Mỹ Linh, cô học sinh khiếm thị ở trường THPT Thăng Long, Hà Nội.
Với nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, 9X vừa qua trở thành một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2015.
Nguyễn Thị Mỹ Linh trong đêm nhận giải thưởng gương mặt thủ đô tiêu biểu năm 2015.
Từng thất vọng về số phận
Từ khi sinh ra, Mỹ Linh đã không phải đứa trẻ bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Năm 5 tuổi, cô trải qua ca phẫu thuật lấy khối u não. Ca mổ ấy để lại cho Linh di chứng teo gai thị. Đôi mắt cô từ đó chỉ có thể nhìn mờ trong khoảng cách 0,5 m.
Thời gian đầu, 9X từng thất vọng, chán nản vì bản thân không thể nô đùa, đến trường giống các bạn. Song với sự quan tâm, động viên của gia đình, Linh dần trải qua sự cô đơn và tìm lại niềm tin trong cuộc sống.
Video đang HOT
Nhớ lại quãng thời gian này, 9X cho biết, cô luôn thấm thía lời dặn dò, cùng tình yêu thương từ cha mẹ.
“Đến bây giờ, mình vẫn không quên lời nói của mọi người suốt thời gian ấy – Mỗi người có một số phận, không ai mất đi tất cả. Ngoài kia còn nhiều người bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn phấn đấu vươn lên, vậy nên hãy cố gắng!” – Linh chia sẻ.
Nỗ lực không ngừng dù sống xa cha mẹ
Mất đi đôi mắt, mọi thứ trở nên khó khăn với cô gái nhỏ khi ấy. Linh từng không thể đến lớp cùng bạn bè đồng trang lứa.
Sau thời gian tìm hiểu, gia đình quyết định gửi cô tới trường dành cho người khiếm thị – Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là thời gian cô gái sinh năm 1995 bắt đầu rời xa gia đình, theo đuổi giấc mơ học tập.
Mỹ Linh buồn bã, tuyệt vọng vì số phận.
Tại trường, Linh có cơ hội trau dồi kỹ năng tự phục vụ bản thân và hòa nhập với những học sinh mắt sáng cũng như bạn bè cùng cảnh ngộ. Điều này giúp cô gái khiếm thị có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Năm lên cấp 3, 9X theo học trường THPT Thăng Long, Hà Nội. Việc đến lớp trở nên khó khăn hơn khi cô không có đủ sách vở, tài liệu. Song bên cạnh đó, nữ sinh luôn nhận được sự trợ giúp từ bạn bè, khi lắng nghe những gì bạn giảng giải bằng lời nói.
Hơn 10 năm xa nhà, không ít lần, cô gái quê Đan Phượng (Hà Nội) cảm thấy buồn tủi. Nhưng nhờ sự quan tâm thường xuyên từ những cuộc trò chuyện qua điện thoại với cha mẹ, Linh dần có thêm niềm tin để cố gắng.
Theo cô giáo Nguyễn Khánh Huyền – giáo viên trường THPT Thăng Long, cô gái sinh năm 1995 là học trò chịu khó đọc, chịu khó tìm tòi.
“Mỗi bài văn Linh viết không chỉ đơn thuần kiến thức trong sách vở, mà còn bao hàm những cảm nhận sâu sắc của em đối với cuộc sống” – cô Huyền chia sẻ.
Chiến thắng liên tiếp trên “đấu trường” cờ vua, CNTT
Không chỉ giữ vững kết quả học tập tốt suốt 10 năm liền, Linh còn là tấm gương sáng khi giành nhiều thành tích cao trong các lĩnh vực xã hội, thể thao như giải nhì cuộc thi viết Kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nhật 2012,huy chương bạc, huy chương đồng Cờ vua khuyết tật toàn quốc 2015 do Hiệp hội Paralympic Việt Nam trao tặng, huy chương vàng Thách thức CNTT dành cho Thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu 2015…
Về cơ duyên đến với những bộ môn này, Mỹ Linh cho biết, cô học chơi cờ vua từ khi 5 tuổi. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở sở thích.
Cách đây 3 năm, 9X bắt đầu tham gia vào đội tuyển cờ vua khuyết tật Hà Nội và may mắn được cử đi tham gia các giải thưởng quốc gia. Hạn chế tầm nhìn nhưng Linh không gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp xúc bộ môn này.
Mỹ Linh và tấm huy chương vàng trong cuộc thi Thách thức CNTT dành cho Thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu 2015.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc công nghệ thông tin với hệ thống máy tính đặc thù dành cho người khiếm thị từ năm lớp 4 cũng là cơ hội giúp nữ sinh phát triển kỹ năng của bản thân.
Linh kể, không ít lần, cô gặp phải thất bại. Theo 9X, đây là điều không thể tránh khỏi với mỗi người trên chặng đường bước tới đỉnh vinh quang.
“Mỗi lần không đạt được mục tiêu đề ra, mình thường tự trách bản thân vì đã không làm tốt. Nhưng qua đó, mình cũng nhận ra những thiếu sót và biến điều đó thành động lực để cố gắng hơn nữa” – Linh nói.
Trở thành gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ thủ đô, đối với Mỹ Linh, đó là niềm vui, tự hào lớn dành cho cô và gia đình. Không tự đắc với kết quả nhận được, 9X cho rằng, cô vẫn cần cố gắng, phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với thành tích này.
Thời gian tới, ngoài cố gắng hoàn thành tốt việc học tập của mình, cô gái 21 tuổi cũng tự nhủ sẽ phát huy bản thân trong môn Tiếng Anh.
Rèn luyện cờ vua và chinh phục những đỉnh cao tiếp theo cũng là mục tiêu trọng điểm của Mỹ Linh trong những năm tới. 9X cho biết, ước mơ lớn nhất của cô hiện tại là trở thành một trong những vận động viên thi đấu nội dung cờ vua tại Paragame 2017 tới.
Theo Zing